Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Đi tìm ngọn núi thiêng

Đi tìm ngọn núi thiêng

178
0
 
Núi thiêng Kailas
 
Trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, tuy không cao như Everest (8.848m) nhưng Kailas (6.714m) là ngọn núi thiêng liêng nhất trong lòng hàng tỷ tín đồ Phật giáo, Indu giáo, Đạo Jains, và Đạo Bon. 
 
Với tín đồ Đạo Bon, Kailas là nơi ngự tọa của Thần Bầu Trời. Với tín đồ Đạo Jains, Kailas là nơi người đầu tiên đạt đến sự chứng ngộ. Với Indu giáo, Kailas là trú xứ của thần Shiva. Còn các tín đồ Phật giáo thì tin rằng Đức Phật cùng 500 vị A La Hán đã từng đặt chân lên Kailas vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên.
 
Kailas hay Ngân Sơn, được mệnh danh là ngọn núi thiêng, là bàn thờ tối thượng, là siêu thánh địa, là cái thang huyền bí, là trung tâm trái đất, là cái trục của thế giới, là trụ ăng-ten vĩ đại thu hút năng lượng vũ trụ nuôi dưỡng trái đất tồn sinh… Trừ mùa đông lạnh giá, mỗi ngày Kailas thu hút hàng ngàn tín đồ hành hương từ khắp nơi hướng về.
 
 
Núi thiêng Kailas
 
Lần đầu tiên tôi được nghe và thật sự chấn động về Kailas là dịp theo đoàn hành hương đất Phật mùa xuân năm 2003, khi thầy Huyền Diệu kể chuyến Kora của thầy quanh ngọn núi thiêng. Được biết năm sau thầy lại hành hương Kailas, trong phút cảm khái dạt dào, tôi xin thầy cho tôi cùng đi. Thầy nói: “Được. Nhưng trước hết, khi về Việt Nam, anh hãy leo lên đỉnh Fanxipan, hướng về phía Kailas, chắp tay cầu nguyện đức Quan Thế Âm phù hộ độ trì”. Năm sau, tôi thành tâm làm y chang lời thầy dặn. Và chờ đợi phép mầu. Năm 2007, thầy trở lại Huế. Mãi đến khi chia tay, tôi vẫn không nghe thầy nhắc chi chuyện Kailas. Tôi nghĩ thầm, chắc mình không có duyên với ngọn núi này.
 
Nhưng rồi cơ duyên đã đến. Tháng 11 năm 2010, Nguyễn Tường Bách báo tin anh có ý định tổ chức một chuyến hành hương Kailas. Tôi nhận lời.
 
Dặm dài gian khổ và hiểm nguy
 
Hóa ra cũng còn nhiều bạn khác hưởng ứng – bốn người, tám người, rồi mười hai, cho đến khi chốt danh sách, đoàn lên đến 22 người. Xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi bay sang Bangkok, lên Kathmandu (Nepal). Tại đây, chúng tôi kết hợp với đối tác Samrat – một tổ chức du lịch chuyên nghiệp của Nepal, để bắt đầu cuộc hành trình. 
 
Con đường nối liền Nepal với Tây Tạng vắt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn. Hàng ngàn năm trước đó là con đường sạn đạo giao thương hàng hóa giữa hai vùng miền, và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Từ năm 1993, với sự đồng thuận của Nepal, Trung Quốc nâng cấp con đường thành đại lộ hiện đại với cái tên thật mĩ miều: đường hữu nghị – không biết có bao nhiêu sản phẩm hữu nghị kiểu ấy nối liền Trung Quốc với các nước bạn láng giềng môi hở răng lạnh.
 
