Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Những ngôi chùa Huế và chuyến hành hương về quê mẹ

Những ngôi chùa Huế và chuyến hành hương về quê mẹ

260
0
Tôi lại trở về Huế vào mùa thu. Mùa thu năm nay có nhiều đổi thay lớn đối với gia đình tôi. Đau buồn nhất là mẹ đã qua đời và mục đích để chị em chúng tôi trở về thăm quê mẹ lần này là đi chùa cầu nguyện cho mẹ trong vòng 49 ngày sau khi mẹ mất. Chuyến đi ngắn ngày nhưng đây là cũng một dịp may không dễ có để tôi được viếng thăm những ngôi chùa Huế cổ kính trong đó có những ngôi chùa mà tôi từng mong muốn được đến nhưng chưa thực hiện được vào những năm trước.

Cúng thất đầu cho mẹ xong, chị em chúng tôi lên đường ngay buổi trưa ngày 17 tháng 7. Trước khi đi tôi có hỏi một số bạn người Huế xem có thể cho tôi biết một số địa chỉ chùa hay không? Anh bạn SG trả lời hãy để tùy duyên, và tôi nghĩ tùy duyên thật. Vì vậy lúc ra đi trong đầu tôi chỉ nhẩm nhớ đến một vài ngôi chùa Huế mà tôi đã biết, còn thì đành để đi đến đâu hay đến đó.

Sân bay Huế đang sửa chữa nâng cấp đến cuối tháng 9 mới xong. Chúng tôi phải bay ra Đà nẵng rồi thuê xe đi vào Huế. Quyết định chỉ trong vòng 1 buổi sáng, chúng tôi vào mạng đặt mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn ở Hội An, Huế và Đà nẵng.

Tất cả đều được xác nhận rất nhanh trong buổi chiều trước ngày đi. Tuy nhiên vì chỉ lưu lại Huế 2 đêm, tôi không hy vọng lắm là chị em chúng tôi sẽ viếng được nhiều chùa. Tôi nói với các em trường hợp không đủ thời gian thì cố gắng ít nhất cũng phải đi viếng cho được 10 cảnh chùa.

Xứ Huế, quê mẹ tôi có rất nhiều chùa. Người địa phương bảo có đến 230 ngôi chùa lớn nhỏ. Một con số không nhỏ nơi chốn kinh thành còn rất nhiều lăng tẩm vua chúa, di tích cổ! Trên đường đi từ Đà Nẵng ra Huế, tôi nghe nói vùng biển Lăng Cô có rất nhiều chùa, nhưng khó vì không biết những ngôi chùa này nằm ở đâu. Thời gian quá ngắn không đủ cho chúng tôi đi tìm. Ngồi trên xe, em tôi lấy được từ tin nhắn của một cô bạn thường ra Huế làm từ thiện, cho biết một vài địa điểm cô nhi viện và viện dưỡng lão.

Ngôi chùa đầu tiên chị em tôi đến vào buổi trưa ngày 18 tháng 7, là chùa Từ Đàm. Trong ký ức ngày còn thơ của tôi hơn 45 năm về trước, là một ngôi chùa lớn và đẹp, lúc nào cũng đông khách thập phương, khói nhang nghi ngút, giờ đây vắng lặng vì trong mùa an cư.

Đây là một ngôi chùa cổ danh tiếng của Huế, tọa lạc tại số 1 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế. Từ cổng vào, có một bảng đá khắc lịch sử của ngôi chùa, do Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn vào khoảng năm 1690, vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Sau đó được đặt tên là chùa Ấn Tôn với ý nghĩa là “lấy sự truyền tâm làm tông chỉ”. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên chùa Ấn Tôn thành Từ Đàm, do kiêng tên húy của nhà Vua là Miên Tông, với ý nghĩa là “đám mây lành của Phật pháp”.

