Theo nguồn tin từ gia đình nhạc sĩ Đặng Công Ninh, người nhạc sĩ mà nhiều thế hệ tăng, ni, phật tử biết đến qua tác phẩm bất hủ “Từ Đàm Quê Hương Tôi” Nguyên Thông vừa từ trần tại nhà riêng Footscray, Melbourne, Úc ngày 9/5/2013. Hưởng thọ 89 tuổi.
Tang lễ sẽ được cử hành tại chùa Quang Minh vào ngày 12&13/5/2013, sau đó sẽ hỏa táng vào lúc 3 giờ sáng ngày thứ ba 14/5/2013.
Nhạc sĩ Nguyên Thông tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh ngày 12/5/1924 tại làng Báo Vọng Đông, Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có nếp sống và niềm tin nơi Phật pháp.
Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng âm nhạc qua các nhạc cụ dân tộc lẫn tây ban cầm; bên cạnh đó ông còn tỏ ra khác nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác. Tất cả đểu do tố chất ham học hỏi và tự trui rèn dẫn đến bước thành danh, vì thế sau khi tạm từ giã chức giáo sư dạy âm nhạc tại Huế, ông lặn lội vào Sài Gòn và không mấy khó khăn thi dỗ bằng Tú tài lẫn Cử nhân.
Từ đây liên tiếp đạt đến những thành công khác như tốt nghiệp Anh văn Hội Việt – Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Sau khi về nước ông được đề cử làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm Nhạc Huế.
Bước đầu trên lộ trình sáng tác âm nhạc, ông dùng tên thật của mình là Văn Giảng để đánh dấu các tác phẩm đầu tay. Nhưng có lẽ cái tên Thông Đạt của ông mới chính thức đưa sự nghiệp của mình vào lòng công chứng yêu thích tình ca thời tiền chiến. Đó là tác phẩm “Ai Về Sông Tương”. Bài này ông sáng tác vào năm 1949, sử dụng cung la trưởng mượt mà tha thướt, đậm chất trữ tình và lãng mạn, rất được giới thanh niên thời thập niêm 50-60 ưa thích.
Từ nghệ danh Thông Đạt, ông tiếp tục thành công với những sáng tác khác tiếp theo sau đó. Đáng kể nhất là các bài “Đôi Mắt Huyền”, ”Hoa Cài Mái Tóc, “Tình Em Biển Rộng Sông Dài”, “Xin Đừng Chờ Em Nữa” vv….
Nhưng hơn ai hết, những tăng, ni, phật tử và nhiều thế hệ Huyng trưởng, Đoàn sinh GĐPT luôn ngưỡng mộ một nhạc sĩ Nguyên Thông – cũng là pháp danh của ông với tác phẩm “Từ Đàm Quê Tôi”, “Mừng Đản Sanh”, “Ca Tỳ La Vệ”, “Hoa Cài Áo Lam”.vv…Những tác phẩm này đã nhanh chóng nâng vị thế một người nhạc sĩ lên một bước dài bằng chính lòng trân trọng và ghi nhớ của công chúng Phật giáo.
Ông ra đi giữa lúc chúng ta đang tất bật lo toan ngày Phật đản, đánh dấu 50 năm máu lửa Bi Hùng Lực của PGVN tròn nửa thế kỷ, làm sao quên được câu ca “Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đám, nơi Bắc Nam nối liền một nhà, tay trong tay quyết vì loài người, đời lầm than..”(Từ Đàm Quê Hương Tôi) mà nhạc sĩ Nguyên Thông đã khắc họa lại những ngày tháng lịch sử ấy từ chính nơi xuất phát tinh thần bất bạo động, khiến cả một Ngô triều lung lay sụp đổ.
Theo nhạc sĩ Đặng Công Ninh, một trong những học trò của ông, nói trong niềm ngậm ngùi thương tiếc “Cả một cuộc đời tận tụy vì nghệ thuật, vì văn nghệ Phật giáo, ông chưa hề đòi hỏi cho mình một chức danh gì hay một quyền lợi gì, vẫn âm thầm sống khép mình nơi một góc trời đông xa lắc. Nhìn tấm gương ông không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại thực trạng văn nghệ Phật giáo chúng hiện nay, chưa có gì ngoài tranh chấp và hơn thua”.
Xin gửi gắm đôi dòng này làm nén hương lòng tiễn biệt ông. Cá nhân tôi xin được một lần nghiêng mình tạ ơn trước tác giả bài hát “Từ Đàm Quê Hương Tôi” mà tôi đã được vinh dự chấp tác lời cổ nhạc.