Trang chủ Vấn đề hôm nay Trại vô thần (P2)

Trại vô thần (P2)

136
0

Buổi chiều

Bữa cơm trưa “vô thần” khác hơn bữa cơm trưa “hữu thần” tôn giáo là trước khi ăn người ta hát một bài cám ơn những bàn tay làm nên cuộc sống chứ không có lắng lòng cầu nguyện “ơn trên” đã ban cho vật chất và tinh thần làm nên bữa ăn.

Sau bữa ăn trưa, có vài giờ sinh hoạt tự do. Giới trẻ thích tham gia các môn thể thao, người lớn thích chuyện trò hay suy tư trong tĩnh lặng giữa thiên nhiên. Tôi quen dần với các sinh hoạt của nhiều lứa tuổi. Tâm sinh lý của từng lứa tuổi có những nhu cầu và phản ứng riêng. Những cuộc sinh hoạt dã ngoại như thế nầy giúp người ta dễ dàng cởi mở với người khác và hiểu chính mình sâu hơn. Càng đi sâu vào tìm hiểu tâm tư của những người “vô thần” mà được gặp trong trại Camp Quest, tôi càng có cảm tưởng họ là những người “hữu thần” hơn ai hết. Sự nghịch lý đó phát xuất từ những tác động chính trị và xã hội hơn là từ sự quyết đoán của một đức tin mới.

Đa số những phụ huynh có con em tham gia Trại Vô Thần đều là những “cựu tín đồ” của các tôn giáo lớn. Họ đều có mẫu số chung rằng là: Họ đã từng bị trói buộc bởi những tín điều hẹp hòi, nửa vời và khắc nghiệt do những người có thế mạnh giáo quyền trong tôn giáo của họ. Những người nầy đã kéo hình tượng và khái niệm cao cả cùng tột của Thượng Đế xuống thấp ngang tầm với lòng tham lam, tính hiếu thắng và khát vọng quyền lực của họ. Người đồng đạo bị áp bức phải ly khai đi tìm một thế giới mới, trái ngược với thế giới cũ đầy tiêu cực của những người núp bóng Thượng Đế và Thần Thánh. Giới phụ huynh muốn thế hệ con cháu của họ sẽ độc lập vươn lên trong tự do. Gởi con cái đến Trại Vô Thần trong thế giới Âu Mỹ đang là một sự thử nghiệm hơn là một sự khẳng định rạch ròi về Thượng Đế và Thần Linh.

Buổi họp mặt thứ  hai tại phòng hội Camp Quest vào buổi chiều có vẻ  đông đảo hơn buổi sáng. Người dẫn giải chương trình hội luận buổi chiều giới thiệu nội dung đề tài là: “Thượng Đế chết rồi hay Thượng Đế không có thật” (God is dead or never existed). Tôi ngỏ ý muốn mời một người khác trong cử tọa giúp tôi vì đề tài đã đi quá xa, vượt ra ngoài sự hiểu biết vả nghiên cứu giới hạn của tôi. Một thành viên trong Ban điều hợp và thuyết trình, Ted Miller, cười ruồi và ghé nói nhỏ vào tai tôi:

“Bạn sợ hãi rồi phải không?”

Tôi thắc mắc:

“Sợ cái gì hả ông bạn?”

Ted cười thành tiếng và nói với giọng đùa cợt:

“Sợ không đủ kiến thức nói về Thượng Đế!”

Tôi đáp ngay:

“Chỉ có đàn cừu ngoài kia mới dám chủ quan cho rằng, có thể mang kiến thức nói về Thượng Đế. Đây là một đề tài mà nhân loại đã nói từ khi mới mở mắt nhưng chẳng ai hoàn toàn đồng ý với ai và sự nhập nhằng giả định nầy vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay. Believe or not believe that is the question! – Tin hay không tin đó là vấn đề.”

Nghe tôi nhại lại câu nói của Shakespeare một cách khôi hài, Ted cười thành tiếng. Anh ta lại nói lầu bầu như một người say rượu phẫn chí:

“Hì, hì… bầy cừu! Chúng nó, mỗi đứa tự dán cho ‘cái tôi u mê’ (dump ego) của mình một nhãn hiệu ‘Thượng Đế’ nên thay vì xéo lên nhau thì chối bỏ hay tôn xưng Thượng Đế vô tội vạ theo sự hiểu biết cạn cợt của chúng nó. Ê, anh bạn tốt của tôi. Đừng ‘run away’ – ù té chạy – mà nên ở lại trong phòng nầy; ok?”

