Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chân lý Phật giáo và văn hóa xã hội nhân văn

Chân lý Phật giáo và văn hóa xã hội nhân văn

137
0

Phật giáo được khai sinh từ chiếc nôi là thành Ca Tỳ La Vệ (thuộc nước Ấn Độ bây giờ), trải qua hơn 2.500 năm lịch sử đầy những thăng trầm, có lúc tưởng như đã biến mất hẳn ngay trên bản địa. Nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển rộng rãi khắp nơi.

Hiện nay, thành tựu vượt bậc của khoa học cùng với tư tưởng tiến hóa của nhân loại đòi hỏi phải thẩm định lại nhiều tư tưởng triết học xưa và nay. Đương nhiên, những tư tưởng mang tính phi lý, lạc hậu, phản khoa học đều phải bị đào thải.

Thế nhưng tòa nhà cổ kính hơn hai mươi lăm thế kỷ của Chân lý Phật giáo vẫn trường tồn cùng năm tháng, thời gian, sừng sững như cây đại thọ giữa núi non trùng điệp.

Điều này chứng tỏ Phật giáo đã toát ra một sức sống mãnh liệt bắt nguồn từ một giá trị tinh thần phong phú, tinh thần ấy thể hiện Chân lý và Giáo pháp của Chân lý Phật giáo, chúng ta đều biết rằng, Chân lý đạo Phật chứng ngộ được do Thái tử Tất Đạt Đa là Đức Thích Ca Mâu Ni cũng ở ngay thế giới này, chân lý này vận hành cùng vũ trụ – nhân sinh (Định lý duyên khởi).

Nó tồn tại khách quan trong sự sống của loài người. Do đó Đức Phật có xuất hiện hay không, nó cũng vận hành như vậy, nó lấy những điều Nhân bản, Vô ngã, Từ bi, Bình đẳng mà làm căn bản để vận hành.

Cũng vậy! Phật giáo Việt Nam vẫn sống trong lòng dân tộc, thịnh suy theo vận đất nước, Phật giáo có thể đóng góp một vai trò quan trọng trong sự hướng dẫn đời sống tinh thần cho mọi người và phát triển quốc gia trong thời kỳ hội nhập, làm nền tảng luân lý để xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức, trí tuệ cho mọi người.

Nhân bản là đánh thức con người đức tín tự tin, tự chủ, tự trọng với tinh thần trách nhiệm bản thân và xã hội; Vô ngã: đánh thức cái ta, còn gọi là cái tôi, cái của tôi, nó giả tạo, mong manh, không bền chắc, luôn luôn biến chuyển. Thay thế bức tường thành ích kỷ, trở thành sự hy sinh nhẫn nhục.

Trong Phật giáo quan niệm: Mọi người đều bình đẳng có trí tuệ như nhau, nhưng đặc tính cố hữu của từng người khó hay dễ, mau hay chậm, chỉ khác nhau để nhận được trí tuệ này. Phật giáo lấy từ bi vị tha là quan điểm quan trọng khiến phát huy và tồn tại trên toàn cầu. Nhưng muốn làm được những việc này, bản thân Phật giáo phải đào tạo cho được con người chúng ta ứng dụng được việc đó.

Những triều đại trước, các nhà sư là thành phần ưu tú của xã hội, thông minh, đức hạnh. Phật giáo từ thời các nhà vua Lê, Lý, Trần, qua các trường Đại học Phật giáo cung cấp cho xã hội giai tầng trí tuệ. Vì thế, tư tưởng và hành động người tu sĩ Phật giáo khác người thường.

Một đằng vì lợi ích cá nhân, một bên vì lợi ích cho đại chúng. Phải vận dụng trí tuệ hòa nhập vào cuộc sống và xã hội, giúp người an vui hạnh phúc, làm sáng tỏ Phật pháp. Đạo Phật là đạo trí tuệ, tự bản thân mình phải rọi tuệ giác vào cuộc sống để nhập thế hành đạo.

