Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trước tin đồn về ngày tận thế, suy ngẫm về tương lai...

Trước tin đồn về ngày tận thế, suy ngẫm về tương lai mịt mù của nhân loại

117
0
Càng gần đến thời điểm của ngày 21/12/2012, thế giới càng nóng lên với những tin đồn và những lời tiên tri về ngày tận thế. Những ai thờ ơ với chuyện này trước đây và coi đó giống như một trò đùa ác ý thì bây giờ đều quan tâm đến nó theo cách riêng của mình, công khai hoặc âm thầm.

Thực ra việc này cũng chẳng có gì làm lạ bởi niềm tin vào ngày tận thế là một trong những niềm tin cơ bản của những ai theo một trong 3 tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, và Do Thái giáo. Cả 3 tôn giáo này cũng xuất phát từ một gốc rễ là tôn giáo thờ đấng Thượng Đế toàn năng, người được tin là đã sáng tạo ra thế giới và con người trong 7 ngày. Niềm tin đó cũng đi kèm với 1 mặc khải rằng sẽ đến một ngày Thiên Chúa sẽ phán xét con người, và ngày đó sẽ là ngày tận thế. Nhân loại sẽ bị diệt vong, những ai theo Chúa Trời sẽ được về cõi Thiên Đàng, còn kẻ nào không tin Chúa Trời sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn. Mặc dù đến nay, khi khoa học đã phát triển rất cao và đã chứng minh được về sự hình thành và phát triển của loài người cũng như thế giới không giống như những gì được rao giảng, nhưng cũng không thể khiến con người loại bỏ niềm tin rằng ngày tận thế chắc chắn sẽ đến. Trong suốt lịch sử phát triển của Thiên Chúa giáo, đã có không dưới vài chục lần các dự báo ngày tận thế được đưa ra, có bao nhiêu người hồi hộp, lo lắng nhưng rồi mọi sự vẫn trôi qua bình thường. Những dự báo đó chủ yếu dựa trên cách diễn giải và tính toán của các tu sĩ Thiên Chúa giáo về những điều được nói trong kinh. Ai hiểu thế nào thì sẽ tính toán ra một thời điểm riêng theo cách hiểu của mình như thế ấy.

Tuy nhiên đối với lời dự đoán tận thế vào  thời điểm ngày 21/12/2012 thì có rất nhiều khác biệt, cụ thể như sau:

Thứ nhất, dự đoán này không do các tu sĩ Thiên Chúa Giáo đưa ra, mà căn cứ theo sự tính toán rất chuẩn xác của người Maya về chu kỳ của các hành tinh trong hệ mặt trời.

Những kết quả tính toán của người Maya đã từng làm sửng sốt các nhà khoa học của thế giới với độ chính xác gần như tuyệt đối. VD như họ tính ra 1 năm chính xác có 365,224 ngày, đúng bằng số liệu do các nhà khoa học công bố. Người Maya có sự quan sát kỹ lưỡng không chỉ  đối với mặt trời, mặt trăng, mà còn cả các hành tinh khác trong hệ mặt trời, rồi đưa ra những tính toán chính xác về thời gian chu kỳ của mỗi hành tinh. Cách đây mấy hôm, ngày 14/12/2012, kênh National Geographic của Mỹ đã có một bộ phim tài liệu đặc biệt nói về nền văn minh Maya và cách tính toán của họ. Người Maya chia chu kỳ của hệ mặt trời thành các giai đoạn, gọi là Baktul, trong đó ngày 21/12/2012 là ngày cuối cùng của Baktul cuối cùng trong 1 chu kỳ, Baktul thứ 13. Đối với họ, thời điểm này rất quan trọng, và chắc chắn là họ có nhiều ghi chép để lại cho đời sau về những tính toán và tiên đoán cho những gì sẽ xảy ra vào thời điểm này.  Người Maya đã sớm có chữ viết từ rất lâu, cả nghìn năm trước khi châu Âu có chữ viết, và họ ghi lại những điều đó trên những cuốn sách được làm từ vỏ cây và lá cây. Nhưng khi người Tây Ban Nha đến chinh phạt miền đất có các phế tích hoang tàn mà người Maya đã để lại mấy trăm năm trước đó, khi thấy những sách vở và ghi chép đó, những tu sĩ Tây Ban Nha chẳng cần biết đó là gì mà lập tức kết luận đây là những sản phẩm của quỷ dữ, nên đã cho tiêu hủy đến văn bản cuối cùng. Những gì còn lại ít ỏi chỉ là những ký tự ít ỏi được khắc lên những tảng đá của các Kim Tự Tháp Maya. Một tảng đá với những ký tự được khắc lên đó đã hé lộ dự đoán về ngày cuối cùng của chu kỳ Baktul 13. Tuy nhiên điều gì xảy ra sau ngày cuối của Baktul 13 thì không ai đọc được, vì những ký tự đó đã bị hủy hoại. Điều mà người Maya tiên đoán sẽ xảy ra trong ngày 21/12/2012, đó là các hành tinh trong hệ mặt trời gặp nhau trên một đường thẳng vào thời điểm khoảng 9h00 sáng.

