Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Lại bàn về “Trần Nhân Tông Academy”

Lại bàn về “Trần Nhân Tông Academy”

166
0

(LQ) Học viện Trần Nhân Tông được thành lập tại Mỹ là một sự kiện văn hóa giáo dục đáng chú ý. Đáng nói là một giải thưởng mang tên ông trở nên đáng bàn hơn cả khi Tổng thống Myanmar ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD, bà Aung San Suu Kyi được nhận giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải.

Học viện Trần Nhân Tông đề ra 3 mục đích dài hạn gồm: (1) Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình, (2) Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống, (3) Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.

Chắc chắn từ trước đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hệ thống, đầy đủ và khoa học về Trần Nhân Tông, nên 3 mục đích trên rất có điều kiện khả thi đối với một học viện.

Đối với giải thưởng Trần Nhân Tông, cũng bình thường như bao nhiêu giải thưởng của các danh nhân văn hoá dân tộc khác. Nói giải thưởng Trần Nhân Tông là tham vọng lớn của những người sáng lập ra nó, cũng là điều hết sức bình thường. Bởi ngoài lĩnh vực “hòa giải”, việc mở rộng giải thưởng sang các lĩnh vực đời sống xã hội khác cũng không phải là khó. 

Như chúng ta thấy, giải Nobel danh giá nhất hành tinh, ban đầu cũng chỉ có 5 lĩnh vực: vật lý, hóa học, y học, văn học, hòa bình. Theo thời gian, giải Nobel hấp dẫn không chỉ bởi những giá trị tinh thần, tư tưởng, sáng tạo, phát minh…, mà còn là sự hấp dẫn của giá trị đồng tiền (1,2 triệu đô-la), ý đồ chính trị và những cuộc tranh cãi chung quanh nó. Tuy nhiên, với giải Nobel Hòa bình người ta chẳng còn quan tâm đến việc ông Nobel từng là người chế tạo ra thuốc súng để giết người, nên cũng chẳng phải đặt ra câu hỏi ông ấy như thế thì lấy tư cách gì mà đề ra cái giải thưởng “hòa bình” kia.  

Giải thưởng cho những cống hiến Hòa bình hàng năm vẫn được trao và vẫn mang tên ông (Nobel). Giải này thường liên quan mạnh mẽ đến chính trị, và người được trao luôn làm rộ lên những phản ứng không từ phía này thì từ phía kia. Nên xét về bản chất, dễ dàng hiểu vì sao “hòa bình” và “hòa giải” bao giờ cũng là chủ đề nhạy cảm, gây tranh cãi. 

Đối với giải thưởng Trần Nhân Tông về hoà giải, có tác giả chưa tìm hiểu kỹ về con người Trần Nhân Tông, thời đại Trần Nhân Tông, nhưng trước sự kiện mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam đã nói một cách ngô nghê như sau: “Đứng trên lập trường luân lý công bằng của nhân loại, lấy đất của nước người không thể gọi là Nhân…” (Lạm bàn về Trần Nhân Tông Academy). Trời đất! Thế kỷ thứ 14 ở Á Đông, Trung Hoa giữ vai trò là quốc gia trung tâm, luôn thôn tính các tiểu quốc, mà cũng có cái gọi là “lập trường luân lý công bằng của nhân loại” hay sao? Thời vó ngựa xâm lăng Mông Cổ tràn khắp Á- Âu, thời các quốc gia lớn mạnh hơn luôn có ý đồ thôn tính các quốc gia nhỏ yếu hơn, kẻ “tâm thần” thời đại “trị quốc bình thiên hạ” nào dám đứng ra cổ vũ cái “lập trường luân lý công bằng” ấy? Hơn nữa việc “lấy” và “dâng” được nhất trí trong một thoả thuận chính trị thông qua một cuộc hôn nhân cụ thể. Thượng hoàng Trần Nhân Tông từng có thời gian sống ở Chiêm Thành 9 tháng, được vua Chiêm tiếp đón như thượng khách. Đến năm 1306, vua Chế Mân dâng 2 châu Ô, Lý cho Đại Việt làm của hồi môn và phong cho Huyền Trân là hoàng hậu.  

