Trang chủ Phật học Thế nào là Tối thượng thừa thiền ?

Thế nào là Tối thượng thừa thiền ?

169
0

Gốc của lối tu thiền thứ hai này từ tổ Đạt-ma truyền xuống cho tổ Huệ Khả. Tổ Huệ Khả truyền cho tổ Tăng Xán. Tổ Tăng Xán truyền cho hai vị: Một là Tổ Đạo Tín ở Trung Hoa, hai là Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi người Ấn Độ. Sau này tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền sang Việt Nam. Như vậy hệ Thiền tông Việt Nam phát xuất từ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, là đệ tử của tổ Tăng Xán thứ ba ở Trung Hoa.

Thiền tông truyền sang Việt Nam, từ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi lần lần tới Thiền sư Vô Ngôn Thông, truyền mãi cho đến đời Trần. Như vậy Thiền tông truyền sang Việt Nam có căn bản, có hệ thống hẳn hoi chớ không phải là chuyện vô căn cứ. Các Thiền sư theo hệ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi như Thiền sư Vạn Hạnh… Ngoài ra còn có các vị theo hệ ngài Vô Ngôn Thông cũng khá nhiều. Hai hệ này truyền tới mười mấy hai chục đời. Hiện nay có một số người nghĩ rằng mình còn ở thế gian bận rộn, rất khó tu thiền. Tôi xin dẫn một đoạn trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú bằng chữ Nôm của vua Trần Nhân Tông, khi Ngài còn làm Thái thượng hoàng. Bài này có cả mười hội, ở đây tôi chỉ lược dẫn mấy câu của hội thứ nhất:

“Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.”

“Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm”, là thân đang sống giữa thành thị mà tư cách, nếp sống giống như ở rừng núi. Tại sao ? Vì ở giữa thành thị mà không dính, không kẹt, không đuổi theo thì giống như ở núi rừng. Còn nếu người lên rừng lên núi mà nhớ thành thị hoài, thì có gọi là ở núi rừng chưa ? “Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. Nếu tất cả nghiệp của mình lặng hết, không còn xao xuyến dính mắc nữa thì thể tánh được an nhàn. “Nửa ngày rồi”, chữ rồi ở đây có nghĩa là rảnh rang. Nếu nửa ngày rảnh rang là thân được tự tại. Bởi làm Thái thượng hoàng cũng còn làm việc nửa thời gian, nửa ngày hướng dẫn con trị nước, an dân. Chỉ được nửa ngày rảnh rang thôi. “Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý”. Nếu dừng lòng tham rồi thì châu yêu ngọc quý còn có giá trị gì ? Châu ngọc có giá trị khi con người còn lòng tham, nếu lòng tham hết rồi thì châu là châu, ngọc là ngọc, không có gì quan trọng đối với mình. “Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm”. Hai câu này nói Ngài ở trong cung có bao nhiêu bà phi, bao nhiêu người hầu thị phi với nhau, mách thót đủ thứ. Đối với tâm Ngài, đã dứt thị phi thì oanh ngâm hay là yến hót không còn dính dáng gì để mà chỉ trích, khen chê cả. Như vậy ở giữa cảnh nào là châu, là ngọc, nào là yến là oanh mà không dính dáng. Đó mới thật là Cư trần lạc đạo.

Chúng ta ở trong bụi trần mà vẫn vui với đạo, mới đúng tinh thần của người tu. Chớ nói tu theo Phật phải cạo tóc vô chùa không hẳn là đúng. Chúng ta hiểu Phật, ứng dụng tu ngay trong cuộc sống này mới là quý tốt. Đó là ý nghĩa tôi muốn nêu ở đây. Cuối bài Cư trần lạc đạo phú, ngài Trần Nhân Tông kết thúc bằng bốn câu thơ chữ Hán:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

