Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ngàn sau vẫn là

Ngàn sau vẫn là

176
0

(LQ) Tôi mãi còn nhớ rõ khi lên lớp, thầy thao thao như nước chảy mây bay chẳng chần chờ suy niệm hay nhíu mày nhăn trán, thỉnh thoáng kèm nụ cười thoải mái tự nhiên và vô cùng thân thiện trên gương mặt mảnh khảnh với làn da trắng mịn tinh khiết. Lúc ấy tôi nghe mọi người gọi thầy là “từ điển sống”. 

Rồi bao mùa mưa nắng xuân hạ với muôn vàn chiếc lá thu phong rơi rụng trôi qua, chỉ có thể chiêm ngưỡng tôn dung thầy trên mấy trang báo điện tử. Tôi suy nghĩ về thầy, về sự tu tập gieo nhân trí huệ trong tiền kiếp là gì- nhờ nhân nào mà kiếp này thầy được liệt vào danh nhân thế giới. Thứ nữa cũng thầm tri ân người mẹ Việt Nam thôn Cu Hoan đã hiến dâng đời đứa con mà nhiều người khẳng định là niềm tự hào của Phật giáo VN nói riêng và văn hóa văn học nói chung. Nhân đó tôi những ngóng cùng trông làm sao có thể gặp thầy một lần và được nói chuyện như với người thân.

Thế rồi điều gì đến thì đã đến. Tháng 7 Tân Mão, tôi về Hải Lăng có việc; như thường, tôi tá túc chùa Giác Hải thôn Cu Hoan, Sư DB trụ trì. Vừa bước vào thì Sư  bảo“Thầy MT ra nơi hơ! Thầy đang đi mô đó, chắc là về dùng trưa. Thầy lặng lẽ âm thầm, nên chỉ có hai ba người bà con đi cùng thôi!”. Thật tình không giấu nỗi niềm vui, tôi ngạc nhiên bởi biết mình lần đầu sắp được gặp người trong hoàn cảnh đặc biệt-không phải lễ hội long trọng với nhiều đại biểu đại diện, nghi lễ trang trọng, lọng dù trầm hoa…; mà sẽ chỉ có 6-7 người, giản dị đơn sơ …bên mâm cơm thanh đạm. Thầm nghĩ mình sẽ có cơ hội thưa chuyện, một cơ hội mà thiệt tình chưa hề dám nghĩ đến. Nghĩ đến sự gặp gỡ hiếm hoi sắp đến ấy, lòng không thể không hân hoan và có chút hồi hộp ….

Thầy về đến, tôi vái chào. Ngồi xuống một lát, thầy hỏi “con ở mô? Tên chi?” rồi bảo tôi cứ ngồi ghế chứ không cho đứng khúm núm…Tôi “cung kính bất như phụng mạng”, mạnh dạn ngồi xuống ghế bên. Thật lòng là bối rối rụt rè khi ngồi trước một người mà giới trí thức nhận định là thiên tài, là một trong bốn bộ não siêu tuyệt của Phật giáo giới tk 20-21, là sử gia thông thái… Sư DB cũng lanh lắm: “thưa thầy! đây là VDL, Học viện Huế khóa 1, hồi trước thầy có dạy”.   Thầy cười chúm chím: “rứa à!”

