Mùa đông năm nay đến sớm, ẩn mình sau những cơn mưa nặng hạt thấp thoáng là gió hanh khô và những cơn rét cắt da cắt thịt. Cây xoan già trước ngõ nhà tôi cành trơ trụi lá, những cành cây hao gầy cố bám chặt vào thân cây như bộ xương cá ủ dột hứng chịu cái lạnh câng câng tê buốt của gió đông.
Mặc dù không có hoa thơm bướm lượn nhưng con đường ẩm ướt đến nhà chú Du vào buổi sáng mùa đông quyến rũ tôi.
Dọc hai bên đường là bạt ngàn cao su trơ trụi đắm mình trong màn sương mỏng màu xám nhạt. Tôi thường mê mẩn chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ thanh khiết của những giọt mưa đêm qua vẫn còn vương vãi lay lắt trên tán cây rừng, vẻ đẹp hoang dại nên thơ của những đôi chim sẻ đang rỉa lông và hình như đang trao nhau nụ hôn ban sớm, xa xa là những ngọn núi đứng sừng sững thách thức cùng thời gian.
Nhà của chú Du nằm cheo leo trên đồi. Ngôi nhà im ắng bao trùm bởi khối không khí lạnh khiến các giác quan trễ nải của tôi nổi gai sợ hãi. Những cơn gió rít qua khe cửa lào xào, khiến toàn thân tôi run run lạnh cóng. Tôi hà hơi ra khói để vỗ ấm đôi bàn tay tê cứng, dùng chân đẩy những khúc củi to vào bếp và hơ tay lên cục than ấm hồng hôm qua còn sót lại. Chú Du nằm trên giường, sống đời bất động, không người thân chăm sóc. Cứ mỗi lần mang cơm đến đút cho chú Du ăn là nước mắt chú ấy chảy dài, những giọt nước mắt rơi ra từ đôi mắt u uẩn, ưu tư chất chứa nỗi đau nội tại như đang siết bóp tim tôi, ám ảnh tôi. Có lúc, tôi cố gạt hình ảnh u ám đó ra khỏi đầu, vậy mà giờ nó lại hiện hữu đeo bám lấy tôi, bắt tôi phải nghĩ suy, trăn trở.
Chú Du làm việc cho gia đình tôi từ khi ông nội tôi còn sống, không ai nói cho tôi biết về thân thế của chú ấy. Tôi cũng từng hỏi cha tôi về chú Du nhưng cha bảo có những sự thật tồi tệ đôi khi chúng ta không nên biết còn tốt hơn là biết. Cho đến bây giờ thân thế chú Du vẫn là bí mật với tôi. Chú Du là thợ lành nghề và giỏi nhất trong xưởng đúc đồng nhà tôi. Tính tình chú Du thật thà và nhiệt tình trong công việc. Ông nội tôi rất thương và quý chú ấy. Hồi đó cha tôi còn bé và tôi chưa ra đời. Bây giờ tôi mười lăm tuổi chú Du sáu lăm tuổi, chú lớn hơn cha tôi đến hai con giáp. Gia đình tôi cả ba đời đều yêu quý chú Du và xem chú như là người thân trong nhà.
Ngày ông nội qua đời, nội nắm chặt lấy tay chú Du và trăng trối với cha tôi mỗi một câu: “Bằng mọi giá phải giữ lấy nghề đúc đồng nghe con!”. Cũng chính vì thế mà cha tôi lấy đề tài làng nghề đúc đồng thủ công truyền thống làm luận án tiến sĩ của ông. Sau khi học xong, cha quyết tâm về làng để khôi phục và tìm lối thoát cho những người con làm nghề đúc đồng thủ công quê tôi.
Một hôm chú Du đến gặp cha tôi, chú xin cha tôi cho chú nghỉ việc để an dưỡng tuổi già. Cha tôi năn nỉ chú trước khi nghỉ, làm giúp cho ông một chiếc lư hương bằng đồng thật đẹp, sang trọng về kiểu dáng bên ngoài và đạt chuẩn về chất lượng bên trong, không sợ tiếc đồng và có thể dát vàng vào những nơi cần thiết. Cha tôi muốn tặng chiếc lư đồng đó cho một người mà ông trân quý. Chú Du đồng ý giúp cha tôi nhưng tôi đọc được trong mắt chú thái độ miễn cưỡng. Những công nhân trong xưởng thì thầm nói cha tôi bóc lột sức lao động của chú Du đến thế là cùng. Chú Du nghe thấy nhưng chẳng nói gì, cặm cụi, chăm chú làm việc với tâm trạng buồn rười rượi.
