Trong mỗi chúng ta, bàn tay đã từng dính máu. Máu của muôn loài. Những vết máu ấy vẫn hằn sâu và nằm im lìm trong tiềm thức. Chính nó là dấu ấn từ bàn tay của bạn. Khi sanh ra, lúc bạn có thể cảm nhận được thế giới xung quanh và phân biệt những cái tốt xấu căn bản, thì cũng lúc ấy bàn tay bạn bắt đầu dính máu.
Chiều nay, tôi nhìn cậu bé năm tuổi đập chết con muỗi. Tôi hỏi vì sao lại đập muỗi, cậu ngây ngô trả lời, nó cắn đau. Qua đó, chúng ta thấy rằng, khi con người bắt đầu cảm nhận được thế giới xung quanh, và những điều mà hoàn cảnh mang lại thuận hay nghịch đều được chủ thể tiếp nhận hay phản kháng. Nếu chủ thể yếu thì tiếng khóc, tiếng la là điều có thể làm được, còn chủ thể mạnh hơn thì sẽ phản ứng tuỳ theo mức độ của bản thân. Những phản ứng ấy kết thành chuỗi hành vi thiện hay ác của mỗi người. Thế giới có người sát sanh hại vật không thấy sợ, có người bảo nhân hộ vật thấy thật thương.
Trong mối tương quan nhân quả, mọi loài mọi vật đều cần sống và có giác tánh thọ nhận khác nhau. Nếu bàn tay bạn dính quá nhiều máu loài vật, đã từng làm cho con vật đớn đau, kêu la thảm thiết, gào thét bi ai thì nghiệp báo chiêu cảm đến bạn sẽ là một thân thể nhiều bịnh tật, tuổi thọ ngắn ngủi và tâm tư cũng thọ nhận cảm xúc đau khổ bằng với cảm xúc bạn gây đau khổ cho loài nào đó. Cuộc sống xung quanh cho ta thấy, nghe, cảm và biết được điều ấy. Có người bịnh tật triền miên, liệt giường, liệt chiếu; có người chưa sanh ra đã chết trong bào thai mẹ, hay sanh ra rồi thì trong thời gian ngắn ngủi đã về nơi chín suối âm u.
Ngày nay, chúng ta quy hướng ngôi nhà Phật Pháp, nghe theo lời Phật dạy, buông bỏ nghiệp sát sinh hại vật như là yếu tố hỗ trợ một đời sống an khang, tươi đẹp, tránh những rủi ro bất như ý đem lại. Đồng thời tình thương trong mỗi chúng ta được nâng lên đáng kể. Có vậy, chúng ta mới có thể thương yêu người thân chí tình, có thể dễ dàng tháo gỡ xiềng xích oán đối, thù hằn dài lâu. Chúng ta giết chết một con vật, tâm chúng ta thu hẹp lại một tí. Chúng ta giết hại nhiều con thì tâm chúng ta teo tóp luôn. Cuộc sống chỉ cần bất như ý là chúng ta mau chóng nổi cuồng nộ, phẫn hận, nóng nảy và chiến tranh dễ dàng bùng nổ. Chiến tranh ngày càng leo thang, ngày càng phổ biến cũng chính do tâm sát hại mãnh liệt biến hiện lên. Tâm chúng ta không dừng lại việc sát hại thì chúng ta còn hứng chịu những trận chiến gây thương vong, đau khổ, bất an dài dài.
Chúng ta chuộng hoà bình, muốn khỏe mạnh, thích sống lâu thì ngay bây giờ chúng ta phải chấm dứt tâm sát hại, đồng thời nuôi dưỡng lòng thương bằng cách bảo vệ, chăm sóc môi trường sinh thái như là trách nhiệm chung. Chúng ta đồng lòng buông bỏ chuyện săn bắt, câu vớt hay những thú vui tiêu khiển đoạt mạng sống của những loài khác. Thay vào đó, chúng ta cùng nhau chuộc mạng sống của từng loài để phóng thích chúng, để cứu mạng chúng. Chúng ta biết rằng sở dĩ ngày nay các loại độc trùng, những loài vật phá hại xuất hiện nhiều là do sự mất cân bằng sinh thái mà ra. Sự mất cân bằng ấy chắc chắn trong mỗi chúng ta đều biết nguyên nhân và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Sự thương yêu nằm trong khả năng của mỗi chúng ta. Muôn loài cần sự sống là cơ hội tốt để chúng ta bày tỏ và phát huy lòng thương yêu đó.
(Hội Phật tử Việt Nam)