Mặt khác việc mở rộng lãnh thổ về phương Nam cần đặt trong bối cảnh của thời đại “phong kiến”. Khái niệm “phong kiến” đã gọi đúng bản chất của thời đại sản sinh ra nó. “Phong kiến” là phong tước và kiến địa. Bởi khi phong vương, phong tước cho một người, thì cùng lúc phải phân cắt đất đai, lãnh thổ cho họ, và họ không chỉ nhận phần đất đã được phong mà sau đó còn phải không ngừng khai hoang, kiến tạo để mở rộng lãnh địa. Người giữ đất đai, lãnh thổ đó thần phục thì không xảy ra biến động gì, nhưng nếu họ cát cứ, xưng vương và lập quốc thì sẽ xảy ra những cuộc chiến tranh thôn tính liên miên. Việc xưng vương và lập quốc thời loạn chẳng mấy khó khăn gì.  

Sự mở rộng lãnh thổ là không giới hạn, có thể thông qua chiến tranh, thông qua hôn nhân, thông qua trao đổi chính trị… Có quốc gia hình thành nhưng cũng có quốc gia mất đi vĩnh viễn sau các sự kiện ấy. Trần Nhân Tông dùng hôn nhân của con gái để mở rộng lãnh thổ về phương Nam một cách hoà bình, trong một thực tế cuộc chiến tranh Chiêm – Việt trải nhiều giai đoạn lịch sử không kém phần khốc liệt, vậy đâu chỉ một bên thấy mình được hưởng lợi. Đặc biệt trong bối cảnh, năm 1282, Toa Đô đem 50 vạn quân, nói mượn đường ta sang để đánh Chiêm, rồi nằm 1285, Ô Mã Nhi cũng dẫn đại quân sang nói mượn đường để đánh Chiêm. Nếu ta không ba lần đánh tan quân Nguyên Mông thì Chiêm Thành có được yên ổn bờ cõi không?  

Tiếp theo, bàn về hành động Trần Nhân Tông đốt bỏ danh sách của những người phản quốc, tác giả trên lại viết: “Thời quân chủ, ông vua chính là luật pháp, là nguyên tắc tối thượng, ông muốn bắt tội ai thì bắt, tha cho ai thì tha. Một khá năng lớn là: những người mà nhà vua không trừng phạt và giấu kín cả hành động phản quốc của họ là hoàng thân quốc thích; cho nên sự ân xá của ông chỉ là để bảo vệ uy danh của hoàng triều. Quả thật, hành động cá nhân tùy tiện của một ông vua chính là đặc trưng của chính thể quân chủ chuyên chế”.  

“Quân chủ” dù chỉ cho một người nắm quyền tối cao, nhưng chưa từng và không bao giờ là tuyệt đối. Vì ngoài “mệnh trời” giao phó (thay trời hành đạo), còn có sự trừng phạt khi làm trái mệnh trời. Đạo đức quân vương và những huấn hỗ nghiêm khắc mà một nền giáo dục hình thành ra, luôn rộng chỗ cho những ngôn quan, gián quan, quân sư của thời đại dạy dỗ một người trở thành minh quân của thiên hạ, tránh xa vết xe đổ hôn quân bạo chúa. Hình phạt và đạo đức, không cho phép một ông vua anh minh huỷ hoại mình bằng cái lập luận đơn giản: “Bắt tội ai thì bắt, tha cho ai thì tha” tuỳ tiện như thế. Nhất là vị vua tinh thông Tam giáo và ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Phật giáo như Trần Nhân Tông thì càng không dễ để người đời sau cho ra một kết luận dễ dãi như trên. Hơn nữa, với bản chất truyền ngôi theo huyết thống, nên đương nhiên việc sinh con trai quyết định rất lớn đến vận mệnh quốc gia. Bên ngoài cũng có thể nhòm ngó, thao túng quyền hành nội bộ trong nước nếu nhìn ra khuyết điểm này. Đương nhiên, việc bảo vệ lợi ích của một dòng họ, cũng như uy danh của hoàng tộc (“hoàng tộc” khác “hoàng triều”) cũng liên quan mật thiết với việc truyền ngôi theo huyết thống.  