Chùa Từ Đàm – Huế, khai sơn vào khoảng năm 1690

Vẫn còn đang trong tháng 6 âm lịch, mùa an cư kiết hạ của quý tăng ni bắt đầu từ sau lễ Phật Đản rằm tháng 4 và kết thúc vào dịp lễ Vu Lan rằm tháng 7 nên chùa vắng vẻ, cửa chính điện đóng chặt nên chúng tôi phải vào lễ Phật bằng cửa sau.

Lúc ban đầu hơn 330 năm về trước, chùa Từ Đàm chỉ là tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá, sau nhiều lần trùng tu mới được như ngày nay.

Cổng tam quan được xây dựng năm 1965. Bên phải sân từ cổng vào là cội bồ đề có nguồn gốc từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ (nơi Phật Thích Ca thành đạo). Bên trái sân là tháp Ấn Tôn 7 tầng, cao 27 m, mỗi tầng thờ một tượng Phật bằng đồng, khởi công năm 2008.

Chánh điện được tái thiết từ năm 2006 đến 2010 mới khánh thành. Công trình mới có chiều dài 42 m, chiều ngang 35,9 m, được kiến trúc theo mô hình trùng thiềm điệp ốc, gồm ba gian hai chái, và hai bên có lầu chuông, lầu trống, theo kiểu kiến trúc truyền thống của chùa Huế.

Lễ Phật xong, chúng tôi đi dạo quanh chùa. Mùi thơm của hoa trong vườn chùa thoang thoảng trong gió. Phải nói rằng kiến trúc chùa Từ Đàm rất đẹp và mỹ thuật, không rườm rà nhiều chi tiết. Điện Phật trong chính điện được bài trí tôn nghiêm, nhưng đơn giản. Chính giữa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát là Văn Thù Sư Lợi ( thường thấy tượng ngài cưỡi con sư tử ) và Phổ Hiền ( cưỡi voi trắng 6 ngà ). Phía trên chánh điện có treo tấm biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ Hán: “Ấn Tông Tự”.

Rời chùa Từ Đàm, xe chúng tôi chạy ngang qua chùa Báo Quốc, chỉ cách chùa Từ Đàm hơn trăm thước. Anh tài xế hỏi chúng tôi có muốn ghé không? Tôi gật đầu, bảo nhớ lúc nhỏ chị em tôi đã được cùng mẹ đi rất nhiều chùa, và chùa Báo Quốc là một trong những nơi mẹ đã dắt chúng tôi đến.

Chùa Báo Quốc – Huế, thành lập năm 1674

Đây cũng là một ngôi chùa cổ có lịch sử hơn 339 năm, tọa lạc trên đồi Hàm Long trên đất xưa gọi là làng Thụy Lôi. Chùa do Hoà Thượng Giác Phong, người Quảng Đông, Trung Quốc, khai sơn vào cuối thế kỷ 17 dưới đời vua Lê Dụ Tông và đặt tên là Hàm Long Tự. Sau đó Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ Báo Quốc Tự vào năm 1747. Cổng chùa xây năm 1749. Hiện nay vẫn còn tấm biển thếp vàng và những bức liễn từ thời ấy.

Chúng tôi bước vào một cái sân rộng và rừng cây thâm u. Nắng chiều nhợt nhạt và bầu trời trĩu nặng như sắp đổ mưa làm cho cảnh chùa càng thêm tĩnh mịch. Cũng như chùa Từ Đàm, chính điện chùa Báo Quốc cũng đóng cửa. Chị em tôi đi qua sân thì thấy phía sau chính điện là một vườn hoa, cây kiểng đẹp. Một vị sư niềm nở mở cửa cho chúng tôi vào. Xong sư mời chúng tôi ngồi uống trà và hỏi chị em tôi từ đâu đến. Hóa ra đó là thầy trụ trì chùa, và ngạc nhiên hơn nữa là khi đọc tên cha mẹ chúng tôi nhờ chùa cầu siêu thì sư thầy cho biết 46 năm trước thầy đã gặp cha tôi. Sư thầy vui vẻ kể lại một vài kỷ niệm với cha tôi ngày ấy, còn chúng tôi thì thấy trong lòng vui sướng như được gặp lại người thân quen cũ, được trở lại quá khứ cùng cha mẹ đi lễ chùa.