Đến Men Chu, xe bắt đầu rẽ lên hướng Bắc, tiếp tục rong ruổi qua những ngọn đèo trên 4.500m dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn. Bức tranh Tây Tạng trải dài ngút mắt, bên trái là những đỉnh núi cao vời tuyết phủ, bên phải là thảo nguyên mênh mông. Trời Tây Tạng xanh một màu xanh chi lạ, mây trắng phau và kiên cố như đã từng tồn tại thế hàng vạn năm rồi. Không gian rực rỡ một thứ sắc màu thuần tuý, thanh tịnh và trong suốt. Vài chú nai vàng ngơ ngác nghểnh cổ chào khách phương xa. Trước sau cũng chỉ núi đồi và thảo nguyên, nhưng bức tranh Tây Tạng cực kỳ biến hóa, đa sắc màu, sinh động và hấp dẫn. Bởi vì đó là Tây Tạng – một cảnh giới khác hoàn toàn so với cái trần gian dưới kia. Có lẽ nhờ thế khách hành hương tạm quên đi dặm dài gian khổ và những cung đèo mà chiếc xe bus như đang lòng lọng lao qua giữa lưng chừng trời. Và. Cũng phải kể thêm tiếng hát Trọng Lý. Để bắt đầu, cô nói “Bây giờ cháu hát để các cô chú ngủ nhé”, nhưng rồi khi cô hát thì không ai ngủ được cả. Ở bên nhà tôi từng nghe Lý hát, nhưng sang đây, dưới sức nặng của một nền văn hóa độc đáo và thâm hậu, tiếng hát Trọng Lý mang âm hưởng hoàn toàn khác – sâu thẳm, huyền bí, và mầu nhiệm. Tôi không biết là do cô cảm được cái hồn của Tây Tạng, hay do văn hóa Tây Tạng nhập thần vào tiếng hát của cô. Thảo nào, trả lời câu hỏi cảm tưởng về chuyến hành hương, cô nói “Cháu có cảm giác như được về lại ngôi nhà xưa của mình”…
 
 
Lý hát trên những dặm dài
 
Đó đây, trên các đỉnh đèo, rực rỡ màu cờ phướn ngủ sắc. Mỗi lá phướn là một lời cầu nguyện, để rồi gió sẽ mang lời cầu nguyện phước lành đi khắp muôn phương. Gần lên phía Bắc, đôi khi xe chạy men theo dòng sông nước trong xanh lai láng, thì ra đó là Yarlung Tsangpo – một trong những con sông vĩ đại nhất thế giới. Không gì xúc động bằng được chiêm ngắm nước đầu nguồn của một con sông lớn.
 
Đoàn lần lượt nghỉ đêm tại các thị trấn Nyalam, Saga, Paryang, Manasarovar, và sau cùng Darchen – dưới chân Kailas. Tưởng cũng cần kể vô số những khó khăn mà khách hành hương phải đối mặt. Kinh nhất là bệnh độ cao. Ở độ cao từ 3.500m trở lên, lượng oxy trong không khí chỉ còn một nữa; hậu quả là người thở bị hụt hơi, khí lực tiêu tán đi đâu hết, tệ nhất là như có hàng trăm mũi kim châm vào đầu. Cùng với cái lạnh cắt da, điều kiện vệ sinh ngặt nghèo, không nuốt nổi bởi không quen khẩu vị thức ăn Tàu hoặc Ấn Độ, đặc biệt tình trạng mất ngủ thường trực… trừ một số ít bạn trẻ sớm thích nghi, còn hầu hết đành chịu trận. Có người phải nhập viện, ngày về ai nấy thấy mình nhẹ mất năm bảy cân. 
 
Viên ngọc quí trong tuyết
 
Người Tây Tạng gọi Kailas là Kang Rinpoche – Viên ngọc quý trong tuyết. Theo Tạng kinh, đó là một quần thể gồm năm đỉnh núi đại diện cho năm loại trí của Phật mà Kailas – pháp giới trí, là trung tâm; bốn đỉnh còn lại là bình đẳng chánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí, đại viên kính trí. Đó là trí tuệ của ngủ vị thiền Phật, nếu chứng ngộ, con người sẽ được giải thoát hoàn toàn và đạt được cõi vị Phật.
 
