Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lời Tưởng niệm Giác linh Đại lão HT.Thích Từ Nhơn của GHPGVN

Lời Tưởng niệm Giác linh Đại lão HT.Thích Từ Nhơn của GHPGVN

129
0

Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng đến đài hỏa táng Trà tỳ, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác Linh Đại lão Hòa thượng,

Trong Pháp giới duyên sinh vô tận, một chơn thân ngũ uẩn xuất trần, mượn tứ đại làm thân tác tắc, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần. Nước sông Tiền thao thao dòng Phật thủy, xứ Đồng Tháp gió quyện mây từ, đất Cao Lãnh duyên lành kết trái, một đời thọ mạng.

Hòa thượng vốn sẵn có tín tâm, nên sớm xuất trần thoát tục, chốn Tổ Phi Lai gieo nhân giải thoát, tầm đạo xuất gia, nêu cao chí cả, được Bổn sư ban  Pháp húy Nhựt Sáu, hiệu Từ Nhơn thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Kể từ đây! Đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, vượt trần gian siêu thoát luân hồi, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.

Rồi đến độ tâm hoa khai phát, theo Luật Phật định kỳ, năm 20 tuổi, Hòa thượng đăng đàn thọ giới Tỳ kheo, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, giới thân huệ mạng trang nghiêm, xuôi dòng bản thể, làm sứ giả Như Lai, Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh.

Với hạnh nguyện đại thừa, Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, giống trống lôi âm, vang rền tiếng pháp. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới. Từ vùng đất Nam bộ phì nhiêu xanh tươi đồng lúa, cò bay thẳng cánh đến chốn Sài thành hoa lệ, hòn ngọc viễn đông, Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, hóa độ chúng sinh, phát huy chân lý Đạo vàng một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử, của Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đâu đâu, nơi nào, thời nào Hòa thượng cũng hết tâm hành đạo. Quả thật! “Công Ngài đổ xuống đất này, cho hoa Đạo pháp ngày ngày xanh tươi”.

IMG_8068.JPG
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS dâng hương tưởng niệm trước Giác linh đài Đại lão Hoà thượng tân viên tịch

Trên cương vị lãnh đạo ngành Tăng sự Trung ương và Thành phố, Hòa thượng đã thể hiện tinh thần và ý nghĩa thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm; trên cương vị Luật sư, Giới sư của các Giới đàn, Hòa thượng đã khai thông giới thân huệ mạng cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Qua đó, từng lớp, từng đàn giới tử, giới thể châu viên trang nghiêm dòng diệu thể, trở thành pháp khí Đại thừa truyền trì mạng mạch Phật pháp, Trưởng tử của Như Lai, tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đời đẹp Đạo, đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm, hưng thịnh huy hoàng trong lòng dân tộc, để cho hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương.

Trong ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo, là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian, trên cương vị trụ trì Cổ tự Phước Thạnh, Hòa thượng đã cùng Tăng Ni, Phật tử trong Môn phong xây dựng, trùng tu ngôi phạm vũ Tổ đình trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là chốn Tổ uy nghiêm, là cơ sở của Giáo hội tại địa phương; Đặc biệt, đối với cơ sở chốn Tổ đình Ấn Quang, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức Trưởng lão trùng tu xây dựng và với trách nhiệm trụ trì Việt Nam Quốc Tự, Hòa thượng đã trùng tu tôn tạo ngôi Bảo tháp cùng các Thánh tượng, làm cho chùa cảnh trang nghiêm, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam trong lòng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Quả thật: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của Tổ tông. Giữ gìn Tổ ấn Tông phong. Tốt đời đẹp đạo giữa lòng dân gian”.

Với tám mươi tám năm trụ thế, sáu mươi tám năm hoằng dương Chánh pháp, làm bậc đống lương trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng đã có những cống hiến to lớn cho Đạo pháp và Dân tộc; Là một trong những bậc tôn túc của Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ngày từ nhiệm kỳ đầu Hòa thượng đã được Tăng Ni tín nhiệm suy cử vào ngôi vị Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự; Tại Đại hội đại biểu phật giáo toàn quốc lần thứ III (1992) cho đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012) Hòa thượng được suy cử vào ngôi vị Ủy viên Hội đồng Trị sự rồi Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự và cao nhất là Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày về cõi Phật. Với những cống hiến to lớn cho Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã được Giáo hội tặng bằng Tuyên dương công đức; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc. Quả thật: “Lưng mang bức tượng Di Đà. Chữ Tâm, trách nhiệm muôn phần vẹn phân. Trãi qua bao cuộc phong trần. Đạo Tâm không để một lần phôi pha”.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời thực hành Bồ tát đạo, hiện thân của Hòa thượng là bóng đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là ánh hải đăng định hướng cho Phật giáo Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử truyền thừa và phát triển, mà đỉnh cao là thời đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, mỗi cử chỉ, mỗi ngôn từ của Hòa thượng không những đã biểu hiện một sức sống mãnh liệt cho Đạo pháp, cho Tăng Ni Phật tử nói chung, mà còn là một bài học đạo đức cho các thế hệ hiện tại và mai sau noi gương tu học và hành đạo qua những lời đạo từ, khai thị của Hòa thượng. Quả thật:

“Hư không còn có ngày mòn
Bao lời huấn thị sắc son muôn đời”

Thế những tưởng, trăm năm cuộc thế vuông tròn, nhưng  nào ngờ đâu, một phút vô thường, âm dương cách biệt, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt trong niềm kính tiếc vô biên của những ai đã từng hữu duyên diện kiến cùng Hòa thượng.

Đối với sự mất mát to lớn này, chúng tôi và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam không sao tìm lại được trong kiếp người hữu hạn. Than ôi! “Người xưa nay đã còn đâu, chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương, ra vào lòng dạ vấn vương, bóng hình đại sĩ du phương xa mờ”.

Song công đức và đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư và ký ức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, trong trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, như Cổ đức đã nói: “Trăm năm trước thì ta chưa có. Trăm năm sau có cũng hoàn không. Cuộc đời sắc sắc không không. Chỉ còn lưu lại tấm lòng Từ bi. Giáo hội kính ghi gương đạo hạnh. Thế gian hằng nhớ mãi bóng Chân nhân”.

Hôm nay, trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt này, Cố Hòa thượng hóa duyên đã mãn, trong pháp giới vô biên, Hòa thượng đã ngao du tự tại, vận thần thông đoạn ngự cửu liên đài, xả báo thân, chứng nhập pháp thân, siêu tịnh độ không rời uế độ. Với Pháp thân năng lực vô biên, xin Hòa thượng hãy chứng minh và gia hộ chúng tôi là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ còn ở lại cũng như tất cả Tăng Ni, Phật tử, Bồ đề tâm kiên cố, ý chí kiên cường, để hoàn thành mọi Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh trong hiện tại và tương lai.

Đồng thời xin thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nguyện đoàn kết, hòa hợp một lòng, cùng chung xây dựng và phát triển vững mạnh ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc. Đồng thời, xin kính nguyện: “Dù sinh bất cứ nơi đâu. Mối tình Pháp lữ khắc sâu muôn đời”.

Thôi, nơi thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, Giác linh Đại lão Hòa thượng hãy ngao du tự tại, Pháp thân lồng lộng khắp mười phương. Nơi bảo tháp trang nghiêm – Việt Nam Quốc tự, xá lợi Hòa thượng được lưu lại cho nghìn thu in bóng, mãnh hình hài lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy cùng Pháp giới vô biên.

 Xin bái biệt Hòa thượng !

Nam-mô Chứng minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.

GHPGVN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here