(LQ) Đêm 24/3/2013, chương trình Thơ nhạc với chủ đề: “HUẾ GIỮA CAO NGUYÊN”, do anh em đồng hương Huế tổ chức với sáng kiến của nhạc sĩ Hằng Vang. Diễn ra tại chùa Hồng Phước – Daklak.
Người con đất Thần Kinh, cho dù tha hương nơi đâu, cho dù thời gian xa Huế bao lâu, trong tâm tưởng luôn canh cánh nỗi nhớ một vùng đất mà mình vẫn tự hỏi, Huế có gì để nhớ để thương? Huế cũng như bao mãnh đất thân yêu khác của nước Việt, nhưng Huế có Hương giang lửng thửng như kẻ thất tình, Huế có núi Ngự như chàng trai ngồi đợi ai đó với dáng vẻ mộng mơ.
Người dân Huế chẫm rãi thả gót chân trên phố vắng, không bon chen vồ vập chỗ đông người. Cảnh vật thong dong như áng mấy trôi không cần điểm đến. Đất Thần kinh khô cằn như đôi tay trắng của nông dân sau mùa thu gặt…thế nhưng, tất cả những thứ ấy đã sản sanh những nét văn hóa lưu lại muôn thuở.
Huế có nhạc cung đình, có văn hóa ẩm thực bình dân quến khách, Huế có tính kiêu kỳ kiều diễm; Huế có đò dọc ru khách vào mộng những đêm trăng thanh; Huế đã sản sanh lắm anh tài lịch lãm. Mỗi người dân là một nguồn thơ, giòng nhạc lai láng, vì thế không lạ khi Huế có nhiều nhạc phẩm níu kéo gót chân những người con tha phương lập nghiệp, cho dù ở chân trời góc biển nào, cũng tìm cách về hội nhập đất tổ quê cha một lần, chỉ để ngắm lại giòng sông, nhìn tháp Thiên Mụ, nằm dài ở dốc Nam Giáo, lắng lòng trong đồi cây Núi Ngự.
Ai có ra đi rồi mới nhớ lại quê; ai đã một lần đến Huế mới thấu hiểu sự quyến rũ thầm lặng của xứ sở chỉ có chùa miếu, lăng tẩm, sông Hương, núi Ngự…Chính vì thế, những người con xứ Huế trôi giạt vào Cao nguyên, muốn lưu lại cái gì đó lắng sâu trong tâm khảm, để cùng nhau hội ngộ, chia xẻ nỗi niềm viễn xứ, đêm thơ nhạc “Huế giữa cao nguyên” được hình thành.
Những anh em góp phần cho đêm văn nghệ cũng chỉ là những tâm hồn nghệ sĩ, đóng góp bằng cái tâm chứ không phải cái chuyên của những nhà tổ chức sự kiện. Tuy chưa chu đáo nhưng vẫn nói lên được hồn thơ và nét Huế. Rất tiếc, buổi hội diễn quá đơn điệu chỉ ca-ngâm mà không có một hoạt cảnh thay đổi không khí, và quan trọng – chỉ thể hiện được một vế qua các bài nói về Huế mà không cho khán thính giả thấy được chất Cao nguyên đang nuôi dưỡng Huế, hay nói cách khác – Huế sanh sôi nảy nở trên đất đỏ trù phú Cao Nguyên.
Bài thuyết minh lịch sử nước Việt qua các triều đại quá dài, thiếu hoạt cảnh minh họa, làm cho khán thính giả chỉ ngồi nghe giữa cái lao xao chung quanh như đang chờ đợi một tiết mục hấp dẫn nào đó, diễn trường trở nên trống trãi lạ thường!
Điều đáng ca ngợi tinh thần của anh em đồng hương:
Sáng/3/13 nhà thơ Kiều Trung Phương và nhà thơ VN Mai văn Hoan cùng nhà giáo Nguyễn Động (Kim Đông) lên Ngự Bình lấy đất, sau đó đến núi Ngự Bân (nơi Nguyễn Huệ lên ngôi tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh lấy lại Thăng Long, thống nhất nước nhà) để cáo tế, lại qua Nghinh Lương Đình lấy nước sông Hương. Nhà thơ Mai Văn Hoan trao cho Kiều Trung Phương và nhiếp ảnh gia Thừa Thiên là Đỗ văn Tri đem lên Muôn ma Thuộc trao cho Ban tổ chức, chia cho Hội đồng hương thờ kính.
Với tinh thần tha thiết quê hương như thế thật cảm động, chỉ có những người con của Sông Hương núi Ngự mới thể hiện sâu sắc chứ không chỉ có nhạc và thơ!
M.M