Kailas còn được mệnh danh là “Vũ trụ tâm linh”. Kinh Tạng Phật giáo gọi Kailas là núi Tu Di. Là nơi có hang động của Tổ sư Milarepa, đạo tràng của Tổ sư Liên Hoa Sanh, và hang động của Bồ Tát Quan Âm. Là ngọn núi thiêng quanh năm tuyết phủ, nơi có nhiều hoa văn kỳ bí và độc đáo, có dấu chân Phật, có lưỡi rìu nghiệp lực, có tảng đá nghiệp lực, có mặt gương cong thời gian, có những đoạn đường đi qua người như không có trọng lượng… 
 
Kailas cũng còn là điểm khởi nguồn của bốn con sông lớn. Người Tây Tạng gọi Brahmaputra (hay Yarlung- Tsangpo) từ phía Đông của Kailas là con sông chảy từ hàm ngựa. Sông Sutlej từ phía Tây là con sông chảy từ miệng voi. Sông Indus từ phía Bắc là con sông chảy từ miệng sư tử. Và Karnali (hay Gogra) là con sông chảy từ miệng chim công. Do bốn loài thú này là vật cưỡi của các vị Thiền Phật nên người Tây Tạng coi những con sông này là một phần của Mandala vĩ đại mà trung tâm là đỉnh Kailas thiêng liêng. 
 
Ngay dưới chân Kailas là hai hồ thiêng Manasarovar và Rakastal. Manasarovar hình mặt trời, Manas là trí tuệ hoặc tỉnh thức. Manasarovar có nghĩa là Hồ tỉnh thức và khai sáng. Đối lập với Manasarovar là Rakastal, hình mặt trăng, Rakas có nghĩa là bóng tối, vô minh. Rakastal là hồ ma quỷ. Theo truyền thuyết, chính thần Brahma đã tạo ra hồ Manasarovar để chứa đầy một thứ nước dùng để tạo ra sự sống. Các tín đồ hành hương tin rằng ai tắm gội trong hồ này sẽ được rửa sạch tội lỗi và thấu triệt những điều huyền bí. Hai hồ này chính là hai huyệt đạo quan trọng của hai đường kinh mạch nối liền với bộ óc là đỉnh Kailas uy nghi, huyền bí.  Người Tây Tạng tin rằng Kailas tượng trưng cho luân xa não bộ của thế giới, là nơi chứa đựng những luồn từ điện linh thiêng nhất.
 
 
Hồ thiêng Manasarovar
 
Chúng tôi nghỉ đêm nơi một khách sạn nhỏ bên bờ hồ Manasarovar. Vài bạn trẻ trong đoàn gồng mình xuống tắm – Không biết nước hồ lạnh giá có giúp làm thanh sạch tâm hồn và cái thân tứ đại của họ? Phần tôi, tôi không tin điều kỳ diệu ấy, nhưng cũng cố lội xuống ngang gối, uống vài hớp, vốc vài bụm rửa cái mặt nhớp nháp bụi đường. Và không quên lấy ít nước hồ thiêng đem về làm kỷ niệm. Trước mặt tôi bây giờ là chiếc ve con chứa nước hồ Manasarovar trong vắt, gợi nhớ một trời kỷ niệm, trong đó ấn tượng sâu đậm hơn cả là buổi hoàng hôn lộng lẫy và huyền bí trên hồ Manasarovar – Bỗng bên kia hồ, một chiếc cầu vồng ngũ sắc xuất hiện, rực rỡ và đẹp đến ngẩn ngơ. Nhiều bạn trong đoàn thành kính sụp lạy, miệng lâm râm niệm đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Tôi thừa nhận rằng, riết rồi đôi khi tôi cũng tỏ ra biết kính sợ không thua gì họ.
 
Sáng và tối
 
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ XII, Kailas là nơi diễn ra trận đấu phép giữa Đại hành giả Phật giáo Milarepa và vua phép thuật Naro Bon của đạo Bon. Kết cục, Naro Bon bị thua và bị ném về phía Bắc của Kailas, phía mặt đen của ngọn núi, là nơi có các thế lực quỷ thần. Cũng từ sau chiến thắng của Đại hành giả Milarepa, Phật giáo hoàn toàn thay thế Bon giáo, phát triển sâu rộng và trở thành quốc giáo của Tây Tạng.
 
Không có được niềm tin tâm linh thâm hậu như các bạn trong đoàn, tôi cứ băn khoăn hoài: Vì sao bên cạnh hồ tỉnh thức Manasarovar nhất thiết phải có hồ ma quỉ Rakastal? Vì sao trên đất chư thiên ẩn mật và mầu nhiệm lại tồn tại cái tâm nhị nguyên – phân biệt thắng thua, đen trắng, xấu tốt, được mất. Và vì sao…?
 
