Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cội nguồn quê hương của Nguyễn Hoàng

Cội nguồn quê hương của Nguyễn Hoàng

173
0

Ngày sinh, nơi sinh, ngày mất, nơi mất, nơi an táng, nơi cát táng là những mốc thời gian quan trọng, đáng nhớ của đời người và con cháu vì dân gian coi đó là thể hiện hiếu đạo đối với người đã mất, với tổ tiên, ông bà: Sống nhà thác mồ.

Trong các giấy tờ tùy thân thì giấy khai sinh là văn bản gốc quan trọng nhất, trên giấy này ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán… Con cháu nhiều thế hệ sau phải ghi cho rõ, cho đúng với quê quán của Tiền nhân đã khai sáng ra dòng tộc.

Tuổi tác, ngày sinh, nơi sinh được ghi trong gia phả có khác với giấy khai sinh, sai chậy năm tháng với giấy khai sinh của nhiều người. Nhưng tuyệt nhiên giấy khai sinh là văn bản pháp qui, pháp định. Đối với tiền nhân thì người nghiên cứu tiểu sử và sự nghiệp đều dựa vào bản gốc gia phả hoặc sắc phong, văn bằng, học vị, văn bia, khế ước giao kèo.

I. NƠI SINH, NƠI MẤT CỦA NGUYỄN HOÀNG

Nguyễn Hoàng sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu (28/8/1525) tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa.  Chúa Nguyễn Hoàng mất ngày mồng 3 tháng 6 năm Quí Sửu (20/7/1613) tại Dinh Cát thuộc làng Ái Tử, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, thọ 89 tuổi. An táng ở vùng núi Thạch Hãn gần sông Thạch Hãn thuộc địa phận làng cổ Thạch Hãn, làng này vào thời điểm lịch sử ấy thuộc huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong. Xin lưu ý đơn vị hành chính “phủ” Triệu Phong vào thời điểm năm 1613. Đời vua Duy Tân có phủ Triệu Phong (nhưng phủ lúc này tương đương với huyện dẫu rằng phủ lớn hơn huyện về đất đai và dân số cỡ bên 10, bên 8). Tiền thân của huyện Triệu Phong ngày nay là huyện Đăng Xương, cải đổi thành Thuận Xương vào năm Kiến Phúc nguyên niên, 1884.

Hiện nay, chưa xác định được năm cải táng mộ phần của Chúa Nguyễn Hoàng về thôn Hà Khê, huyện Hương Trà. Với tài năng và đức độ của con người phi thường, Chúa Nguyễn Hoàng giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa vào tháng 10 năm Mậu Ngọ, 1558, rồi Tổng Trấn hai xứ Thuận – Quảng từ tháng giêng năm Canh Ngọ, 1570 cho đến ngày 3 tháng 6 năm Quí Sửu, 1613. Trong 56 năm cai trị, nhà Chúa đã mất hơn 15 năm bình định vùng biên viễn của nước Đại Việt từ ác địa trở thành thiện địa. Công lao khai hóa của Chúa thật lớn lao như trời biển.

II. GIA MIÊU NGOẠI TRANG (嘉苗外莊):

Gia Miêu là danh từ riêng chỉ tên “trang” tức trang trại, thôn ấp ở miền bán sơn địa của huyện Tống Sơn. Huyện này có tên là Tống Giang vào triều nhà Trần. Đến đầu đời Hậu Lê được cải đổi tên gọi là Tống Sơn. Huyện này gồm 31 xã, 2 bãi, 9 trang, 1 trại. Đất Gia Miêu đã được phân chia thành 2 trang là Gia Miêu nội trang và Gia Miêu ngoại trang theo làn ranh của chân dãy núi Thiên chạy dài từ phía Tây sang phía Đông. Năm 1803, vua Gia Long đổi tên Gia Miêu ngoại trang thành Quí Hương, huyện Tống Sơn thành Quí Huyện.

Theo tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, chữ trang (莊) có đến 7 nghĩa; nghĩa thứ 6: lập riêng cơ sở ở ngoài thành thị cũng gọi là trang. Làng gốc thường lập thêm trang trại ở vùng núi hoặc biển. Cả hai trang nội và ngoại trước xưa được gọi tên là Bái Đáp . Ở tỉnh Ninh Bình ngày nay như xưa kia Thanh Hoa ngoại trấn có địa danh Bái Đính nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh.