Phía góc bàn có dĩa bắp trái hôm qua đã ngã mùi mà sư DB chưa kịp vứt. Thầy lấy một quả bóc ra.  “Siu rồi thưa thầy ! để con rửa luộc lại cái đã! mà cũng chưa chắc ăn được vì chảy nhựa rồi”. “Con có biết giờ nhiều người Châu Phi đang chết đói hàng ngày không! mình có ri là nhứt rồi!” Nói đoạn, thầy tiếp tục ngon lành, tỉnh bơ.  Rồi cơm trưa dọn lên, chúng tôi chung bàn bởi thầy không cho riêng. Sư DB này thiệt là! phải đặt sư biệt hiệu “Con mắt to hơn cái bụng” mới được; bởi sư nấu gì cũng nhiều, thường xuyên có cơm và thức ăn hôm qua, thậm chí là hai hoặc ba hôm trước. Hôm nay trên bàn ăn cũng không ngoại lệ, ngoài thố cơm dọn thầy và 3 người bà con ra, còn có nửa thau cơm tối qua đã bốc mùi  mặc dù đã hấp lại. Chúng tôi dọn thau cơm thiu trước mặt hai chúng tôi, còn cơm mới nấu dọn 4 vị mà không nói một lời cũ mới gì cả, chỉ tôi và sư DB biết. Thế không hiểu sao mà thầy sớt bớt nửa chén cơm mới, vói lấy thau cơm trước chúng tôi rồi tự cho thêm nửa bát; vừa xúc vừa nói “trộn hai thứ cho có nóng có lạnh, có cũ có mới cho dễ ăn”. Chúng tôi can ngăn mấy cũng không được. Thầy lại bảo “Bửa ni một ngày bên Châu Phi có đến mấy ngàn trẻ em chết vì đói đó con ạ!”. Ngẫn người gần như thất thần với bao cảm xúc cảm nghĩ dâng tràn, mắt tôi tự nhiên cay cay. Thầy ăn vài miếng rồi nhìn tôi hỏi: “Răng rứa con! Ăn đi chơ!”. Con sóng cảm xúc giờ như gặp gió muôn phương, càng lan đi một lúc một mạnh… Ăn vừa hết chén, tôi định vói lấy thau cơm cũ. Có lẽ do đọc được ý định của tôi nên thầy liền đưa tay đòi lấy chén tôi đơm. Tôi nào dám đưa bát, nhưng thầy cứ duỗi thẳng tay chờ…, tôi đành… . Lòng thầm nghĩ đây là ân huệ mà ơn trên ban tặng, vậy thì cứ đón nhận và vui mừng như khi các vị Bồ tát được Phật xoa đảnh thọ ký vậy. Ngài cũng đơm nửa cơm cũ nửa cơm mới, vừa đơm lại vừa nói như ban nãy: “Trộn hai thứ ri cho dễ ăn, cơm cũ cũng ấm lây và thành nóng”; tôi thi lễ rồi nhận lấy chén. Đưa tay nhận bát mà bao cảm xúc hỗn độn, trong lúc thầy vẫn nói chuyện hỏi han tự nhiên và cởi mở… Tôi bỗng nhớ câu chuyện được nghe từ lâu là có người kể rằng có anh thanh niên hỏi thầy vì sao thầy xuất gia mà không cạo tóc, thì thầy cười phá lên và chỉ vào tượng Tổ sư Đạt Ma nói một cách khôi hài ý vị: “Ông ấy có cạo đầu đâu! Tôi còn thiếu bộ râu nữa kìa!”.

Sau buổi trưa, thầy lại đi công chuyện gì đó khá quan trọng với các bà con cư sĩ tại gia.

Sáng mai lại, thầy từ lầu trên đi xuống ngang giữa bậc thang, vừa thoáng qua tôi ngạc nhiên tự hỏi: “Ủa! Ông nhân viên nào đến đây làm chi sớm rứa hè!”. Nhưng ngó lại là thầy, rứa mới “chết” chứ!!!. Bởi bây giờ người xuất hiện trong bộ đồ màu xanh biển đậm chứ không phải bộ lam như thường. Bộ y phục bây giờ từ kiểu dáng cho đến màu sắc không khác gì đồng phục của các nhân viên Ct lắp đặt viễn thông. Tôi hỏi nhỏ sư DB: “Bộ đồ nớ mô ra mà thầy mặc rứa?”. Sư cười: “Bộ nớ bửa lâu mua cho ông phụ thợ hồ. Ông ngài ni thì gặp chi mặc đó à!”. Rứa là ngài “diên” bộ đồ xanh biển đậm này từ tối qua, còn bộ lam kia chắc giặt phơi rồi”. Tôi tiếp: “Rứa thầy không mang thêm bộ khác à!”.Sư cười nói: “Nói như thiệt! Làm chi có chuyện đó!”. Sư ngậm nghĩ một lát rồi tiếp: “Ừ! Có khả năng rứa quá! Vì tối qua thấy ngài trở lại đây với 2 tay không, đồ đạc áo xống mang theo để mô rồi không biết nữa!”. Tôi cười nói: “Chỉ cần thêm hàng chữ Ct lắp đặt viễn thông … sau lưng nữa là y chang…”. Cả hai cười tít. Sư DB kể: cách khoảng 2 năm, thầy về đây thì có người đến hỏi tìm. Người kia trở về tiu ngỉu nói với bố: “Con chẳng gặp thầy MT mô cả, tới đó chỉ thầy một ông mặc bộ đen ngồi trước thềm chùa thôi. Hỏi thầy MT thì ông nói thầy ấy vừa đi khỏi”. Sư DB bảo: “Thầy như rứa đó! Chịu hết thấu luôn!”, rồi cả hai  cười lăn…