Tôi có chút kinh nghiệm từ chuyến hành hương Tây Tạng năm 2002. Hồi ấy, trước khi lên đường, tôi không may bị một trận cảm cúm nặng. Hậu quả là tám ngày lang thang trên kinh đô xứ Phật, tôi liên tục bị chứng nhức đầu, khó thở, khịt ra máu, khạt ra máu, và mất ngủ. Rút kinh nghiệm, lần này tôi dành hơn năm tháng trước chuyến đi để tập luyện thể chất và chuẩn bị tinh thần. Tôi thấy mình sung mãn không thua chi thời trai trẻ. Nhưng rồi khó khăn lại ập đến. Trên chuyến bay từ Bangkok lên Kathmandu, người ta cho tôi ăn thứ gì không biết mà vừa xuống máy bay, tôi đã gửi hết cả lại cho phi trường quốc tế Nepal. Suốt hai ngày ở Kathmandu, trong lúc các bạn tham quan đó đây, tôi phải nằm bẹp dí trên giường, chỉ uống nước và thuốc. Thế là sợ già chưa đủ đô, tôi còn phải mang thêm cả bệnh tháo chảy. Không biết lần này nữa, liệu tôi có vượt qua được không! 
 
Anh trưởng đoàn phía đối tác Samrat cho biết, hai mươi năm trong nghề, anh chỉ gặp có hai du khách cao tuổi hành hương Kailas, một là ông già người Ấn Độ 75 tuổi, và nay là tôi 71 xuân thì. Sau khi cẩn thận ngắm nghía tướng tá của tôi, anh phán: “Được, không sao. Tôi sẽ giúp”. Thế nhưng vào phút ngặt nghèo chuẩn bị xuất phát vòng Kora quanh núi thiêng thì anh ta biến đâu mất. Các bạn trong đoàn lo cho tuổi tác và sức khỏe của tôi nên ai cũng cực lực can ngăn. Đặc biệt, tay hướng dẫn viên phía đối tác Tây Tạng cương quyết không chịu để tôi đi; bực quá tôi thách anh ta đấu võ, nếu tôi thắng thì anh ta phải đổi ý. Nhưng anh ta chỉ im lặng bỏ đi. Tôi quay sang cầu cứu Trịnh Thanh Cường. Cường là hướng dẫn viên du lịch tâm linh chuyên nghiệp. Anh, từng bốn lần thiền hành quanh Kailas, ăn chay trường, giản dị, khiêm tốn, đạo hạnh, làu thông giáo pháp… đến nỗi mọi người gọi anh là “Sư Cường”. Cường chỉ nhỏ nhẹ nhưng không kém phần cương quyết: “Không được. Nếu chú muốn đi thì chú phải ký vào “Sanh tử trạng” (Tờ cam đoan chết bỏ). Và thế là tôi buông tay… Sau này có dịp phân tích khoảnh khắc đó, tôi thừa nhận rằng tôi đã chịu bỏ cuộc vì một phần cái uy đức của “Sư Cường”, phần còn lại là vì tôi hèn – tôi sợ chết. Trong thời gian chuẩn bị tinh thần trước chuyến đi, tôi đã rất nhiều lần nghĩ về những hiểm nguy và cái chết – vẫn thấy lòng nhẹ tênh. Vậy mà bây giờ trước cái chết thật, tôi lại sợ.
 
Vòng Kora quanh Kailas, tổng cộng 52 km, mất ba ngày hai đêm, còn gọi là cuộc hành thiền quanh núi thiêng – theo chiều kim đồng hồ đối với tín đồ Phật giáo, và ngược chiều kim đồng hồ đối với môn đồ đạo Bon. Với người Tây Tạng, cuộc hành thiền được xem là hành trình đi từ vô minh đến khai sáng, từ kiêu mạn và tham đắm vật chất đến nhận thức thấu đáo về nghiệp duyên cuộc đời; khách hành hương có dịp đối diện với tâm thức mình, chứng nghiệm những đổi thay trong tâm hồn mình. 
 