Văn tế chiến sĩ trận vong của Tiền quân Nguyễn Văn Thành, người làng Bác Vọng, từng giữ Tống Trấn Bắc Thành dưới triều vua Gia Long có câu: “Ba nghìn họp con em đất Bái”. Đất Bái tức Bái Đáp, đầu đời vua Minh Mạng có tên Bái Trang như Ngự chế bài Minh khắc vào văn bia Triệu Tổ Nguyễn Kim ở núi Triệu Tường, trấn Thanh Hóa: “Nghĩa động quỷ thần, công tuyền vũ trụ/ Cõi trần rời bỏ/ lăng ở Bái Trang”.

Ở Thừa Thiên có làng Bái Đáp thuộc tổng Hạ Lang, huyện Quảng Điền. Phép dùng điển trong văn học thật thâm sâu và thâm hậu, có dụng ý xa vời vợi mà ít người tra cứu cho tận ngọn nguồn lạch sông. Thật đúng như lời cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói: “Học Sử nghĩa là sống với người chết, học Địa là sống với non sông”.

Lê Quí Đôn viết xong sách Kiến Văn Tiểu Lục vào tháng 5 năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng tức năm 1777.

Sau 6 tháng ở Thuận Hóa giữ chức Hiệp Trấn năm 1776, Lê Quí Đôn trở về Thăng Long lãnh chức Cơ Mật sự vụ kiêm Chưởng Tài Phủ. Sách có đoạn viết:

“Tôi [Lê Quí Đôn] đã được coi quyển gia phả của người cháu xa đời viên Chiêu Huân Công (昭勳公) xuất trình. Trong phả có chép việc về năm Thuận Thiên năm thứ 2 (1429), cấp ruộng lộc cho viên chỉ huy khai quốc công thần là Nguyễn Công Duẩn (阮公筍) như sau:

“Chuẩn lấy Trang Xã ở huyện Tống Sơn là ruộng của nhà thế gia triều trước, nay tuyệt, không người thừa kế. Và ruộng đất bỏ hoang, cho Công Duẩn làm của riêng, cọng 470 mẫu”. 

III. BÁI TRANG, BÁI ĐÁP

Chiêu Huân Công là gọi tắt tước hiệu Vua Lê Trang Tôn ban tặng cho Nguyễn Kim (1468-1545) sau khi mất. Đúng ra đầy đủ 4 chữ Chiêu Huân Tĩnh Công. Vua Lê Trang Tôn (1533-1548) ban chiếu tặng Nguyễn Kim làm Chiêu Huân Tĩnh Công, thụy là Trung Hiến. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết:

“[Vua Lê Trang Tôn] sai người rước Linh cữu về Bái Trang, huyện Tống Sơn làm lễ chôn rất hậu. Phong cho con trưởng là Uông làm Lãng Quận Công, con thứ là Nguyễn Hoàng làm Hạ Khê Hầu, sai coi quân đánh giặc”. 

Vậy thì tên gọi “Bái Trang” có trước Gia Miêu ngoại trang mà phần dẫn ở bên trên chúng tôi đã tìm ra địa danh “Bái Đáp”. Chưa biết rõ ràng địa danh Bái Trang có trước hoặc sau địa danh Bái Đáp. Chúng tôi có tư kiến riêng cho tên gọi Bái Trang phải có sau Bái Đáp; và tên gọi địa danh Bái Trang có trước tên gọi địa danh Gia Miêu ngoại trang mới thuận nghĩa lý. Thiết nghĩ đó những địa danh cần được tra cứu và giải thích rạch ròi.

Năm 1545 tước của Nguyễn Hoàng là Hà Khê Hầu; năm Mậu Ngọ Nguyễn Hoàng lãnh tước vua ban Đoan Quốc Công, lúc này Nguyễn Hoàng tuổi đời 34 năm. Lúc Nguyễn Kim mất Nguyễn Hoàng đã 21 tuổi. Nguyễn Uông đã lãnh tước Lãng Quận Công – Trịnh Kiểm giữ chức Thái sư cho vua Lê và được ban tước Lạng Quốc Công.

