Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Đối thoại, hợp tác liên tôn giáo vì hòa bình khu vực

Đối thoại, hợp tác liên tôn giáo vì hòa bình khu vực

125
0

Đối thoại và hợp tác liên tôn giáo sâu sắc sẽ góp phần giải quyết những thách thức đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Đó là tinh thần cuộc Đối thoại Liên tôn giáo Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 4 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia trong hai ngày 3 và 4/4.


Tham gia cuộc Đối thoại ở Phnom Penh năm nay có các quan chức chính phủ, các chức sắc tôn giáo, học giả đến từ 10 nước ASEAN, Australia, New Zealand, Đông Timor và Papua New Guinea.


Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu. Đặc biệt, năm nay Việt Nam cử thêm đại diện, chức sắc của các tôn giáo tham dự gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài.








Mô tả ảnh.
 Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại liên tôn giáo 2008 ở Phnom Penh. Ảnh: XL


Trao đổi với VietNamNet, ông Xuân cho biết: “Việt Nam muốn giới thiệu một nền tôn giáo đa dạng, hòa hợp với bạn bè trong khu vực”.


Trên cơ sở Tuyên bố Waitangi của cuộc Đối thoại lần 3, cuộc gặp ở Phnom Penh lần này tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác liên tôn giáo trong việc xây dựng cầu nối giữa các cộng đồng tín ngưỡng, giáo dục tôn giáo và truyền thông, thúc đẩy hòa bình khu vực và bảo đảm an ninh.


“Tôn giáo không là cơ sở cho hành động khủng bố”


Các đại biểu đặc biệt ấn tượng với bài thuyết trình dài hơi của Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen. Là một quốc gia với 95% người dân theo đạo Phật, song Campuchia coi trọng sự đa dạng và hòa hợp tín ngưỡng, tôn giáo.


Ông Hun Sen nhấn mạnh quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, song bác bỏ việc lợi dụng tôn giáo như một công cụ cho các hành động chống phá, khủng bố trong khu vực.


“Không có tôn giáo nào khuyên chúng ta đi theo điều sai trái cả. Tôn giáo không phải tội phạm. Phải tạo sự hòa hợp, hài hòa”, ông nói.








Mô tả ảnh.
Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen tại phiên khai mạc. Ảnh: XL


Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác liên tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực hiện nay như sự biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo…


Cùng chung quan điểm, đại diện New Zealand cũng cho rằng “không thể sử dụng tôn giáo như sự biện hộ cho các hành động cuồng tín và khủng bố. Cần xác lập những cơ chế văn hóa và xã hội để giải quyết những xung đột”.


Australia, nước đang có xu hướng gắn kết với Châu Á nhiều hơn, bày tỏ sự coi trọng kênh Đối thoại liên tôn giáo trong việc tìm ra các giải pháp cho các vấn đề hòa bình, an ninh của khu vực hiện nay.  


Đại diện nước này đưa ra thông điệp “cần thiết phải chia sẻ những giá trị và mục tiêu chung như sự mưu cầu an ninh và tiến bộ cho toàn cầu”.


Thống nhất trong đa dạng








Mô tả ảnh.
Chức sắc, tôn giáo các nước trong khu vực tham dự cuộc Đối thoại.  Ảnh: XL


Không mang tính bắt buộc, những nội dung hành động đưa ra tại các cuộc Đối thoại liên tôn giáo chủ yếu được các nước thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, có nhiều điểm trong các tuyên bố chung của Đối thoại liên tôn giáo ở châu Á – Thái Bình Dương tương đồng với nội dung trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. 


Một trong những nội dung mà đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh tại cuộc Đối thoại là tính đa dạng và sự thống nhất trong đa dạng của các tôn giáo ở Việt Nam.


Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay ở Việt Nam, ngoài 6 tôn giáo với 16 tổ chức tôn giáo đã được chính thức công nhận. Nhà nước đã cấp đăng ký hoạt động cho 13 tổ chức tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo mới.


Riêng trong năm 2007, Việt Nam đã cho xuất bản 620 đầu sách với 1,2 triệu bản in cho các tổ chức tôn giáo và 180 xuất bản phẩm tôn giáo khác. Hiện Nhà xuất bản Tôn giáo đang xem xét việc in Kinh Thánh bằng tiếng H’Mông.


Trong thư gửi Đối thoại ở Phnom Penh, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết: “Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo. Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, tôn trọng đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng của người dân”.


Góp tiếng nói chung, đại diện Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đối thoại liên tôn giáo là “kênh trao đổi quan trọng giữa các tôn giáo khác nhau nhằm thúc đẩy hợp tác và hiểu biết vì hòa bình, hữu nghị và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới”. 




  • Xuân Linh (vietnamnet)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here