Tôi nhớ mỗi lần tôi uể oải nhìn đống sách vở trên bàn cha tôi thường nhắc tôi nên nghỉ ngơi và tìm cái gì đó để chơi cho khuây khỏa. Tôi hiểu ý ông, một khi đã cảm thấy mệt mỏi dù có cố gắng đến bao nhiêu thì công việc cũng không đạt hiệu quả. Tôi muốn nói những gì tôi nghĩ với chú Du nhưng lại sợ chú tủi thân và nghĩ sai về tôi – một đứa trẻ chùi mũi chưa sạch cũng đòi làm cô chủ. Tôi biết những lời nói vừa rồi của những công nhân trong xưởng đã làm chú nhiễu nhận thức. Tôi chắc chắn như vậy và tôi ghét những lời nói làm lu mờ lý trí người khác của họ.
Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt lạnh như đá của cha tôi nên vội vàng đập tan những lời nói từ ý nghĩ tục tĩu nảy ra trong đầu về họ. Mạ tôi thì suy đoán già non, rằng cha tôi muốn dùng chiếc lư đồng để làm quà ngoại giao cho một vị quan chức cấp cao nào đó ở tỉnh. Có lẽ thời buổi lạm phát, giá cả thị trường leo thang, hàng thủ công mỹ nghệ nhập từ Trung Quốc sang rẻ như bèo khiến cho những làng nghề thủ công truyền thống như chúng tôi không thể tồn tại được nữa. Mà nói cho cùng ngay cả làng tôi những gia đình theo cái nghề này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Rằng, cha tôi đã chán nghề đúc đồng rồi muốn chuyển sang hướng khác, dù gì ông cũng là người có học thức cao, kiếm một công việc ngoài xã hội không quá khó khăn đối với ông.
Tôi cũng đồng suy nghĩ với mạ tôi nhưng món quà cha tôi dành cho ai thì không ai biết và đoán được.
Quy trình đúc lư đồng cho cha tôi với tâm trạng không được vui của chú Du trôi qua một cách chóng vánh. Mọi người gần như nín thở chờ đợi khuôn nguội. Cuối cùng thì sản phẩm cũng được mang ra mài, giũa, đục, tách, đánh bóng, chạm chìm, chạm nổi,…
Bây giờ thì chiếc lư đồng đã hoàn thiện. Tiếng lành đồn xa, cả xóm í ới kéo nhau đến xem. Vẻ đẹp hoàn mỹ, tinh tế đến từng chi tiết của chiếc lư đồng khiến người ta hết lời trầm trồ khen ngợi. Riêng chú Du, tôi thấy chú đứng ngắm một hồi rồi bỏ ra hướng khác ngồi, trông chú có vẻ buồn, tôi nghĩ chắc chú mệt. Tôi gọi điện cho cha tôi đang đi công tác tận biên giới phía Bắc: “Cha ơi, chiếc lư đồng đã hoàn thành, nó là chiếc lư đồng đẹp nhất trần gian cha à!”. Cha tôi về nhà thì chiếc lư đồng đã được mẹ tôi đóng gói theo lời dặn của ông:
– Cha không muốn nhìn thấy nó sao? – Tôi hỏi.
– Cha tin chú ấy, con gái à! – Cha tôi nói.
Cha tôi trao chiếc lư đồng cho một người mà khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc, người ấy không ai khác mà chính là chú Du, kèm thêm một khoản tiền đủ để chú an hưởng tháng ngày còn lại. Những công nhân trong xưởng hổ thẹn với lời nói, suy nghĩ lệch lạc của mình còn chú Du bỗng dưng khóc nấc.