Tôi hơi ngỡ ngàng vì Ted Miller có những phản ứng bất thường nhưng ngang tàng và độc đáo làm tôi quan tâm. Tôi chưa hiểu đối tượng “chúng nó” mà Ted muốn ám chỉ là ai. Giữa khi còn đang dùng dằng có nên rút lui hay không thì một phụ huynh, bà Jean Turner, mở đầu buổi hội luận với câu hỏi đã kéo tôi về lại với hiện thực:

“Gandhi nói rằng, đạo Phật không phủ nhận Thượng Đế nhưng định nghĩa Thượng Đế theo một cách khác. Vậy theo anh thì đạo Phật chấp nhận có Thượng Đế theo ‘một cách khác’ như Gandhi nhận xét hay không?”

Tôi đã nghe ai đó nói về ý nầy từ trong buổi ăn trưa và không ngừng suy nghĩ về điều nầy cho đến khi bà Turner đặt câu hỏi. Tôi đáp:

“Gandhi cho như thế vì ông định nghĩa ‘Chân lý là Thượng Đế, Thượng Đế là Chân Lý’ (The Truth is God, God is the Truth.) Trong lúc đó đạo Phật cho rằng Tánh Không và Duyên Khởi là chân lý của vạn pháp. Như thế, vô hình chung, theo cách định nghĩa của Gandhi thì có thể nói Tánh Không và Duyên Khởi là một khái niệm về ‘Thượng Đế’ theo tinh thần đạo Phật chăng (?!)”

Bà Turner chụp ngay cơ hội:

“Sao lại không thể đã chứ. Nhân loại có thêm hai ông triết gia chối bỏ hoàn toàn Thượng Đế là Nietzsche và Osho. Nietzsche thì gào lên: ‘Thượng Đế đã chết!’ Osho thì cãi lại: ‘Trật lất! Thượng Đế đã sinh ra đâu mà chết nhỉ?!’ Nguyên nhân sâu xa của hai thái độ bài bác nầy là do các tôn giáo đương thời nhân danh Thượng Đế để làm điều ngược lại với nền tảng thiêng liêng của sự sống con người. Nietzsche thì gọi tên Thượng Đế qua hình dung của các giáo hội thờ phụng Thiên Chúa nhưng lại hành xử tàn bạo với những người không theo họ như nhân danh Thượng Đế để hành hình kẻ bị cho là theo ‘dị giáo’ hay xua binh lực đi tiêu diệt những dân tộc và xã hội không cùng đức tin qua gần hai mươi cuộc Thánh Chiến (Crusades – Holy Cross Wars) kéo dài gần 5 thế kỷ (X – XV) từ châu Âu sang Trung Đông. Osho thì gọi tên Thượng Đế qua hình dung của Ấn Độ và Bà La Môn giáo. Giai cấp Tăng Lữ và Quý Tộc ở Ấn Độ đã nhân danh Thượng Đế để chia xã hội thành nhiều giai cấp từ xưa đến nay và đã có những thời kỳ giai cấp toàn trị có thể công khai giết chết giai cấp bị trị như một sự trừng phạt hợp lý đương nhiên mà Thượng Đế đã phó thác cho họ…”

Bà muốn nói nhiều hơn nữa nhưng người dẫn chương trình đã ngăn lại và mời tôi góp ý:

“Tôi e rằng, không chừng chúng ta lại đi lạc vào thế giới của danh từ  – Thượng Đế – bởi vì có bao nhiêu cá nhân, có bao nhiêu tôn giáo hay bao nhiêu nhóm phái khi nói đến sức mạnh tâm linh tận cùng cao tột của mình thì sẽ có bấy nhiêu khuynh hướng muốn tự mình đạt đến một chỗ dựa của đức tin Chân Lý Tuyệt Đối. Chân lý tuyệt đối phải do một đối tượng có phẩm chất cao vời tuyệt đối (Ultimate Supreme Being) nắm giữ và hành xử mà các bạn gọi là “God”, người Trung Quốc gọi là Thượng Đế (Thượng: Trên – Đế: Vua), người Việt chúng tôi gọi là Ông Trời. Có vô số tên gọi dành cho Thượng Đế. Chỉ riêng đạo Sikh, phái Guru của Ấn Độ cũng đã có 950 tên gọi Thượng Đế. Các tôn giáo cùng thờ phụng Thượng Đế như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo… có hơn 100 tên gọi khác nhau về Thượng Đế. Theo tinh thần Phật giáo thì ngôn ngữ, danh từ và hình tướng đều là những giả tướng bên ngoài; trong khi thực tướng của chân lý là những gì ở bên trong thế giới chân tâm rỗng lặng của mỗi con người. Thiền định là phương tiện thiện xảo nhất của đạo Phật. Thiền đi tìm sự thật của chính mình trong im lặng, không chữ nghĩa, chẳng ngôn từ. Nếu đạo Phật nói ‘Phật trong ta, ta trong Phật’ thì có khác gì các tín hữu thờ Chúa nói ‘Thượng Đế trong ta, ta trong Thượng Đế’ đâu.”