Cụ Tôn Thất Hân chấp bút viết PHỔ HỆ NHÀ NGUYỄN TRƯỚC GIA LONG bằng chữ Hán. Dịch ra tiếng Pháp là công của Thông ngôn Tây Âu Bùi Thanh Vân nhờ sự hỗ trợ của nhà Nho Trần Đình Nghi. Dịch ra tiếng Việt là hai dịch giả Bửu Ý và Phan Xưng. Nguồn sử liệu này rất quý giá. Cái đáng bàn là văn phong bản dịch từ không nhuần nhuyễn của bản tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Theo Phổ hệ nói trên thì từ Chúa Nguyễn Hoàng trở lên thêm được 14 đời:

    Đời thứ 1: Nguyễn Bặc sinh ra Nguyễn Đạt
    Đời thứ 2: Nguyễn Đạt là cha Nguyễn Phụng
    Đời thứ 3: Nguyễn Phụng là cha của Nguyễn Nộn
    Đời thứ 4: Nguyễn Nộn là cha của Nguyễn Thể Tứ
    Đời thứ 5: Nguyễn Thể Tú là cha của Nguyễn Điền
    Đời thứ 6: Nguyễn Điền  là cha của Nguyễn Luật
    Đời thứ 7: Nguyễn Luật  là cha của Nguyễn Minh Du
    Đời thứ 8: Nguyễn Minh Du là cha của Nguyễn Biện
    Đời thứ 9: Nguyễn Biện  là cha của Nguyễn Lữ
    Đời thứ 10: Nguyễn Lữ là cha của Nguyễn Sự
    Đời thứ 11: Nguyễn Sự là cha của Nguyễn Công Chuẩn
    Đời thứ 12: Nguyễn Công Chuẩn là cha của Nguyễn Như Trác
    Đời thứ 13: Nguyễn Như Trác là cha của Nguyễn Văn Hưu
    Đời thứ 14: Nguyễn Văn Hưu (Hựu) là cha của Triệu Tổ tức Nguyễn Kim

Nhờ công trình biên khảo của cụ Tôn Thất Hân, mà phần Thủy Tổ Phả của sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ của các tác giả Vĩnh Cao, Vĩnh Dũng, Tôn Thất Hanh, Vĩnh Khánh, Tôn Thất Lôi, Vĩnh Quả, Vĩnh Thiều trở nên có giá trị hơn về mặt sử học và gia phả. Xin liệt kê các thế hệ gồm 15 đời.

I Thủy tổ  NGUYỄN BẶC  (924-979)
II Đệ nhị tổ NGUYỄN ĐÊ (? – ?)
III Đệ tam tổ NGUYỄN VIỄN  (? – ?)
IV Đệ tứ tổ         NGUYỄN PHỤNG (? – 1150)
V Đệ ngũ tổ         NGUYỄN NỘN (? – 1229)
VI Đệ lục tổ       NGUYỄN THẾ TỨ (? – ?)
VII Đệ thất tổ          NGUYỄN NẠP HÒA (? – 1377)
VIII Đệ bát tổ          NGUYỄN CÔNG LUẬT (? – 1388)
IX Đệ cửu tổ         NGUYỄN MINH DU (1340 – 1390)
X Đệ thập tổ          NGUYỄN BIỆN (? – ?)
XI Đệ thập nhất tổ         NGUYỄN CHIẾM (? – ?)
XII Đệ thập nhị tổ        NGUYỄN SỪ (? – ? )
XIII Đệ thập tam tổ          NGUYỄN CÔNG DUẨN (? – ? )
XIV Đệ thập tứ tổ         NGUYỄN NHƯ TRÁC (? – ? )
XV Đệ thập ngũ tổ        NGUYỄN VĂN LỰU (? – ? )  

Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả bằng tiếng Việt đời nay là một công trình biên soạn từ nhiều năm trong hoàn cảnh đầy khó khăn về tư liệu, về nhân sự… Các soạn giả đã làm sáng rõ thêm về nguồn gốc triều đại các Chúa Nguyễn, vua Nguyễn, làm xích lại khoảng cách giữa nhân gian với dòng tộc Nguyễn Phúc vì địa bạ và gia phả các làng xã, họ tộc một thời trong quá khứ đã có những bậc tiên hiền, quan lại, danh tướng, phò mã, phủ thiếp phụng sự quốc triều Nguyễn trong việc khai hóa quốc dân, mở mang bờ cõi đất nước bằng con đường hòa bình và nhân ái. Ngoài dân gian, dù cho là người bình dân đã kết tình thông nghị với hậu duệ dòng tộc Nguyễn Phúc đúng nghĩa với quan niệm: “thông gia là bà con tiên”.

