Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đạo Phật với môi trường thiên nhiên

Đạo Phật với môi trường thiên nhiên

136
0

Có lẽ trong các tôn giáo lớn trên thế giới, đã không có một tôn giáo nào chú ý nhiều đến môi trường thiên nhiên như đạo Phật và người giảng dạy giáo pháp là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Sự kiên có ý nghĩa nhất về đề tài này chính là việc khi ra đời thì  thái tử Tất-Đạt- đa đã đản sinh dưới một cây lớn đầy hoa thơm trong công viên Lumbini rất đẹp. Luc đó công viên cũng đang trong mùa có đầy hoa nở và khắp nơi đang vang lên tiếng muôn chim hót du dương, thanh thót… Đến khi bỏ cung vàng điện ngọc để xuất gia, Ngài cũng đã chọ cây cỏ thiên nhiên là người bạn thân với mình.

Trước hết là Ngài đến với năm vị Kiều- Trần- như ở Lộc Uyển Dã tức là vườn cây nuôi nai. Đây là một cảnh thiên nhiên đẹp, có cây cao bóng mát và nền cỏ xanh tươi lại có cả loài động vật hiền lành: loài Nai. Sau đó Ngài rời khỏi Lộc Uyển Dã để đi về phía sông Ni-Liên-thuyền, con sông đầu tiên đã ghi dấu ấn sông núi vào đời đức Phật và kinh Phật. Ngài ngồi dưới gốc cây Nigroda để tĩnh tọa. Khi chiều về, cảnh thiên nhiên  buổi chiều đầu tiên được nói đến trong kinh Phật, Ngài rời chổ ngồi để đi về núi tượng Đầu, cũng vậy tên núi đầu tiên được ghi vào kinh. Lúc đang trên đường đi, Ngài được người cắt cỏ tên là Sothiya dâng tám nắm cỏ thơm kusaggena. Ngài cầm mấy nắm cỏ theo, đi sâu vào tượng đầu sơn, chọn một gốc cây lớn, trải cỏ làm tọa cụ, ngồi Thiền định.

Cây lớn ấy là cây Pippala, tức là Bồ- đề Thánh thụ sau này. Sau 49 ngày, Ngài phát minh ra được định luật Mười hai nhân duyên là nguồn gốc mọi thống khổ và tìm các diệt nguyên nhân là nguồn gốc diệt mọi thống khổ và tìm cách diệt nguyên nhân đầu tiên- tức là khởi điểm Vô minh, để phá tan chuổi Mười hai nhân duyên ấy bằn phương pháp dùng Bát Chánh đạo. Vào lúc đó, trên đầu Ngài, trời yên lặng bao la, ngôi sao mai long lanh sáng rực mọc lên ở chân trời phương Đông và thái tử Tất- đạt- đa đã đắc ngộ Chánh giác Bồ- đề để trở thành Phật. Từ tòa giác ngộ, đức Phật đứng dậy, quay lại trân trọng nhìn cây trong một thời gian rất lâu như để tỏ ý biết ơn cây lớn trong thiên nhiên đã góp phần vào việc giác ngộ của ngộ của Ngài. Cây Pippala này đã trở thành một thánh thụ rất danh tiếng trong nhân loại suôt 25 thế kỷ nay. Sau đó Ngài đi thuyết pháp… về sau, khi Niết- bàn thì Phật Thích ca cũng đã nhập diệt dưới gốc “ Sa- la- song thụ” trong rừng cây sa la.