Tiếng vọng từ  phía cuối phòng hội:

“Như vậy đạo Phật của các ông có tin rằng có một Thượng Đế hay không?”

Trả lời:

“Đức Phật nói như một tuyên ngôn về niềm tin rằng:

Đừng tin gì đã có

Đến bất cứ từ đâu

Khi tự mình biết rõ

Niềm tin mới bắt đầu

Niềm tin chân chánh sẽ dẫn tới đức tin. Đức tin cao cả là  phải tự mình nhìn thấy tươi mới như trẻ  thơ, không do ai trao truyền hay mặc khải cả. Bởi vậy, trong tám con đường chân chánh (Bát Chánh Đạo) để sửa mình của đạo Phật không có ‘chánh Tín.’”

Có cánh tay nhỏ nhắn đưa lên, cánh tay của một em bé gái tự giới thiệu là Linda Holly, 16 tuổi. Em bé hỏi:

“Vậy thì đạo Phật không có ‘dogmatism and superstition’ (tín điều và mê tín) sao?”

Tôi cảm thấy vui vì sự quan tâm của tuổi trẻ và trả lời:

“Đạo Phật như ánh nắng. Mặt trời không thay đổi nhưng nắng gắt hay nắng dịu tùy theo mùa Hạ hay mùa Đông, theo buổi sớm hay buổi chiều. Ban đêm nắng tắt nhưng không mất mà đang đi về một nơi khác. Đạo Phật đến đâu là hòa vào văn hóa của nơi đó. Đạo Phật vẫn là đạo Phật nhưng đạo Phật ở Ấn Độ, khác đạo Phật ở Nhật, khác đạo Phật Trung Hoa, Tây Tạng, Thái Lan… Đạo Phật vào Việt Nam hòa với đạo thờ cúng ông bà tổ tiên thành một “đạo Phật dân gian”. Đạo Phật đến với người trí thức thì thành triết lý cao siêu, đến với người bình dân thì thành lối sống ‘ở hiền gặp lành’, đến với người mê tín dị đoan thì thành lễ nghi cúng tế đốt vàng mã rườm rà. Chính vì tinh thần phóng khoáng, mềm dẽo nhưng rắn chắc như kim cương không bị hủy hoại nầy mà Phật giáo không những không bị Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo tiêu diệt ở Ấn Độ mà còn lan rộng khắp thế giới trong hơn 25 thế kỷ cho đến ngày nay…”

Em Linda hỏi ngắt ngang:

“Vì sao và cái gì làm cho Phật giáo rắn chắc như kim cương không bị hủy hoại?”

Tôi cười vui trả lời em bé:

“Đạo Phật rắn chắc như kim cương vì đạo Phật mềm em ạ. Em có biết lối hành xử ‘Ever changing in different conditions yet immutable in essence’ (tùy duyên bất biến) không? Nghĩa là cô bé Linda Holly có thể thành người hữu thần, người vô thần bây giờ và thành kỹ sư, bác sĩ sau nầy nhưng sẽ không bao giờ thành người xấu khi căn bản em là người tốt và dù trong điều kiện và hoàn cảnh khó khăn nào em cũng giữ cái ‘goodness’ (thiện) đó trong em.”

Em hỏi tiếp: 

“Thế thì tại sao chúng ta không tập làm người tốt mà phải tập làm người hữu thần hay vô thần làm gì?”

Trong khi tôi đang phân vân chưa biết trả lời thế nào cho thật là đơn giản thì một vị  trong ban quản lý Trại Vô Thần đã lên tiếng:

“Tại vì muốn làm người tốt thì trước hết cần phải có tự do, không bị ai sai khiến hay bắt buộc suy nghĩ, hành động, cầu xin theo một lý thuyết hay mô thức nào đó. Chúng ta sẽ không nói dối vì sợ phê phán hay kết án, không nghĩ dối vì ngại không vâng lời thần thánh, không sống dối vì lo bị dòm ngó vô hình. Trong lúc người tốt thì phải cần nói thật, nghĩ thật và sống thật.”

Như phần lớn cách biểu hiện tự do và phóng khoáng của giới trẻ Mỹ, Linda chỉ tay về phía người quản lý, nói cắt ngang:

“Con không hỏi ông và cũng không cần ông giải thích vì con biết rồi. Con muốn hỏi cái gã theo đạo Phật (Buddhist guy) nầy nè.”