Lại hỏi sư thầy xin thầy cho biết một số ngôi chùa gần đây. Thầy cho biết có chùa Thiên Minh và Từ Hiếu.

Thế là chúng tôi đi tiếp. Cách đó không xa, sừng sững cổng tam quan chùa Thiên Minh. Cổng chùa, dọc bờ tường theo lối vào được khảm bằng sành sứ theo cách trang trí nghệ thuật cung đình Huế.

Chùa Thiên Minh

Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Tọa lạc tại ấp Trường Giang, nay thuộc phường Trường An, Huế.

Chùa bắt đầu khởi sắc khi ngài Quảng Lộc được cử về làm trụ trì năm 1930. Ngài là đệ tử của ngài Giác Bổn, chùa Từ Quang, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 43 và dòng thiền Liễu Quán đời thứ 9. Sau đó nhờ công đức của ngài Khế Chơn, vị kế thế trụ trì, chùa trở thành một ngôi chùa uy nghiêm.

Chùa Thiên Minh cũng mới được trùng tu. Như nhiều ngôi chùa Huế khác, trước chính điện chùa có một khu vườn cây kiểng đẹp và quanh chùa trồng nhiều cây ăn trái. Tại đây có một vị sư trẻ tiếp đón chúng tôi và nhiệt tình dẫn đường mời chúng tôi đi viếng Tượng đài Quan Thế Âm Bồ tát ở núi Tứ Tượng, thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách chùa chừng hơn 10 km, nơi có tiếng linh thiêng và cách tuần rồi nghe đồn tượng Bồ tát tỏa ánh hào quang.

Tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát

Tượng đài Bồ tát nằm trên ngọn đồi, chung quanh quang cảnh núi rừng thật thơ mộng. Về phía Tây, ráng chiều sắc tím đỏ còn vương trên những rừng cây trùng trùng điệp điệp xa xa bao quanh càng tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên có phần huyền bí.

Cũng trong buổi chiều đầu tiên đến Huế, từ tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát, chúng tôi đi về lại thành phố và ghé chùa Từ Hiếu ở chặng cuối ngày.

Nghe danh tiếng chùa Từ Hiếu đã lâu, hôm nay tôi mới được đặt chân đến. Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của cố đô Huế. Chùa tọa lạc ở thôn Dương Xuân Thượng III, xã Thủy Xuân, nằm khuất trong một rừng thông, khuôn viên rộng chừng 8 mẫu, trước có khe nước uốn quanh, khung cảnh thơ mộng. Ban đầu là am An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định dựng vào năm 1843 để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Vốn là một vị vua rất hiếu thảo với mẹ, Vua Tự Đức cảm phục tấm lòng của sư Nhất Định đã ban cho chùa tấm biển “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Sau khi Hòa thượng viên tịch, vào năm 1848, các vị thái giám và cung giám đã tổ chức tái thiết, mở rộng ngôi chùa. Đây cũng là nơi trực tiếp hoặc gián tiếp tác thành các bậc tăng tài và thiền sư nổi tiếng từ xưa đến nay.

Chùa Từ Hiếu – Huế

Trước cổng chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng vào năm 1896 dùng làm nơi tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua. Từ cổng bước vào là một hồ bán nguyệt lớn xây vào năm 1930 trước thả hoa sen, hoa súng, nay còn nuôi thêm cá cảnh. Chung quanh là một khu vườn lớn trồng nhiều cây to tàng lá rậm rạp, thấp thoáng vài ngôi mộ cổ, miếu thờ. Vì đã chiều lại trong mùa an cư, khách đến viếng chùa giờ này không có ai ngoài chị em chúng tôi. Bước đi của người cũng khe khẽ trên lá khô như sợ làm động chốn thiền môn. Từng đàn cá quẫy đuôi ngoi lên lặn xuống khuấy động mặt hồ lẫn tiếng chim kêu đâu đó từ bìa rừng là tiếng động của thiên nhiên trong cảnh chùa yên tĩnh này.

