Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chữ lễ nơi nầy

Chữ lễ nơi nầy

189
0

Thái Lan còn là đất nước của Phật giáo. Giống như Lào, Phật giáo ở xứ sở này được coi là Quốc giáo, với 95% dân số là tín đồ đạo Phật.

Phật giáo phát triển nhất ở thời kỳ đầu của triều đại Sukhothai (1237- 1456), trong bốn thời kỳ của các triều đại: Sukhothai, Ayutthaya, Thon Buri và Rattanakosin (tên cũ của thủ đô Bangkok). Các đạo giáo nhỏ hơn bao gồm Ky Tô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Thời kỳ Sukhothai, nhiều vị vua xây dựng chùa chiền, ủng hộ Phật pháp, thậm chí có những vị xuất gia tu học như Vua Ramkhamheng, Vua Lithai.

Vua Lithai được coi là một ông Vua Phật tử anh minh. Ông đã có công xây chùa và cho đúc rất nhiều tượng Phật trong thời ông trị vì. Như những tượng Phật ở Chùa Buddhajinarai, Chùa Phrarinatnahadhatu, Chùa Sadassana.

Các triều đại Ayudhya (1350- 1766), Thonburi và triều đại Bangkok do Vua Rama I thiết lập vẫn giữ được truyền thống phát triển Phật giáo một cách rực rỡ. Trong đó, triều đại Bangkok, nhất là Vua Rama V (Vua Mongkut) đã xuất gia tu học tại Chùa Bovoranives, và còn tổ chức biên tập lại bộ Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo đầu tiên trên thế giới, bằng tiếng Pali vào năm 1888, với 39 quyển, được in trên giấy…

Vì vậy, nếu không đến thăm các chùa chiền ở Thái Lan, có thể coi như chưa hiểu gì về quốc gia mộ Phật này.

Sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng, Thái Lan có khoảng hơn 30.000 ngôi chùa, với hơn 350.000 tăng sĩ. Nhưng con số này luôn biến động không ngừng, do ở Thái Lan, người ta coi lên chùa để tu như một nghĩa vụ, một bổn phận báo hiếu cha mẹ. Vua cha, Hoàng hậu, hoàng tử và các công chúa đều phải quỳ lạy trước nhà sư.


Trân Bảo Phật Sơn (Tượng Phật Thích Ca được tạc trên núi). Ảnh: Kỳ Duyên

Nổi tiếng nhất là Chùa Phật Vàng (Wat Traimit). Chùa Phật Vàng là niềm tự hào sáng giá của người Thái, bởi nơi đây có bức tượng Phật bằng vàng nguyên khối lớn nhất thế giới, với chiều cao ba mét, nặng 5,5 tấn, được chế tác từ thời triều đại Sukhothai, triều đại Phật giáo rực rỡ nhất.

Chùa tọa lạc ở đường Yaowarat, gần ga Hualampong, thuộc quận Samphanthawong.

Người Thái coi bức tượng Phật độc đáo này là biểu tượng cho sự thịnh vượng, và thuần khiết, cũng như sức mạnh và quyền năng. Cũng còn bởi lịch sử thăng trầm của bức tượng. Nay, giá trị của bức tượng được định vị, trở thành nét đẹp khác biệt khiến du khách phải đặt chân đến đầu tiên nếu muốn tìm hiểu về đất nước Thái Lan.

Khách vào chùa, chỉ thấy một không khí trang nghiêm, nhẹ nhàng. Một hòm tiền công đức đặt rất ý tứ sau bức tượng, để khách có thể tùy tâm. Bỗng chợt nhớ đến không khí chen chúc hỗn độn, tiền lẻ đặt vung vãi khắp nơi ở các chùa của Việt Nam, nhất là nhớ đến tượng Phật Di Lặc ở chùa Bái Đính mới đây, “được” con nhang đệ tử dán tiền khắp người, một cách ứng xử cực kỳ… thiếu lễ. Mà thấy buồn quá…

Một biểu tượng độc đáo khác là Trân Bảo Phật Sơn (Khao Chee- Chan). Nằm ở tỉnh Chon Buri, cách TP Pattaya 15 km, Trân Bảo Phật Sơn- tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền- được tạc trên một vách núi giữa trời. Sự độc đáo của bức tượng Phật lớn này là được khắc nổi bằng vàng ròng 24 kara, cao 130 m, rộng hơn 70m, được xây dựng vào năm 1996, nhân dịp Quốc vương RaMa IX trị vì vương quốc Thái Lan được 50 năm.

Tuy bằng vàng lộng lẫy, nhưng không một kẻ gian nào dám “động chạm” đến. Người ta bảo, ở Thái Lan, kẻ cướp có thể dùng súng cướp ngân hàng, nhưng tượng Phật bằng vàng được tạc giữa trời xanh, thì đến lòng tham cũng phải cúi đầu.

Mới hay, cái Giàu vốn có ma lực quyến rũ. Nhưng chỉ cái Thiện mới có khả năng thức tỉnh con người.

(Trích bài viết Văn hóa và bản năng của Kỳ Duyên trên VietNamNet.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here