Trực diện với mọi người để hiểu thêm “chư pháp thường không tánh, các vật điều giả hợp, hay không cố định” chúng ta có thể hướng dẫn, thay đổi được người xấu, thay đổi diễn biến trong cuộc sống, làm giàu đẹp văn minh trí tuệ xứ sở chúng ta, chúng ta có thể liên hệ mấy đặc tính sau:

1 – Nhân bản:

Điểm căn bản nhất mà chúng ta nhận thấy được ở Chân lý Phật giáo là, Vị giáo chủ không phải là một thần linh, không phải là một thượng đế đầy quyền uy thưởng phạt, mà là một con người thật sự như bao nhiêu con người khác tên là Tất Đạt Đa, ngài thuộc giai cấp Sát Đế Lợi, dòng dõi vua chúa, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da.

Ngài sinh ra, lớn lên, đi học. Vợ của ngài là công chúa Da Du Đà La, con của ngài là La Hầu La. Ngài thấu rõ nỗi thống khổ của sinh, lão, bịnh, tử, ngài chứng kiến những lầm than cơ cực của dân chúng trước những bất công của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài đã một mình ra đi tìm phương pháp giải quyết những vấn đề trên. Sau những tháng năm học đạo với các đạo sĩ nổi tiếng mà kết quả vẫn không làm vị đạo sĩ trẻ tuổi, thông minh Tất Đạt Đa giải quyết những vấn đề bức xúc trong lòng.

Cuối cùng ngài quyết định tự mình tham cứu. Suốt 49 ngày tham thiền nhập định dưới cội cây Bồ đề. Ngày cuối cùng, khi sao mai vừa mới mọc, ngài đã thấu đạt được Chân lý, rõ được chân tướng của vạn pháp. Ngài đã giác ngộ và thành đạo, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Sự kiện trên đây đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật giáo. Đạo Phật quan niệm, con người là trung tâm điểm, hay nói cách khác, không có nhân loại thì không có Chân lý Phật giáo hiện hữu trên cõi đời này.

Trong thế giới quan của đạo Phật, chủng loại chúng sinh được chia thành sáu bậc: Thiên, Nhân, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Trong sáu giới ấy, con người được coi là hội đủ điều kiện tốt nhất để đạt đến các quả vị tu chứng trí tuệ trong Phật giáo.

Chân lý Phật giáo giải thích rằng: Ở cõi Thiên thì khó nhận thức được khổ đau vì cuộc sống của họ quá ư sung sướng. Trái lại, các cõi Atula, Địa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, chúng sanh quá si mê, ngu dốt trong hoàn cảnh tối tăm đọa đày nên cũng không dễ nắm bắt được Chân lý Phật Đà.

Duy chỉ có cõi Nhân, bản thân con người mới có hoàn cảnh nhận thức được khổ đau của cuộc sống (đây là điều kiện thích ứng để dễ dàng khai sáng) và có khả năng khai sáng được ngọn đèn trí tuệ nơi chính tấm thân nhỏ bé này.

Trong quan niệm Chân lý Phật giáo, con người là chủ nhân của mọi hành vi của chính bản thân mình ở cả ba thời: Quá khứ, hiện tại và vị lai, là thượng đế duy nhất có toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Ngoài mình ra không ai hoặc bất cứ thần linh nào có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay ném mình xuống địa ngục. Trong Kinh Pháp Cú, câu 145, Đức Phật dạy rằng:

Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”.

Lại nữa, Phật giáo luôn đề cao nỗ lực và ý chí của bản thân con người. Tinh tấn là một trong những đức tính quyết định việc thành tựu đạo quả Bồ Đề. Đến bờ giác ngộ chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng, bạc nhược.