Cấu trúc chùa theo kiểu ba căn hai chái, trước là chính điện thờ Phật, sau là nhà Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu Đường, giữa thờ đức thánh quan, bên phải thờ các vị Thái giám dưới triều nhà Nguyễn từ đời Vua Tự Đức đến đời Vua Bảo Đại. Ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông. Nội viên chùa có mộ tháp của các sư trụ trì, khá nhiều lăng mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn và lầu bia rất đẹp. Cách chùa chừng 300 m là khu lăng mộ các quan thái giám, bao quanh là tường cao phủ rêu phong tuế nguyệt. Nhìn tia nắng cuối ngày hiu hắt còn vương trên những ngôi mộ cổ hàng trăm năm đã nhuốm màu hoang phế, tôi chợt nghĩ về những linh hồn từng dâng hiến tuổi xuân xanh và cả cuộc đời cho hoàng triều một thưở, khi mất đi không con cái nối dõi tông đường thờ cúng, được nương mình nơi cửa Phật hưởng hương khói nhà chùa cũng ấm áp phần nào.

Tuy nhiên, tôi cũng nghe nói rằng triều Nguyễn có khoảng 200 thái giám nhưng chỉ có 25 ngôi mộ nằm tại nơi đây, còn lại không biết về đâu. Đây là ngôi chùa được xem như là ngôi chùa duy nhất đã đón nhận những con người bất hạnh cô đơn khi sống, không thừa tự khi chết này.

Chúng tôi rời chùa Từ Hiếu khi màn đêm dần buông. Có tiếng côn trùng nỉ non trong bóng chiều tà. Cảnh chùa càng thêm tịch liêu trầm mặc.

Ngày hôm sau là một ngày đi liên tục từ sáng đến chiều tối. Chúng tôi ghé chùa Đức Sơn vào đầu ngày. Đây là một ngôi chùa sư nữ ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, gần lăng Thiệu Trị, được thành lập năm 1964. Năm 1988 chùa mở cơ sở nuôi trẻ mồ côi lẫn trẻ em trong vùng. Cho đến năm 2002 chùa đã nhận nuôi hơn 120 trẻ em mồ côi. Tất cả nhờ vào kinh phí đóng góp của những tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước.

Chùa Đức Sơn – Cô nhi viện Đức Sơn

Tổng số hiện nay là 165 em: 81 nam 84 nữ. Trước đó chùa đã nuôi 300 em, hơn một nửa đã trưởng thành và có công ăn việc làm tử tế. Ni sư Thích nữ Minh Tú cho biết gần đây chùa có tổ chức quán cơm chay để có thêm thu nhập. Các em đã ra đi làm vẫn thường xuyên trở về phụ chăm sóc các em bé hơn. Nhìn các cháu bé dưới 1 tuổi ngồi buồn rầu trong các giường sắt thật đáng thương. Có cháu chừng 10 tháng đã cố đứng dậy níu song sắt đu ra ngoài đòi bế. Tôi cúi xuống bế cháu lên, cháu úp mặt vào lòng tôi ôm cứng không chịu rời. Lúc chia tay cháu khóc nức nở thật tội nghiệp. Đứa trẻ nào trong hoàn cảnh nào cũng cần cha mẹ và người thân yêu chiều nó. Tôi nghĩ, bất hạnh nhất trên đời của kiếp người là cha mẹ không còn khi sinh ra, hoặc bị bỏ rơi lúc chào đời không được hưởng sự ấm áp và tình yêu của lòng mẹ, sự chăm sóc dạy dỗ bảo ban của cha. Tôi hỏi Sư cô nếu có ai đó muốn nhận các cháu làm con nuôi thì như thế nào? Sư cho biết nhiều người muốn xin con nuôi nhưng hiện nay việc xin con nuôi rất khó vì phải xem xét rất kỹ sợ cho không đúng người. Các em lớn hơn thì không muốn cho ai, vì sống đùm bọc với nhau trong hoàn cảnh này, các em thương yêu nhau như ruột thịt không muốn chia lìa.