Thứ 2: Nhân loại và thế giới thực sự đang đứng trước nguy cơ tự diệt vong do sự tàn phá môi trường khủng khiếp, dân số quá tải, và sự thu hẹp đất đai canh tác nông nghiệp.

Chưa bao giờ sự tồn tại của con người lại bị đe dọa nhiều như bây giờ. Lòng tham không đáy cộng với sự tiến bộ cực nhanh của khoa học công nghệ đã khiến cho con người tàn phá thiên nhiên với một tốc độ chóng mặt, rồi sau đó thải vào bầu khí quyển, nguồn nước và mặt đất lượng chất thải khổng lồ. Sự ô nhiễm phát xuất từ đây đã làm méo mó biến dạng cơ chế thời tiết khí hậu của thế giới. Những núi băng khổng lồ của Bắc Cực giờ đã biến mất trong mùa hè. Lần đầu tiên người ta thấy cảnh gấu trắng chết đuối, sau khi chúng bơi quá xa và kiệt sức vì không tìm nổi một tảng băng đủ lớn để leo lên. Nước biển dâng khắp nơi và đe dọa nhấn chìm những miền đất thấp ven biển. Những cơn bão giờ đây trở nên hung dữ và khốc liệt hơn bao giờ hết, bởi chúng đã trở thành siêu bão. Mặt trời chói chang thiêu đốt các miền đất do hiện tượng khí nhà kính, và sa mạc theo đó mở rộng ở khắp nơi. Rừng cây bị đốn chặt không thương tiếc, và những cơn lũ càng ngày càng dữ dội, cuốn phăng theo nó bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn, nhà máy, sinh mạng…