Đêm hôm đó, chú Du ôm chiếc lư đồng ngồi giữa sân nhà mình và uống khan hết một chai rượu trắng. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chú đập vỡ vỏ chai rượu và dùng mảnh chai khắc lên lư đồng dòng chữ: “Đông sang rồi làm sao thu trở lại?”. Những giọt sương đêm như nước mắt của bà mẹ trần gian gột rửa những nét khắc khiến dòng chữ trở nên sáng lung linh đầy sức sống. Khắc xong chữ cuối cùng thì chú Du gục xuống sân.
Những đứa trẻ trong xóm có mặt ở nhà chú từ sáng sớm, chúng cho rằng chú Du đang ngủ say trên sân nên thoải mái đùa nghịch với chiếc lư đồng. Cho đến khi những mảnh chai vụn làm chúng đứt tay, chúng khóc ré lên thì mọi người mới biết chú Du bị đột quỵ. Tôi cố giành lại chiếc lư đồng từ tay của một bé gái, tôi nghĩ mình nên giữ và trả cho chú Du khi chú khỏe lại.
Gia đình tôi đưa chú vào bệnh viện, lúc cha bế chú lên băng-ca để các cô y tá đẩy vào phòng cấp cứu, tôi thấy cánh tay phải chú Du buông tự do, bàn tay chằng chéo những đường cắt rớm máu bởi những mảnh chai vỡ. Gia đình chúng tôi túc trực ở bệnh viện để theo dõi diễn biến sức khỏe của chú. Cha tôi chạy ngược chạy xuôi hỏi han và tìm cách cứu chữa cho chú kịp thời nhưng cuối cùng chúng tôi nhận được là sự thất vọng bằng cái lắc đầu, bó tay của bác sĩ.
Ngày chú Du từ bệnh viện trở về, những chiếc lá vàng cuối cùng trên rừng cao su đã rơi rụng. Tôi ngửi thấy cái vị cay cay luồn vào sóng mũi do những cơn gió lạnh gấp gáp mang đến. Từ hôm đó, chú Du nằm bán thân bất động, không nói không rằng. Cha tôi ra lệnh cho mạ con tôi là phải chăm sóc chu đáo cho chú Du, bởi chú không chỉ là người thợ giỏi trong xưởng của chúng tôi mà còn là ân nhân của gia đình tôi. Mạ tôi kể, ngày trước bà nội tôi bị rắn hổ chúa cắn, chất độc ngấm vào tim, toàn thân tím tái. Chú Du không quản nguy hiểm, đã vượt qua trăm cây số đường rừng trong đêm để đến một bản làng xin thuốc giải độc rắn cứu bà nội tôi thoát chết. Chính vì thế, dù chuyện gì xảy ra giữa chú và gia đình tôi, chúng tôi đều không được bỏ rơi chú ấy.
Đó là tất cả những gì tôi biết về chú Du. Tôi ì ạch lê chân bước trên con đường đất đỏ nhầy nhụa, chiếc áo bông dày cộm mạ mua cho năm ngoái biến tôi thành người vuông, chiếc áo nặng trịch trông chẳng đẹp chút nào, được cái nó giữ không cho cái rét bò vào thấu xương làm cho tấm lưng nhỏ bé của tôi cong cứng và so vai. Tôi cặm cụi bước, mặt cúi chằm chằm xuống đất nên va phải cha tôi. Tôi đang đi về nhà còn cha đến nhà chú Du, tôi quay người theo hướng đi của ông và nói:
– Cha, con sợ ánh mắt của chú ấy!
Cha tôi dừng lại, ông không nói gì rồi lặng lẽ bước. Còn tôi đứng nhìn ông khuất dần sau làn khói lãng đãng vấn vít của núi đồi khi chiều buông.
