Trong một sự rạn vỡ, nứt nẻ hay bể toát hoát của một mối quan hệ nào đó luôn có một quá trình. Đó là quá trình diễn tiến trong tâm, nơi tim đến cách ứng xử, cách sống của người trong cuộc, tác động ít nhiều đến sự đổi thay nơi mỗi người, để rồi đến lúc nói và làm những điều gây thương tổn cho nhau. Quá trình đó đôi khi rất vi tế, nó diễn ra hàng ngày tới mức ta xem đó là bình thường nên cứ mặc nó trôi, không thèm để ý, cho đến khi nó đủ “lượng” để biến thành “chất” mới thì mới hỡi ơi, sao ta xấu xí thế này, sao tình nghĩa lại ra nông nỗi như ri…
Một người vợ hoặc chồng, hoặc hai người yêu nhau, nên một trong hai thiếu chung thủy do sự ham muốn thái quá nơi người kia, xuất phát từ việc thiếu kiềm chế dục vọng “có thêm nữa” hay “muốn của lạ” thì chẳng còn gì để nói. Bởi, kẻ hành xử điều đó đã cho thấy một cách sống khó cứu vãn, dẫu đáng thương theo cái nhìn nhân-quả Phật dạy, nhưng thương không có nghĩa là dính vào để mang hệ lụy bội bạc của người, rồi mình cũng mãi chìm trong tối tăm, có khi sinh ra hận thù, vô lối.
Lắm khi, sự phản bội phát xuất từ vài phút giây yếu lòng của một phía, bởi thứ bản năng ham muốn tồn tại trong người được tưới tẩm, nên làm người ta quên đi luân lý đạo đức, thủy chung hết mực. Sự yếu lòng ấy có thể được bắt nguồn từ sự yếu đuối trong cách sống, quan điểm không rõ ràng, sao cũng được, như vậy một vài lần sẽ không sao… của người trong cuộc dẫn đến dễ dãi lần đầu (trót lọt) và sẽ tiếp tục dễ dãi những lần sau theo chiều hướng tăng dần, thành tánh cách, khó bỏ.
Sự yếu lòng, đồng thời có thể phát xuất từ liên kết ngày càng yếu của mối quan hệ do sự hiểu lầm, do những hục hặc vốn dĩ của bất kỳ mối quan hệ nào mà phàm là người khó có thể chu toàn từ đầu tới cuối. Cũng có thể, liên kết yếu trong tình cảm giữa hai người là do nó đã bị “bẻ gãy” bởi những “tạp chất” khác của cuộc sống như cơm, áo, gạo, tiền, con cái, sự ỉ i của người trong cuộc – mặc định họ đã là của mình, thuộc về mình nên bản thân không còn quan tâm tới nhiều những cảm xúc mà nó chính là điều kiện để ban đầu hai người đến với nhau.
Chính vì vậy, làm mới luôn là phương pháp cần thiết không chỉ cho máy vi tính bằng cách bấm phím F5 mà còn cho chính mỗi người từ thân tới tâm, cho mối quan hệ của mình với người thân thương để nó không cũ xì, không lên meo lên mốc đến mức người ta chán ngắt phải tìm “phòng nhì, phòng ba”, phải hướng đến nơi khác, người khác…
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là bào chữa cho lối sống tham lam, bội phản, ỡm ờ trong quan hệ của những người sống buông thả, sống không thủy chung trong muôn một – đức tính biểu hiện của đạo đức con người; mà là để gợi một hướng nhìn mới, trong sự rạn vỡ của mỗi người, mỗi mối quan hệ luôn có sự góp tay của mình và người.
Thuở ban đầu đến với nhau, ngoại trừ những người có dụng tâm không tốt từ đầu thì chẳng ai muốn mong một mai đổ vỡ, nhưng, cuộc sống nơi cõi Ta-bà này vốn có quy luật của nó. Đó là quy luật sanh-trụ-dị-diệt, có bắt đầu phải kết thúc, nên, cái quan trọng là kết thúc đẹp, để dẫu có tiếc, có thương thì cũng không làm cho nhau đau lòng. Đau lòng đến mức vượt qua giới hạn của sự thứ tha – trở lại bình thường, đau lòng đến mức phải nuôi hận trả thù… thì thiệt là đau lòng lắm đó đa!
L.Đ.L (Facebook)
—————
P/s: Bấm phím F5, làm mới, để xóa sạch những rạn vỡ trong lòng, trong mối quan hệ của mình, để vững chãi nghe | Cho những rạn vỡ mình được nghe, được thấy, từng trải qua