Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Bài học về lòng nhân ái

Bài học về lòng nhân ái

138
0

Từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cho mình bài học về lòng nhân ái. Còn nhớ hồi đó ở cái xã nghèo quê tôi, người ăn xin rất nhiều. Họ không những ngồi ở đầu đường, góc chợ mà còn đến gõ cửa từng nhà một để ăn xin.

Trong khi những người hàng xóm khác đóng cửa không cho vào hoặc mỗi khi nhìn thấy ngoài ngõ, họ đã xua tay: “Ông/ bà đi đi, tôi không có gì cho đâu”, thì mẹ tôi vẫn mở cửa cho họ vào, ngồi nói chuyện với họ dăm vài ba câu rồi cho họ bo gạo, cái bánh hay bất kì cái gì đó mà người ăn xin có thể dùng được. Ngày đó tôi thường có thói quen “sơ” những người đi ăn xin nên thường hay nấp trong nhà và theo dõi, cho đến khi nào họ đi rồi tôi mới ló mặt ra và hỏi mẹ tại sao lại cho người ta trong khi nhà mình cũng không có nhiều. Những lúc như vậy mẹ thường gọi hai chị em lại ngồi cạnh và giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao mẹ lại làm như thế.
 
Sau này khi chúng tôi bước vào cấp 2, mỗi năm nhà trường hay có chiến dịch ủng hộ đồng bào miền trung lũ lụt, tôi về kể với mẹ và rồi sau đấy tôi thấy mẹ mua hàng chục cuốn vở và bao nhiêu là đồ dùng học tập gửi tới ban giám hiệu nhà trường. Tôi thấy kì cục và khó hiểu, cứ mỗi lần sau cái phong trào đó, thể nào tôi và em trai tôi cũng được tuyên dương trước cả trường trong giờ chào cờ vì “tấm lòng nhân ái” . Những lúc như vậy mọi con mắt đổ dồn về phía hai chị em tôi. Tôi không biết em trai tôi nghĩ gì lúc đó, còn tôi thì xấu hổ vô cùng. Những lời đàm tiếu bắt đầu vang lên, nào là bố mẹ nó thừa tiền có khác hay con nhà giàu, mặc dù hồi đó nhà tôi không giàu chút nào, cuộc sống gia đình có khá hơn một chút, nhưng cũng là công sức bỏ ra từ hai bàn tay trắng của bố mẹ mà đi lên. Tôi thấy bực mình với những lời đàm điếu nên về nói với mẹ: Lần sau mẹ đừng có làm như thế nữa nhé“, nhưng mẹ dường như chẳng để ý đến cái lời nói vô tri vô giác ấy của tôi nên mẹ vẫn cứ tiếp tục làm. Không những thế, mẹ còn nhận nuôi thêm cả T – cậu bạn học cùng lớp có hoàn cảnh đặc biệt nhưng học rất giỏi. Mẹ đóng học phí cho T, mua sách vở , quần áo cho T làm tôi nhiều lúc đến…ghen tị. Nhưng rồi dần dần, tôi thấy quen với điều đó, vì T đã trở thành một người bạn thân cua hai chị em tôi tự lúc nào. Chúng tôi cùng học chung, cùng ăn chung và thậm chí cả ba đứa còn ngủ chung trên một chiếc giường. Tự khi nào T đã trở thành một thành viên trong gia đình bé nhỏ của tôi.
 
Có lẽ những bài học nhân ái giản dị của mẹ đã chạm được đến ngõ ngách xâu xa trong trái tim thơ bé của tôi, nên sau này khi lớn hơn một chút, tôi cũng bắt đầu giống như mẹ. Tất nhiên tôi không thể giúp họ bằng vật chất được, nhưng trái tim tôi đã bắt đầu nhón lên ngọn lửa yêu thương. Tôi giữ nó cho riêng mình mà không ai hay, kể cả mẹ. Tôi thấy mình sẽ thật xấu hổ nếu như để cho ai đó biết được cái bí mật đó của mình. Hồi đó tôi cũng rất hay chăm đọc báo Thiếu Niên Tiền Phong và hay để ý tới những tấm gương nghèo vượt khó, rồi nhịn ăn sáng một vài hôm, để dành số tiền đó gửi cho họ, chỉ vài nghìn ít ỏi thôi nhưng đối với tôi, việc làm đó rất có ý nghĩa. Tôi không bao giờ để lại địa chỉ của mình để mong nhận lại một lời cảm ơn, vì tất cả những điều đó xuất phát hoàn toàn từ tấm lòng của tôi. Rồi sau này, tôi cũng không còn thấy “sợ” những người đi ăn xin nữa, bởi tôi biết họ cũng chỉ là con người, có điều không may mắn được như tôi.
 
Sau này  khi bước ra đời và xa vòng tay cha mẹ, tôi vẫn giữ cho mình tình nhiệt huyết yêu thương và lòng người nhân ái. Tôi vẫn giúp đỡ mọi người bằng tất cả những gì tôi có thể của mình với không một toan tính thiệt hơn. Sự giúp đỡ đó không dừng lại ở việc cho người ăn xin một cái gì đó như ngày xưa nữa mà nó mang một ý nghĩa khác xâu xa hơn về mặt tình cảm. Lòng nhân ái đôi khi không chỉ là cho đi từ vật chất mà đôi khi cũng cần lắm một sự giúp đỡ tinh thần. Giá trị của tình người thường thể hiện qua cái cách mà người ta đối xử với nhau, dù là tình yêu, tình bạn hay bất kì một tình cảm nào.
 