Cùng với sự gia tăng của thiên tai, dân số loài người cũng leo thang với tốc độ chóng mặt và đạt đến con số 7 tỷ. Hãy thử tưởng tượng một người trung bình trong khoảng thời gian 60 năm ăn hết bao nhiêu kg thịt, bao nhiêu kg ngũ cốc, bao nhiêu kg rau quả? Con số đó chắc chắn không phải là nhỏ. Rồi chúng ta nhân số đó lên với 7 tỷ…. Kết quả thật là khủng khiếp. Chỉ mới một nhu cầu nho nhỏ là ăn thôi đã thấy đáng sợ rồi, ngoài ra còn nhu cầu mặc, ở, uống, đi lại … cũng đâu có kém gì. Nếu lấy kết quả của phép nhân vừa rồi mà nhân tiếp lên 10 – 20 lần cho tương ứng với tổng nhu cầu cơ bản của nhân loại thì sao? Kết quả sẽ nằm ngoài mọi sức tưởng tượng. Vậy mà người mẹ Trái Đất của chúng ta đang phải lặng lẽ oằn mình ra gánh hết sức nặng đó đấy. Nếu bạn đã từng chịu cảnh khốn khổ lúc tắc đường, có thể bạn đã hình dung được phần nào sự đáng sợ của thảm họa “nhân mãn”. Nhưng đó chỉ là một cảm nhận sơ sài thôi, vì nó chỉ mới là sự khó chịu nho nhỏ mà bạn phải chịu đựng trong 1 khoảng thời gian ngắn trong ngày. Nếu bạn muốn thực sự hiểu được nỗi kinh hoàng của thảm họa nhân mãn này, hãy qua Ấn Độ 1 chuyến. Tôi đã từng tới đó, và mỗi lần nghĩ lại thôi là muốn rụng rời chân tay. Dân số tăng thì sẽ đến ngưỡng các nguồn tài nguyên của Trái Đất sẽ không còn đủ khả năng cung cấp cho nhân loại nữa. Người ta sẽ phải tranh giành, cướp đoạt của nhau miếng ăn, nước uống, đất đai, dầu mỏ… Các quốc gia lớn mới nổi như Trung Quốc đang trở nên hung tợn hơn cũng bởi họ đang phải chịu cái áp lực khủng khiếp này, và phải tìm mọi cách vơ vét nhiều hơn tài nguyên của thế giới để thỏa mãn cơn đói khát của lòng tham. Nhân mãn sẽ là động lực chính của chiến tranh. Đó là quy luật tất yếu. Dù các nhà hòa giải và đàm phán của thế giới có tài giỏi đến mấy cũng không thể ngăn chặn được thảm họa chiến tranh này, mà may ra chỉ kéo dài thời gian hòa bình thêm được 1 chút thôi. Nếu chiến tranh nổ ra, ai có thể dám chắc là nó sẽ không lan nhanh thành 1 cuộc chiến tranh thế giới, vì ai cũng thấy nhân mãn là 1 thảm họa toàn cầu, chứ không phải chỉ xảy ra với 1 số quốc gia nhất định. Với kho vũ khí tối tân như ngày nay, nếu được kích hoạt, không biết nhân loại chúng ta sẽ trụ được mấy ngày.

Một thảm họa khác cũng đang treo lơ lửng trên đầu nhân loại, đó là nguy cơ thiếu lương thực và nạn đói hoành hành. Chưa bao giờ tốc độ sa mạc hóa trở nên nhanh như bây giờ. Diện tích đất đai có thể canh tác được ngày càng thu hẹp, trong khi diện tích đất của các sa mạc lớn và các đô thị tiếp tục mở rộng. Đất đai canh tác nhỏ lại có nghĩa là cái dạ dày của nhân loại cũng đang bị thắt lại. Mặc dù công nghệ sinh học của thế kỷ 21 đã giúp cho sản lượng và năng suất canh tác lương thực tăng vọt, nhưng cũng không vì thế mà nguy cơ thiếu lương thực sẽ giảm đi. Có thể chúng ta chủ động được về năng suất nhưng còn có quá nhiều biến số khác tham gia vào sự thành công hay thất bại của những vụ thu hoạch. Đó là: thời tiết, diện tích đất canh tác, dịch bệnh, chất lượng nguồn nước v.v.. Chỉ một yếu tố thời tiết thôi cũng đã làm cho chúng ta phải e ngại. Điều gì sẽ xảy ra nếu vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch ở một vựa lương thực nào đó trên thế giới, một cơn siêu bão ập tới và xóa sạch thành quả của mùa vụ? Quốc gia nào cũng có dự trữ lương thực nhưng liệu dự trữ đó có thể chịu đựng được bao lâu? Và điều gì có thể đảm bảo rằng những đợt siêu bão về sau sẽ không tiếp tục ghé thăm nữa? Câu trả lời là nạn đói sẽ xảy ra trên phạm vi rộng toàn cầu.Thời đại này đã khác xưa nhiều lắm. Ngày xưa nước nào cũng có khả năng tự túc lương thực. Tuy nhiên, với sự chuyên biệt hóa ngày càng tăng, nhiều quốc gia đã không còn chú trọng vào nông nghiệp nữa, mà thay vào đó là phát triển công nghiệp và sống dựa vào nguồn lương thực nhập khẩu. Họ cho rằng có tiền là có thể mua được mọi thứ họ cần. Nhưng nếu kịch bản trên xảy ra, làm sao họ trở tay kịp? Ngay cả một số nước có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn như Indonesia, việc nhập khẩu lương thực vẫn được coi là chuyện bình thường, thì những quốc gia khác sự phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu càng lớn. Nhân mãn + sa mạc hóa + thiên tai = nạn đói. Đó sẽ là công thức của thế kỷ 21 này.

