Trang chủ Vấn đề hôm nay Vô minh là nguồn gốc của mọi vấn đề

Vô minh là nguồn gốc của mọi vấn đề

132
0

Nếu tìm hiểu về vô minh, ta sẽ thấy rằng một khía cạnh của nó chính là sự lầm lạc về hành vi nhân quả. Chúng ta không biết nên làm gì hay nói gì, và hệ quả gì sẽ xảy ra. Ta có thể rất bối rối về việc sẽ chọn công việc nào, có lập gia đình hay không, nên sinh con hay không, v.v…

Nếu ta kết hôn với một người nào đó, kết quả sẽ như thế nào? Chúng ta không biết. Ý tưởng về kết quả của sự lựa chọn của mình thật ra chỉ là sự tưởng tượng. Ta có thể nghĩ rằng nếu ta có quan hệ sâu đậm với một người nào đó, ta sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau, như một chuyện thần tiên. Nếu cảm thấy khó chịu trong một tình huống, ta nghĩ rằng nếu mình la hét thì sẽ giúp cho tình hình khả quan hơn. Ta có một ý tưởng rất lầm lạc về cách người kia sẽ phản ứng đối với hành động của mình. Ta nghĩ rằng nếu ta la hét và nói lên những cảm nghĩ của mình, ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và mọi chuyển sẽ ổn thỏa, nhưng mọi chuyện sẽ không ổn thỏa. Ta muốn biết điều gì sẽ xảy đến. Trong tuyệt vọng, ta đi xem chiêm tinh hay gieo quẻ theo Quyển Sách về Những Sự Thay Đổi (The Book of Changes), hay I Ching. Tại sao ta lại làm như vậy? Bởi vì ta muốn kiểm soát những gì sẽ xảy ra.

Đạo Phật nói rằng mức độ sâu hơn của vô minh là sự lầm lạc về cách ta và người khác tồn tại ra sao, thế giới tồn tại như thế nào. Chúng ta hoàn toàn lầm lạc về vấn đề kiểm soát sự việc. Ta nghĩ rằng mình có thể hoàn toàn kiểm soát những gì xảy ra với mình. Chính vì vậy mà ta thất vọng. Ta không thể luôn luôn kiểm soát được tình hình. Điều đó không thực tế. Thực tế rất phức tạp. Có nhiều yếu tố quyết định điều gì sẽ xảy ra, không chỉ riêng hành động của ta. Điều này không có nghĩa là ta hoàn toàn mất kiểm soát hay bị thế lực bên ngoài chi phối. Chúng ta có góp phần quyết định việc gì sẽ xảy đến, nhưng ta không phải là yếu tố duy nhất quyết định điều gì sẽ diễn ra.

Vì vô minh và bất an, chúng ta thường hành động một cách tiêu cực mà thậm chí không biết rằng đó là hành vi tiêu cực. Đó là vì ảnh hưởng của những cảm xúc, thái độ phiền não và xung động thôi thúc, xuất phát từ thói quen của mình. Ta không chỉ có hành động tiêu cực đối với người khác, mà còn cho bản thân mình. Nói cách khác, ta tự tạo thêm nhiều vấn đề cho bản thân mình. Nếu muốn giảm thiểu vấn đề, hay thoát khỏi rắc rối, hoặc xa hơn nữa là có khả năng giúp người khác giải quyết vấn đề của họ, ta cần phải thừa nhận nguồn gốc của những giới hạn của mình.

Thoát Khỏi Vô Minh

Giả sử ta có thể nhận diện được nguồn gốc vấn đề của mình là vô minh. Việc này không quá khó. Nhiều người tới mức phải thốt lên, “Tôi thật sự rất bối rối. Tôi cảm thấy quá rối rắm.” Rồi gì nữa? Trước khi tham gia và trả tiền cho khóa học này hay khóa tu nọ, ta nên xem xét một cách rất nghiêm túc rằng ta đã thật sự tin chắc là mình có thể thoát khỏi vô minh hay không. Nếu như ta không nghĩ điều này khả dĩ, thì cố gắng làm gì? Nếu ta chỉ tham gia khóa tu học với hy vọng may ra có thể thoát khỏi vô minh thì ý tưởng này không thật bền vững. Đó là sự mơ tưởng.