Chùa còn có 1 phòng nuôi trẻ sơ sinh và 1 phòng cho các em bệnh tâm thần. Trong hành lang, có mấy cô gái trẻ người Pháp thường đến Cô nhi viện để săn sóc các em. Có cô gái tuổi chưa đến đôi mươi ngày nào cũng đến để bồng bế các em bé. Một cô gái cho biết trong 4 tuần đến Việt Nam du lịch thì cô đã bỏ ra 3 tuần để đến với các em vì các em rất cần tình thương. Thật là những tấm lòng vàng.

Chùa Tịnh Đức – Nhà Dưỡng lão Tịnh Đức

Rời cô nhi viện Đức Sơn, chúng tôi đến chùa Tịnh Đức – Nhà Dưỡng Lão Tịnh Đức, Huế. Gần 24 năm nay, chùa Tịnh Đức ở phường Thủy Xuân- TP Huế là nơi nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn bất hạnh, không nơi nương tựa. Vào đây, các cụ được chăm sóc sức khỏe và ăn uống đầy đủ. Đến khi các cụ nhắm mắt xuôi tay, nhà chùa lại tận tâm chôn cất và thờ cúng.

Khu vực chôn cất các cụ bà nằm ở một khu đất riêng cạnh chỗ an nghỉ của các ni sư đã quá vãng của chùa Tịnh Đức. Có gần 20 ngôi mộ, tất cả được xây cất và có bia đá khắc ghi tên tuổi, quê quán và ngày mất.

Hiện chùa Tịnh Đức đang nuôi dưỡng 32 cụ bà, trong đó có 3 cụ trên 90 tuổi, 7 cụ bị tàn tật. Các cụ được ở trong những căn phòng sạch sẽ, mỗi phòng có 3 hoặc 4 cụ. Khi đến, có một cụ bà đang ngồi cầm chiếc chổi nhỏ quét hành lang ngay trước phòng mình. Cụ cắm cúi quét, không để ý đến ai. Trong phòng, các cụ ngồi nhìn ra, chắp tay chào. Sư cô cho biết: “Ban đầu nhà chùa đi tìm các cụ có hoàn cảnh neo đơn, không con cái nuôi dưỡng, đón về chăm sóc mà không cần giấy tờ. Nhưng về sau lại có nhiều trường hợp con cái hoàn cảnh khó khăn cũng muốn đưa mẹ vào đây, nhà chùa tôi buộc phải có hồ sơ lý lịch rõ ràng, vì không muốn vô tình làm cho các con của họ mang tội bất hiếu không nuôi dưỡng cha mẹ”.

Chùa Diệu Viên – Nhà Dưỡng lão Diệu Viên

Một ngôi chùa sư nữ kế tiếp là chùa Diệu Viên – Nhà Dưỡng lão Diệu Viên ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, trên triền núi Ngũ Phong. Chùa do cư sĩ Hồ Thị Thể Anh, Nguyễn Thị Khương và một số Phật tử lập ra vào năm 1924 và mời sư bà Hướng Đạo làm vị khai sơn. Chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành một cảnh trí trang nghiêm, thanh tịnh. Chùa có khoảng 40 ni sư và hiện đang nuôi dưỡng chăm sóc 23 cụ bà.

