Trang chủ Phật học Chuyển hóa tận gốc

Chuyển hóa tận gốc

134
0

Chúng ta thực tập như thế nào để mỗi hơi thở có thể đem lại an lạc và hạnh phúc. Nếu trong đời sống hàng ngày quý vị cảm thấy bối rối, không biết phải làm gì thì nên trở về và an trú trong từng hơi thở vào, ra. Tôi nghĩ rằng quý vị đã nắm vững phương pháp thở trong bài thực tập: ”Vào/ra. Sâu/chậm. Khỏe/nhẹ. Lặng/cười. Hiện tại/tuyệt vời.” Đây là bài kệ giúp chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm rất hay, rất dễ chịu. Quý vị có thể tập thở chánh niệm trong khi lái xe, ngồi trên xe buýt hoặc xe lửa hoặc trong khi rửa chén. Trong khi rửa chén quý vị có thể thực tập mỉm cười. ”Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra – Vào/ra.” Ta tận hưởng từng hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu quý vị làm đúng theo sự hướng dẫn của bài thực tập này, thì đời sống của quý vị sẽ trở nên một phép lạ. Khi thở, quý vị thực tập trở thành một với hơi thở. Trong khi thở vào, thở ra, quý vị an trú trong từng hơi thở, có mặt đích thực ngay bây giờ và ở đây và ý thức rằng mình đang còn sống là một phép lạ. Quý vị có thể thực hiện phép lạ bất cứ lúc nào. Khi quý vị thở có chánh niệm và an trú trong định, thì sự sống có mặt cho quý vị. Nghĩa là trong khi thở quý vị chỉ có mặt trọn vẹn cho hơi thở thôi, không suy tư về chuyện này chuyện nọ, về quá khứ, tương lai và trở thành một với hơi thở. Sau vài phút của sự thực tập như thế, tôi cam đoan phẩm chất hơi thở của quý vị sẽ tiến bộ rất nhanh.

Bây giờ chúng ta hãy thử thực tập câu thứ hai: ”Sâu/chậm.” Nghĩa là: ”Thở vào, tôi biết hơi thở vào đã sâu. Thở ra, tôi biết hơi thở ra đã chậm.” Sau vài phút thực tập câu thứ nhất, hơi thở vào của ta tự nhiên trở nên sâu lắng hơn, chứ không phải do ta cố làm cho nó sâu. Hơi thở ra cũng vậy, nó trở nên chậm lại một cách tự nhiên. Chánh niệm chạm tới đâu thì phẩm chất của sự sống nơi ấy được nâng cao. Chánh niệm làm cho hơi thở của ta hòa điệu và lắng dịu trở lại. Khi hơi thở được hòa điệu và lắng dịu, ta cảm thấy rất dễ chịu, khỏe khoắn. Sau đó ta đi sang câu thực tập thứ ba của bài kệ: ”Khỏe/nhẹ.” ”Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh. Vào, an tịnh thân / Ra, an tịnh thân.” ”Ý thức sự có mặt của cảm thọ, tôi thở vào. Ý thức về sự có mặt của cảm thọ, tôi thở ra. Thở vào, tôi làm cho những cảm thọ trong tôi an tịnh. Thở ra, tôi làm cho những cảm thọ trong tôi an tịnh. Vào, an tịnh cảm thọ / Ra, an tịnh cảm thọ.”

Bài tập này rất hiệu nghiệm và dễ chịu. An tịnh nghĩa là: ”Thở vào, tôi cảm thấy sự an tịnh trong thân và tâm.” Ta thực nghiệm sự hoạt động của thân và của những cảm thọ. Hơi thở vào và thở ra trước hết là làm cho những hoạt động của thân an tịnh trở lại, sau đó làm cho những cảm thọ an tịnh. ”Nhẹ” nghĩa là: ”Thở ra, tôi cảm thấy thân tâm tôi nhẹ nhàng, không bị năng lượng bồn chồn, lo lắng, sợ hãi chi phối… tôi làm mọi chuyện trong sự thanh thản.” Ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, làm việc v.v… trong chánh niệm, trong sự thong thả, không vội vàng hấp tấp và cảm thấy hạnh phúc trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Thân tâm được nhẹ nhàng. Ta không còn là nạn nhân, là gánh nặng của sự âu lo và phiền muộn nữa; ta hoàn toàn tự do. Ta hoàn toàn có chủ quyền và không còn là nạn nhân của sự tiếc nuối về quá khứ, lo lắng, sợ hãi và mơ tưởng về tương lai. Ta là người có tự do thật sự.