Ta có thể nghĩ rằng mình sẽ có tự do bằng vài cách. Ta có thể nghĩ rằng ai đó sẽ cứu độ ta. Đó có thể là một nhân vật siêu phàm, cao cả hơn ta, như Thượng Đế chẳng hạn, nhờ vậy mà ta có được đức tin một lần nữa. Theo cách khác, ta có thể trông chờ một vị thầy tâm linh, một người bạn đời hay người nào khác giúp ta thoát khỏi vô minh. Ta rất dễ phụ thuộc vào người khác và hành động thiếu chín chắn trong những tình huống này. Ta thường quá tuyệt vọng, mong tìm ra một ai đó có thể cứu độ mình, đến nỗi ta nương tựa vào người khác mà không có sự chọn lựa chín chắn. Ta có thể chọn phải một người mà bản thân họ chưa thoát khỏi vô minh, hoặc một người nào đó, vì cảm xúc và thái độ phiền não của riêng mình mà lợi dụng lòng tin ngây thơ của ta. Đây không phải là cách hành xử ổn thỏa. Ta không thể mong đợi một vị thầy tâm linh hay một mối quan hệ nào giúp ta xóa sạch tất cả vô minh. Ta phải tự xóa sạch vô minh của mình.

Mối quan hệ với một vị thầy tâm linh hay người bạn đời có thể mang đến hoàn cảnh thuận lợi, chỉ khi nào đó là một mối quan hệ lành mạnh. Nếu nó không lành mạnh, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nó sẽ dẫn tới nhiều sự mê mờ hơn nữa. Ban đầu, ta có thể chìm sâu trong tâm trạng phủ nhận, cho rằng vị thầy là hoàn hảo, người bạn đời là hoàn hảo, nhưng cuối cùng, sự ngây thơ của ta tan biến đi. Khi bắt đầu nhìn thấy khuyết điểm của người kia và nhận ra rằng họ không thể cứu vớt ta ra khỏi mọi sự vô minh của mình, ta sẽ bị suy sụp tinh thần. Ta sẽ cảm thấy mình bị lừa dối. Đức tin và lòng tín nhiệm của ta đã bị lừa gạt. Đó là một cảm giác khủng khiếp! Điều rất quan trọng là nên cố tránh tình huống này ngay từ ban đầu. Ta cần phải thực hành Pháp, đó là biện pháp phòng ngừa. Ta cần thấu hiểu điều gì khả dĩ và điều gì bất khả dĩ. Một vị thầy tâm linh có thể làm gì và không thể làm gì? Chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp ngăn ngừa để tránh sự suy sụp tinh thần.

Ta cần phải phát triển một tâm thái vắng bóng vô minh. Sự thông hiểu, yếu tố đối lập với vô minh, sẽ ngăn chận, không cho vô minh phát khởi. Công việc của chúng ta trong khi thực hành Pháp là quán sát nội tâm và chú tâm vào thái độ của mình, vào những phiền não, hành vi bốc đồng, thúc bách hay loạn trí. Điều này có nghĩa là sẵn sàng nhìn nhận những điều không thật tốt đẹp trong bản thân mình, thay vì phủ nhận chúng. Khi nhận ra những điều gây rắc rối cho mình, hoặc những gì là dấu hiệu của rắc rối, ta nên áp dụng các biện pháp đối trị để khắc phục chúng. Tất cả những điều này dựa trên việc tu học và hành thiền. Ta phải học cách nhận diện những cảm xúc, thái độ phiền não và nguồn gốc của chúng.

A.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here