Suốt thời gian 49 năm giảng kinh thuyết pháp, có đến mười hạ Ngì Đã ở dưới cây lớn thiên nhiên, trong rừng, núi đồi và trên tảng đá hoặc ở các vườn cây đẹp có lập tinh xá, nói chung là chính đức Phật đã an cư kiết hạ trong lòng thiên nhiên. Ở vườn Lộc Uyển Dã (hạ một), ở Trúc Lâm tịnh xá (hai, ba, bốn); ở đồi Makuna (xứ Kosambi) gần Magadha (sáu); ở rừng Bhesacala xứ Sumaradira gaafgn Bhagga (tám) tại rừng Parileyyaka gần Kosambi (mười), năm này vì một sự  tranh cải giữa hai phái Tăng sĩ, hòa giả không được, Phật đã phải bỏ đi an cư một mình ở dưới một gốc cây Sala với một con voi và một con khỉ ; đặc biệt là hạ mười hai, Phật đã ở dưới một cây Sầu Đông xứ Jara theo  lời thỉnh cầu của Vraja; có khi Phật an cư tại một tảng đá như các lần an cư trong dãy núi đá Caliya (13, 18, 19) v.v…

Những nơi dùng để xây dựng tinh xá thì đếu là những nơi có cây cỏ xanh tươi, mát dịu, đẹp như Trúc Lâm- tức là rừng tre hoặc “Cấp Cô Độc viên” tức là vườn cây do ông Cấp Cô Độc dâng cúng. Đây là ngôi vườn Thượng uyển của Thái tử Kỳ Đà rất nổi tiếng. Ngoài cây, rừng, đồi, núi, đá, cát, sông, suối thì các hiên tượng thiên văn, như bóng chiều, sáng sớm, trăng xế đầu non, sao mai mọc sáng long lanh trên nền trời phương Đông cũng đã đi vào cuộc đời của đức Phật và kinh Phật. Ruộng đồng, chim muôn bay liêng, đất cát, côn trùng sâu bọ trong đất cũng đã được ghi nhận là đã được lưu ý ngay từ phút đầu khi Ngài còn là Thái tử Tất- đạt- đa đi du ngoạn. Đây là những môi trường sinh thái, thiên nhiên mà đức Phật đã sống, đã hòa nhập vào với môi trường đó, và đây cũng là, nếu có thể nói thế được, một lối “ thân giáo” cho nhân loại noi theo để biết giữ gìn, biết tôn trọn thiên nhiên. Vì cứ sự, ta thấy cây cỏ, sông núi, đất đá, mây trời, trăng sao, mưa nắng đều có ảnh hưởng đến sự minh triết của con người ở tầm mức quan trọng mà đức Phật đã lấy tự thân chứng minh cho mọi người thấy.

Đến một phần khác, tức là trong kinh Phật. Suốt 49 năm trường, hầu như trong mọi thời nói Pháp, đức Phật đều lấy thiên nhiên làm dụ ngôn để : ngôn giáo” cho 1250 vị Tỳ- kheo thường đi theo Phật. Ngồi mà kể ra có lẽ không bao giờ hết mà lại là việc làm vô ích vì hầu như toàn bộ môi trường thiên nhiên đều có mặt trong mọi kinh Phật của mọi thời nói Pháp. Ở đây chúng tôi chỉ  tạm nói đến vài phậm trù để gợi ý “ gọi là” cho bài này.

Ở phạm trù thực vật thì ngoài các loài cây to vào loại cổ thụ lưu niên hoặc vài loại cỏ quí mà chúng tôi đã nói, chúng ta lại co trước hết là loài hoa. Trong kinh “ Pháp Cú Thí Dụ” có cả một phẩm gọi là Phẩm Hoa (Puphavaggo) trong đó có các câu 51,52, 53, 54, 55, 58,59 là những câu vừa gần với đời sống vừa bao hàm triết lý đạo đức cao siêu qua dụ ngôn bằng loài hoa, thực tuyệt vời. Các kinh khác thì ta gặp loài hoa Mạn- đà-la mà chữ Hán dịch là Thích Ý Hoa hay là Bạch Hoa (kinh A- di- đà); hoa Ưu- đàm, Hán dịch là Linh Thụy  Hoa hoặc là Tường Thụy Hoa; hoa Chiên Đàn; hoa sen vàng, sen xanh, sen đỏ, sen trắng (Kinh A-di- đà). Một bộ kinh siêu việt cả về nội dung triết lý lẫn về mặt văn chương, văn học đã mang tên loài hoa sen, đó là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Lại có hoa malika là thứ hoa thơm mọc tùm lum như dây hoa bìm bìm ở nước Việt ta; hoa Vassika mà chữ Hán dịch là Vũ Quý Hoa.

