Trang chủ Phật học Tại sao sống hiền lương mà cứ gặp xui, gặp khổ?

Tại sao sống hiền lương mà cứ gặp xui, gặp khổ?

168
0

Chúng ta kiểm nghiệm lại thế gian không có gì ngoài nhân quả. Nhân quả là chân lý trong cái tương đối, là một sự thật không chối cãi được.

Phật tử không tin nhân quả thì không thể gọi là trung thành với Phật được, vì lời Phật dạy chúng ta không làm theo. Cũng như cha mẹ dạy con, đừng tập theo mấy đứa ngỗ nghịch hút á phiện, xì ke, ma túy. Cha mẹ dạy vậy, đứa con có hiếu nào lại theo đám hư hỏng kia chơi không? Nếu nó chơi với bạn hư thì đâu thể gọi là có hiếu được. Cũng vậy, nếu là Phật tử chân chánh, chúng ta phải thực hành đúng lời Phật dạy. Không có cái gì tốt xấu đến với chúng ta một cách ngẫu nhiên, mà đều có nhân có quả cả.

Có khi nào ta không ghét người đó, mà người đó lại hung dữ với mình không? Phải có thù oán với nhau mới có làm hung làm dữ.

Đời này hoặc đời trước đã gây thù oán với nhau, bây giờ mới gặp lại, nhân quả không phải chỉ có một đời thôi. Nhân quả trải qua tới ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba đời đó liên hệ với nhau.

Có những nhân mình gây đời trước, đến đời này mới trả quả. Có những nhân làm ngay đời này, đời này hưởng quả liền. Có nhân làm trong đời này nhưng đời này chưa được hưởng quả. Nó khác biệt như vậy, chớ không phải nói nhân quả là có liền.

Nhiều người cứ than thở tại sao tôi làm lành, mà cứ gặp những vui buồn, tai nạn hoài. Nghĩ như vậy rồi nói không có nhân quả hay nhân quả không thật, không đúng.

Như trong phố có một căn nhà bán, người khác lại mua. Họ làm ăn rất siêng năng nhưng cuối năm hỏi anh chị dư dả không, người đó nói tôi làm một năm rồi mà vẫn còn thiếu nợ.

Lạ chưa! Tại sao làm ăn khá mà thiếu nợ? Truy nguyên ra khi mua căn nhà đó họ phải vay tiền. Làm ăn khá trả được phân nửa hoặc một phần ba, còn nợ lại phân nửa hoặc hai phần. Chớ không phải làm ăn khá liền hết nợ.

Cũng vậy, chúng ta làm lành nhưng nợ cũ còn, trả chưa hết thì quả lành chưa tới kịp. Khi nào chúng ta trả hết nợ cũ quả lành mới đến.

Cũng như người mua nhà kia, ít ra phải hai ba năm làm ăn siêng năng cần mẫn, trả hết nợ rồi mới có dư. Đó là một lẽ thật. Cho nên đối với lý nhân quả, chúng ta phải nhìn xuyên từ quá khứ, hiện tại đến vị lai.

Có khi hiện giờ chúng ta làm những điều rất tốt, mà chưa có quả tốt vì chưa tới giai đoạn chín muồi, phải qua đời sau mới hưởng được. Không bao giờ nhân tạo mà mất, nó vẫn còn nhưng đủ thời kỳ chín muồi mới thu gặt kết quả.

Trong nhà Phật luật nhân quả được khẳng định, chớ không phải chuyện mơ hồ. Đó là một lẽ thật, không nghi ngờ gì nữa. Vì vậy tôi nói Phật pháp là lẽ chân thật.

HT.T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here