Với những tâm hồn khát khao tự do và giải thoát tuyệt đối, dốc hết sức bình sinh cùng với sự hiểu biết Chân lý của đạo Phật, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trên bước đường tu học tập và nhập thế. Nhược bằng ngược lại, cho dù có ngàn vị Phật giang tay tế độ cũng không làm sao đưa chúng ta thoát khỏi biển trần lao đầy thống khổ này.

Ngoài ra, Phật giáo còn đề cập đến những trường hợp của những người thời chưa có Đức Phật ra đời. Có những con người tự lực, tự vận dụng triệt để ý chí, khả năng của chính mình trong quá trình tư duy, chiêm nghiệm và tu tập đúng đắn, quán tưởng và thấu rõ lý vô thường của vạn pháp vẫn có thể bừng sáng được Chân lý. Đức Phật công nhận những người này là Bích Chi Phật.

Tính nhân bản đã được thể hiện mạnh mẽ ở điểm này. Đây là một điểm ưu việt của Chân lý đạo Phật mà chúng ta khó tìm thấy ở một giáo lý của bất cứ tôn giáo nào khác: Một vị giáo chủ lại đề cao khả năng của con người một cách khách quan hiện thực như vậy. Xuất phát từ tính nhân bản này, nhân cách con người được tôn trọng triệt để trong đạo Phật: Quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng đều có một giá trị đích thực.

Điều đáng nói nhất là khả năng của con người mà Phật giáo luôn nhấn mạnh, đó chính là trí tuệ chính mình tự có. Đây là khả năng tối cao của nhân loại, là di sản vô cùng quý báu mà bất kỳ ai cũng có, nếu biết vận dụng và phát huy đúng đắn, thì có thể tiêu diệt mọi khổ đau, đạt đến bến bờ hạnh phúc.

Điều này đã được minh chứng cụ thể qua đời sống của Đức Phật cũng như những bậc tiền nhân kế thừa trong lịch sử đạo Phật. Đức Phật đã tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”.

Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, từ cuộc sống thô sơ lạc hậu từ xa xưa cho đến hôm nay, những phát minh khoa học cùng với thành quả của nó đã đưa nhân loại đến thời kỳ vàng son của sự tối tân hiện đại. Kết quả ấy có được là do khả năng khối óc của con người.

Dù vậy, theo phân tích của Chân lý Phật giáo khả năng đó chỉ mới là một phần nhỏ giới hạn của trí tuệ, hay nói cách khác, con người khoa học chỉ mới vận dụng được một phần trí sáng thế gian của mình, chứ chưa phải là toàn bộ trí tuệ của mỗi con người từ nơi tâm thanh tịnh nơi chính mình sẵn có.

Như Đức Phật đã chỉ rõ trong giáo điển, thuật ngữ đó tạm gọi là trí tuệ Bát Nhã, và chính trí tuệ ấy là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa Vô Sanh Niết Bàn Tịnh Tĩnh hạnh phúc.

Đối với Phật giáo, con người vốn là một chúng sanh ưu việt, có rất nhiều tiềm năng phi thường, nếu chúng ta khéo triển khai, thì không gì không thể thực hiện được trên cõi đời này.

Như vậy, ta có thể nói rằng: Phật giáo là đạo của con người, xuất phát từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài là một đấng giác ngộ nhưng ngài chính là một con người, ngài đã cất tiếng nói và có một đời sống của con người, vì con người mà ngài khai thị Chân lý, hướng dẫn con người đi đến cuộc sống thực sự an vui, hạnh phúc.

2 – Bình đẳng:

Chúng ta biết rằng: Phật giáo đã ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng phức tạp của một đất nước, mà trong đó đời sống con người phải chịu nhiều bất công, trong một xã hội phân chia năm giai cấp lâu đời là Ấn Độ. Một là giai cấp Bàlamôn giáo tập trung số người tu của 62 đạo khác nhau, chủ trương công việc nghi lễ, tế tự, cúng tế.