Trong bộ y phục đó, ngài cuốc bộ ra cổng chùa đi đến khu vườn của mấy nhà dân gần đó; rồi vừa nói chuyện vừa cùng họ ngắm nghía uốn éo, tỉa vẽ nắn nót…  cho mấy cây trong vườn.

****

Giáo sư Thái Kim Lan có nhiều buổi thuyết trình tại Học viện trình bày về khái niệm Thiên chúa giáo và Phật giáo trong cái nhìn của người Tây phương. Với người mạnh quên như tôi thì  làm sao lãnh hội và ghi nhớ được! đchöa noi là nghe một cách ngu ngơ. Tuy nhiên có lời giảng của giáo sư Lan mà khiến bỗng nhớ lại trong khi tiếp xúc với người trong ngôi chùa nhỏ này. Nội dung ấy được giáo sư Kim Lan nói gọn là sau khi nghiên cứu sâu rộng, thì học giả Tây phương khái niệm về Thiên chúa như là một là đỉnh cao; đức Chúa trời như ngồi trên cao phán xét phân xử và điều khiển chi phối …nhân loại. Còn khái niệm về Như Lai thì họ nghĩ đó là sự hòa điệu vào muôn dân bách tính, vào cỏ nội hoa ngàn và vũ trụ mênh mông huyền nhiệm…

Nhiều năm trôi qua, lời giảng dạy của giáo sư hoàn toàn phai nhạt; nhưng sáng nay tại chùa Giác Hải bên thầy, lời giảng của giáo sư Lan bỗng sống động, không hiểu sao lúc ấy lại thích nghiền ngẫm lời kết luận đó. Chỉ biết rằng sự chân thật toàn tính Như Lai đang hiện hữu trong ánh nắng ban mai, trong ngọn gió mát từ cánh đồng xanh ngắt, trong tiếng chim ríu rít và trong muôn thứ giữa thôn quê Cu Hoan dân dã nhưng ấp ủ giữa lòng đất mẹ tài sản không thể đong lường theo giá trị thông tục. Đó là người thầy mà mọi người thường gọi là thiền sư nhà nghiên cứu thông thạo 10 ngôn ngữ….; đó là người thầy mà hơn 10 năm trước, tôi chỉ được diện kiến trên bục giảng. Còn khi xuất hiện đâu đó mang tính hành chính khá quan trọng, thì bên cạnh luôn là các vị cao niên lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo Học viện; tôi làm sao có cơ hội và phúc phận đứng gần, nói gì đến chuyện thưa hỏi vài câu! … Khi thầy trong văn phòng Học viện với chư Tôn đức mà chúng tôi phải ngang qua, thì chúng tôi chỉ kịp cúi đầu khom lưng nhanh nhẹn….

Trước khi về, tôi xin được chụp ảnh và xin chụp chung, nhân duyên hạn hữu trong suốt hai mươi mấy năm tương rau quả củ.  Tôi có việc lại phải ra Đông Hà. Tạm biệt người, tạm biệt thôn Cu Hoan-xã Hải Thiện-huyện Hải Lăng vào một sáng gió nắng xôn xao và cõi lòng vui nhộn vừa được toại nguyện…

Từng bước chân gõ trên đường cái quan tấp nập dòng người gánh rau quả rơm rạ và trâu bò bầy đàn, vừa đi vừa thầm tri ân ơn trên duyên hạnh ngộ này. Ngẫng đầu nhìn lên phía chân trời, đâu đó thoáng hiện đám mây bạc đang chầm chậm trôi như vừa lắng nghe quan sát thế sự nhưng cũng vừa hát điệp khúc “thong dong mây trắng trời xanh…mây trắng muôn đời vẫn là mây trắng thôi. Ngày sau mây bạc ngàn sau vẫn là”…     

 

V.Đ.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here