Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Bại kệ sư Viên Thành tán dương Ni sư Diên Trường

Bại kệ sư Viên Thành tán dương Ni sư Diên Trường

146
0

Ni sư Diên Trường, vị ni sư tiên phong cho ni giới ở Trung Kỳ. Ni sư Diên Trường, là người đã khai sáng chùa Trúc Lâm, nơi khởi điểm của phong trào chấn hưng Phật học.

Ni Sư Diên Trường họ Hồ Đắc, sinh năm 1863 tại làng An Truyền huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Mẹ của bà là Công Nữ Thúc Huấn, con gái của Tùng Thiện Vương. Bà xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 1898, hồi bà ba mươi sáu tuổi, sau khi nhận thấy cuộc đời là vô thường và khổ đau: chồng và con trai bà đã mất bà chỉ còn lại một cô con gái (*). Thiền sư Hải Thiệu (Cương Kỷ) cho bà Pháp danh Thanh Ninh, pháp tự Diên Trường.

Bà tu hành rất tinh tiến. Năm 1910, bà được đi thọ giới cụ túc ở đại giới đàn Quảng Nam do thiền sư Vĩnh Gia làm chủ tọa, sau một thời gian thực tập tại Từ Hiếu, bà được thiền sư Cương Kỷ ủy thác ra trùng tu chùa Phổ Quang ở gần dốc Bến Ngự để trú trì và làm cơ sở tu học cho một ni chúng.

Chùa Phổ Quang vừa được trùng tu xong thì đường xe lửa thiết kế chạy ngang trước cổng chùa. Thất vọng, bà tìm vào một ngọn đồi ở gần Cầu Lim, thuộc thôn Thuận Hòa ở làng Dương Xuân Thượng và lập chùa Trúc Lâm.

Chùa Trúc Lâm lập xong, bà vào chùa Tây Thiên xin với sư huynh là thiền sư Tâm Tịnh cho phép thiền sư Giác Tiên ra trú trì. Bà lập ni xá riêng tại chùa và quy tụ một số các vị ni sư khác tới tu học, trong đó có các ni cô Chơn Hương, Diệu Hương, Giác Hải v.v… sau này sẽ đóng những vai trò quan trọng trong sự lãnh đạo ni giới. Năm 1924, các vị này được thụ giới tại giới đàn Từ Hiếu do bà làm y-chỉ-sư.

Năm 1925, đúng vào ngày Phật Đản, bà rước các thiền sư Tâm Tịnh (chùa Tây Thiên) và Huệ Pháp (chùa Thiên Hưng) đến Trúc Lâm tụng kinh Pháp Hoa. Đến trưa, sau khi bộ Pháp Hoa được tụng xong, bà làm lễ tạ ơn hai vị và tất cả đại chúng, rồi vào thiền phòng ngồi kiết già mà thị tịch. Bà thọ được sáu mươi bốn tuổi.

Thiền sư Viên Thành, tọa chủ chùa Tra Am có làm bài kệ tán dương công hạnh của Ni sư như sau:

            Thiện tai nữ đạo sư,
            Giải thoát nhân trung kiệt,
            Thịnh niên xả thế vinh,
            Phỏng đạo ngộ thiền duyệt,
            Bát kính thị căn trì,
            Trường trai thủ tố tiết,
            Uẩn giới phù vân không,
            Phiền não hải thủy kiệt,
            Giác mộng cảnh từ chung,
            Độ mê tháo bảo phiệt,
            Công đức mãn chiên lâm,
            Thanh lương đẳng tuệ nguyệt,
            An ổn tọa bồ đoàn,
            Liễu chứng vô sanh quyết,
            Sơn sắc thanh tịnh thân,
            Khê thanh quảng trường thiệt,
            Tích lai bản bất sanh,
            Kim khứ hà tằng diệt,
            Siêu nhiên bỉ ngạn đăng,
            Liên đài diệu hương khiết.

Dịch :

            Lành thay nữ đạo sư,
            Bậc giải thoát hào kiệt,
            Bỏ vinh hoa cuộc đời,
            Tìm vui nơi thiền duyệt,
            Pháp bát kỉnh hành trì,
            Nếp trường trai tinh khiết,
            Uẩn, giới như mây bay,
            Biển não phiền khô kiệt,
            Chuông khuya thức tỉnh đời,
            Bè từ độ oan kết,
            Công đức như rừng trầm,
            Mát như vầng tuệ nguyệt,
            An nhiên bồ đoàn ngồi,
            Chứng quả vô sanh diệt,
            Lời kia là suối reo,
            Thân kia là núi biếc,
            Xưa chưa hề có sanh,
            Nay cũng không từng diệt,
            Bờ bên kia bước lên,
            Đài sen hương diệu khiết.

 

(Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lan)

—————————–

(*)Con gái bà tên Nguyễn Thị Kim Đính, sau này là bà bác sĩ Trương Xướng, một trong những người có công với công cuộc phục hưng Phật học sau này.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here