Câu thứ ba của bài kệ là: ”Mỉm cười/ buông bỏ”. ”Thở vào, buông bỏ. Thở ra, mỉm cười.” Ta buông bỏ những dự án, lo toan và nuối tiếc của ta. Bởi vì giây phút hiện tại thật tuyệt vời, thật mầu nhiệm và ta có khả năng tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại, ta mỉm cười trong khi thở vào. Nụ cười làm thư giản sự căng thẳng trên khuôn mặt và cơ thể ta. Nụ cười của ta là nụ cười của sự chiến thắng, của tình thương đối với thân và thọ của ta. Khi thở ra, ta buông bỏ hoàn toàn và trở thành người tự do. An lạc, vững chãi và thảnh thơi là ba đặc tính quý giá nhất của người tu. Ta không thể đánh đổi chúng với bất cứ thứ gì trên đời này. Ba đặc tính ấy là những đặc tính của Niết bàn. Buông bỏ nghĩa là ta làm chủ được ta; ta là con người hoàn toàn tự do. Ta có khả năng buông bỏ những sợi dây ràng buộc – những con bò làm ta bận rộn, lo sợ ngày đêm, nhất là những ý niệm của ta về hạnh phúc. Ta thường bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi ta thỏa mãn, thủ đắc được những cái này cái nọ. Ta không thấy rằng ý niệm về hạnh phúc có thể chính là chướng ngại lớn nhất cho sự thực tập đạt tới hạnh phúc chân thật. Nếu ta có khả năng buông bỏ được ý niệm về hạnh phúc của ta, thì hạnh phúc chân thật hiển lộ liền lập tức. Có nhiều người trẻ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi họ đạt được bằng cấp, có công ăn việc làm, hoặc cưới được người đó v.v… Ta đặt ra những điều kiện, mơ ước cho hạnh phúc và bị rơi vào cạm bẫy của những mơ ước ấy. Theo giáo lý hiện pháp lạc trú, hạnh phúc chỉ có thể có mặt khi tâm ta hoàn toàn tự do, nghĩa là ta buông bỏ được những ý niệm của ta về hạnh phúc. Tại sao ta tự giam mình vào ý niệm của hạnh phúc? Nếu tiếp tục nghĩ rằng hạnh phúc là phải đạt cho được những cái này cái nọ, phải thỏa mãn được năm thứ dục lạc như tiền tài, danh vọng, quyền hành, sắc dục, thức ăn cao lương mỹ vị… tức là ta đang giới hạn khả năng sống hạnh phúc thật sự của ta. Chỉ cần buông bỏ ý niệm ấy đi là hạnh phúc chân thực hiển lộ cho ta liền lập tức.

Toàn dân trong một quốc gia có thể đã nhiều năm sống trong ảo tưởng, trong ý niệm về hạnh phúc. Dân chúng của nước ấy có thể tin rằng nếu dự án tốt đẹp như thế của chính phủ không được tiến hành theo kế hoạch thì các công nhân sẽ không có tương lai. Theo lời Bụt dạy, nếu dân chúng của quốc gia ấy không thấy được ý niệm mà họ đang đeo đuổi có thể là chướng ngại cho hạnh phúc, thì họ sẽ chuốc lấy bi kịch của khổ đau. Nếu họ có khả năng buông bỏ được những ý niệm sai lầm ấy thì họ sẽ đạt tới tự do, hạnh phúc. ”Thở vào, mỉm cười. Thở ra, buông bỏ.” Chỉ cần ngồi cho thật yên, an trú vững chãi trong từng hơi thở vào và hơi thở ra là ta đã nếm được hạnh phúc rồi. Ta không cần phải làm gì thêm hoặc thành đạt gì thêm, kể cả ước muốn thành Phật, thành Tổ, chứng được Niết bàn. Đó gọi là giáo lý Vô tác, Vô nguyện trong kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát – Tam Giải Thoát Môn – Không, Vô tướng, Vô tác. Ta thưởng thức trọn vẹn những nhiệm mầu của sự sống, của sự có mặt chân thật và giản dị của ta trong giây phút hiện tại. ”Tĩnh lặng, buông bỏ, mỉm cười” là những chất liệu có công năng đem lại hạnh phúc chân thực. Hỷ và lạc là hai yếu tố có công năng nuôi dưỡng và trị liệu những vết thương của thân và tâm ta.

TS.T.N.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here