Ngài nói ở giữa chốn bụi trần mà vui với đạo là hãy khéo tùy duyên. Tùy duyên bằng cách nào ? Đói đến thì ăn, mệt đến thì ngủ. Ai đói thì ăn, mệt thì ngủ. Nhưng tùy duyên có nghĩa là đói đến thì ăn, đừng đòi ngon đừng chê dở. Mệt thì ngủ, đừng nghĩ chuyện hôm qua hôm kia. Chúng ta đi làm về đói bụng, thấy mâm cơm không vừa ý thì chưa chịu ăn. Cho tới cơm vừa ăn rồi mà thiếu một hai món phụ thuộc như chanh, ớt cũng chưa chịu ăn nữa. Đó là không tùy duyên. Bởi vì chúng ta nhiêu khê quá thành ra không tùy duyên được. Hai câu này chỉ cho chúng ta cách sống ngay trong cõi trần mà không bận rộn, không khổ đau. “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch”, là trong nhà mình có của báu sẵn, tức chỉ cho tánh giác. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, nghĩa là đối với cảnh không có tâm dính mắc, chớ hỏi chi thiền. Vậy ở đây Ngài nói thiền là gì ? Là khi đối với sáu trần tâm ta không dính, không mắc, không đuổi theo. Không phải ngồi thiền mới tu, mà tất cả mọi sinh hoạt đều tu hết. Chúng ta sinh hoạt mà vẫn khéo tu, đừng dính đừng nhiễm với sáu trần, đó là hằng tu thiền. Vì vậy khi đi tu rồi, ở núi Ngài có làm bài kệ Sơn phòng mạn hứng thế này:

“Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.”

Dịch:

“Ai trói lại mong cầu giải thoát,
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,
Như cũ vân trang một chõng thiền.”

Ai trói buộc mà tìm cầu sự giải thoát. Đúng với câu tổ Đạo Tín được tổ Tăng Xán chỉ dạy. Chúng ta tu hầu hết để cầu giải thoát. Tại sao cầu giải thoát ? Bởi vì cho rằng mình bị trói buộc. Nhưng khi hỏi cái gì trói buộc thì không biết. Bây giờ ta nhìn thật kỹ, rõ ràng không có gì trói buộc mình, chính ta tự tạo duyên để rồi tự trói buộc. Đã không ai trói buộc, thì cầu giải thoát làm gì ? “Bất phàm hà tất mịch thần tiên”, ta không phải là phàm thì cầu thần tiên làm gì. Nói câu này nghe lạ quá, chẳng lẽ chúng ta là Thánh sao ? Thật ra cái phàm của chúng ta hiện giờ là cái phàm giả tạo, chớ thánh mới là tánh thật. Vì tánh giác không đổi thay, còn phàm tình là mới huân tập. Nếu chúng ta bỏ phàm tình này thì tánh giác hiện ra. Tánh giác hiện ra tức là Thánh rồi. Chúng ta không phải là phàm, muốn cầu thành thần tiên để làm gì. Chỉ cần bỏ hết những cái phàm đó đi là trở về gốc Thánh ngay. “Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão”, là con vượn đã nhàn, ngựa đã mệt mỏi, người cũng già nua. Tóm lại câu này ý nói rằng tất cả muôn vật đều luôn chuyển biến, vô thường, không dừng ở một nơi. Nhưng “Y cựu vân trang nhất tháp thiền”, vẫn như xưa ở vân trang còn một chõng thiền. Dù tất cả biến thiên hư hoại nhưng vẫn còn một cái vẫn như xưa, không thay đổi. Tại sao chúng ta không trở lại sống với cái không thay đổi đó ?

Chúng ta tu thiền cốt yếu là sống trở về với cái chân thật bất sanh bất diệt của mình. Muốn trở về thì theo các cách thức như trên đã trình bày sơ lược. Tuy nhiên, chúng tôi từng hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập thiền là theo chủ trương của tổ Huệ Khả. Thế nên “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” là phương châm, là kim chỉ nam của chúng tôi. Thường quay trở lại soi xét mình là việc chính, không từ ngoài mà được. Đó chính là việc thiết yếu nhất của hành giả tu thiền muốn được giác ngộ giải thoát vậy.

HT.T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here