Trang chủ Phật học Giới thiệu về Nghiệp: Bài 1: Tứ Diệu đế trong ngôn ngữ...

Giới thiệu về Nghiệp: Bài 1: Tứ Diệu đế trong ngôn ngữ hàng ngày

245
0

Tôi rất vui vì đã có mặt tại Halapa một lần nữa. Chủ đề mà tôi được yêu cầu thảo luận tối nay là về nghiệp. Dĩ nhiên, khi học hỏi về một chủ đề nào đó trong Phật pháp, điều quan trọng là có một vài ý niệm về lý do tại sao ta muốn học hỏi nó, tầm quan trọng của nó là gì và nó phù hợp như thế nào trong phạm vi của Phật pháp. Trên cơ bản, Đức Phật đã nói về kinh nghiệm của mỗi người, những gì ta đã trải qua trong đời sống, những gì đang xảy ra. Điều cơ bản nhất mà tất cả chúng ta đều trải qua là gì? Đó là đôi khi thì ta buồn và đôi khi thì ta vui. Đây là cách chúng ta trải nghiệm cuộc đời, phải không?

Khi xem xét trạng thái khi buồn, khi vui này, ta sẽ khám phá ra là có nhiều vấn đề liên hệ với điều này. Khi ta buồn thì hiển nhiên đó là điều đau khổ. Không ai thích buồn, phải không? Ta có thể buồn vì nhiều việc, như khi một người bạn đi xa, hay khi nghe những việc, những lời khó nghe, và ta cũng có thể không vui khi nghĩ về nhiều việc khác nhau bằng nhiều loại cảm xúc khác nhau. Nhưng đôi khi, ta cảm thấy buồn và điều này dường như chẳng có một sự liên hệ nào với những gì ta thật sự nghe hay thấy, hoặc những gì đang xảy ra quanh mình. Đây là một vấn đề, phải không?

Còn niềm vui thì sao? Đôi khi chúng ta cảm thấy vui vẻ, phải không? Ta cảm thấy vui khi thấy, nghe những sự việc, tin tức của một người thân, và ta cũng có thể vui khi nghĩ về điều gì đó, như nhớ lại thời gian tuyệt vời ta đã chia sẻ với ai đó. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy rằng niềm vui mà ta có cũng có một vài vấn đề trong đó. Trước nhất, nó không bao giờ kéo dài mãi mãi. Ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu và dường như nó chẳng bao giờ đủ. Ta có thể thấy sung sướng khi ăn một muỗng thức ăn, nhưng bao nhiêu đó không đủ – chúng ta muốn ăn thêm, nhiều hơn và thêm nữa. Đúng ra, đây là một câu hỏi rất lý thú – bạn phải ăn một món ăn đến mức nào thì mới thật sự thưởng thức nó? Hãy nghĩ về điều này. Một điều sai lầm khác, một thiếu sót khác của niềm vui này là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Ta có thể tiếp tục vui vẻ trong giây phút sau, hay có thể buồn. Nó có thể thay đổi, nên không có gì bảo đảm đối với niềm vui này.

Thật sự đối với Phật giáo, loại nội quán hay phân tích về niềm vui và nỗi buồn theo cách này không phải là điều gì đặc biệt; nhiều nhà tư tưởng lớn trên thế giới đã từng quan sát điều này và giảng dạy nó. Tuy nhiên, những gì Đức Phật dạy, những gì Ngài thấu hiểu là một loại vấn đề sâu xa hơn, hay một nỗi khổ. Ngài nhìn vào sự thăng trầm trong hoàn cảnh đời sống của mỗi người, vào niềm vui nỗi buồn thăng trầm, lên xuống một cách sâu sắc hơn, và những gì Ngài thấu hiểu là nguyên nhân của sự việc này thật sự là một phần của mỗi khoảnh khắc mà chúng ta trải qua. Nói cách khác, cách ta kinh nghiệm mọi việc với sự thăng trầm vui và buồn sẽ kéo dài tình trạng bất toại nguyện này.

Vì vậy nên Đức Phật đã quán chiếu và thấy được nguyên nhân đã tồn tại trong mỗi khoảnh khắc, điều gì đang kéo dài tình trạng bất toại nguyện này, và Ngài thấy rằng nó là sự vô minh về thực tại. Nói cách khác, đó là sự vô minh về cách chúng ta hiện hữu như thế nào, mỗi người chung quanh ta tồn tại như thế nào, thế giới hiện hữu ra sao.

Điều này hoàn toàn khác biệt với những gì nhiều người khác đã từng nói. Thí dụ, một số người cho rằng về mặt cơ bản, sự thăng trầm của vui buồn mà chúng ta trải qua là do sự tưởng thưởng và trừng phạt, từ việc ta có tuân thủ luật pháp hay không. Theo ý kiến của nhiều vị thầy, vấn đề căn bản đối với việc vui hay buồn là sự phục tùng, nhưng Đức Phật nói rằng: không, đó không phải là vấn đề. Nguyên nhân thật sự là tâm vô minh của chúng ta chứ không phải là vấn đề phục tùng hay không; nó là sự vô minh về đời sống. Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói rằng sự vô minh ấy không phải là một thành phần liên đới và thiết yếu của đời sống, của cách ta trải nghiệm sự việc như thế nào. Nó không cần phải có mặt: nó là điều có thể được loại bỏ, và nó có thể được loại bỏ hoàn toàn, không bao giờ quay trở lại nữa. Rồi Ngài nói rằng cách thật sự để thực hiện điều này là thay đổi cách ta kinh nghiệm sự việc.

Việc loại trừ tâm vô minh này không phải là yêu cầu người khác loại bỏ nó giùm ta, mà là thay đổi thái độ của chính mình về mặt cơ bản, thay đổi sự thấu hiểu của ta về thực tại. Nếu có thể thay thế sự hiểu lầm bằng sự thấu hiểu và có được nó trong mọi lúc, ta sẽ khám phá ra rằng mình không phải trải qua sự thăng trầm liên tục của vui buồn này, và ta sẽ không kéo dài sự kiện này. Vì thế, đây là một giáo huấn vô cùng căn bản của Đức Phật, nói theo ngôn ngữ đơn giản.

A.B

Bài 2: Nghiệp liên hệ với hành vi nhân quả

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here