Giai cấp này chiếm vị trí tối cao. Hai là giai cấp Sát Đế Lợi, tập trung dòng dõi vua chúa, là giai cấp nắm quyền điều hành xã hội. Ba là giai cấp thương gia giàu sang. Giai cấp thứ tư là Tỳ Sá, bao gồm những người bình dân.

Giai cấp thứ năm là thuộc giai cấp Thủ Đà La, họ là những người hạ tiện hay còn gọi là dân nô lệ. Hai giai cấp Bàlamôn và Sát Đế Lợi thuộc giai cấp thống trị. Năm giai cấp này theo chế độ thế tập, cha truyền con nối. Vì vậy, người dân nô lệ thì cứ làm nô lệ đời đời tạo thành một xã hội đầy rẫy những bất công.

Ngay trong buổi hoàng hôn tối tăm đó, một hiền nhân thuộc dòng dõi vua chúa đã dũng mãnh gióng tiếng chuông tiên phong, phá tan bóng đêm của xích xiềng nô lệ và bức tường phi lý phân chia giai cấp bằng một châm ngôn bất hủ: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”.

Lời tuyên bố hùng hồn của Đức Phật là nền tảng hình thành một hệ thống giáo lý mà trong đó tính bình đẳng được thể hiện trọn vẹn trên phương diện lý thuyết và cả thực tiễn.

Theo Phật giáo, vạn vật trên thế giới này đều tùy thuộc nhân duyên mà sanh khởi. Cũng vậy, sự khác nhau về địa vị, hoàn cảnh giàu sang hay nghèo khổ, ngu dốt hay thông minh, tất cả đều hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo thông lệ hay bất kỳ một quy định nào.

Trên tinh thần này, sự phân chia giai cấp trở thành phi lý và vô nghĩa. Việc Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngôi vị đế vương, quay lưng với tất cả mọi vinh hoa phú quý, khước từ mọi đặc ân cao tột dành cho giai cấp vua chúa.

Ngài đã một thân độc hành với mảnh áo vá thô sơ, đầu trần, chân đất, vân du đây đó, hình ảnh đó đã thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt vời của ngài. Và cũng chính Đức Phật, với đời sống giản dị khiêm tốn đã thể hiện tấm lòng bình đẳng trong suốt cuộc đời giáo hóa chúng sanh. Ngài rải tình thương vô biên xuống muôn loài một cách công bằng, vô phân biệt.

Từ hạng cùng đinh như gã gánh phân, thợ cạo tóc cho đến hạng vua chúa giàu sang phú quý, từ hạng thấp hèn ty tiện như gái giang hồ cho đến bậc quyền uy, Đức Phật luôn thương yêu chân tình, giúp đỡ, khuyên dạy để họ nhận thức được tính chất thật của cuộc sống tự thăng hoa tâm hồn, đạt đến an lạc hạnh phúc. Lòng bình đẳng ấy không phải dừng lại mà lan tỏa khắp muôn loài muôn vật.

Ngài đã dạy rằng “Tất cả chúng sanh đều có một tâm lý tham sống sợ chết. Vì vậy, không có lý do gì ta nỡ cướp đi mạng sống của kẻ khác, như vậy là không bình đẳng“. Tâm trạng buồn nhớ mẹ của một chú cừu non lạc đàn chẳng khác gì sự đau buồn của một người mẹ phải chia lìa với đứa con thơ, bởi một nguyên nhân nào đó. Và vì vậy, sinh mạng của một con vật cũng quý như bất kỳ sinh mạng của một con người.

Với quan điểm này, trên bước đường du hóa, có lần Đức Phật đã tự tay bế một chú cừu non lạc đàn tìm về với mẹ. Và cũng chính ngài đã lên tiếng giải thích và vạch rõ những ngu xuẩn của bọn người mê tín, dị đoan làm lễ tế thần bằng cách dâng lên những con thú sống. Ngài đã cứu lấy những con vật thoát khỏi cái chết hỏa thiêu chỉ vì sự tín ngưỡng mù quáng.

