Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Kỷ niệm mùa Khánh đản

Kỷ niệm mùa Khánh đản

129
0

(LQ) Mỗi năm vào mùa sen bắt đầu nở là dấu hiệu báo trước ngày Đức Phật đản sanh và trăng tháng Tư bắt đầu tròn chính là ngày có Đức Phật thị hiện. Như vậy mùa Phật đản sẽ còn mãi mùa sen thơm ngát và sẽ còn sáng chói mãi với ánh trăng sao.

Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời! Cao cả thay ngày Đức Phật giáng thế.

Ngày ra đời của Đức Phật là ngày lịch sử, là một sự kiện vô cùng trọng đại riêng cho Ấn Độ và chung cho thế giới. Loài người kính Phật qua lịch sử, cũng như tài ba xuất chúng, trí tuệ tuyệt trần và phẩm cách cao trọng của Ngài.

Phật tử thì chẳng những kính Ngài như mọi người mà còn tin Ngài hơn mọi người – Tin Ngài là bậc cha lành của bốn loài, là bậc đạo sư điểm chỉ lộ trình tu thân, hành thiện, giác ngộ và giải thoát.

Sự xuất trần của Đức Phật là viên thuốc hồi sinh chung cho Ấn Độ và thế giới trên mọi cơ sở. Vì lúc bấy giờ con người quá tham, tàn bạo, cuồng vọng chinh phục đã biến họ thành dã thú, họ xem mạng người rẻ hơn con vật, máu người rẻ hơn nước lã. Giai cấp trưởng giả tự cho mình cái đặc quyền cướp của giết người và thống trị ở Ấn Độ cũng như khắp mọi nơi trên thế giới. Trong một hoàn cảnh dã man hỗn loạn, cuồng tín, độc quyền và kì thị bất công ấy, quả thật con người mất dần thiên tính và nhân tính. Chính Đức Phật đã tự nguyện chủ đạo thu hồi hai đức tính cơ bản ấy trao trả lại cho loài người.

Để tìm hiểu khách quan về đời sống tự nhiên và siêu nhiên của Đức Phật, chúng ta hãy thành kính tưởng niệm đến trang sử của Ngài. Sinh ra giữa cung vàng điện ngoc, trong tình thương vô vàn của phụ vương Tịnh Phạn và mẫu hậu Ma Gia, trong sự reo mừng của hoàng gia thích tộc, trong niềm kính tin vô hạn của thần dân Ca tì la vệ, thái tử Tất đạt đa là con cưng, là niềm hi vọng của tất cả và cho tất cả. Thế mà ngai vàng, đế nghiệp, vợ đẹp, con thơ, cung phi mỹ nữ, tuổi độ đang xuân đã không giam giữ được cánh đại bàng.

Một chiếc lá vàng rời, một cánh nhạn bay qua, một luồng gió thoảng, tiếng thằn lằn tặt lưỡi trên tường và tiếng ngáy ngủ của các nàng ca sĩ, tất cả đối với Ngài đều là hình ảnh thê lương, là âm thanh tuyệt vọng.

Qua hình ảnh và âm thanh đó, Ngài thức cảm sâu xa và thương xót vô cùng. Ngài tự thấy mình có trách nhiệm và phải phấn đấu để cứu độ chúng sanh.

Thế rồi, một đêm trăng sáng huyền diệu, muôn vạn vì sao lấp lánh trên trời, một mình trên lưng tuấn mã Kiền Trắc, Ngài thật sự ra đi sống cuộc đời đơn độc gió sương, dấn thân giữa cảnh cát bụi tung trời, từ bỏ giai cấp trưởng giả, tự đồng hòa mình với cuộc sống trần lao bình dị.

Với tinh thần hùng dũng bất thối, ngài phấn đấu không ngừng trước mọi bất trắc nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ngoại duyên như muỗi mòng thú dữ, cái lạnh cắt da, cái đói cào ruột, cảnh hoang tịch của núi rừng hoặc do nội giới như nhớ đến ngai vàng, gia đình thân quyến v.v… nhưng chính nhờ ý chí phấn đấu kiên trì ấy mà cuối cùng Ngài đã chiến thắng. Một cuộc chiến thắng vô tiền khoáng hậu. Vì nó không bằng vào khí giới võ lực mà chỉ bằng vào sức mạnh nội tâm. Ngài thực sự là vị cứu tinh của nhân loại.

Với tinh thần phóng khoáng và tự do, Ngài tuyên bố “cánh cửa vô sanh từ nay mở rộng. Mọi người đều có thể tiến vào”. Trong thông điệp đầu tiên gởi cho nhân loại tại vườn Lộc Uyển, Ba-la-nại, Ấn Độ, Ngài đã ân cần nhắn nhủ: “Hỡi các người, các người không nên chấp trì hai điều thái quá. Một là đắm say dục lạc, hai là khổ hạnh ép xác. Vì phương thức ấy chỉ đưa đến đau khổ. Các người đi theo trong lộ trình Thánh đạo 8 ngành. Vì chỉ có lộ trình duy nhất này mới đủ năng lực đánh lạc hướng theo dõi của ma vương.” Giá trị và ý nghĩa của bức thông điệp vẫn còn tác dụng trên mọi cơ sở và không bị thời gian, không gian đào thải dù đã hơn 25 thế kỷ rồi.