Đối chiếu hai bản của Tôn phả chép về các thế hệ trước Triệu Tổ Nguyễn Kim và Thái Tổ GIA DŨ HOÀNG ĐẾ húy Nguyễn Hoàng (1525-1613) thì dễ thấy những khuyết nghi mà đời sau đã bổ sung cho đời trước.

Định Quốc Công húy Nguyễn Bặc (924-979) được xem như Thủy Tổ của dòng tộc Nguyễn Phúc. Chữ lót giữa họ và tên này còn được đọc là “Phước” ở ngoài dân gian. Ngày xưa, những ai là họ Nguyễn thuộc bách tánh đã nghiêm túc kiêng tránh chữ lót này. Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường, người làng An Cư, huyện Thuận Xương (Triệu Phong ngày nay) do nhầm lẫn lấy tên họ Nguyễn Phước Tường bị buộc phải cải đổi từ Nguyễn Phước Tường thành Nguyễn Văn Tường. Có rất nhiều sĩ phu, quan lại, danh tiếng, thí sinh được các vua Nguyễn cho đổi tên, đổi chữ lót. Cụ thể là Phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành lúc đi thi đỗ Tiến sĩ dưới triều vua Tự Đức được nhà vua cho đổi tên cũ Trần Thời Mẫn thành họ tên mới là Trần Tiễn Thành và họ Trần ở thôn Minh Thanh, huyện Hương Trà lấy tên “họ Trần Tiễn”. Người Nam Kỳ lục tỉnh rất biết ơn sâu của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn nên đã nghiêm cẩn trong việc gọi tên làng, tên họ, tên người.

Sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ đã dẫn ở bên trên đã chép và xếp NGUYỄN CÔNG DUẪN (? – ?), Đệ thập tam tổ (trước Nguyễn Kim 4 đời, trước Nguyễn Hoàng 5 đời). Ở trang 78 sách vừa nói trên có viết: Ngài [Nguyễn Công Duẫn] được thăng làm Phụng Trực Đại Phu Đô Đốc thiêm sự, Đô kiểm sự, lãnh việc quân dân ở huyện Tống Sơn và được vua ban cho gần 500 mẫu ruộng. Ngài được xếp vào làng Khai quốc Công thần bình Ngô và được ban quốc tính Lê”.

Nay chúng tôi tra lại sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, Tập 2, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tr.102 viết: “Năm Kỷ Dậu thứ 2 niên hiệu Thuận Thiên [tức năm 1429]: Tháng 5, ngày mồng ba ban biển ngạch công thần cho 93 viên: Huyện thượng hầu 3 người là Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo, Thượng hầu 1 người là Lê Ngân; Hương thượng hầu 3 người là: Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng; Đình thượng hầu 14 người là: Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Miễn, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Nhữ Lâm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Lật; Huyện hầu là 14 người là Lê Bi, Lê Bì, Lê Bĩ, Lê Náo, Lê Thu, Lê Lôi, Lê Khả, Lê Bôi, Lê Khả Lang, Lê Xí, Lê Khuyển, Lê Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật; Á hầu 26 người là bọn Lê Bạn, Lê Trãi; Quan nội hầu 16 người là bọn Lê Cuống, Lê Dao. Thượng trí tước phục hầu 4 người là bạn Lê Khắc Phục, Lê Hài” 

Trong Quốc sử đời Hậu Lê, không ghi đầy đủ tên họ 93 viên được phong khai quốc công thần và ban quốc tính mà chỉ ghi tên 42 viên. Chúng tôi tin rằng tên của bậc tiền bối Nguyễn Công Duẫn còn đọc là Nguyễn Công Chuẩn (viết dấu hỏi).

Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu cho biết: Chữ Duẫn (viết có dấu ngã (~):   (tr.560) và chữ duẩn (viết dấu hỏi (?) 筍 (tr.563) được dùng nghĩa như chữ 筍 (duẩn) có nghĩa là măng tre, cái xà ngang để treo chuông khánh. Chữ 筍 còn đọc là tấn: cái xe bằng trúc.