Đã đến giờ khởi hành. Ai đi bộ thì đi bộ, ai đi ngựa thì đi ngựa, hành lý đã có trâu Yak thồ. Tạm biệt Chukku Gompa. Tạm biệt các bạn. Tạm biệt tôi.
 
Trên đường trở lại khách sạn ở Darchen (khoảng 7km) cùng với các bạn trong đoàn không đăng ký vòng Kora, tôi tự an ủi mình: có lẽ núi đã không chọn mình, có lẽ mình chưa đủ phước duyên để được đi.
 
Bỗng thấy mình phiêu diêu, thanh thoát, và thông tuệ lạ thường – cái trạng thái tôi chưa từng gặp bao giờ. Hình như bên Công giáo gọi đó là “mặc khải”, còn bên Phật giáo gọi là “ngộ”. Lòng tràn ngập niềm hân hoan và an lạc đến trào nước mắt…Bây giờ thì tôi đã nhận ra, dù vẫn không chắc – đó có phải là ơn phước thật sự, hay chỉ là ảo giác của tình trạng kiệt sức sau một trận quyết đấu, thậm chí hay là hệ quả của cái gọi là “Phép thắng lợi tinh thần”?
 
Hai ngày chờ đợi, âu lo, hy vọng, cuối cùng 12 bạn tham gia vòng Kora đã trở về. Hồng Minh chỉ kịp ôm chầm lấy tôi, trào lệ… rồi lăn ra giường, thở. Anh cho biết rất nhức đầu, tức ngực và buồn nôn. Hồng Minh là bạn cùng phòng với tôi, anh là giám đốc một công ty viễn thông ở Hà Nội; anh trẻ,  khỏe và dẽo dai nhất đoàn. Biết anh ốm, mọi người tụ lại thăm hỏi, động viên. Đó đây, có bạn xầm xì trách Minh “Lên Kailas không với niềm tin tâm linh mà chỉ đi với tinh thần thể thao nên bị trừng phạt đó”; có bạn xác quyết là vì Minh đã ngạo phạm đức Đạt Lai Lạt Ma – chả là, có lần Minh bình luận “Nếu ngài đạo hạnh và tài trí, thì sao ngài để đất nước ngài bị ngoại xâm, còn con dân ngài lầm than cơ cực thế”. Bạn khác thực tế hơn, khuyên Minh muốn tai qua nạn khỏi thì phải lo mua lễ vật để cúng… Duy chỉ có Trọng Lý không nói gì; cô đến ngồi bên, cầm tay, chia sẻ, cảm thông, cố truyền sang bạn chút sinh lực ít ỏi của mình, và lặng lẻ khóc… Rốt lại, xem ra chỉ cô ấy đúng – Sự trừng phạt không mang lại điều gì tốt lành; chỉ có tình thương yêu, cảm thông, chia sẻ mới là nhựa sống giúp nhân loại hồi sinh.
 
 
Với Hồng Minh
 
Buổi chiều, khi đã thấy khỏe khỏe, Minh bắt đầu kể vòng Kora nhớ đời: Gần đến đèo Dolma, đói, lạnh, ngộp thở và yếu lả, Minh rủ xuống bên đường. (Năm 2009, cũng tại cung đường này, đã có 21 du khách người Ấn Độ gục chết vì thiếu oxy). Trong giây phút sắp bước hẳn sang cõi chết, anh cảm thấy sáng láng lạ thường. Anh thấy lại vợ con và những người thân yêu. Anh thấy đứa con trai út cưng nhất nhà đến bên anh, khóc và nói “Ba ơi, ba đừng chết”. Anh thấy từng tốp du khách nước ngoài đi qua, có người nói tội nghiệp, hắn sắp chết. Anh thấy một đôi vợ chồng người Trung Quốc, chị vợ trẻ, đẹp, thùy mị; chị ngồi xuống bên anh, thương cảm, rồi thận trọng trao cho anh bình oxy duy nhất của mình trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Nhờ bình oxy, anh gượng đứng dậy được…Rồi anh thấy một thanh niên Tây Tạng lướt tới gạ gẫm, sẽ dìu anh đi với giá 100 đô. Chốc sau, hắn bỏ anh xuống, bảo muốn dìu tiếp thì phải thêm 100 đô nữa. Rồi lại bỏ xuống, rồi lại thêm 100 đô nữa. Cứ thế cho đến khi đến nơi an toàn.  Riêng chị Ngọc Anh thì may mắn hơn vì chị đi bằng ngựa. Chị nói, “Trên ấy có người tốt cũng có người xấu”. Một bạn khác phàn nàn “Lên tới trú xứ của chư Phật sao vẫn thấy khổ quá, cả ác ôn quá – nhiều những người gánh thuê, những người dắt ngựa (địu theo con nhỏ trước ngực), những người dẫn đường mỗi đoạn đòi tiền”. Biết thì biết vậy nhưng sao lòng vẫn thấy nhói đau.
 