Tôi cảm thấy buồn cười và cười thống khoái vì  cái mã “Buddhist guy” mà cháu Linda dán lên tôi. Nhưng không sao, tôi tiếp tục:

“Hey Linda, em còn nhớ câu chuyện của phóng viên Frank Asiad viết về một người lính Iraq nói với một người lính Mỹ trong giờ chót của cuộc chiến Mỹ-Iraq không? Hai người lính đều bị thương nặng nhưng vẫn còn ôm súng lên đạn trong tay, đối mặt nhau và sẵn sàng nhã đạn vào nhau trên chiến địa. Anh lính Iraq nói: ‘Tao không giết mầy thì mầy giết tao.  Giết hay bị giết (kill or to be killed) đó là tôn giáo của tao lúc nầy. Thượng Đế ơi là Thượng Đế, ngài đang ở phía bên nào?!’ Vô thần hay hữu thần có nghĩa gì trong giờ phút đó và ai sẽ trả lời cho người lính bị giết câu hỏi làm hoang lạnh cả một kiếp người như thế.”

Phòng hội lặng đi trong giây lát và tôi thấy cháu Linda đưa tay chùi nước mắt.

Thấy Linda không nói gì, một người bạn bên cạnh tự giới thiệu tên gọi là Sandy, 17 tuổi. Sandy hỏi:

“Thượng Đế chỉ có Một Thể duy nhất (the Oneness of God). Tại sao lại phải phân chia phía nầy phía khác; vô thần, hữu thần như thế?”

Một thoáng qua, không có tiếng trả lời. Dr. Ramon, người đã phát biểu nhiều trong buổi sáng, lên tiếng:

“Các tôn giáo quanh tôi, cha mẹ và gia đình tôi đã làm tôi nghẹt thở vì sự rao giảng ‘the Oneness of God – Thượng Đế Nhất Thể’ như thế: Thượng Đế sáng tạo muôn loài, Thượng Đế vô hình mà có mặt khắp nơi, Thượng Đế có mặt trong từng hơi thở, Thượng Đế canh ta trong từng động tĩnh riêng tư, Thượng Đế hướng dẫn và kiểm soát ta trong từng miếng ăn giấc ngủ… Không ở nơi đâu mà không có Thượng Đế vì Thượng Đế và vũ trụ cùng với bản thân ta và muôn loài là Nhất Thể. Bản thân tôi phải trốn chạy để tìm một nơi trú ẩn cho tôi, một không gian không có Thượng Đế bằng cách theo đạo Vô Thần…”

Ông Ramon ngừng lại vì có tiếng vọng từ phía dưới như phản đối:

“Không, không thể như thế. Vô thần là vô đạo. Không thể có một ‘tôn giáo Vô Thần’ như ông vừa nói.”

Ramon trả lời:

“Như thế là bạn nhầm rồi. Từ thế kỷ 19, những người không theo tôn giáo thờ phụng thần linh đã tổ chức thành hàng trăm nhóm phái ‘không tôn giáo’ và sinh hoạt với nhau kéo dài tới vài ba thế hệ. Tháng Giêng năm 2013 vừa rồi Hội Đồng Ngày Chủ Nhật (Sunday Assembly) đã thành hình các Giáo Đoàn Vô Thần (Godless Congregations) tại London, Anh quốc. Và hiện nay đã có các Sunday Assembly tại London, New York, Melbourne, Toronto, Scotland, Ireland và tiên đoán tới tháng 12 năm 2013 nấy sẽ có khoảng từ 30 tới 40 Giáo Đoàn Vô Thần như thế thành hình ở nhiều nơi trên thế giới. Các thành viên sáng lập tiên phong như Sanderson Jones à Pippa Evans tiên đoán mức độ phát triển của cao trào vô thần nầy đạt tới mức 3000% (ba nghìn phần trăm) và ‘tôn giáo Vô Thần’ sẽ là một ‘tôn giáo’ phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong một tương lai gần…”

Có tiếng kêu rất “hữu thần” phát ra từ trong phòng hội làm cho đại chúng cười ồ:

“Wow… Oh! My God.” (Úi chao… Lạy Chúa Tôi.)”

Gần hết giờ nhưng ông Ramon quái ác nầy vẫn không tha cho tôi. Với dáng vẻ thân tình, ông nhìn tôi và yêu cầu cho ý kiến:

“Thế ông bạn Phật giáo của chúng tôi nghĩ như thế nào vế hai thế giới hữu thần và vô thần về tự do buông thả và ràng buộc với Thượng Đế nhất thể?”

