Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Mỗi tuần một lá thư

Mỗi tuần một lá thư

135
0

Đã lâu rồi con chưa viết thư về thăm Sư phụ, cũng là lâu rồi con đã bỏ quên cái thói quen dễ thương này. Những giờ học hành bận rộn, những công việc không tên, những này… và những kia…, con luôn có nhiều lý do để biện hộ cho cái sự lười biếng của mình, để rồi, đã thật lâu rồi, cứ lần lữa mãi… Giờ này, không hiểu vì lý do gì, khiến trong con, trỗi dậy cái niềm-vui-được-đặt-tên, đó là viết thư gởi đến Sư phụ, mỗi tuần một lá… Con gom góp những niềm vui nhỏ nhoi của mình, theo những cánh chim trời kia, bay sang đại dương… về đến với Sư phụ, người Thầy đầu tiên trong cuộc đời xuất gia của con.

Taiwan (Đài Loan) mùa này nhiều gió lắm thưa Sư phụ, chỗ con đang ngồi đây gió đánh mạnh quá nên những chiếc rèm cửa cứ phấp phới bay bay, gió làm những hàng cây ngoài kia trút lá rất nhiều. Con vẫn đều đặn mỗi ngày đến giảng đường, hoàn thành các thời khóa công phu sớm, tụng kinh, ngồi Thiền… Chúng con là những người tuổi trẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới … vì niềm say mê nghiên cứu Phật học mà hội đủ duyên lành để cùng quây quần tụ hội, dưới mái ấm DBS (khoa Phật học) trong ngôi trường Đại Học có rất nhiều phân khoa khác nhau này. Điều con cảm nhận được ở đây sau gần một năm học tập là chúng con không chỉ được thu thập, tiếp nhận những kiến thức trên sách vở mà thật sự còn là những trải nghiệm mới trong tâm linh. Cuộc sống của sinh viên khoa Phật học được khép vào khuôn khổ thiền môn, nghĩa là tất cả mọi giờ giấc sinh hoạt, hoạt động… đều theo quy củ, phép tắc riêng như trong các tự viện. Tuy vậy, cũng không hoàn toàn 100% tuyệt đối giống như trong chùa, chương trình học và các hoạt động ngoại khóa vẫn được đan xen, lồng ghép vào nhau để tạo sự sinh động, hợp lý, hào hứng… cho tất cả sinh viên trong khoa, gồm cả những vị xuất gia và tại gia. Điều này quả thật tuyệt vời cho những hành giả học Phật, bởi họ có cơ hội rất nhiều để được trải nghiệm hương vị của đời sống xuất gia, vừa có thời gian để trau dồi đèn sách.

Trường Đại học nơi con đang học được Đại lão Hòa thượng Thích Tinh Vân, là vị sáng lập một trong những hệ thống tự viện lớn nhất của Đài Loan (Phật Quang Sơn), khai sáng. Trường rộng 54 mẫu, nằm trên một quả núi hướng về phía Thái Bình Dương, nhìn ra hòn đảo Con Rùa xinh đẹp phía xa xa như một bức bình phong án ngữ, vốn được xem là thế long tượng trong phong thủy. Khi được nhận vào học, tất cả mọi sinh viên của khoa Phật học được nhận học bổng toàn phần, miễn phí tất cả các chi phí học hành, ăn, ở… với điều kiện bắt buộc là sinh viên phải ở nội trú trong ký túc xá của trường, tham gia đầy đủ các thời khóa công phu, hành Thiền, tụng kinh, lạy Phật…. cũng như chấp tác các công việc như nấu ăn, hành đường, hương đăng, vệ sinh dọn dẹp… Có lẽ đây cũng là đường lối chiến lược lâu dài trong việc đào tạo tăng tài của Phật Quang Sơn, vì con thấy khi tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên đã quyết định… xuất gia tu tập, sau khi đã trải qua những ngày tháng trải nghiệm, họ có thể cân nhắc để đi đến những quyết định trọng đại của đời mình. Điều đó quả thật là những nhân duyên thật tuyệt vời, thưa Sư phụ nhỉ.

Thưa Sư phụ, dạo này Sư phụ có khỏe không. Căn bệnh tuổi già có lẽ nó cứ muốn chung sống cùng mình mà không chịu rời đi, Sư nhỉ. Con cảm ơn quý cô, quý chị, các em… trong chùa mình luôn túc trực bên Sư để lo lắng, chăm sóc cho Sư phụ từng bữa ăn, giấc ngủ. Quý cô, quý chị ơi… em sẽ nhanh nhanh trở về, rồi chị em mình lại cùng nhau sớm tối bên Thầy, chia sẻ cho nhau những niềm vui đạo vị giản dị đơn sơ mà vô cùng hạnh phúc. Ai cũng có một con đường riêng để đi phải không quý chị, nhưng chúng ta sẽ luôn cùng một cội nguồn.

Bữa nay Sư phụ và quý chị thấy em có … nhiều chuyện không? Viết thư viết từ đồ rứa, màu mè hoa hòe lá cành hết sức. Em cũng biết … lợi dụng công nghệ đó chứ, thỉnh thoảng quý chị có người đi học, đi ra ngoài công chuyện thì tranh thủ thời gian giúp em … in những lá thư ni ra và đọc cho Sư phụ nghe giúp em với nhé. Điện thoại thì em không dùng, mà Internet, Facebook hay mail miếc… thì Sư phụ mình không biết. Cái cách ni có phải là hay không quý chị nhỉ, như ri thì em có cơ hội để “làm phiền” quý chị rồi, vừa nhanh vừa tiện, hì hì.

Lá thư của tuần đầu tiên em hơi … lan man như ri đây, em dự định sẽ viết một tuần một lá thư gởi đến Sư phụ. Sư phụ và quý chị ơi, cuối thư con kính chúc Sư phụ cùng quý chị luôn có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình an trong ánh hào quang của vô lượng chư Phật.

Con của Sư phụ,
Em của quý chị,
Taiwan, 19/3/2013.

Tấm ảnh con chụp cùng các bạn trong khoa, trong một lần xuống núi cùng trường. Ở đây các vị xuất gia thì ít hơn cư sĩ Phật tử, các bạn có nhiều phước duyên được đào tạo trong môi trường Phật học tốt nên ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy, lối sống, phong cách. Con vẫn thường hay tấm tắc “Sao các bạn ấy dễ thương vậy!”…

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here