Tôi là một người may mắn, may mắn hơn rất nhiều người vì tôi không quá giàu mà cũng không quá nghèo. Tôi được đi nhiều, được tiếp cận với thế giới với rất nhiều mặt trái, cái mà người ta ít khi tưởng tượng. Bạn tôi nói với tôi rằng bạn luôn mơ ước một ngày được đặt chân tới Paris tráng lệ, tôi khẽ mỉm cười và nhớ lại rằng trước đây khi chưa tới Paris, tôi cũng đã từng nghĩ về Paris như thế, nhưng khi tới Paris rồi, kí ức đọng lại trong tôi không chỉ là một kinh thành ánh sáng nữa, thay vào đó là những ngõ ngách nghèo nàn với hàng trăm, hàng vạn người ăn xin. Bất cứ nơi nào ở Paris bạn cũng có thể gặp người ăn xin, để rồi bàng hoàng khi những người bạn châu âu của tôi nói rằng: “Ở châu âu, ăn xin cũng là một cái nghề kiếm được khối tiền đấy!”. Tôi chợt nhớ tới những người ăn xin áo rách quê mình, họ nghèo, nghèo thật nên mới phải đi ăn xin như thế. Họ cầu mong sự thương hại ( hay tấm lòng nhân ái) từ người khác, sống mũi tôi không lúc nào là không cay khi nhìn thấy những mảnh đời như thế. Có lẽ ở Việt Nam, mọi người sẽ nói “nhìn dần thành quen”, nhưng tôi không biết đã có ai một lần dừng lại và cho họ vài đồng bạc lẻ ? Những đồng bạc lẻ đó sẽ không làm cho những người ăn xin đó giàu hơn đâu, nhưng nó sẽ mang một ý nghĩa khác nếu tất cả cùng làm.
 
Tôi nhớ có một lần đi chơi cùng người bạn trai cũ, khi nhìn thấy một người đàn ông ngoài 60 ngồi trên bậc thang giữa một đêm mùa đông đầy gió và ngửa tay xin tiền, tôi và anh lẳng lặng đi qua. Khi đã đi được một đoạn, tôi chợt dừng lại và bảo anh: “Anh đợi em một chút nhé” rồi đi ngược trở lại tới chỗ người đàn ông đang ngồi đó, đưa cho ông vài đồng xu và mỉm cười. Ông nhìn tôi với đôi mắt đầy biết ơn, còn anh lặng lẽ siết chặt bàn tay tôi. Ba ngày sau chúng tôi chia tay nhau ở sân ga, anh đưa cho tôi chiếc túi nhỏ đựng những đồng tiền xu còn thừa của hai đứa trong chuyến đi và bảo mình: “Ngốc cất vào túi đi, bao giờ gặp những người ăn xin khác thì đưa cho họ”.  Tự nhiên nước mắt tôi chảy dài.
 
Những năm tháng sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn nói với bạn bè của tôi rằng nếu muốn tìm ý nghĩa của cuộc sống, hãy bước ra ngoài và dành cho người ăn xin một vài đồng bạc lẻ, nhìn họ thật lâu rồi hãy nhìn lại chính mình, khi đó bạn sẽ tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống. Cho người khác niềm vui, niềm hy vọng, tức là bạn cũng đang tự cho chính mình điều đó. Lòng nhân ái chưa bao giờ là thừa giữa cuộc đời này cả. Bạn tôi nói với tôi rằng có thể sau này tôi sẽ không phải là người giàu về vật chất, nhưng sẽ là người giàu về tình cảm bởi những gì tôi đã nhận được và cho đi.
 
Trên bước đường tôi đi, tôi cũng đã gặp được rất nhiều những tấm lòng từ người khác, có cả những người tôi chưa gặp một lần trong đời mà chỉ tiếp xúc qua các phương tiện truyền thông hay khi họ đọc những bài viết của tôi, họ đã dành cho tôi rất nhiều điều quí báu. Tôi từng ngơ ngác hỏi : ”Sao cô chú lại tốt với cháu đến như vậy trong khi cô chú không hề biết cháu là người như thế nào?” và họ đã nói với tôi rằng: “Cô gái nhân ái ạ, cháu là một người tốt với một tâm hồn đẹp. Tôi tin vào linh cảm của mình. Tôi giúp cháu vì tôi biết cháu đã giúp nhiều người khác, tôi giúp cháu vì tôi hy vọng rằng sau này khi các con tôi bước vào đời, nếu tôi không thể giúp được chúng thì sẽ có những bàn tay khác nâng đỡ chúng”. Và tôi đã bật khóc.
 
Tôi chưa phải là một người giàu có để có thể “nhân ái” với mọi người bằng vật chất cao lớn, tất cả những gì tôi có thể làm được lúc này là cho đi những điều tôi nhận được dù là nhỏ nhoi. Tôi đang nỗ lực điều đó bằng những giá trị tinh thần, là những sẻ chia thiết thực dành cho các bạn trẻ. Tôi không mong họ trả ơn tôi bằng một điều gì đó, mà chỉ mong rằng họ sẽ tiếp tục cùng tôi tiếp nối chặng yêu thương, chặng của những bài học nhân ái từ những điều nhỏ nhoi vụn nhặt nhất giữa đời thường như là ngày xưa mẹ đã từng dạy nó cho tôi.
 
Viết đến đây tôi bỗng chợt nhớ đến 2 câu thơ đã đọc được ở đâu đó và tôi cũng xin mượn hai câu thơ này để kết thúc cho bài viết này của mình:
 
“Cảm ơn đời đã cho tôi thấu hiểu
Hạnh phúc nhận về là khi biết cho đi„

H.Y.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here