Trong giáo điển, Phật giáo quan niệm rằng: Tất cả mọi loài chúng sanh, từ con người cho đến các sinh vật nhỏ bé đều có ẩn một khả năng thành Phật (Phật tính) nhưng do các đặc tính cố hữu ở mỗi loài, việc triển khai khả năng ấy tùy đó mà khó hay dễ, nhanh hay chậm khác nhau. Điều này có thể tóm ý trong một câu kinh: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đây là nền tảng để hình thành đức tính bình đẳng triệt để, vô phân biệt trong đạo đức luân lý của Phật giáo.

3 – Từ bi:

Tinh thần từ bi, vô ngã vị tha là một trong những quan điểm quan trọng khiến Phật giáo phát huy và tồn tại khi đến bất cứ quốc gia nào. Chính điểm này là một trong những căn bản tạo nên mạch sống cho Phật giáo mãi trường tồn cùng lịch sử tiến hóa của nhân loại.

Từ bi là chất liệu không thể thiếu trong đạo Phật. Từ là thương cho vui. Bi là thương cứu khổ. Đó là trọng trách thiêng liêng mà Chân lý đạo Phật mang theo suốt chặng đường hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển. Nó được thực hiện bằng mọi cách và ở bất cứ nơi đâu. Chính vì sứ mạng thiêng liêng này mà đạo Phật đã đi theo lịch sử loài người, phát triển nhịp nhàng bằng chất liệu tình thương mà hoàn toàn không sử dụng bạo lực, bạo quyền.

Chất liệu tình thương của Phật giáo như dòng suối mát lạnh, ngọt ngào làm cho vạn vật tốt tươi, cỏ cây đâm chồi nảy lộc. Từ bi đã hiện hữu giữa cuộc đời là thần dược xoa dịu những nỗi đau của nhân loại, hàn gắn những rạn vỡ tình người, xua tan những oán căm thù hận. Và còn hơn thế nữa, lòng từ bi còn giải quyết những căn bản khổ đau của kiếp phù sinh, đưa người ta đến an vui trọn vẹn.

Theo nghĩa, “Từ nghĩa là từ năng giữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, Bi nghĩa là bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ” hay vắn tắt là “Từ năng giữ lạc, bi năng bạt khổ”. Như vậy, từ bi mang niềm vui cho tất cả chúng sanh. Ở trong lãnh vực tình cảm, tình thương yêu của Phật giáo có thể so sánh với lòng mẹ thương con bao la rộng rãi. Tuy vậy, khi đi sâu vào ý nghĩa của nó, chúng ta thấy rằng lòng từ bi là một tình thương vượt qua mọi ranh giới, mọi quan hệ, bao trùm lên tất cả muôn loài.

Trong thế gian, thương yêu bao giờ cũng đi đôi với hạnh phúc. Tuy nhiên, những loại tình cảm ở đời chỉ giới hạn trong một mối quan hệ, một đẳng cấp, một chủng loại, một phạm trù nào đó. Khi vượt ra ngoài, lắm khi chúng ta thường đối xử hững hờ, kỳ thị với nhau, thậm chí còn dẫn đến sự chống đối, tàn sát lẫn nhau một cách khủng khiếp.

Trong khi đó, từ bi vượt lên tất cả mọi tình thương hẹp hòi ích kỷ của thế gian, không bến bờ, không biên cương, không hạn định. Lòng thương yêu ấy tuyệt nhiên không chứa đựng bất cứ ý niệm kỳ thị nào.

Đối với Phật giáo tất cả chúng sanh đều là bạn hữu, và mọi nơi chốn trên thế gian này đều là nơi chôn nhau, cắt rốn, là quê hương, xứ sở của mình. Lòng thương yêu vô cùng ấy tựa như ánh mặt trời tỏa sáng khắp không gian, bao trùm vạn vật, chẳng phân biệt đây hay kia, thân hay sơ, bạn hay thù, giàu hay nghèo, sang hay hèn, người hay vật.

