Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Lời phi lộ Hương Sơn Ca Vol 3

Lời phi lộ Hương Sơn Ca Vol 3

144
0

Cơn mưa rừng chợt đến, lá vàng cuối thu rơi xào xạc ngoài hiên, ngồi nghe lại 11 ca khúc Hương Sơn Ca Vol. 3 của nhạc sỹ Phật tử Diệu Thiện gửi tôi khá lâu mà chưa kịp viết cho chị. Nhìn qua song cửa Mai tử am chợt nhớ tới hai câu thơ của tổ Viên Chiếu khi trả lời về chân tâm:

“Vũ trích nham hoa thần nữ lệ
Phong xao đình trúc Bá Nha cầm”.

Khi những hạt mưa rừng đọng trên cánh hoa, giọt nước long lanh như những hạt lệ của thiên nữ,  và khi cơn gió thổi qua hàng trúc trước sân chùa thì âm điệu trỗi lên như tiếng đàn tri âm của Bá Nha với Tử Kỳ.

Hoa rừng vương lệ nữ thần
Gió xao cành trúc, tiếng đàn Bá Nha.

Hương Sơn Ca Vol. 1 là thời kỳ tìm Đạo. Hương Sơn Ca Vol. 2 là quá trình nhập Đạo. Hương Sơn Ca Vol. 3 là thời điểm thấy, trực nhập Con Đường mà người học Đạo khổ công tháng ngày. Đó là Kiến Đạo của Phật tử Diệu Thiện – Cù Lệ Duyên khi chị trải tâm mình qua những nhạc phẩm trong CD Hương Sơn Ca Vol. 3.

Với 11 ca khúc mang đậm chất thính phòng hòa quyện với âm điệu dân ca châu thổ sông Hồng, phong cách nhạc Phật đương đại ở giai đoạn này có thể nói đã chín trong giai điệu và ca từ.

Những giai điệu hùng tráng – trang nghiêm của bản Đạo ca “Việt Nam Phật Tâm Ca”, chất thánh thiện, siêu phàm vượt tục của “Hương thu ca” “Hương sen màu nhiệm” “Về bến Chân Như” dẫn người nghe đi từ Đản sinh đến tu hành và cập bến Chân Như Giác ngộ.

Suối nguồn của tâm là dòng chảy miên viễn trong nét nhạc thanh tịnh đậm chất thi ca với những ca từ giản dị trong sáng khiến người nghe cảm nhận, gần gũi cuộc sống hơn như “màu áo nâu sòng” quê hương.

Trên 50 ca khúc Phật Giáo, thể hiện xúc cảm của một nữ nhạc sỹ Phật tử thuần thành cũng đủ nói lên một quá trình, một chặng đường sáng tác xuyên suốt trong giai điệu đi từ thấp đến cao, từ sơ tâm cầu Đạo đến Kiến tính trực nhập.

Nói đến Diệu Thiện – Cù Lệ Duyên ta không thể không nhắc tới cố thi sỹ Cù Huy Cận – Một nhà thơ lớn trên thi đàn Việt Nam. Giờ đây người đã đi xa  nhưng “hạt bụi vàng” của thi sỹ họ Cù để lại cõi mộng bỗng bừng sáng sau bao tháng ngày in dấu mong manh trên cõi tạm.

“Về đâu, hạt bụi vàng thao thức?”

Để rồi, hôm nay hạt bụi vàng ấy đã đậu bến Chân Như đất Tích.

Thay mặt Tùng Lâm Hương Tích, xin trân trọng giới thiệu.

T.M.H

                                                                                         

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here