Chữ chuẩn (tr. 56, 369, 425, 585, 924) viết dấu hỏi có đến 5 chữ đều có mặt chữ không giống với chữ của Lê Quí Đôn đã viết trong sách Kiến Văn Tiểu Lục. Lần lượt ghi lại 5 nghĩa: định đúng, gọt gỗ cho ngàm vào đúng mộng, bằng phẳng, thành thực, một loài chim cắt.

Tôi chọn chữ Duẫn (viết dấu ngã) như Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, không đồng tình với dịch giả Lê Mạnh Liệu bởi lẽ cụ Liệu không phải là “người trong cuộc” như hậu duệ nhà Nguyễn hôm nay đã thấm chữ nghĩa của tên húy tận máu thịt. Chỉ tiếc một điều là do hạn chế của nhà in sách năm 1995, đã viết giúp chữ Hán sai thiếu nét ngang dài. Tôi viết ra hai chữ: chữ đúng của chữ Duẫn ( ) chữ Duẫn do in sai  . Chữ vừa viết thiếu nét ngang dài 一 . Một việc nhỏ mà bỏ qua là có tội! Vua Lê đã phong cho Nguyễn Uông làm Lãng Quận Công, Nguyễn Hoàng làm Hà Khê Hầu vào năm 1545 (lúc này Nguyễn Hoàng đã hơn 20 tuổi) vào năm 1545 dưới thời vua Lê Trang Tôn mà sách Từ Điển Nhà Nguyễn của Võ Hương An xuất bản năm 2012 tại nước ngoài cụ thể là Mỹ Quốc cho rằng năm 1545 Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng “đang còn nhỏ”.

Tìm về quê hương nhà Nguyễn, trước tiên và cũng là bước đầu là tìm hiểu về tiểu sử của Nguyễn Công Duẫn được xem như Thủy tổ của Gia Miêu ngoại trang nay là thôn Gia Miêu thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng tiểu sử của Nguyễn Công Duẫn còn nhiều khuyết nghi, ngay cả năm sinh và năm mất vẫn còn là hai dấu hỏi.

Lê Quí Đôn phanh phui ra cái chìa khóa là ruộng lộc của ông được nhà vua cấp 470 mẫu  là ruộng bỏ hoang do triều trước.

Cụ Tôn Thất Hân đã tìm ra nguồn tư liệu gốc rất tôn quý là “Biên bổn Gia Miêu Ngoại Trang công tính chính chi khai trần phổ hệ”, để khẳng định: “Vị tổ đầu tiên là Nguyễn Công Chuẩn, phong hàm Thái Bảo Hoàng Quốc Công, con trai thứ tư của Chiêu Quang Hầu. Ông được phong Công Thần Khai Quốc và họ của ông được đổi thành Lê do Lê Thái Tổ (1428-1433).”

Như trên đã nói trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết trong 93 viên được phong Khai quốc Công thần thì chỉ ghi rõ họ và tên 42 viên, trong đó không có tên Nguyễn Công Chuẩn. Danh sách 42 vị được kê tên là Khai quốc Công thần và đổi họ gốc sang quốc tính họ Lê. Đó là một nghi án lịch sử. 51 vị còn lại trong tổng 93 viên không được nhà Lê cho đổi họ sang họ Lê không có tên ông Chuẩn. Khai quốc công thần có 2 loại: đổi họ, không đổi họ.

Ở sách Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Sđd xuất bản năm 1995 lại hé lộ cho tôi một hướng đi tìm ở cho ra cái mà mình đang bí. Ở phần chú thích ở trang 78 có chú thích (1) như sau: “Trích chiếu tuyên dương công trạng năm Thuận Thiên thứ 2”. Trình độ của tôi hạn chế, tôi lại tìm đọc Đại Việt Sử Lý Toàn Thư, đặc biệt chú ý đến niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 tức năm Kỷ Dậu 1429, cho nên mới phát hiện ra điều này. Tôi đọc biên niên sử 3 triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tôn, Lê Nhân Tông nhưng không tìm thấy danh xưng Thái Bảo Hoàng Quốc Công Nguyễn Công Chuẩn.