Từ ý nghĩa này, Phật giáo có một tinh thần khoan dung và tha thứ. Chúng ta đang sống giữa một thời đại quyền lực và danh vọng đang khống chế con người, tham vọng của nhân loại bùng vỡ một cách cùng cực, chiến tranh liên tục xảy ra, những cuộc chạy đua kinh tế, chính trị, quân sự đang phô bày khắp trên thế giới, lửa hận thù tràn ngập khắp hành tinh.

Thảm trạng này đang có cơ hội đưa nhân loại đến vực thẳm của sự diệt vong. Chính ngay lúc này, từ bi là chất liệu rất cần thiết cho cuộc đời. Và chỉ khi vận dụng lòng từ bi của Chân lý Phật giáo, chúng ta mới thực sự đủ năng lực dập tắt ngọn lửa chiến tranh và hận thù đang ngút ngàn giữa buổi hoàng hôn của thế kỷ XXI này.

Đức Phật đã dạy: “Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù, đó là định luật từ ngàn xưa“.

4 – Vô ngã:

Nhận xét về thế giới sự vật hiện tượng, Phật giáo khẳng định rằng mọi sự vật, hiện tượng trên cõi đời này đều không có một tướng trạng nhất định, tất cả đều luôn biến đổi, chuyển động không ngừng. Nói cách khác, sự vật, luôn luôn chảy và biến đổi. Trong khi đó nhận thức thông thường của chúng ta tưởng chừng như mọi vật đang thực sự hiện hữu và cố định. Kỳ thực, tất cả vạn vật đều đang chuyển động một cách vi tế mà ta khó nhận thấy được.

Nhưng nếu bình tâm và chịu khó quan sát, ta có thể thấy rõ điều này. Chỉ cần nhìn vào các sự vật quen thuộc nhất trong đời sống thường nhật như cái bàn, căn nhà… ta sẽ nhận thức được ý nghĩa ấy. Cái bàn khi mới hoàn thành, nó rất mới, nhưng qua một thời gian sau, nó đã trở thành cũ.

Và cứ thế, theo thời gian, nó cứ cũ dần và cuối cùng hư hoại, có thể chỉ còn là những mảnh vụn. Tất cả các sự vật cũng đều tuân theo quy luật ấy. Vì vậy ta có thể nói rằng, tất cả các tướng đều là tạm thời, và nó luôn chuyển đổi.

Các sự vật mà ta nhận biết được chẳng qua là một tướng trong một chuỗi thay đổi liên tục của vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến già, từ sanh đến diệt. Phật giáo tạm phân quá trình vận động ấy thành bốn giai đoạn: Sanh, Trụ, Dị, Diệt hay Thành, Trụ, Hoại, Không.

Như vậy, tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này đều hoàn toàn không có cái chủ thể nhất định, nó luôn biến động. Vì vậy, tất cả đều là Vô ngã, nghĩa là không có một tướng trạng nào của sự vật là nhất định, bất di, bất dịch cả. Đây gọi là Vô ngã tính.

Liên hệ bản thân của mỗi người, vì không thấy rõ được sự thật của tướng trạng này, không nhận biết được sự giả hợp của ngũ uẩn mới tạo thành tấm thân này. Nên ngay từ lúc lọt lòng mẹ, một cái tên gọi cùng với nhận thức sai lầm về cái tôi đã tạo thành một ngộ nhận căn bản về sự hiện hữu, về giá trị của một con người. Từ đó tính chấp và sự ích kỷ hình thành, đây chính là giềng mối của bao sự thống khổ mà chúng ta phải cưu mang suốt cả kiếp người.