Có thể bạn sẽ cho rằng tôi là một người quá bi quan, nhưng điều đó không phải. Đứng trước một nguy cơ đang tới gần, chúng ta có một trong 2 sự lựa chọn: 1 là nhắm mắt lại và không quan tâm tới nó nữa, rồi tự trấn an mình rằng điều đó chưa chắc sẽ xảy ra với mình. 2 là mở to mắt nhìn thẳng vào vấn đề, và dự tính phương thức ứng phó tốt nhất.  Sự sáng suốt hành động của chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta nhìn rõ vấn đề tới đâu.

Thử hình dung chuyện gì có thể xảy ra nếu…

Bản thân tôi không tin rằng tồn tại một ngày tận thế. Thứ nhất là tôi không phải là một người theo đạo Thiên Chúa, vì thế ngày tận thế là một niềm tin không đủ sức thuyết phục, vì khoa học đã chứng minh những điều ngược lại. Ai tin vào thế giới có sự bắt đầu, thì sẽ tin rằng nó có sự kết thúc. Nếu theo kinh sách của Thiên Chúa Giáo thì nếu chúng ta cộng hết thời gian kể từ khi Chúa tạo ra thế giới và con người cho đến nay, thế giới này mới khoảng 6000 năm tuổi. Đây là chuyện phi lý vì khoa học đã chứng minh tuổi của trái đất tới nay nhiều hơn thế, chừng 5 tỷ năm. Quan điểm về tận thế cho rằng mọi thứ sẽ chấm dứt, nghĩa là cả thời gian và không gian. Nhưng ai cũng biết, thời gian là vô tận, và không gian cũng vậy.

Thứ hai, nếu người Maya nhắc tới chu kỳ của hệ mặt trời, thì đương nhiên đặc tính của chu kỳ là sự lặp lại. Ngày 21/12/2012 nếu là ngày kết thúc thì đồng nghĩa với nó ngày 21/12/2012 là ngày khởi đầu của chu kỳ mới. Tuy nhiên cái chúng ta cần xem xét ở đây là tại sao họ lại chọn thời điểm đó, và điều đặc biệt của nó là gì?

Không phải ngẫu nhiên mà một thời điểm nào đó được ấn định là ngày kết thúc hay bắt đầu của một chu kỳ. Nghĩa là nó phải có một cái gì đó rất đặc biệt. Ngày bắt đầu là sự xuất phát. Điều này khiến tôi hình dung đến vạch xuất phát trong 1 cuộc chạy đua. Đó là 1 đường thẳng và mọi người đứng thẳng hàng với nhau. Có thể cái ngày 21/12/2012 là thời điểm mà các hành tinh trong hệ mặt trời đứng thẳng hàng với nhau. Điều này chỉ mang ý nghĩa suy đoán vì tôi cũng không biết là NASA có khẳng định chuyện đó không. Tuy nhiên cứ giả sử và suy đoán tiếp xem sao. Nếu lấy Trái Đất và Mặt trời làm 2 điểm tạo nên đường thẳng thì có 3 khả năng xảy ra.