Quả cũng được đức Phật lấy làm dụ ngôn để dạy đệ tử. Kinh Pháp Cú có câu:” Trái hồ lô (tức là trái bầu của ta) về mùa thu thì rụng, thân này cũng vậy, rốt cuộc chỉ còn một đống xương màu lông hạt, rõ thật chẳng có gì vui “ (149 phẩm Già). Trong hai đoạn kệ cuối 108 vấn đề của Bồ- tát Đại Huệ hỏi đức Phật ở kinh Lăng- già có nói đến các loại quả ở rừng Thi- la có hình thù kỳ quặc như bộ phận sinh dục củ nam hoặc nữ và loại quả Ha- lê- a- ma- lặc (Hà nhân nam nữ lâm, ha- lê- a- ma- lặc?) v. v…

Khi Phật thuyết Thủ Lăng Nghiêm kinh, đoạn ông A- nan cháp tâm có nói đến cây rừng ở phía ngoài tịnh xá. Câu ví dụ Phật hỏi đệ tử: “ nắm lá trong tay nhiều hay lá ở trong rừng nhiều?” là một ví dụ nổi danh ai cung biết. Đến như cây cỏ, ngoài hoa quả và lá ra, lại được lấy làm dụ ngôn để hỏi các vị Tỳ- kheo thì thật nhiều vô kể, ngoài cây Bồ- đề nổi danh vừa có thực lại vừa có trong các dụ ngôn để chỉ giáo pháp đạt ngộ, ta thấy Phật có nói đến cây Ma- la- phạm. Cây này được Phật viện dẫn để dụ cho sự phá giới làm hại đời tu hành bời vì Ma- la- phạm là một loại dây leo như bìm bìm thường leo quấn quanh cây Sa- la cũng là một loại cây lừng danh trong Phật kinh vì đức Phật đã Niết- bàn dưới gốc cây đó; lại thấy có nói đến cây Kattha là một loại cây lau, hễ ra hoa,kết trái rồi là chét; loại cây kè, cây chuối… còn cỏ thì được nói rất nhiều nhất là trong Pháp Cú Thí Dụ (335,356,359).

Đến phạm trù động vật ta thấy nhỏ như vi trung trong câu chuyện uống bát nước, cho đến  muỗi mòng (Kinh Viên giác), đến con rắn, con chuột, đến động vật lớn thường nuôi như con heo(Pháp Cú câu 325), con la (câu 322), con bò (câu 284), con trâu (Kinh 42 chương), con ngựa… đến như thú hoang trong rừng rậm hoặc ngoài bãi biển cũng đã được Phật lấy làm dụ ngôn trong các thời Pháp của Ngài. Rùa, thỏ, khỉ, vượn đã được nói đến trong nhiều kinh; nai (Kinh Lăng- già,ví dụ bầy nai khát nước), sư tử, voi, kinh Pháp Cú cũng đã có một phẩm gọi là phẩm Voi ( Nagavaggo). Côn trùng thì có muỗi, ong …về loài chim, có ai khong thuộc câu này trong kinh Di- đà: “Chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu: bạch hạc, khổng tước, Anh võ, xá lợi, ca lăng tần già, cọng mạng”. Đây toàn là những loài chim đẹp và lạ. Bạch hạc tức là con hạc trắng là một loài chim rất nổi tiếng ở Á Châu, riêng ở Việt Nam thì ít có người không nghe đến chim hạt trắng này. Khổng tước chính là con chim công hình ảnh con công trong đầy màu sắc lóng lánh rực rỡ xòe đuôi múa là một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người, anh vũ hay oanh vũ là loại chim nổi tiếng, (Gia đình Phật tử Việt Nam đã lấy chim oanh vũ đặt tên cho một lứa tuổi các em thiếu nhi)… ba loại chim trên này ở nước ta đếu có. Còn chim xá lợi thì thường người ta cho là chim Thu Lộ tức là loại cò trắng mùa thu nhung Ngài Kỳ- thiền –na lại cho là loại chim Xuân Oanh, tức là chim vàng anh mùa xuân. Kim Ca- lăng- tần- già được Trung Quốc dịch là Diệu âm điểu, tức là thứ chim có tiếng hót huyền diệu. Ngoài các thứ chim trên; kinh Pháp Cú Thí Dụ còn có nói đến “ con ngỗng trời” để dụ cho người có tâm dũng mãnh xuất gia thì không nhớ tiếc gì nhà cũ nữa, như con ngỗng trời khi ra khỏi ao, cũng bỏ lại cái ao hồ không hề nhớ tiếc (câu 91 phẩm A- la- hán/ Arahantavaggo)..

