Trong tâm lý nhiều người dân, đi lễ chùa mà không có tiền lẻ là chưa thành tâm. Thế nên, đã từng có ngôi chùa tại Hà Nội thu về… 6 tỷ đồng tiền lẻ sau dịp Tết, rồi Lễ hội chùa Hương “ngốn” 1.200 bao tiền lẻ…
Từ thực tế trên cùng với chủ trương không in tiền mệnh giá nhỏ theo thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ mong muốn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tuyên truyền để người dân tham gia hoạt động tín ngưỡng một cách lành mạnh, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích văn hóa.
Tưởng gặt quả hóa ra gieo nghiệp
Sở dĩ nói như vậy vì theo phân tích của Thượng tọa Thích Thanh Vân – Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, trụ trì tổ đình Đống Cao, trong mắt người tu hành, hành động từ đồng tiền chẵn đổi lấy tiền lẻ, rồi rải từ chánh điện, các ban thờ nhà chùa đến các hang động, khe suối… không hề đẹp, nếu không muốn nói là thiếu sự tôn kính, trang nghiêm, không đúng với đạo lý nhà Phật. Đi đến chùa để thấm nhuần giáo lý nhà Phật mà lại cố tình làm ngược lại thì đến chùa làm gì?.
Cùng quan điểm, Thượng tọa Thích Thanh Nhã – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Trấn Quốc cũng cho rằng việc đi lễ rồi dâng tiền để cầu xin các vị thần linh ban cho tiền tài là hoàn toàn mê tín và không đúng. Vì đến với Đạo Phật là để học phương pháp sống an lành, hạnh phúc cho mình, học cách tự mình giảm bớt tham, sân, si để tự giảm bớt khổ.
Không phải đến bây giờ khi có sự khuyến cáo từ Ngân hàng Nhà nước, vấn đề này mới được quan tâm ở các chùa chiền mà trước đó, rất nhiều lần các sư thầy đã nhắc nhở Phật tử. Nhưng, điều đáng buồn là rất ít người quan tâm đến, bắt nguồn từ sự hiểu sai lệch về khoản “tiền giọt dầu” lễ Phật, cũng như quan niệm “đưa tận tay” để Phật chứng giám lòng thành đã hình thành trong tư duy dân gian xưa và nay vẫn ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của không ít người.
Nói về văn hóa đặt “tiền giọt dầu” tại các đền, chùa, miếu, phủ, nơi thờ tự, Đại đức Thích Minh Tiến – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích: “Việc người dân đi lễ đặt “tiền giọt dầu” là để thể hiện cái tâm của mình, để cùng với các cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để “dâng” lên Phật, lên Thánh. Buồn thay, nhiều người cứ nghĩ rằng càng rải, rắc nhiều tiền thì càng thể hiện thành tâm và được Phật, các thánh thần chứng giám”.
Mong muốn đạo và đời cùng kết hợp
“Chúng tôi rất quan tâm tới chủ trương cũng như mong muốn phối hợp tuyên truyền để người dân tham gia hoạt động tín ngưỡng một cách lành mạnh, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích văn hóa của Ngân hàng Nhà nước” – Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định với PV. Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, tới đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền tới các cơ sở tu hành để qua đó tới được các Phật tử, người dân.
Còn theo Thượng tọa Thích Thanh Vân – Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để giảm bớt hành vi sai lệch của người đi lễ thì tự thân Giáo hội, thành viên Giáo hội làm chưa đủ, cần kết hợp với các cơ quan chức năng như ngành văn hóa để đề cao nếp sống văn hóa văn minh. Kết hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để tuyên truyền, ví dụ đưa tin những chùa làm tốt về công tác nghi lễ, tín ngưỡng, tu học, hoạt động xã hội.
“Trong thế giới tín ngưỡng tâm linh, không có những quy định nào điều chỉnh được nhận thức và hành vi của con người. Vì vậy biện pháp tuyên truyền vẫn là gốc rễ.
Chẳng hạn, các sư trụ trì tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần tuyên truyền sâu rộng với các Phật tử và bà con tới lễ bái; hoặc việc tuyên truyền cũng cần thực hiện thường xuyên trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể, khu dân cư…. Thậm chí có thể mời các nhà tu hành đến nói chuyện, thuyết pháp để mỗi người dân hiểu rõ hơn và có những nhận thức đúng đắn, từ đó điều chỉnh mọi hành vi, sinh hoạt tín ngưỡng cho đúng mực”, Đại đức Thích Minh Tiến, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định.
H.M (PLO)