Chính ảo mộng về cái của tôi và cái tôi đã đưa đến thảm trạng chiến tranh, hận thù, cấu xé lẫn nhau. Chân lý Phật giáo đã soi sáng chân tướng của vạn pháp bằng ánh sáng Chân lý Vô ngã, sự soi sáng ấy không nhằm mục đích thỏa mãn tri thức của nhân loại, mà nó mang ý nghĩa trình bày một sự thực về tướng trạng của con người và thế giới. Đồng thời xây dựng cho nhân loại một nhận thức đúng đắn, hướng đến một nếp sống cao đẹp, đầy tình người.

Thật vậy, khi chúng ta đã nhận thức được thực trạng của tấm thân ta, thấu rõ được cái ta – còn gọi là cái tôi, cái của tôi – chỉ là những gì rất mong manh, không bền chắc, luôn biến chuyển. Khi ấy bức tường thành của sự ích kỷ, nhỏ nhen mới thực sự sụp đổ, ranh giới của chủ nghĩa cá nhân mới bị xóa nhòa, thành trì bảo thủ mới được thật sự phá vỡ, lòng bao dung, vị tha sẽ bừng sáng trong tâm hồn của mỗi con người.

Nhân loại sẽ xích lại gần nhau hơn để mỉm cười, thương yêu và cùng sống với nhau trong tinh thần bao dung hòa ái và tha thứ lẫn nhau, sẵn sàng quên đi những lỗi lầm mà chúng ta đã từng gây tạo cho nhau, hạnh phúc thực sự hiện hữu ngay trên quả đất này.

Tinh thần Vô ngã vị tha là một trong những điểm quan trọng khiến Phật giáo tồn tại và phát huy khi đi đến bất cứ một quốc gia nào. Chính điểm này là một trong những căn bản tạo nên mạch sống cho Chân lý Phật giáo tồn tại cùng với lịch sử tiến hóa của nhân loại. Phật giáo bao giờ cũng hiện hữu vì hạnh phúc, an lạc của mọi người.

Với tình trạng hiện thời của thế giới, tiếng chuông báo động của những nhà khoa học về các nguy cơ của trái đất thân yêu đang gióng lên liên tục, sinh mệnh của nhân loại đang bị đe dọa bởi quá nhiều nguyên nhân do chính mình gây tạo. Ngồi lại với nhau trong tình trạng yêu thương đoàn kết và cùng một chí hướng là điểm quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên – tinh thần vô ngã, vị tha, từ bi, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau là nhân tố cần thiết để thực hiện được điều ấy.

Những điều vừa trình bày trên đây: Nhân bản, bình đẳng, từ bi, vô ngã là những trọng điểm được đề cập trong Chân lý Phật giáo. Nhưng nó cũng là yếu tố cần thiết cho mọi người. Nếu muốn tạo hạnh phúc thật sự cho chính bản thân mình và thiết lập một nền hòa bình cho nhân loại.

Như vậy chúng ta có thể nói rằng: Chân lý đạo Phật là con đường để tự giải quyết những điều cơ bản nhất của con người, mặc dù đối tượng của Phật giáo là tất cả chúng sanh, nhưng con người là trung tâm điểm, là đối tượng chính để mang bức thông điệp cho cuộc đời, là loài người có khả năng tốt nhất để thực hiện bức thông điệp ấy. Muốn thực hiện được bức thông điệp ấy, nghĩa là phải thực sự vận dụng những tinh hoa của Phật pháp vào trong đời sống và tâm hồn của chính mình.

Mặc dù cuộc sống luôn biến động theo dòng chảy của thời gian, nhưng trong sự mong manh phù du ấy, ta vẫn luôn nhìn thấy một điều gì thật dễ thương, thật ý nghĩa, thật thú vị giữa trần gian đầy mộng mị. Chỉ khi nào con người sống trọn vẹn với tinh thần cao đẹp ấy của đạo Phật, chúng ta mới thấy, mới hưởng được niềm hạnh phúc vô biên.

T.H.Đ

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here