Khả năng thứ nhât: các hành tinh đứng thẳng hàng với mặt trời và chúng đều đứng về phía trái đất. Một đường thẳng được tạo nên bởi đường nối ngắn nhất giữa 2 điểm, và đường thẳng đó có 2 phương hướng ngược nhau. Nếu lấy Mặt trời làm gốc thì 2 phương đó là: phương từ Mặt trời đi về phía Trái Đất, và phương từ Mặt trời đi về phía ngược lại với Trái Đất. Nếu các hành tinh đứng thẳng hàng theo phương từ Mặt trời đến Trái Đất thì điều gì sẽ xảy ra? Giữa các hành tinh trong hệ mặt trời và mặt trời đều chịu sự tác động về lực hấp dẫn của Mặt trời và hành tinh đó. Nói cách khác, mặt trời là tâm, và các hành tinh khác do chịu lực hút của mặt trời mà chuyển động xung quanh mặt trời theo những quỹ đạo riêng. Nếu khả năng thứ nhất xảy ra thì lực hút giữa mặt trời và các hành tinh, trong đó có trái đất sẽ bị dồn hết về 1 phía của Trái Đất. Điều đáng quan tâm là ở chỗ hiện tại mặt trời đang trong đỉnh điểm của một quá trình phun trào với những cơn bão lửa và bão từ luôn luôn được phóng ra bên ngoài. Bản thân mặt trời là một khối khí nóng khổng lồ, cho nên hướng phóng đi của các cơn phun trào sẽ chịu 2 lực chi phối chính: lực đẩy ở nội tại trong mặt trời, và lực hút của các hành tinh quanh nó.  Khi các hành tinh đứng thẳng hàng theo khả năng thứ nhất, lực hút của chúng tác động mạnh nhất lên khối khí nóng của mặt trời, và rất dễ kích hoạt một đợt phun trào mạnh nhất hướng về phía trái đất. Điều này sẽ chính là thảm họa.  Lâu nay trái đất vẫn chống chọi tương đối tốt với các cơn bão từ mặt trời vì các cơn bão đó không đủ lớn để vượt qua chiếc khiên kiên cố mà trái đất đã dương lên bởi sức mạnh của từ trường trái đất. Tuy nhiên không phải lúc nào tấm khiên đó cũng đủ mạnh. Đã từng có một cơn bão mặt trời với cường độ lớn lọt được qua tấm khiên này và gây mất điện trên diện rộng ở Canada vào cuối thập niên 90. Khi bão từ lọt qua được rào cản đó, nó sẽ tác động trực tiếp lên hệ thống truyền tải điện năng trên Trái Đất và gây quá tải trên diện rộng, dẫn tới sập mạng lưới điện.

 Nếu ngày 21/12 này, các hành tinh thực sự xếp hàng theo khả năng thứ nhất, mặt trời có thể sẽ bùng nổ 1 đợt phun trào mạnh mẽ chưa từng có hướng đến trái đất, và lần này sẽ hoàn toàn đánh gục tấm khiên từ trường của trái đất. Khi đó, toàn bộ các vệ tinh sẽ bị thổi bay, và ngành hàng không sẽ bị tê liệt vì không còn định vị GPS được nữa. Khi bão MT tràn vào khí quyển, toàn bộ hệ thống điện khắp nơi trên trái đất sẽ đồng loạt quá tải và sập. Chúng ta sẽ phải sống trong cảnh thiếu điện trầm trọng trong một thời gian rất dài. Không có điện, các thành phố sẽ trở nên không thể sống nổi, và con người sẽ phải hốt hoảng tháo chạy ra các vùng nông thôn. Chúng ta có thể thấy qua hình ảnh này sau khi cơn bão Sandy tràn qua New York. Việc khôi phục lại đường truyền tải điện cho các thành phố sẽ là ưu tiên đầu tiên của mọi chính phủ, nhưng phải mất nhiều tháng mới xong. Như vậy có thể hình dung sự hỗn loạn sẽ kéo dài tối thiểu là 6 tháng.