Cha tôi lạnh lùng, thường không nói nhiều và chỉ nói khi cần thiết. Những lời cha nói ra đều rất trọng lượng, bắt đối phương phải vắt óc suy nghĩ. Tôi thường không biết trước được cha tôi đang muốn gì, nghĩ gì. Tôi thường lúng túng trước ông. Sự lạnh lùng ít nói của ông luôn mang một vẻ gì đó rất khó đoán. Ông không quá đẹp trai nhưng chính sự lạnh lùng của ông làm trái tim mạ tôi điêu đứng, yêu ông hết mình. Mạ tôi bảo, nhìn bề ngoài vậy nhưng cha có trái tim ấm áp, dạt dào tình cảm. Tôi cũng nghĩ thế và cảm nhận được hơi ấm tình yêu thương từ cha. Ngày cha cưới mạ, làng tôi còn nghèo lắm, nhà trai sang đón dâu bằng xe đạp phượng hoàng, còn sính lễ đưa đi bằng đôi quang gánh kĩu kịt trĩu đầy bánh trái quê hương. Chỉ đơn giản thế nhưng tình yêu cha mạ dành cho nhau như ngọn lửa hồng âm ỉ cháy theo thời gian.
Sáng nay, mạ tôi quyết định khai trương hũ mắm đu đủ chôn dưới lòng đất sau bếp củi hồi năm ngoái. Những con mắm tan ra ngấm vào những lát đu đủ trong, giòn thơm ngậy, lúc chưng lên lại càng thơm. Trời lạnh ngồi cạnh bếp lửa, bưng tô cơm dẻo khói bốc nghi ngút ăn kèm mắm đu đủ là món khoái khẩu của cha tôi nhưng hôm nay ông không thèm đoái hoài. Không hiểu sao hôm qua trở về từ nhà chú Du, cha tôi mang trong mình tâm trạng buồn thiu kéo dài như vậy.
Cha vẫn ngồi trầm tư trước chiếc lư đồng trên bàn gỗ dưới ánh sáng tự nhiên hắt từ phía cửa sổ vào bên trong căn phòng, khiến những mảng sáng tối tranh nhau. Tôi cảm nhận được làn khói trắng ấm áp tuôn ra theo hơi thở đều đặn của ông. Không gian trong nhà im lặng đến từng ngõ ngách nhưng tôi biết suy tư của cha tôi chẳng hề lặng im. Đã ba tiếng đồng hồ trôi qua ông vẫn không rời mắt khỏi chiếc lư đồng. Tôi đến gần bên ông:
– Nó đẹp quá cha nhỉ?
– Chỉ là nét đẹp bên ngoài thôi, bản thân nó đã bị lỗi kỹ thuật con gái à, qua vài mùa mưa nắng nữa thì những khúc khuỷu uốn lượn trên chiếc lư đồng sẽ bị nứt ra. Theo dự đoán của cha, chiếc lư đồng này tuổi thọ không quá mười năm.
– Sao chú ấy không khắc câu thơ hay hay hả cha?
– Chú Du viết vậy ắt có ý của chú ấy. Đôi khi trong cuộc đời chúng ta, không bị ai đánh nhưng lại thấy đau, không có ai chửi nhưng lại thấy tủi nhục. Có cuộc sống nào khắc nghiệt, tàn nhẫn, day dứt hơn khi tự mình trách cứ, cào cấu, dằn vặt lương tâm mình.
– Mọi người đang thương hại chú ấy hả cha?
– Ừ, có thể! Con gái à, đừng bao giờ để những hành động nhỏ nhen chớp nhoáng trong đời lại khiến bản thân ta cắn rứt, dày vò lương tâm đến suốt cả cuộc đời. Con phải sống làm sao để chữ tâm và chữ tài luôn song hành sánh bước, như đôi chân chúng ta vậy, nếu một bên cao và một bên thấp, ngay lập tức dáng đi sẽ bị khập khiễng. Con hiểu ý cha chưa?
Tôi tròn xoe mắt nói trong tâm trạng ngổn ngang: “Dạ? dạ!” với cha tôi. Ông cười, một nụ cười hiếm hoi đầy bí ẩn rồi bỏ đi. Mà sao hôm nay cha lại nói chuyện với tôi nhiều đến thế? Mọi hôm cha có như vậy đâu? Tôi chợt giật mình. Tôi đứng như trời trồng. Cha đang trả lời câu hỏi của tôi sao? Ôi đầu óc bã đậu chậm tiêu của tôi giờ mới được khai trí. Tôi nghiền ngẫm một lần nữa dòng chữ trên lư đồng để thấu hết ý nghĩa sâu xa mà cha đã nói. “Đông sang rồi làm sao thu trở lại?” Tôi thở phào – Ra thế!