Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Luật nhân quả

Luật nhân quả

227
0

Hầu như ai ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến hai từ “Nhân” và “Quả”. Nếu làm lành thì sau này sẽ hưởng một quả báo lành, an vui và hạnh phúc. Ngược lại, nếu làm việc ác thì quả báo đau khổ, trầm luân sẽ không thể nào tránh khỏi.

Nhân Quả là quy luật vận hành tự nhiên của vạn vật và vũ trụ. Không phải do Trời, Phật hay một đấng tối cao nào tạo lập và cũng không một ai có thể can thiệp được. Xưa nay vốn dĩ như vậy, rất bình đẳng. Một người gây tội ác có thể lọt lưới pháp luật thế gian nhưng không thể nào thoát được nhân quả và báo ứng. Nhân gian thường nói:“Ở hiền thì gặp lành và gieo gió ắt sẽ gặt bão” hay “Nếu muốn biết quá khứ hãy nhìn hiện tại. Nếu muốn biết tương lai ra sao thì hiện tại sẽ trả lời” cũng là đạo lý về Nhân Quả vậy!

Thật ra nhân quả rất sâu xa, không dễ gì hàng phàm phu chúng ta có thể hiểu hết được mà ngay đến cảnh giới của Bồ-tát vẫn chưa thể thấu suốt. Kinh dạy: “Bồ- tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ-tát làm việc gì cũng sợ lỗi lầm, làm việc gì cũng cân nhắc trước sau rồi mới làm để tránh đi những quả báo đau khổ về sau. Chúng sanh phàm phu thì ngược lại. Đôi khi biết việc là sai mà vẫn cứ làm nên đã gây ra bao ác nghiệp phải đoạ lạc trầm luân trong khắp nẻo khổ đau của luân hồi.

Trong nhà Phật cũng thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Thăng lên hay đoạ lạc, phàm phu hay thành Phật cũng không ngoài Nhân Quả.

Thời còn tại thế, Đức Phật cũng đã từng có lần cảnh báo cho những người không tin Nhân Quả báo ứng mà kể ra một câu chuyện cho thấy dù đã thành Phật mà vẫn còn bị nhân quả chi phối. Kinh dạy rằng, thuở nọ ở Ấn Độ, trong thành Ca-tỳ-la-vệ có một ao nước, bao nhiêu tôm cá đều bị người dân bắt làm thịt ăn hết. Trong ao ấy có một con cá lớn cũng bị bắt. Có một chú bé, tuy không ăn cá nhưng lại đùa nghịch dùng cây gõ lên đầu cá ba cái. Trong thời Phật Thích Ca tại thế, vua Ba-Tư-Nặc rất mến mộ Đạo Phật, cưới một cô con gái dòng họ Thích Ca sinh ra một Thái tử tên là Lưu Ly. Thuở nhỏ, Thái tử Lưu Ly thường qua quê ngoại bên thành Ca-tỳ-la-vệ chơi. Một hôm, do đùa nghịch nơi toà thuyết pháp của Phật và bị người gác đuổi ra nên sinh tâm sân hận. Thái tử Lưu Ly nuôi lòng hận thù ấy cho đến khi lớn lên và làm vua liền cho quân sang đánh thành Ca-tỳ-la-vệ, giết sạch cư dân trong thành. Đức Phật biết nhưng cũng khuyên ngăn không được. Đồng thời, trong thời gian này, Đức Phật cũng bị đau đầu ba ngày. Lúc ấy, ngài Mục Kiền Liên được xem là vị có thần thông bậc nhất trong số mười đệ tử lớn của Phật đã phát lòng từ bi dùng thần thông đưa mấy trăm người dòng họ Thích Ca cho vào bát và tạm đưa lên cõi Trời lánh nạn. Song cuối cùng cũng không thể cứu được mà khi đưa về thì trong bát chỉ còn toàn là máu. Các đại đệ tử cầu Đức Phật dạy rõ nguyên nhân. Nhân đây, Phật đã phương tiện kể lại câu chuyện tiền kiếp dân làng giết cá khi xưa. Con cá lớn trong hồ xưa kia nay đã đầu thai lại chính là vua Lưu Ly. Những con tôm cá trong hồ bị giết hại nay chính là đại quân binh theo vua đánh thành Ca-tỳ-la-vệ. Dân trong thành và những người nhà dòng họ Thích Ca bị giết chết chính là những người đã bắt cá tôm giết ăn thuở nọ. Chú bé tuy không ăn cá nhưng lại đùa nghịch   và lấy cây gõ vào đầu cá ba cái nay chính là Đức Phật Thích Ca bây giờ, nên cũng đã bị đau đầu ba ngày…

