Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Người dân đảo Phú Quý khát ngưỡng Phật pháp

Người dân đảo Phú Quý khát ngưỡng Phật pháp

132
0
Đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, cách TP.Phan Thiết khoảng 120km về hướng Đông nam và cách quần đảo Trường Sa 385km về hướng Tây, mất 7 giờ đi tàu thường và 3 giờ tàu cao tốc. Ở đây, hiện có 7 ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông là: Linh Quang, Linh Sơn, Mỹ Quang, Thạnh Lâm, Long Sơn, Liên Hoa, Linh Bửu nhưng chỉ có chùa Long Sơn và Linh Quang là có chư Tăng trụ trì, còn đa phần là do Ban hộ tự quản lý.

Chùa trên đảo

Trong đó 3 ngôi chùa đặc biệt, chùa Linh Quang, tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh đã được Bộ Văn hóa-Thể Thao & Du lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia.

Chùa Linh Sơn, tọa lạc trên đỉnh Cao Cát, một trong hai ngọn núi cao nhất đảo với tượng Bồ-tát Quan Thế Âm được đặt trên một bệ đá khổng lồ trên đỉnh núi thiêng, là điểm tựa tinh thần cho ngư dân và đồng bào tại đảo, mỗi khi gặp tai nạn và khó khăn, họ đều lên tôn tượng để cầu nguyện. Từ tôn tượng Bồ-tát có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn biển cả, những rừng thông bạt ngàn cùng làng mạc trên đảo…

1.JPG
Chùa Linh Quang được công nhận là thắng cảnh quốc gia

Chùa Thạnh Lâm, tọa lạc tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, chùa Thạnh Lâm trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu của nhiều thế hệ người dân trên đảo Phú Quý.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Trần Thị Tuyết, một cư dân trên đảo cho biết: “Đối với tôi, những ngôi chùa là điểm tựa tinh thần hết sức quan trọng sau cuộc sống tất bật, bon chen và khó khổ mưu sinh. Nhưng mong mỏi lớn nhất của Phật tử ở đây là chùa có nhiều chư Tăng Ni ra đảo để giảng dạy Phật pháp. Phật tử ở đây khát khao hiểu biết Phật pháp mà ứng dụng tu học để có được cuộc sống an lạc, đi đúng con đường mà Đức Phật đã dạy”.

Hầu hết, người dân tại địa phương tự trao đổi kiến thức Phật pháp để tu học, chưa được sự hướng dẫn, giảng dạy và tổ chức các khóa tu. Trong khi đó, nhân dân tại đảo đa phần đều rất có tâm kính tín Tam bảo và chăm lo phụng sự trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa, lễ hội chùa chiền trong năm.

Nhu cầu tâm linh

Do sống trên đảo nên hầu hết người dân làm nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản, cuộc sống và sinh hoạt của họ mang tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau. Đặc biệt, ở đảo khi có một người qua đời hay đau bệnh nặng, dù không phải là họ hàng thân thuộc, mọi người vẫn đến thăm và ân cần chăm sóc. Với họ, tình yêu quê hương biển đảo rất đậm đà ở mỗi con người dân Phú Quý. Đa phần người dân sống rất trung thực, cởi mở, hiếu khách.

5_1.JPG
Điểm tựa tâm linh của ngư dân trên đảo

Sinh hoạt tâm linh của bà con trên đảo sau một ngày vất vả mưu sinh thường là trở về chùa vào mỗi buổi tối để tụng kinh và trò chuyện, sinh hoạt trong khuôn khổ đạo đức, kể câu chuyện tâm linh cho đến những bài học kinh nghiệm sống của ông cha đi trước để truyền dạy cho con cháu.

Đảo Phú Quý và những ngôi chùa cổ là một, không thể tách rời khỏi cuộc sống của nhân dân. Nó đã tạo nên một truyền thống, tín ngưỡng, tâm linh lâu đời, được dân đảo gìn giữ và phát huy. Hiện tại, khát khao lớn nhất đối với người dân đảo là được sống gần gũi, học hỏi Phật pháp từ những vị Tăng Ni.

Những ngôi chùa trên biển đảo quê hương mãi là những điểm tựa tâm linh cho biết bao trái tim hướng thiện, tu học và trưởng dưỡng tâm lành. Rồi đây, hy vọng sẽ có những bước chân của “Sứ giả Như Lai” tiếp tục dấn thân mang ánh sáng Phật pháp để soi rọi con đường chánh tín cho đồng bào nơi đây nương theo tu học.

(GNO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here