Khi đến đây cúng dường, chúng tôi may mắn được sư bà mời ở lại dùng cơm chay và dự lễ qua đường, hồi hướng cho mẹ chúng tôi. Đó là một phước báu rất lớn do nhân duyên mà được có. Chị em chúng tôi rất xúc động vì không ngờ và cũng không biết trước chuyện này. Cùng lúc đó, vị sư trẻ ở chùa Thiên Minh lại gọi điện thoại mời chúng tôi có tiện đường thì ghé qua chùa, quý thầy mời dự lễ qua đường ở đó nhưng chúng tôi cảm ơn vì đang trên đường đi tiếp đến nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Ưu Đàm, theo hướng dẫn của một cô bạn.

Chùa Ưu Đàm – Nhà nuôi dạy trẻ Ưu Đàm

Chùa Ưu Đàm cũng là một nơi đến gây nhiều ấn tượng cho chúng tôi. Chùa ở xã Vinh Vệ, Phú Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. Ni sư Phước Thiện, là P. Trưởng ban Điều hành. Trung tâm nuôi dạy hơn 40 cháu mồ côi đủ loại tuổi từ sơ sinh đến thiếu niên Vậy mà chỉ thấy có ni sư Phước Thiện, một ni sư khác cùng 2 cô nhà bếp chăm sóc. Khi chúng tôi đến vào giấc trưa, các em đang ngủ. Chúng tôi đi thăm một vòng, từ phòng ăn, bếp núc, phòng ngủ đến phòng vệ sinh đều sạch sẽ tươm tất thật đáng nể phục. Ni sư kể đã đi nhặt từng em bé lang thang ngoài đường về đây, tạo cho một gia đình có anh có em, dạy dỗ học tập. Có một số em từ nhỏ đã muốn đi theo con đường tu hành thì ni sư cho xuất gia, nhà chùa có phòng và bếp ăn chay riêng cho các cháu. Vị trí chùa khá xa thành phố, nơi hẻo lánh ít người biết đến nên ni sư có vẻ ngạc nhiên hỏi sao chúng tôi biết đến nơi này. Tôi có hỏi hiện nay nhà nuôi trẻ cần thiết điều gì nhất thì ni sư nhỏ nhẹ trả lời: “Huế hay bị thiên tai. Vào mùa bão lụt, nước lụt dâng cao cả thước, chỉ lo cho các em thiếu thực phẩm”. Nghe câu này lòng tôi nhói đau. Huế còn nghèo lắm, những con người có tấm lòng vàng như thế này đã làm gì để có thể đùm bọc nuôi dưỡng các em? Chúng tôi liền để lại thông tin liên lạc, mong lúc khó khăn nhất nhà chùa có thể cho biết. Nếu có thể làm được gì thì chúng tôi sẽ sẵn lòng.

Rời chùa Ưu Đàm, tiện đường chúng tôi ghé viếng lăng Vua Tự Đức rồi đi tiếp đến Huyền Không Sơn thượng. Đã một năm từ khi tôi đến thăm Huyền Không Sơn thượng và viết “Lạc Bước Rừng Thiền” (*), nay trở lại thấy có nhiều thay đổi. Con đường đi vào chùa Huyền Không đã được tráng nhựa, đỡ vất vả hơn cho việc đi lại, và cảnh chùa có vẻ nhộn nhịp hơn, đông du khách hơn trước.

Ngôi chùa cuối cùng trong ngày là chùa Thiên Mụ. Xe chúng tôi đi vòng ra ngã sau vì phía trước lúc nào cũng đông nghịt khách du lịch. Ngày còn bé, đây là ngôi chùa mà chị em tôi được đến nhiều nhất do cha mẹ và cả gia đình tôi đều được quy y với Cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Nay trở về được lễ Phật và vãn cảnh chùa, tôi lại nhớ đến những ngày tuổi nhỏ lúc gia đình tôi ngồi vây quanh Hòa Thượng trụ trì. Môi nở nụ cười hiền từ, người đưa tay xoa đầu chúng tôi. Mẹ bảo được Ôn xoa đầu thì học giỏi lắm!

Đó là một buổi chiều trời nắng đẹp, đã hơn 4 giờ chiều mà nắng còn rực rỡ chói chang. Đi dạo trong sân chùa thoang thoảng mùi hương kỷ niệm, lại thấy nhớ cha mẹ vô cùng.

