Các nhà khảo cổ học Nepal vừa phát hiện ra một ngôi đền Phật giáo được xây từ thế kỉ 6 trước Công nguyên – là ngôi đền cổ nhất từng được biết đến, qua đó cung cấp thêm thông tin về cuộc đời của Đức Phật.
“Lần đầu tiên chúng tôi thực sự có bằng chứng khoa học dẫn đến sự thành lập của một trong những ngôi đền Phật giáo chính” – giáo sư Robin Coningham từ Đại học Durham (Anh), người đứng đầu cuộc khảo sát, cho biết.
Nghiên cứu của giáo sư Coningham đã chỉ ra ngôi đền được phát hiện tại Lâm Tỳ Ni (Nepal) đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 TCN. Phát hiện này được đăng trên số tháng 12 của Tạp chí Antiquity.
Sự phát hiện này là bằng chứng khảo cổ học đầu tiên kết nối cuộc đời Đức Phật và sự khởi đầu của Phật giáo vào một mốc thời gian cụ thể.
“Có rất ít thông tin về cuộc đời Đức Phật, ngoại trừ thông qua các nguồn văn bản và truyền miệng. Chúng tôi đã nghĩ tại sao không dùng khảo cổ học để tìm ra câu trả lời về sự ra đời của Ngài?” – giáo sư Coningham nói.
Các nhà sư đến hành hương tại ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya Devi. Bên dưới lớp nền của ngôi đền là dấu tích của ngôi chùa bằng gỗ sớm nhất của Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ 6 TCN. Ảnh: National Geographic |
Các nhà khảo cổ Robin Coningham (người ngồi bên trái) và Kosh Prasad Acharya đang khai quật trực tiếp bên trong ngôi đền Maya Devi. Ảnh: National Geographic |
Theo kinh điển Phật giáo, mẹ của Đức Phật là Hoàng dậu Maya Devi đã sinh ra ngài tại khu vườn Lâm Tỳ Ni. Coningham và nhóm của ông đã tiến hành khai quật tại địa điểm này và phát hiện ra những gì còn sót lại của một kiến trúc bằng gỗ chưa từng được biết đến trong ngôi đền của Hoàng dậu Maya Devi.
“Điều thú vị là chúng tôi xác định được một mái ngói được lợp xung quanh các cạnh của ngôi đền nhưng lại bỏ trống ở phần trung tâm. Chứng tỏ một cái gì đó rất đặc biệt ở phần trung tâm của ngôi đền. Khi bắt đầu khai quật, chúng tôi đã tìm thấy một ngôi đền được xây dựng trước đó nằm ở bên dưới lớp nền ngôi đền Maya Devi” – giáo sư Coningham nói.
Các nghiên cứu địa khảo cổ học được thực hiện sau đó đã xác nhận rằng sự hiện diện của các rễ cây cổ trong khu vực không gian mở ở trung tâm kiến trúc bằng gỗ mới được phát hiện có liên quan tới những câu chuyện về sự đản sinh của Đức Phật.
Những mảnh vỡ của than và hạt cát đã được xét nghiệm và cho biết về thời gian xây dựng ngôi chùa gỗ.
Bằng chứng của ngôi chùa tại địa điểm này đã chứng minh cho “tính liên tục của các di chỉ” trong Phật giáo, theo giáo sư Coningham.
“Sự tiếp nối (của những bằng chứng khảo cổ học) tại Lâm Tỳ Ni là một mô hình thu nhỏ cho sự phát triển của Phật giáo từ một giáo phái nhỏ địa phương cho đến khi trở thành một tôn giáo toàn cầu”, các tác giả của nghiên cứu cho biết trong một bài báo khoa học.
Ngày nay, ngôi đền Maya Devi là nơi hành hương của hàng trăm ngàn người mỗi năm.
Trước khi ngôi chùa bằng gỗ được phát hiện, kiến trúc cổ nhất từng được tìm thấy tại Lâm Tỳ Ni được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 TCN dưới sự bảo trợ của vua Asoka.
Lưu Anh (Theo AP, 1 Thế giới)