Ở phạm trù khoáng vật và kim loại thì có vàng, bạc, các thứ ngọc quí như lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách đều có nói đến trong kinh Di- đà. Kinh Viên- giác, có nói đến việc lọc quặn vàng để lấy vàng ròng… dụ ngôn cho Phật chủng trong tâm chúng sanh( xin xem Kinh Viên Giác, bản Việt của Trí Quang Thượng nhân tr. 218, bản in năm 1994). NHấT là nói đến kinh Kim- cương: kim cương, thế gian gọi là “ hạt soàn”, là một thứ quí nhất trần gian, vì cái ánh sáng óng ánh kỳ diệu của nó và nhất là vì nó cứng không gì địch nổi. Kim cương không phải là khoáng vật, không phải là kim loại mà là chất than đá kết tinh rong. Kim cương cứng khong gì phá nổi nó, nhưng nó lại cát được chất thủy tinh không để chất này tự rạn vỡ tùy tiện theo bản chất thủy tinh của nó. Một bộ kinh tối thượng thừa của nó, nhờ đó mà Lục Tổ Huệ năng đắc đạo, đã mang tên chất kim cương này, đó là bộ Kim Cườn kinh, một trong bộ kinh chính yếu của Thiên tông.

Đến những phạm trù khác của thiên nhiên như bầu trời, trăng sao, mây, gió ban ngay, ban đêm đều được Phật dùng để dụ ngôn nói Pháp cho đệ tử mình. Nhất là trăng. Phật đã nói: “ Giáo pháp của ta như ngón tay chỉ mặt trăng, chớ lầm ngón tay là mặt trăng” có lẻ không ai không thuộc nếu đã là phật tử? Trong Pháp Cú Thí Dụ câu 382, Phật đã dùng mặt trăng ra khỏi mây mù để dụ cho vị Tỳ kheo trẻ tuoir mà siêng tu giáo pháp Phật đà. Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm cũng đã được Phật nói đến trên mặt đất thì sông, suối, lạch ao, hồ, đầm, núi, tuyết, đá cát đã được Phật nói đến rất nhiều lần. Nhất là “ cát sông hằng” là dụ ngôn quá quen thuộc với hàng Phật tử.

“ Này Anan cùng tột tầm mắt thấy của ông ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chứ không phải là ông, xem rông ra, núi sông, cây cối, cỏ hoa, người, thú, cho đến gió, bụi, chim chóc cũng đều là vật chứ không phải là ông”( Kinh Thủ lăng Nghiêm) đây là một trong bảy lần Phật viện dẫn môi trường thiên nhiên quanh ông Anan để phá cái chấp lầm cái tâm của ông Anan đang đối thoại với Phật vào thời Pháp Thủ Lăng Nghiêm.