Nhưng cũng chính vì nảy sinh những nhòm ngó chung quanh, thế nên các triều đại phong kiến đều phải đẩy mạnh và đề cao tư tưởng “trung quân”. Nên nhớ rằng quyền lực nhà Trần nằm chủ yếu ở tầng lớp vương công quý tộc, lại chịu sự chi phối mạnh mẽ của Trung Hoa, nên việc đốt bỏ danh sách phản quốc (dù toàn là người trong hoàng tộc) thì cũng là một việc làm anh minh và đầy bản lĩnh. Bởi các thế lực hoàng tộc là người có nhiều điều kiện nhất để chiếm lấy ngai vàng, nếu có sự hẫu thuẫn từ bên ngoài. Cuộc chiến giữa phe công thần và phe hoàng tộc trong lịch sử của nhiều triều đại từng diễn ra hết sức khắc nghiệt. Tỉnh táo để nhìn xem, sau sự kiện Trần Nhân Tông đốt bỏ danh sách những kẻ phản quốc ấy, những bất mãn xã hội nào đã xảy ra để phản kháng lại? Không những không nhìn ra bất mãn nào, mà liền sau đó còn đoàn kết được các vương công, quý tộc, đại thần cho các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông tiếp theo. Hội nghị Bình Than và Diên Hồng là chứng minh rõ nhất cho sự đoàn kết, nhất trí ấy. Vấn đề là “kết quả” sau một sự kiện sẽ chứng minh cho hành động đó là đúng hay sai, chứ không phải bản thân sự đơn lẻ của sự kiện. Thời đại Trần Nhân Tông trị vì có phải thời đại bất chấp thị phi, trắng đen hay không? Đọc lịch sử là thấy ngay thôi! 

Tác giả trên còn viết: “Chúng ta không thể lấy cái luân lý cũ, cái nguyên tắc cai trị cũ ra để áp đặt vào thời đại mới, lấy một câu chuyện mang đầy màu sắc quân chủ để cổ vũ hòa giải trong thời pháp trị. Nếu làm vậy, thì một là chúng ta quá vô lý, hai là chúng ta có ý đồ ám muội”. 

Hoà giải, khoan dung, bình đẳng, bác ái là những giá trị không bị bó hẹp bởi phạm vi “quân chủ” hay “pháp trị”. Ai nói nền quân chủ không trị quốc bằng pháp luật. Pháp luật là cái đang trong quá trình hoàn thiện, bản thân nó luôn phải rượt đuổi theo thực tế cuộc sống để điều chỉnh. Vì sao không thể đem luân lý cũ ra để áp đặt vào thời đại mới? Vậy “luân lý cũ” là thứ “luân lý” gì, và “luân lý mới” có bộ mặt ra sao, nó khác gì với cái lập luận “luân lý công bằng của nhân loại” mà tác giả đã nói ở trên? Có thể đem cái “luân lý công bằng của nhân loại” ấy ra Biển Đông mà nói chuyện được không? 

Vì đâu Nguyễn Trãi phải thốt lên: “Pháp luật không bằng nhân nghĩa”? Nếu tác giả đọc kỹ câu nói: “Mỗi lần chạm đến lại thành mới tinh” của Trần Nhân Tông, thì chắc không đến nỗi nhìn cái cũ nào cũng đáng bỏ đi như thế, nhất là giá trị luân lý. 

“Hòa giải” là chuyện cơm ăn nước uống hàng ngày của con người, liên quan gì đến chuyện “cất cánh” hay “hạ cánh” (an toàn hay không) của một ai đó? Tuy nhiên, bàn về chủ đề “hòa giải” đối với một bộ phận người Việt, từ lâu vốn đã là chuyện “nhạy cảm” (chính trị). Nhắc đến hai từ này không khéo sẽ lại khắc sâu thêm oán thù của một nhóm người nào đó. Đến độ người ta còn đưa ra “tiên đoán”, không bao giờ có hòa giải thực sự giữa những người Việt còn mang nặng ân oán giữa “phe ta”, “phe địch” với nhau. 

Mưu cầu sự thật là một lý do hoàn toàn chính đáng, nhưng muốn hiểu sự thật và những điều gần sự thật nhất thì không bao giờ nằm ở những suy diễn chủ quan, huống chi một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật.

 T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here