Không những vậy, bão mặt trời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng ozone vốn đã quá mỏng manh của trái đất, làm cho tầng ozone bị thủng nhiều mảng lớn, và các tia cực tím sẽ tự do thâm nhập vào trái đất, gây nên nhiều tai hại không thể lường được: sẽ có nhiều người bị ung thư da, nhưng tai hại hơn, mùa màng sẽ thất thu vì lá cây bị suy giảm khả năng quang hợp. Khủng hoảng lương thực sẽ là điều khó tránh khỏi, và nạn đói sẽ nhanh chóng xảy ra. Cùng lúc, bão từ cũng sẽ khiến cho khí hậu bị biến đổi nghiêm trọng hơn. Các cơn bão sẽ xuất hiện nhiều hơn với sức mạnh khủng khiếp hơn. Tại thời điểm đó, con người khó mà di chuyển xa được vì mạng lưới hàng không đã bị vô hiệu hóa. Các tàu chở dầu sẽ khó di chuyển hơn trên một đại dương bão tố dữ dội, và nhất là khi hệ thống định vị GPS đã trở thành công cụ chính để người thuyền trưởng điều khiển tàu. Vậy là nguồn cung dầu mỏ sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, và xe cộ vì thế cũng không sử dụng được. Hầu hết ai ở đâu sẽ phải ở nguyên đó. Phương thức đi lại chính sẽ là xe đạp hoặc đi bộ.

Đó sẽ là một thời điểm dữ dội trong lịch sử loài người. Thiếu điện, thiếu lương thực, thiếu năng lượng, thiếu nước uống sẽ là nguyên nhân chính gây bùng nổ xung đột vì con người lúc đó phải tranh giành nhau mà sống. Một loạt các chính quyền sẽ sụp đổ vì không thể kiểm soát được người dân, và bị người dân buộc tội là thiếu năng lực ứng phó cho dù họ đã làm hết sức mình. Sau thiên tai sẽ là nhân họa + nạn đói. 2 yếu tố chính này sẽ là nguyên nhân chính gây suy giảm dân số trên hành tinh trong nhiều năm tiếp theo. Đó là quy luật tàn nhẫn nhưng tất yếu, vì chúng ta đã chiếm quá nhiều chỗ trên hành tinh này, và lấy hết không gian của thiên nhiên. Đó sẽ là lúc chúng ta sẽ phải trả lại chỗ cho thiên nhiên một cách “tự nguyện” vì mải tranh giành lẫn nhau. Viết đến đây tôi thấy không dám hình dung và viết tiếp nữa. Các bạn tiếp tục suy nghĩ phần tiếp theo cho kịch bản tồi tệ này.

Khả năng thứ 2: Các hành tinh cùng đứng thẳng hàng nhưng dồn về phía bên kia của mặt trời chứ không đứng về phía trái đất nữa. Lúc đó thì cơn bão mặt trời sẽ không thổi về trái đất nữa, và chúng ta an toàn.

Khả năng thứ 3: Các hành tinh sẽ chia đều ra, 1 số phía bên này, một số phía bên kia. Như vậy thì dù có xảy ra bão mặt trời thổi về phía trái đất thì sức mạnh của nó sẽ bị triệt tiêu đáng kể, và chúng ta vẫn tiếp tục sống bình thường, và tiếp tục… tự tàn phá trái đất của mình một cách hồn nhiên. Rồi đến ngày nào đó, chúng ta cũng phải trả giá đau thương cho sự tham lam của mình.

Vậy chúng ta phải làm gì, nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra?