Với cái nhìn thực tế trí tuệ, Ngài dạy: “Sanh, già, bệnh, chết, xa người mình thương, gần người mình ghét, muốn không được và có cái thân này là khổ, khổ triền miên, khổ thường trực.” Ngài dạy tiếp: “Biết vậy, người đời phải sáng suốt, bình thản trước mọi thực tế đau khổ, bằng cách quán chiếu các tập hợp là vô thường, là vô ngã, không có cái ta, cái gọi là ta, cái gọi là thân ta và cái gọi là của ta, để chấm dứt mọi khát ái, mọi điên đảo chủ thể của các đau khổ vừa kể.”

Với từ bi, Ngài tôn trọng tuyệt đối mạng sống, tài sản, nhân phẩm và tự do của mọi loài. Đối với Ngài không có cá thể mà chỉ có tập thể. Ngài dạy: “Hãy vì lợi ích của đa số, vì hạnh phúc của đa số mà nỗ lực truyền đạo.” Câu “chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp” đã chứng minh cụ thể cho lòng từ bi của Ngài. Ngài còn dạy thêm: “Tất cả chúng sanh đều sợ gươm giáo, hãy xét phận mình mà đừng bao giờ đánh đập và giết hại muôn loài.”

Với tâm bình đẳng, Đức Phật gạt bỏ giai cấp, Ngài dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có sự bất bình đẳng trong giọt nước mắt cùng mặn như nhau. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Sự phân chia gia cấp, kỳ thị chủng tộc là cái ung nhọt nguy hiểm giết chết toàn bộ nhân tính và ngăn chặn cảm thông giữa mọi người và mọi tập thể trong xã hội.

Với tinh thần tự trọng, Ngài chưa bao giờ và không khi nào đả kích, phỉ báng, mạ lị bất cứ ai. Nếu có hoàn cảnh khế hợp, ngài hoặc là so sánh làm cho sáng tỏ chánh Pháp, hoặc thuyết minh phương thức tu hành để mọi người trao đổi, lựa chọn.

Với tinh thần trách nhiệm, Ngài sáng lập giáo hội Tăng già, đào tạo đội ngũ kế thừa, kiến lập cơ sở, xây dựng tinh thần hộ trì Tam bảo của giới tại gia cư sĩ để họ có trách vụ liên đới duy trì chánh Pháp. Ngài khẳng định rằng đối với sự giáo hóa hàng môn đệ, Ngài truyền dạy toàn bộ giáo lý căn bản, Ngài là bậc đạo sư luôn luôn mở rộng bàn tay đối với mọi giới đệ tử.

Trong những đức tính đại khái được ghi lại, chúng ta bình tâm suy nghiệm, học hỏi thì có 3 đức tính nổi bật nhất:

– Bi đức: tức là tình thương rộng lớn không phân biệt nhân, ngã, bỉ, thử, giàu nghèo, sang hèn. Chính nhờ đức từ bi này mà Ngài đã mạnh dạn rủ bỏ cẩm bào, cắt mái tóc xanh, trao thanh kiếm bạc, từ bỏ tình yêu cá thể, chấp nhận cuộc sống bình dân thanh đạm. Ngài đem địa vị đế vương đổi lấy một bình bát để ăn, ba lá y để mặc và tích cực làm việc không ngừng nghỉ.

– Tịnh đức: tức là đức tính toàn thiện, trong sạch, không thiên vị vì thương, ghét, sợ, ngu, không hành động bất thiện dầu công khai hay khuất lấp. Mục đích phục vụ của Ngài là chỉ trở nên trong sạch và khi đã trong sạch rồi thì Ngài tiếp tục phục vụ đắc lực hơn. Đối với Ngài không có bất cứ sự mâu thuẫn nào giữa việc làm và lời nói. Do đó Ngài được tôn hiệu là bậc đức hạnh trọn lành – cho nên đức tính toàn thiện là chất liệu quan thiết cho mọi thành tựu trên mọi cơ sở.

– Trí đức: là đức tính sáng suốt giác thể. Ví như ánh sáng huyền diệu của mặt trăng là do chính chất thể cơ bản của mặt trăng. Đức tính này đã đóng vai trò chủ đạo quan trọng trong mọi cống hiến cho sự chuyển hóa nội tâm giác ngộ vai trò của trí tuệ là nhận định khách quan, truy nguyên rốt ráo, giải quyết dứt khoát và thực nghiệm để thực chứng.

Chính ba đức tính quan yếu này được đức Phật khéo dung hòa nên đã đạt được những thành tựu vô cùng diệu dụng, lãnh vực không phải chỉ riêng cho Ấn Độ mà chung cho nhân loại một cách toàn thiện.

Tóm lại, Tăng Ni và Phật tử chúng ta thành kính đón mừng Đại lễ Phật đản là chúng ta đón mừng một vị cứu tinh, một ánh sáng chân lý, một đóa hoa giác ngộ, một sự kiện lịch sử, một sự xuất hiện của nền văn hóa thực sự nhân bản, hòa bình và phúc lạc.

Trong ý hướng đó, chúng ta nguyện tiếp tục sứ mạng thực hiện bản nguyện độ sanh mà đức Phật đã truyền trao cho chúng ta cách đây 2557 năm, trên tảng đá Niết-bàn, dưới đôi bóng Sa-la, trong vườn thượng uyển của tiểu vương Ma-la, nước Câu-sí-na-ra thuộc miền Trung Ấn Độ. Tuy là một sự kiện lịch sử nhưng là lịch sử của loài người, chớ không phải của riêng một dân tộc, một quốc độ, một thời đại, cho nên đã trở thành bất diệt.

Cầu xin Đức Phật gia hộ cho đất nước quê hương, cho đạo Pháp, cho dân tộc và cho tất cả chúng ta.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

HT.T.K.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here