Chùa Thiên Mụ, Huế – Xây dựng vào năm 1601

Khác với những cảnh chùa cổ u buồn đã đi qua, chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, ở một vị trí rất đẹp và thơ mộng bên dòng Hương giang, xa xa là dãy núi Ngự Bình. Những cành phượng đỏ nghiêng soi bóng xuống dòng nước nơi có những chiếc thuyền trôi lờ lững.

Từ một huyền thoại có bà lão áo đỏ thường hiện ra trên đồi báo tin sẽ có chân chúa xuất hiện để tụ linh khí, làm bền long mạch cho nước Nam hùng mạnh, vào năm 1601 chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa đặt tên là Thiên Mụ cũng vì lẽ đó.

Tháp Phước Duyên là một biểu tượng gắn liền với chùa Thiên Mụ, được xây dựng vào năm 1844 dưới đời Vua Thiệu Trị, cao 21 m và gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có thờ tượng Phật.

Kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, chùa Huế phát triển mạnh nhất từ đời Vua Gia Long đến đời Vua Duy Tân. Rất nhiều tượng Phật, chuông, khánh đồng, đá, và nhiều pháp bảo, văn vật khác của Phật giáo từ thời Vua Lê chúa Trịnh đến đời nhà Nguyễn còn được các chùa Huế bảo tồn, là một kho tàng của văn hóa Phật giáo Huế.

Sau nhiều đợt trùng tu, tái thiết, xây dựng mới, chùa Huế quy tụ hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Tôi không biết con số mà một chị bạn gốc Huế cho biết là Huế có tất cả 230 ngôi chùa có đúng không vào thời điểm hiện tại, hay người ta đã đếm tất cả kể cả những ngôi chùa cổ hoang phế và mất dấu rồi? Theo một thống kê, tổng số chùa khắp cả nước là 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích của Việt Nam. Chùa ở đây được kể đã bao gồm chùa Phật, chùa thờ thần, thờ các vị thiền sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông, Lý Thần Tông; thờ Tam giáo ( Nho, Phật, Lão ), thờ Trúc Lâm tam tổ, chùa người Hoa, chùa người Kh’mer ở miền Tây Nam bộ v.v…. Ngoài những ngôi chùa cổ danh tiếng ở Huế mà chúng tôi đã đến được trong chuyến đi này như chùa Thiên Mụ, Báo Quốc, Từ Đàm, Từ Hiếu, Thiên Minh … còn có nhiều ngôi chùa khác như chùa Diệu Đế, Phước Thọ Am, Trúc Lâm, Từ Ân … cũng đều có lịch sử xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn tồn tại. Đặc biệt có đến hàng trăm ngôi chùa vùng núi đồi mạn Nam sông Hương thuộc dòng sư Liễu Quán, Tổ của phái Thiền Lâm Tế Tử Dung – Liễu Quán mà tổ đình là Chùa Thuyền Tôn, được thành lập khoảng năm 1708 cũng từ một am mái lá ở núi Thiên Thai, nay thuộc Ngũ Tây, xã Thủy An. Riêng một số chùa cổ như Sùng Hóa, Kim Quang, Tây Thiền, Huệ Minh, Trấn Hải, Bạch Vân, Diên Thọ, Linh Hựu, Ngọc Sơn về sau đã bị bỏ phế, hoang tàn rồi mất luôn dấu tích xưa.