Mấy ngày chờ đợi, tranh thủ những lúc khỏe khoắn, tôi đi tìm góc độ thích hợp để được chiêm ngắm Kailas từ tầm xa, nhưng chẳng thấy Kailas đâu, chỉ toàn mây mù sương khói. 
 
Tưởng đã không có duyên với Kailas, ai ngờ, buổi sáng trước khi rời Darchen, trời bỗng nắng, một thứ nắng vàng trong vắt và mộng mị chỉ có ở Tây Tạng. Rồi, Kailas hiện ra, rõ mồn một và gần như trong tầm tay với. Mọi người nhào hết cả ra sân – chiêm ngắm, thổn thức, ngợi ca, và không quên tạo dáng ghi hình kỷ niệm.
 
 
Tạm biệt Ngân Sơn
 
Buổi trưa và chiều, trên đường tham quan hồ Rakastal, chúng tôi dừng lại nhiều nơi để được chiêm ngắm Kailas ở nhiều góc độ khác nhau. Trên dãy Sven Hedin hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng, bỗng một ngọn núi vươn lên với dáng hình độc đáo và sáng láng lạ thường. Bằng kinh nghiệm bản thân, trước những hiện tượng thế này, tôi thường thả lỏng cái tâm văn hóa, không định vị, không dán nhản, không phân biệt; cố nhìn ngắm sự vật như là sự vật, nhìn ngắm ngọn núi đúng với bản thể của ngọn núi. Và trước mắt tôi, Kailas là một kỳ quan – tuyệt mĩ. 
 
Hóa ra là vậy, thì cũng như bao ngọn núi khác, Kailas không nói gì, không tự vinh danh mình, không lập thuyết, không tranh thắng, không lý luận dài dòng; Kailas không bắt ai phải thế này thế nọ, Kailas chỉ thinh lặng, tự tại, lặng lẽ tỏa năng lượng yêu thương của mình. Chỉ có con người mới chộn rộn và phân biệt nọ kia.
 
Núi thiêng trong lòng ta
 
Trên đường trở lại Kathmandu, tôi có dịp nghe các bạn chia sẻ những cảm nhận của mình về vòng Kora quanh Kailas. Với Thu, “Chuyển đi giúp nảy nở trong mình lòng từ bi và bao dung”. Với Nhân, “Thế giới rộng lớn quá. Ta là tất cả, tất cả là ta”. Với Anh Minh “Chưa có niềm tin tâm linh. Không cảm thấy gì. Đi là chỉ để giúp mẹ”. Minh là con trai của bác sĩ Ngọc Anh; hiện là sinh viên năm thứ II đại học Ohio (Mỹ). Còn Lê Cát Trọng Lý, Lý: mong manh như lau sậy gầy, trong veo như nước suối, hồn nhiên như trẻ thơ, chín chắn như thầy giáo, dẻo dai như vận động viên leo núi. Mà đúng là cô rất thích núi – “Núi rừng luôn mang đến nguồn năng lượng vô hình giúp Lý sống có chất hơn”. Có lẽ nhờ thế mà cô đã hoàn thành xuất sắc vòng Kora quanh Kailas. Cô chỉ nói ngắn gọn  “Như trong một giấc mơ”. Cũng như Anh Minh, Trung Hiếu “Chưa biết gì nhiều về Phật giáo, chưa có niềm tin tâm linh. Cháu xin nghỉ phép về đi là chỉ để giúp ba mẹ”. Hiếu là con trai của anh Nhân và chị Bình, là giảng viên trường đại học Michigan (Mỹ).   “Nhờ chuyến đi này mà cháu nhận ra, ngoài đỉnh cao Kailas còn có thêm hai đỉnh cao nữa lung linh không thua gì Kailas”. Đợi cho mọi người bớt sững sốt, Hiếu nói tiếp. “Đỉnh cao thứ nhất, đó là tấm lòng hiếu đạo của chị Nhã Thanh. Để cầu an cho mẹ, chị đã phát nguyện cạo đầu ngay bên bờ hồ thiêng Manasarovar. Và đỉnh cao thứ hai, là tình nghĩa vợ chồng của chú Nguyễn Tường Bách. Một đời, chú khát khao được hành thiền quanh Kailas, vậy mà ngày lên đường, cô Vinh không được khỏe, chú đã quyết định ở lại để chăm sóc vợ”. Tôi thật sự xúc động về phát hiện của Trung Hiếu. Có lẽ còn một phần do tôi ấn tượng bởi hình ảnh của một cháu Hiếu ít nói, hay cười, hiền hậu, và trong veo; sau lưng Hiếu luôn với cái ba lô nặng trịch của mẹ, còn trước ngực là cái ba lô to đùng của ba. Vậy thì, cháu Hiếu ơi, đáng ra phải nói, ngoài Kailas còn có thêm ba đỉnh cao nữa lung linh không thua gì Kailas mới đúng, phải không!
 