Tôi muốn nói một vài ý nhẹ nhàng trước lúc chia tay hơn là tranh biện dằng dai không lối thoát:

“Zen Master của Nhật Bản, thiền sư Yoka Shitai, có một nhận xét thú vị rằng, bất luận do ai sinh ra hay do tiến hóa tự phát mà sinh ra thì không phải tình cờ mà loài người lại có hai tai, hai mắt, hai tay, hai chân, hai lá gan, hai buồng phổi nhưng chỉ có một trái tim, một cái miệng và một cái đầu. Hai là để nghe, nhìn, nắm bắt và đi đến cả hai nơi trái nghịch nhau. Nhưng Một là để yêu thương, suy nghĩ, chia sẻ không phân biệt. Con người không phải là bộ máy chỉ thuần vật chất và cũng chẳng phải là bóng ma để chỉ có tinh thần. Tâm vật tương quan, nên tự quy con người vào một thế cực đoan như duy tâm, duy vật, hữu thần, vô thần… thường là trò chơi phù phiếm nhằm thỏa mãn sự cố chấp của tri thức, sự vọng tưởng của ngã mạn, hoàn toàn không có thật.”

Bác sĩ Ramon lại nói chen vào:

“Như thế là đạo Phật của các bạn cho rằng người Vô Thần như chúng tôi chẳng khác với người hữu thần của các bạn hay sao?”

“Trả lời dứt điểm ‘có’ hay ‘không’ chẳng có nghĩa là đúng hay sai mà là có thật hay không có thật. Đức Phật khi nói đến vũ trụ có ba nghìn hay vô lượng thế giới với số chư Phật, Bồ Tát và Thánh chúng đông như cát sông Hằng không đếm xuể và ba đời chư Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai đang nghe lời thuyết pháp của nhau là nói lên Biểu Tượng về Duyên Khởi, về tương tác nhân duyên. Nếu chỉ thoạt nhìn về hình tướng Hoa Nghiêm thì đạo Phật là ‘siêu hữu thần’ (super-theists). Nhưng nếu nhìn về thật tánh hay thể tánh của trí tuệ Bát Nhã thì đạo Phật là ‘siêu vô thần’ (super-atheists) vì tất cả là sự thật trần trụi rỗng không chẳng có gì để mơ ước, mộng tưởng điên đảo cả!”

Vì thời gian có hạn, vị trưởng ban phụ  trách yêu cầu tôi phát biểu trước khi cuộc hội luận kết thúc:

“Xin cám ơn các bạn đã cho tôi được tham gia sinh hoạt với trại Camp Quest hôm nay với tư cách là một chuyên viên tư vấn tuổi trẻ, một người dạy học và đặc biệt là một Phật tử. Tôi thật sự được học từ các bạn nhiều hơn là khả năng hiểu biết giới hạn của cá nhân mình chuyển tải những thông tin đến các bạn. Trong xã hội phương Tây thực dụng ngày nay, đời sống tinh thần và sinh hoạt tâm linh tích cực, lành mạnh đóng vai trò quyết định cho chất lượng đời sống chúng ta. Tưởng tượng đất Mỹ nầy mà không có đời sống tôn giáo thì tội phạm, sự khủng hoảng tinh thần và hiện tượng ngược đãi, lạm dụng giữa người và người sẽ làm cho đất nước và xã hội băng hoại như thế nào. Và tưởng tượng ngược lại là nếu xã hội nầy không có tự do tôn giáo hay tôn giáo nắm quyền toàn trị bóp nghẹt tự do – như tự do vô thần mà các bạn đang chọn lựa theo đuổi – thì nếp sống tinh thần sẽ nghẹt thở và suy đồi đến như thế nào. Đất Mỹ phồn vinh như hôm nay vì mọi người đều có tự do chọn lựa Đạo như một con đường để cùng đi tới cảm thông, yêu thương và hạnh phúc chứ không phải như những pháo đài để tấn công và khích bác nhau. Chúc các bạn thành công.”

Ôm bó hoa của Ban tổ chức Trại Vô Thần tặng, tôi xin phép được tặng lại cho cặp vợ chồng phụ huynh cao tuổi nhất trong phòng hội; chồng đẩy vợ ngồi xe lăn. Cả hai không hẹn mà đều nói nho nhỏ:

“God bless you!” (Xin thượng Đế ban phước lành cho bạn).

Tôi mỉm cười cám ơn và chia tay.

Sacramento, ghi lại tháng 9 – 2013

 T.K.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here