Trở lên chúng tôi chỉ viện dẫn một số yếu tố trong môi trường sinh thái mà con người đang sống trong đó đã được Phật luôn luôn lấy làm dụ ngôn trong những thời pháp để cho đệ tử mình hiểu rõ giáo pháp hơn. Dụ ngôn cho caí tốt có, dụ ngôn cho cái xấu cũng có. Nhưng hầu hết là dụ ngôn cho cái xấu và gần như là đức Phật đã xem mỗi yếu tố nhỏ trong môi trường sinh thái đều là những cái tốt để tạo nên cái minh triết cho con người và từ đó đưa đến giác ngộ. Trong hàng vạn pho kinh Phật, thiên nhiên và môi trường sinh thái đã chiếm một phần quan trong, lớn lao. Xét về sự tương tác giữa con người và môi trường sinh thái thì thiên nhiên chiếm một phần trội hơn con người vì trời đất, sông núi, cây cỏ, khoáng vật, động vật, thực vật đều có cái tốt “ bản hồn nhiên” ẩn ở trong nó mà nếu lý tính biết nhận thức một cách bình tĩnh đúng đắn thì sẽ thấy bài học cao siêu đó. 

Bởi đã thấm nhuần hai lối “ thân giáo” và “ ngôn giáo” của Phạt theo ý hướng tôn trọng môi trường sinh thái suốt hai mươi lăm thế kỷ nay, cắc vị Tổ đều đã đi “ khai sơn” túc là mở một vị trí nhỏ ở trong núi rừng giữa lòng thiên nhiên để sống và tu tập, hành giáo, hành thiền. Cho nên trước đây, ngôi chùa Phật giáo bao giờ cũng được xây cất trên sườn đồi, trong rừng sâu; hay trên một gò cao miền hoang dã của đông quê ruộng nước; chùa có phong cảnh đầy màu xanh của thiên nhiên cây cỏ, hoa lá, chim, gió, ánh sáng để cho vị sư thể nghiêm các lời dạy qua những dụ ngôn mà Phật đã dạy; lại đủ để làm cho tinh thần người đến chùa thư giản và cảm thấy ổn định cây lá trong vườn chùa hút khí CO2 và nhả khí Oxy (tức là Oxy hay dưỡng khí) làm mát dịu cả một vùng rộng lớn, cung cấp nguồn sống cho con người, khi con người rát cần khí Oxy mà các thành phố đầy bụi bặm, tiếng ồn và không khí nhiễm bẩn đã làm cho con người khó thở. Tiếng chim hót quanh vườn chùa đã đem lại cho con người những âm thanh tuyệt vời, mà kinh A-di-đà đã nói, khi ở các nơi đô hội, bụi bặm, ồn ào thì chim đã bỏ đi và đã bị diệt gần hết. Không bao giờ ở những nơi này còn có được cái thanh âm  thanh thản, du dương hoặc líu lo vui vẻ phát ngôn cho thứ tiếng âm thầm, trong lặng của thiên nhiên. Con người và môi trường sinh thái, thiên nhiên đều đang triển chuyển lưu hóa. Trong sự triển chuyển lưu hóa ấy thì vạn vật thiên nhiên có nhiều tác động tốt làm cho con người tăng trưởng sức khỏe và thăng hoa trí tuệ, điều mà Phật đã thấy và đã thực hành từ 25 thế kỷ trước đây. Cho nên, nếu phá hủy hết môi trường sinh thái, thiên nhiên, con người sẽ trở thành trơ trụi, cuồng loạn, sẽ trở thành kẻ tội phạm bạo hành, bạo dâm như các xã hội kỹ nghệ Âu Mỹ đang lâm phải. Cho nên chúng tôi thật không hiểu, mà cũng rất  nhiều người không hiểu, việc phá hủy cả một vùng thiên nhiên rộng lớn để xây lên những “ngôi chùa building” như hiện nay là thế nào cả. và ta có nên nói như thi sĩ triết gia Kahlil Gibran: “hải triều âm chỉ nổi dậy trong lòng người khi tiếng hải triều thật sự đã ngừng trên bãi vắng”?

B.T.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here