Vì vậy, một số người có suy nghĩ tiêu cực, là buông xuôi, phó mặc cho số phận, trôi dạt đến đâu thì hay đến đó, mọi người như vậy, mình cũng vậy thôi chứ biết làm sao bây giờ. Có người tin vào thuyết số mạng, định mệnh, cho rằng miếng ăn miếng uống đều được định sẵn. Có người rủ nhau đi tìm thầy bói, thầy tướng để xem số cho mình, xem có giàu lên không, con cái thi có đậu không? Sắp tới có lên chức được không? Có cách nào giải trừ tai ương, chướng nạn được không? Nhưng rốt cuộc cũng chỉ là vô ích, vì các thầy bói, thầy tướng đó cũng đang sống trong vô minh và nô lệ cho nghiệp, bản thân họ còn không tự giải trừ nghiệp chướng cho mình, thì làm sao giải trừ cho người khác. Vậy mà thực tế vẫn còn một số người u mê, tin theo những lời hù dọa và hứa hẹn vu vơ của các thầy bói để rồi phải chịu khổ đau nhiều hơn.
Chúng ta gặp được Phật pháp là phước duyên vô cùng thù thắng. Phật pháp là ngọn đèn sáng chiếu phá mọi nẻo tối tăm, là lương dược chữa lành mọi bịnh khổ, là con thuyền từ đưa người qua bể khổ. Đức Phật nhờ tự thân nỗ lực tu tập mà chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề, có trí tuệ thấu suốt thực tính của vạn pháp, bản chất của vạn tượng, chân lý của muôn vật, nên đã hoàn toàn làm chủ sống chết, làm chủ số phận, làm chủ vạn pháp.
Sự nghiệp tầm đạo vượt thoát sinh tử vĩ đại của Đức Phật là minh chứng hùng hồn cho một chân lý: Con người hoàn toàn có khả năng làm chủ số phận của mình. Chân lý này có ý nghĩa nhân văn rất lớn, tạo nên một niềm tin bất diệt, thôi thúc con người lạc quan về một tương lai tốt đẹp trong cõi nhân sinh.
Bí quyết làm chủ đời mình, làm chủ sinh mạng, làm chủ tương lai, làm chủ số phận mà Đức Phật đích thân trải nghiệm và truyền dạy cho chúng ta, chính là sống tỉnh thức trọn vẹn trong từng giây phút hiện tại; sống tỉnh thức hoàn toàn trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày. Chúng ta luôn luôn tỉnh giác trong đi, đứng, nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ, làm việc, sinh hoạt, giao tiếp…
Làm thế nào chúng ta có thể sống tỉnh giác được? Trước hết là phải quan sát rõ và làm chủ mọi ý niệm sinh khởi trong tâm chúng ta. Căn cứ kinh nghiệm thực tế, ta tạm phân các ý niệm thường xuyên và liên tục phát sinh trong tâm ta làm hai loại: Ý niệm thiện và ý niệm bất thiện.
Ý niệm thiện là những ý niệm thuận hướng Niết-bàn, thuận hướng Bồ-đề, thuận hướng giác ngộ, thuận hướng giải thoát. Trong đó, ý niệm phát khởi tâm Bồ-đề, quyết chí tu thành Phật, để cứu độ chúng sinh đang trôi lăn trong biển khổ sinh tử là vua trong các niệm thiện. Ngoài ra, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm từ bi, niệm hỷ xả, niệm bố thí, niệm nhẫn nại, niệm vô ngã, niệm vô thường, niệm nhân quả, niệm Niết-bàn…thuộc về ý niệm thiện. Nói đơn giản, đó là những ý niệm thật sự đem lại cho an vui, giải thoát cho chúng sinh và mình.
Ý niệm bất thiện là những ý niệm nghịch hướng Niết-bàn, nghịch hướng giác ngộ, thuận chiều sinh tử, thuận chiều khổ đau, thuận chiều tham ái. Trong đó, ý niệm chấp ngã là căn bản. Tức là ý niệm dính mắc vào cái ta và cái của ta. Thân của ta, vợ của ta, con của ta, tài sản của ta, chức vụ của ta, danh vọng của ta… Ai dám động chạm vào cái ta và của ta thì sẽ liều chết với người đó. Ngoài ra, còn có niệm tham, niệm sân, niệm si, niệm nghi, niệm ác độc, niệm hơn thua, niệm ganh tỵ, niệm hận thù, niệm chán ghét, niệm ích kỷ… Nói đơn giản, đó là những ý niệm làm tổn thương chúng sinh và mình.
Chúng ta thấy rõ, ý niệm thiện chiêu cảm sự may mắn và phước đức ; ý niệm bất thiện chiêu cảm khổ đau, phiền não, bất hạnh đến với ta. Chúng ta tự mình quan sát xem ý niệm thiện hay bất thiện phát khởi trong tâm chúng ta nhiều hơn? Thông thường, phần nhiều trong tâm chúng ta ý niệm bất thiện phát khởi nhiều hơn ý niệm thiện. Nguyên nhân là do hàng ngày hoặc vô tình, hoặc cố ý, chúng ta huân tập ý niệm bất thiện nhiều hơn ý niệm thiện, nên chúng ta buồn rầu khổ đau, chán nản nhiều hơn là vui vẻ, hạnh phúc.
Khi đã biết rõ như vậy, từng giây từng phút, chúng ta tỉnh giác quan sát, nhận biết rõ ràng những ý niệm sinh khởi trong tâm ta. Bước đầu ta giữ ý niệm thiện, loại bỏ những ý niệm bất thiện. Một khi ý niệm bất thiện khởi lên, ta nhận biết rõ, không theo nó, thì tự nhiên nó sẽ không có đất sống, không còn tồn tại trong tâm ta.
Sau khi công phu thành tựu, trong tâm hoàn toàn vắng bóng ý niệm bất thiện, chỉ còn ý niệm thiện. Chúng ta cần phải phá bỏ cả sự dính mắc, chấp trước vào thiện niệm, mới có thể đạt đến chính niệm thanh tịnh. Lúc ấy tâm thức của chúng ta thanh tịnh, hoàn toàn không còn bị vọng niệm tác động. Khi đạt đến cảnh giới chính niệm thanh tịnh này, tuệ giác bùng vỡ, chúng ta nhìn thấu thật tính của vạn pháp, bản chất của muôn vật, không còn sai lầm. Cái thấy biết lúc đó là vô cùng chân thật. Đây chính là cảnh giới giác ngộ, cảnh giới giải thoát, là Niết-bàn tịch tĩnh.
Chúng ta làm chủ được ý niệm, làm chủ được suy nghĩ, chúng ta sẽ làm chủ được lời nói, làm chủ được hành động tức là lời nói và việc làm của chúng ta không còn sai lầm, không còn tạo nên nghiệp chướng, không còn tổn hại cho chúng sinh. Mỗi ý nghĩ, lời nói việc làm đều lợi ích cho chúng sinh và bản thân. Như vậy là chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được số mạng, làm chủ được nghiệp, làm chủ được cuộc sống, làm chủ được tương lai của chúng ta. Điều này được Đức Phật khẳng định một cách dứt khoát trong kinh Pháp cú:
“Giữ miệng, thu nhiếp ý
Thân không phạm lỗi chi
Ai làm được như thế
Sinh tử chẳng còn gì”.
TT. T.H.T
(Thiền ++)