Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi "Xét lại"?

"Xét lại"?

120
0

Trong tác phẩm Đề Từ Trọng phủ Canh ẩn đường, Nguyễn Trãi từng than thở: “Ta dư cửu bị Nho quan ngộ” (Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà Nho nó chụp làm cho sai lầm). Một nhà Nho chính thống, một khai quốc công thần của nhà hậu Lê đã vượt lên những giới hạn nhận thức, tư tưởng để phát biểu về mình, về cái đạo của mình như thế, quả là không bình thường trong ý nghĩa “xét lại”… Phải chăng Nguyễn Trãi đang đánh mất niềm tin, lý tưởng của mình vào cái vương triều tôn Nho mà ông đang theo đuổi?

Khả năng ra vào (tuỳ tục) trong các tư tưởng, tôn giáo của ông, cho phép ông phát biểu “kín đáo” như thế, chí ít trong tư cách của một nhà Nho chính thống, cùng với những khả năng “phù nghiêng đỡ lệch” cho cái chính thống ấy của mình. Ông có một vai trò, địa vị xã hội đáng kể để làm rạng rỡ cho lời phát biểu ấy, dù chỉ trong văn chương, và dù có nhiều bất mãn ông cũng không tuỳ tiện “chửi vua mắng chúa”, nhằm cô lập thêm sự giới hạn của cá nhân con người trước những dòng xoáy tư tưởng của xã hội đương thời. Bởi vua ấy dù là minh quân hay hôn quân thì cũng đã trực tiếp thừa hưởng một nền giáo dục do chính những con người xuất thân khoa bảng như ông tạo ra.

Đương nhiên hoạn lộ của ông không ít lần phải trả giả cho cả nhận thức, ngôn ngữ, thái độ, hành động của ông đối với vương triều và với những con người cụ thể nào đó, nhưng ông vẫn là một mẫu người “trung quân” cho đến khi cái họa tru di tam tộc xảy đến với ông. Có thế mới lý giải được vì sao ông vui mừng như cởi ruột khi được Lê Thái Tông vời ra trở lại làm quan ở mấy năm cuối đời. Nỗi vui mừng ấy, dù đã từng có sự phủ nhận “nho quan ngộ”, nhưng cũng không đánh mất cái lý tưởng “lập thân, lập danh” đậm đặc tính cách Nho trong ông. Về tư cách cá nhân, ông có toàn quyền phát biểu “xét lại” như thế, vì ông đã tạo ra nền giáo dục ấy.

Hơn nữa, nhân cách của ông không phải ở mức “vỡ lòng”, để phải coi trọng hay phủ nhận nét châu phê của một vị vua, mà trong con mắt của ông, vẫn cần phải có những kiểm soát, huấn hỗ nghiêm khắc. Dù có được vua ban hàng ngàn lời khen, hay thêm bảng vàng đề tặng, thì với tư cách là thầy dạy vua, ông vẫn khiêm cung, lễ độ để giữ lễ cho người đi sau. Ông có thể treo tấm biển vàng nào đó do vua ban để lấy danh với con cháu, ông cũng có thể vất bỏ nó, chẻ làm củi đun, nhưng ông cũng thừa biết vua là người phong thần cho cả thiên hạ, và những sắc phong mà người đời sau kính cẩn lễ bái, đâu phải không ít nhiều có nét chữ của hôn quân bạo chúa.

Trong xã hội, không phải ai cũng đang ở cái trình độ đủ mức để “xét lại” một cách tỉnh táo như Nguyễn Trãi. Và ông không “xét lại” với mục đích để trở thành một người hùng bất đắc dĩ của đương thời hay hậu thế. Chỉ tại bối cảnh ấy, quá thiếu những con người tỉnh táo đến mức “mất bình tĩnh” như ông…

Cái tội miệt thị triều đình, chửi vua mắng chúa đâu chỉ có ở thời phong kiến. Hiện nay, ở đất nước Thái Lan, người ta vẫn duy trì luật chống khi quân, kêu gọi nhân dân phát hiện kẻ nói xấu vua để trị tội. Sự khác nhau của thể chế, đạo luật và sự khác nhau của nền văn hoá, vốn chẳng đo bằng những giá trị đúng hay sai, mà tuỳ thuộc vào góc nhìn và cả sự chấp nhận không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa tôn giáo, biểu tượng. Có phải nhà vua Thái Lan sợ bị nói xấu, sợ bị người dân bất kính? Người ta phân tích rằng, đạo luật đó chỉ ra nỗi lo sợ về một tương lai không có nhân vật lãnh đạo khả kính nào cho nhân dân ngưỡng phục, và người dân luôn cần một con người có thể đứng giữa để cân bằng những tranh chấp không có điểm dừng của nhiều lực lượng xã hội khác nhau.

Tôn giáo là tính thiêng ẩn bóng trần tục, nên tín đồ tôn giáo luôn e dè đối với những chuyện “vạch áo cho người xem lưng” liên quan đến chức sắc của họ. Nhưng điều mâu thuẫn lại thường nằm ở những con người “nhị tính”, vừa mang trong mình tính cách tôn giáo, vừa mang trong mình tính cách công dân. Hai nhân cách ấy đan chen thì thật khó nói những cải cách xã hội sẽ đi theo chiều hướng nào, thần quyền, thế quyền, hay sự kết hợp hài hoà của cả hai. Tính cách nào vượt trội thì sẽ chi phối cách nhìn và hành xử của họ.

Vua Trần Nhân Tông từng hỏi ngài Tuệ Trung Thượng sĩ: “Công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?”.

Thượng sĩ trả lời:
“Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục.
Như khi người leo cây,
Đang yên tự tìm nguy.
Không trèo lên cây nữa,
Trăng gió làm gì được”.

Thiện – ác, tội – phúc ở đâu? Hôm nay giữ giới không xao lãng là “trong sạch”, vậy ngày mai không giữ giới thì cái tính trong sạch nó mất hẳn hay sao? Hôm nay không giữ giới hay phá giới là ác, vậy ngày mai giữ giới thì cái tính ác không còn nữa hay sao? Biết rõ phải trả lời Trần Nhân Tông chuyện “giữ – bỏ” có thể gây tranh cãi như thế, nên Thượng sĩ không quên nhắn nhủ: “Ông chớ nói điều này cho những kẻ không ra gì biết”.

Đôi khi vì “những kẻ không ra gì” ấy, mà nhiều nhân cách lớn của nhân loại phải sống trong nỗi cô đơn tận cùng. Có thể hiểu vì sao giữa bao nhiêu những đột phá tư tưởng có tính cách mạng trong xã hội Ấn Độ cổ đại, nhưng Đức Phật cuối cùng cũng phải phát biểu rằng: “Ta chưa từng nói lời nào”. Họ có thể đem những lời của ngài lên tủ thờ hay ném ra ngoài đường cho mọi người giẫm đạp. Dưới các góc nhìn, lập luận, đối thoại, sự khác nhau không chỉ do giới hạn nhận thức về con người, thế giới, mà khởi đầu của nhiều hình thức bạo lực thường bắt đầu bằng bạo lực ngôn từ…

Chưa thể hình thành văn hoá đối thoại trong xã hội Việt Nam hiện nay, khi “phản biện” vẫn ít nhiều mang bóng dáng của những cái chợ chửi…, nhất là khi con người có xu hướng người ngày càng ghê tởm con người.

T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here