Tôi chưa có cơ hội đi thăm các chùa miền Bắc, nhưng tôi rất thích nét tạo hình tượng Phật và La hán của miền Bắc. Sống ở đất phương Nam, tôi từng có nhiều lần viếng các chùa Phật, chùa Ông, chùa Bà, đền thánh Trần, các ngôi đình thần v.v… từ miền Đông đến Tây Nam bộ, giờ đây được thăm thêm nhiều chùa Huế nên dễ dàng nhận ra những nét khác biệt. Nét quen thuộc trong kiến trúc chùa Huế với đặc điểm chung là không đồ sộ, có thể có vườn rộng nhưng nếp chùa Huế mang đặc trưng truyền thống ngôi chùa Việt Nam, tinh tế, không khoa trương rườm rà, bình dị, gần gũi với dân gian. Chính điện thường có từ 3 đến 5 gian, 2 chái, mái 2 tầng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vườn chùa thường trồng cây ăn trái, cây cho hoa và cây kiểng được chăm sóc đẹp đẽ. Tháp mộ các vị Tổ, trụ trì, tăng chúng, được bố trí quanh vườn. Phía sau thường là khu canh tác, trồng hoa màu rau quả. Nội thất chùa bình dị, cân đối và không trang trí sặc sỡ. Trong chính điện trước Tam Thế Phật đặt thêm tượng Phật Thích Ca, gian trái thường có Bồ tát Địa Tạng, gian phải là Bồ tát Quán Thế Âm, tả hữu có Kim Cang, Hộ Pháp.

Cách kiến trúc chùa viện theo kiểu chữ Hán như chữ khẩu, chữ nhất, chữ tam, chữ liễu. Tiền đường, điện thờ theo kiểu nhà trùng lương đặc trưng của chùa Huế. Nóc chùa thường chạm khắc hình đôi rồng chầu mặt trăng hay chầu Pháp luân, hoặc hình ảnh tứ linh như long, lân, quy, phụng và các kiểu hoa sen. Mái lợp ngói âm dương như kiểu kiến trúc cung đình. Nhìn chung, đa số chùa Huế đẹp, mỹ thuật tinh tế, cảnh quan thơ mộng. Dù nằm ở vị trí đồi núi cao, rừng thông bạt ngàn, gần sông suối, đồng ruộng hay ngay cả trong thành phố cũng vẫn là những hình ảnh mà tôi từng nhìn thấy từ tuổi nhỏ, từng đem theo vào những giấc mơ về sau khi xa Huế nghìn dặm.

Trên dòng Hương Giang

Hai ngày ở Huế, chúng tôi ở trong một khách sạn nhìn xuống dòng sông Hương. Khung cảnh thật đẹp và mơ màng. Xa xa là núi Ngự Bình. Nhìn từ trên cao, dòng sông xanh ngắt uốn khúc quanh quanh thật mỹ miều. Tôi thầm nghĩ ngoài lý do phong thủy, phong cảnh Huế hữu tình như thế cho nên các chúa Nguyễn ngày xưa đã chọn nơi này làm kinh đô. Tôi nhận ra phía trái khách sạn là một trong những ngôi nhà cũ gia đình tôi đã ở từ những năm trước 1965. Đi về hướng ấy thêm chừng 100m nữa là ngôi trường tiểu học của tôi. Hình bóng cha mẹ tôi dường như vẫn ở đâu đó quanh đây. Tôi có cảm giác như mẹ tôi đi cùng, và bà đã rất vui khi được cùng các con “về quê”, một mong ước mà có lẽ bà đã chưa kịp thực hiện trước ngày đi xa.

Nếu kể cả một số ngôi chùa ở Đà Nẵng và Hội An cũng trong chuyến đi này như chùa Bảo Quang, chùa Bà Đa và đẹp nhất là chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, Đà Nẵng với tượng Phật Quán Thế Âm cao 67 m trên ngọn đồi thuộc bán đảo Sơn Trà, thì trong chuyến hành hương ngắn ngày về quê mẹ lần này chị em chúng tôi đã viếng được hơn 15 ngôi chùa. Riêng những ngôi chùa Huế, còn nhiều cổ tự mà tôi chưa đến, cũng trong dịp này vô tình biết được, đã làm cho tôi mong muốn sẽ có những chuyến hành hương kế tiếp.

N.D.T

Tháng 8 – 2013

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here