Câu trả lời là:

  1. Hãy tích trữ một lượng lương thực nhất định. Nếu chuyện tệ hại không xảy ra thì chúng ta có thể dùng chỗ lương thực đó mà không phải tiếp tục đi mua. Còn nếu có chuyện xảy ra thì chúng ta sẽ tồn tại được lâu hơn những người khác.
  2. Hãy học cách sống không phụ thuộc vào điện. Ngày xưa con người sống không có điện suốt cả mấy nghìn năm được mà vẫn hạnh phúc, vì vậy nếu không có điện thì mình vẫn sống được thôi. Điều quan trọng là chuẩn bị sẵn tâm thế cho việc đó.
  3. Hãy mua 1 chiếc xe đạp để đi lại dễ dàng hơn. Nếu điều tệ hại xảy ra thì chúng ta sẽ khó mà mua được xăng, và như vậy ô tô xe máy sẽ trở thành vô dụng. Chỉ có xe đạp sẽ giúp chúng ta đi lại thoải mái hơn.
  4. Hãy sống tử tế với mọi người ngay từ bây giờ, để cùng nhau thiết lập những cộng đồng an toàn, biết tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn, thay vì quay sang cướp giật và tranh giành nhau.
  5. Hãy sống xanh hơn, hãy yêu thiên nhiên hơn, cho dù nếu đã muộn thì vẫn còn hơn là không kịp làm điều đó.
  6. Hãy tìm cho mình 1 đức tin cao quý để làm nơi cho tinh thần và tâm linh mình nương tựa. Nếu đại họa xảy ra thì cái chết sẽ là điều khó tránh. Tuy nhiên ai mang cái thân này rồi cũng phải chết. Điều quan trọng không phải là sống thêm được bao lâu, mà là sau khi chết rồi, linh hồn mình sẽ được về cảnh giới tốt lành hay đau khổ. Trong mọi hoàn cảnh, phước đức chính là nơi nương tựa an toàn nhất của chúng ta. Tôi là một người Phật tử, và tôi tin vào luật nhân quả. Nếu mình sống tốt lành thì khi từ bỏ cái tâm thân nặng nề này, linh hồn mình sẽ được trở về cảnh giới an lành và sung sướng. Còn nếu tàn ác, linh hồn sẽ bị đày tới những cảnh giới đau khổ và bi thương. Hãy học cách biết yêu thương ngay từ ngày hôm nay, vì vẫn chưa quá muộn.

 

Thay cho lời kết:

Việc có tồn tại ngày tận thế hay không thì là điều không phải nghi ngờ, câu trả lời là không. Không có một ngày nào mà đột nhiên mọi thứ sụp đổ và chấm dứt. Tuy nhiên sẽ nhất định xảy ra một thời đại khó khan trong lịch sử nhân loại, có thể bắt đầu vào ngày 21/12/2012, hoặc là diễn ra sau đó khi trái đất này đã kiệt sức trước lòng tham của con người. Những gì tôi nhắc tới về một kịch bản tồi tệ chỉ là 1 khả năng trong hàng triệu khả năng có thể xảy ra trong hệ mặt trời này vào một thời điểm. Những gì tôi viết không phải để chúng ta phải bi quan và đau khổ khi nhìn vào tương lai, mà để chúng ta giật mình tỉnh ngộ rằng mình đã tệ như thế nào. Chúng ta đã quá tệ với mẹ Trái Đất, chúng ta đã quá tệ với nhau, và nếu không giật mình tỉnh giấc, chúng ta sẽ tự đào hố chôn mình, đó là điều tất yếu.

Nỗi sợ làm cho con người mềm yếu và hoảng loạn, nhưng sự thật sẽ làm cho con người tỉnh ngộ và thông thái. Hãy đừng để nỗi sợ ám ảnh chỉ đơn giản là mình không biết gì về nó. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và can đảm thay đổi chính mình ngay từ bây giờ.

Chúc các bạn may mắn, chúc nhân loại bình yên, chúc thế giới an lành!

Chúc mừng năm mới 2013 sắp tới

(TVHS)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here