 
Ngân Sơn cũng bất ngờ hiện ra tạm biệt mọi người
 
Trước khi lên đường, tôi đã có hơn năm tháng nổ lực đọc sách, nghiên cứu, rèn luyện, khổ luyện, chánh niệm, tinh tấn, thành tâm hướng về… Kailas như gần gũi, thân quen với tôi từ bao giờ. Chuyến hành hương Kailas, tôi cũng có cảm giác như đang được về lại ngôi nhà xưa của mình. Tôi thầm nghĩ, giá như với bất kỳ ngọn núi nào, ta cũng thành tâm, chánh niệm, tinh tấn như với Kailas, hẳn ngọn núi ấy sẽ trở thành ngọn núi thiêng. Giá như mọi việc trong đời, ta cũng thành tâm, chánh niệm, tinh tấn như với Kailas, hẳn ta sẽ dễ dàng nhận ra nát bàn chẳng phải ở đâu xa. Giá như…Và, tôi muốn tổng kết thiên bút ký này bằng cảm thức của mình, rằng, núi thiêng ở trong lòng ta.
 
Viết thêm cho lời kết
 
Thì cũng như mây trên đỉnh Ngân Sơn, tụ rồi tan. Mới thôi mà đã. Tôi tranh thủ tập cho “Gia đình Kailas” bài ca tạm biệt truyền thống của người Do Thái – bài Salom. Hơn hai ngàn năm trước, quốc gia Do Thái loạn ly và tan rã; người Do Thái lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Sau mỗi lần gặp nhau, bao giờ họ cũng chỉ nói với nhau một lời: “Hẹn sang năm gặp nhau ở Jerusalem”, và rồi họ hát “Cầm tay phút chia ly. Bạn ơi vui lên đi. Xa cách ta không nề, luôn nhớ nhau trong đời…”. Vậy đó, có thể hàng muôn vạn kiếp trước, chúng ta cùng tu tập trong một ngôi chùa, rồi vì duyên nghiệp, mỗi người tái sinh một ngả. Nay có cơ duyên gặp, giờ lại chia xa. Hẹn ngày hết nghiệp, chúng ta lại trở về quây quần dưới mái chùa xưa.
 
 
Núi thiêng trong mỗi người
 
Nhưng chẳng cần đợi lâu thế. Trong thư phòng nhà tôi có bức ảnh cở lớn hình núi thiêng Kailas sáng láng trên nền xanh thẳm của mặt nước hồ Rakastal. Mỗi lần nhìn thấy nó, là lại nhớ về bao ngọn núi thiêng tôi gặp trong đời. Thế đấy, hởi “Gia đình Kailas”, các bạn là một phần không thể thiếu của ngọn núi thiêng trong lòng tôi.
 
N.V.D

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here