Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Gọi tên nỗi đau

Gọi tên nỗi đau

128
0

Gọi tên nỗi đau là một cách thực tập để ta biết nỗi khổ niềm đau của mình lớn đến mức nào. Đôi khi, có những nỗi buồn be bé nhưng vì ta không biết kiểm soát, không “điểm mặt, đặt tên” được nó nên dần “xé ra to”, để nó làm chủ, điều khiển mình từ ánh nhìn đến lời nói, từ con chữ tới hành động, làm cho mình lúc nào cũng kèm nhem nước mắt.

Ông bà mình nói “nhà giàu đứt tay như ăn mày đổ ruột” dường như không để chỉ cho mỗi việc đứt tay, đổ ruột của thân mà còn ý chỉ những nỗi khổ đau tiềm ẩn, giấu kín trong lòng mình. Do cái tôi quá lớn nên mình luôn thấy bản thân là “trung tâm vũ trụ”, vì vậy mà nỗi buồn-đau của mình luôn là… lớn nhất, mọi thứ xảy đến với mình luôn là to tát, là kinh khủng, là không thể chịu được. Cái tôi đã cho mình thành “nhà giàu” chứ không xem mình là cỏ rác, là cát bụi, là giả tạm… nên khi đau mình khổ rất nhiều.

Gọi tên nỗi đau cũng là để mình nhận diện vì sao mình thọ nhận những nỗi khổ niềm đau. Nó không phải tự nhiên cũng chẳng phải vô lý mà mọi nỗi khổ đau đều có cái lý của nó. Cái lý của sự yếu đuối trong tâm hồn, nên ta dễ bị tổn thương dù mọi sự tác động không phải là thương tổn. Cái lý này được gọi tên, nôm na là “mong manh dễ vỡ”.

Cái lý sâu xa hơn qua cái nhìn nhà Phật chính là nhân quả, là ta đã từng “gieo gió” nên nay “gặt bão”. Rằng, một đời, một kiếp nào đó hay trong hiện đời này ta đã từng gây tạo nỗi khổ đau cho người khác, loài khác. Vì không hiểu nhân quả nên ta nghĩ khi mình triệt hạ người khác thì mình sẽ đứng đầu nên bây giờ bị triệt hạ hoặc nghĩ rằng bêu rếu, nói xấu người khác sẽ làm cho giá trị mình tăng lên nên nay mình bị hạ nhục, mất hết danh dự.

Vì nghĩ rằng loài khác sanh ra là để phục vụ mình nên mình ăn uống trên sự sát hại vô độ nên nay mình bệnh tật triền miên, thọ mạng ngắn ngủi. Hoặc vì nghĩ rằng tuổi trẻ sẽ còn mãi nên mình đã sống hoài, sống phí, ăn chơi xả cửa nên đến lúc già yếu, sắp chết mình mới nhận ra “thời gian như bóng câu qua cửa sổ” và hối tiếc muộn mằn…

Nhân quả công bằng không phải chỉ trong một đời mà trong nhiều đời, với chiều sâu quá-hiện-vị lai không sai biệt. Trong sự quán niệm ấy ta nhận ra việc mình gặp chướng, bị nạn cũng là lẽ đương nhiên để rồi đón nhận như thế nào cũng là điều kiện để đối diện với nó bằng nụ cười hay nước mắt u ám hoặc sẽ hoan hỷ chấp nhận, vượt qua, sửa đổi hay trách trời, trách đời, trách người…

Và, lẩn quẩn, đi sâu vào mê lộ khổ đau vốn là con đường dài thăm thẳm được kiến tạo theo hình xoắn ốc hay bước ra ánh sáng tươi nhuận là kết quả của cách ta nghĩ và hành xử với khổ đau đang hiện hữu trong mình!

(Facebook L.Đ.L)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here