Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Nói với bạn

Nói với bạn

168
0

“Chư nghiệp bách công”, trong xã hội trăm nghề trăm việc nhưng mỗi người chỉ có thể làm tốt một công việc. Bởi vậy phải lựa chọn công việc sao cho phù hợp với sở năng, sở trường của mình.

Lão tử nói: “Không ai có thể thúc chân hạc cho ngắn và cũng không ai có thể lôi chân vịt cho dài”. Nếu cứ cố gò mình vào một công việc mà mình không có sở trường, không có kiến thức, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó thì sẽ chẳng bao giờ mình hoàn thành tốt được công việc đó.

Khi làm việc cần nhất là sự chuyên tâm, chuyên cần ngay từ những giấy phút đầu tiên cho đến tận những giây phút cuối cùng. “Đầu xuôi đuôi lọt”, nên sự thành công không bao giờ đến với sự thờ ơ hay chểnh mảng. Đã không làm thì thôi, còn đã làm thì phải làm với tinh thần và thái độ tích cực. Nghĩa là luôn luôn đề cao tính trách nhiệm và làm cho ra làm.

Trong công việc, cần nhất sự khiêm hạ, kính người. Nếu gặp chướng ngại, gặp dở dang, không vừa ý, thay vì oán Trời trách người, hãy lập tức xét lại mình, xét lại sự hiểu biết của mình, chí hướng mình, công phu mình, lề lối làm việc của mình. Gặp khiếm khuyết lập tức lo cải thiện, như vậy nhất định sẽ tiến bước tới mục tiêu đề ra.

Sự xét lại mình mỗi khi gặp chuyện không vừa ý, đã được Mạnh Tử giảng giải rất rõ ràng: “Mình thương yêu người mà người chẳng thương mến mình, mình nên tự xét coi mình có đủ lòng nhân hay không. Mình cai trị người mà người chẳng phục tùng mình, nên tự xét coi mình có đủ trí sáng không. Mình lấy lễ đãi người mà người chẳng hồi đáp mình, nên tự xét coi sự kính trọng của mình có toàn vẹn hay chăng. Mình làm việc mà chẳng được kết quả theo ý muốn, vậy mình nên tự xét lấy mình để tìm nguyên nhân sự thất bại. Một vị quốc trưởng trước hết phải giữ mình cho ngay thẳng, sau đó thiên hạ mới quy thuận nghe theo mình”. (Mạnh Tử, Li Lâu (thượng- 3).

Mỗi lần bạn găp trắc trở, khó khăn trong công việc, trong cuộc sống là bạn lại than vãn nọ kia. Bạn chửi đối tác là lũ tiểu nhận, chơi không đẹp; bạn chửi chế độ là quá hà khắc, không tạo được đường lối thông thoáng cho doanh nhân làm ăn. Mình thấy cách nói, cách làm của bạn quá cảm tính và vẫn bị cái tâm tham, sân, si nó điều khiển. Là người Phật tử bạn nên nhớ rằng dù trong hoàn cảnh nào mình cũng phải lấy Phật và lấy giới luật làm thầy của mình. Bởi vậy mỗi khi gặp sự chẳng lành thay vì nổi giận, oán than, chửi người, chửi đời người Phật tử nên nhịn nhục khoan dung, lấy từ bi đức độ, thiền định và trí tuệ mà từ từ hóa giải.

Phật tại tâm ta, xuất thế gian hay nhập thế gian tâm Phật đâu có khác. “Vô khả vô bất khả”, đúng hay sai, thành hay bại cũng đều xuất phát từ bản tâm nhìn nhận của chính mình. Bấy lâu nay mình không còn muốn tranh luận cùng bạn như xưa. Bởi mình thấy rằng cái tự ngã của bạn quá cao, càng tranh luận sẽ chỉ càng làm cho nó cao hơn mà thôi. Hôm nay nhân tiện bạn chuẩn bị lên đường đi làm công việc mình viết ra đây là muốn thủ thỉ cùng bạn chứ không muốn tranh luận cùng bạn.

Thái Tử Tất Đạt Đa ngay khi sinh hạ Ngài nói: “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn”. Trên trời dưới đất, cái tự ngã của con người là cao hơn hết cả, nên suốt thời gian tại thế Ngài luôn chủ trương “vô ngã vị tha”.

Cổ nhân thì nói: Trời cao năm thước, nhưng người cao sáu thước nên phải biết khiêm nhường hạ thấp mình thì mời có thể sống được. Dù bạn muốn hiểu hay cố tình không muốn hiểu thì những điều trên cũng là những điều mình muốn bạn sẽ đọc và suy ngẫm cùng.

Chúc bạn luôn có trí tuệ sáng suốt, tâm Bồ Đề kiên cố và càng ngày càng có nhiều thành công trên con đường thiện nghiệp mà bạn đã chọn và đang hành trì.

T.T.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here