Những câu chuyện thế này, ngày nay do đã quá xa với thời Đức Phật còn tại thế nên người đời rất khó tin. Nhưng người đời cho dù có tin hay không tin thì sự thật muôn đời vẫn là sự thật. Kinh dạy: “Như Lai nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời chẳng khác”.  Đâu phải nói không tin là không có? Nếu không tin, sẽ không có thì chúng ta cũng sẽ không tin cho khoẻ? Tất cả chúng ta dù muốn hay không muốn, cũng đang chịu sự chi phối rất rõ ràng của Nhân Quả.

Gần đây, cũng có người do vì chưa hiểu sâu về nhân quả nên tuy lúc đầu cũng đi chùa, làm thiện nhưng khi gặp chuyện bất trắc, nghịch cảnh đến trong cuộc sống thì liền sanh tâm than Trời trách Phật không linh nên không tiếp tục đến chùa hay làm thiện nữa thì quả thật rất đáng tiếc! Bất trắc hôm nay đến là nó phải đến, kể cả chúng ta có làm thiện hay không làm, cúng chùa hay không cúng chùa, nhưng do vì kiếp trước đã làm quá nhiều việc ác nên kiếp này phải trả, còn những việc làm thiện lành hôm nay thì kiếp sau hay cuối đời này mình mới được hưởng, vì nhân quả là thông cả ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai. Nên có Hiện Báo (Thấy ngay trong kiếp này), Sanh Báo (Kiếp sau mới thấy) và Hậu Báo (Những kiếp lâu xa về sau khi hội đủ duyên mới thấy).

Hơn nữa, phải xem lại trước đây chúng ta đã làm ác, ăn ở thất đức thế nào? Và nay mình đã làm thiện được bao nhiêu? Chứ vay mười, mới trả có ba mà đòi xoá hết nợ xem sao cho hợp phải không các bạn? Nói làm thiện để trả lại chỉ là cách nói an ủi mà thôi, chứ làm thiện thì có thiện báo, ác sẽ có ác báo vốn không thay nhau được. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu giữa Nhân và Quả còn có Duyên. Nếu trước đây do vô minh đã trót lỡ tạo nghiệp ác. Nay biết lỗi, sám hối và hứa sẽ không còn tái phạm, và từ đây sẽ không ngừng tu thiện để cắt các duyên xấu thì quả xấu chưa trổ. Và phát tâm tinh tấn tu hành giải thoát sinh tử để thành Thánh nhân, Bồ-tát, Phật với đầy đủ trí tuệ và năng lực để sau này phát đại thệ nguyện phân thân tái sinh về khắp nơi trong các cõi mà đền ơn và cứu độ chúng sinh thì mới thật rốt ráo và viên mãn.

Các bạn ạ! Kiếp này, nếu ai may mắn, giàu sang hơn người cũng là do ở kiếp trước đã từng cúng dường, bố thí… Nếu bây giờ mà không lo tạo phước, tu hành thì kiếp sau phải đói khổ, bất hạnh. Hiểu được đạo lý Nhân Quả, chúng ta sẽ sống rất tự tại và an lạc ngay trong cuộc sống hôm nay vì chúng ta sẽ không lầm nhân quả và biết chấp nhận tất cả những gì không may đến với mình. Từ đó mà sám hối và vươn lên nỗ lực tu hành, tích cực làm nhiều việc thiện lành hơn nữa thì tương lai chắc chắn sẽ rất tốt đẹp. Hoà thượng Tịnh Không cũng đã từng nói: “Lỗi không phải do người khác, lỗi là ở chính mình”. Các bạn hãy tự suy ngẫm lời dạy này nói đến nhân quả ba đời quả thật là vô cùng bổ ích mỗi khi tiếp người, đối vật và gặp trắc trở trong cuộc sống.

Q.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here