Căn cứ vào sổ bộ của Gia Miêu Ngoại Trang thì từ Nguyễn Bặc cho đến Nguyễn Văn Lưu là cha của Triệu Tổ hay Nguyễn Kim là 14 đời. Còn theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả là 15 đời. Chúng tôi tin là có ông NGUYỄN CÔNG DUẪN (trước phiên âm là Chuẩn); đời vua Gia Long phiên âm là Chuẩn, như sổ bộ của Gia Miêu ngoại trang; còn chức tước và phẩm hàm Thái Bảo Hằng Quốc Công thì tra cứu chưa ra ở sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Có thể phẩm hàm ấy được chép từ một nguồn sử liệu nào thì chúng tôi chưa biết. Đó là một nghi án, cần rà soát lại để dễ thuyết phục người đọc thì càng quý giá.

IV. QUÊ HƯƠNG VIỄN XỨ CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG

Tìm chữ chưa ra, tạm dùng chữ “Tiền thân” của Gia Miêu ngoại trang nghĩa là trước đời Nguyễn Công Chuẩn (đời thứ 13 theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả năm 1995; đời thứ 11 theo Sổ bộ của Gia Miêu ngoại trang) thì đời Nguyễn Sự ở sơn động như các vị đời trước. Sách này lấy Thủy Tổ của dòng họ Nguyễn Phúc là Quốc Công Nguyễn Bặc (阮匐), có quê hương Đại Hoàng, Gia Viễn, Ninh Bình. Về quê hương của Nguyễn Bặc vẫn chưa khẳng định, người thì bảo là Gia Miêu ngoại trang, người thì là làng Đại Hữu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây lại thêm một khuyết nghi lịch sử nữa, cần được khai tỏ.

Đến đây, chúng tôi phải tra cứu Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi: “Phủ Trường Yên (Tràng An) có 3 huyện, xưa phủ này có tên là Đại Hoàng, có 3 huyện, 263 xã. Huyện Gia Viễn có 73 xã, 4 trang, 1 trại, 2 phường, 1 tuần. Thời nhà Lý thì Gia Viễn, Trường Yên (Tràng An) thuộc phủ THANH HOA”.

Năm 2008 chúng tôi gồm nhà báo Dương Phước Thu, thầy Châu Trọng Ngô, anh Trần Viết Điền đi Ninh Bình tham dự Hội thảo tại Văn Miếu, Hà Nội năm 2008 về chủ đề Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến thăm mộ tổ của họ Châu, họ Lê ở Ninh Bình. Chúng tôi đã khảo cứu Tràng An (tức Trường Yên) đầy đủ, đăng trên Tập san Hội nhà báo Thừa Thiên – Huế, cuối năm 2008 nhân dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là cớ sự tôi đi ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về Tây Đô, về Tràng An. Nay có duyên tôi viết tham luận này. Gia Viễn tức tên mới Đại Hoàng có từ đời nhà Lý. Đại Hoàng là tên huyện chứ không phải tên làng như một số người đã nhầm lẫn.

**
*

Tìm về quê hương viễn xứ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng thật là lý thú dẫu rằng rất mệt, tổn hao nhiều công sức. Nhưng lý thú là tìm ra được một cầu nối mà chúng tôi thường hay nói là “cầu không vận” giữa ÁI TỬ – TRÀ BÁT – DINH CÁT với THANH HÓA, NINH BÌNH.

Khởi nguồn cho việc Chúa Nguyễn Hoàng mang gươm đi mở nước và giữ nước bằng đường lối hòa bình, ÁI TỬ (Quảng Trị) trở thành bệ phóng, mà nguồn gốc phát tích là TRÀNG AN – GIA MIÊU thuộc Thanh Hoa ngoại trấn và Thanh Hoa nội trấn.

Thật là hưng phấn tinh thần khi tìm ra cội nguồn quê hương của Nhà Nguyễn. Xin trình một số nghi án cần được cẩn án làm sáng tỏ thêm lên về quá trình giữ nước và mở nước của nước Việt oai hùng mà giặc ngoại bang không hiểu, không nghiên cứu sâu xa cho nên đành đầu hàng, cuốn cờ mà chạy thục mạng về nước.

Huế, tháng 8 năm 2013

L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here