Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phương hướng hoạt động Phật sự của BTS GHPG TT Huế nhiệm...

Phương hướng hoạt động Phật sự của BTS GHPG TT Huế nhiệm kỳ VI (2012-2017)

113
0

Phương châm của Giáo hội, sự nghiệp hoằng hóa của lịch đại Tổ sư và truyền thống phụng đạo giúp đời của nhiều thế hệ Tăng Ni, cư sĩ Phật tử tỉnh nhà hòa nhịp trong xu thế hội nhập và phát triển của quê hương, đất nước mãi mãi là kim chỉ nam và mục tiêu cho mọi hoạt động Phật sự tại Thừa Thiên Huế. Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã thể hiện sự đi lên của Phật giáo Huế, đó cũng là sự kế thừa và động lực phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp để phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, phục vụ xứ sở ngày mỗi tốt hơn.

Nhằm tiếp nối và hoàn thành sứ mạng trọng trách được giao phó, Đại hội VI Phật giáo tỉnh đề ra chương trình hoạt động như sau:
 
A. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG
 
I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC
 
1. Tích cự phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp trong Phật giáo và tinh thần thống nhất ý chí và hành động, lãnh đạo và tổ chức theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; tăng cường mối quan hệ mật thiết từ Ban Trị sự đến các Ban, Ngành, Tự viện, Tăng Ni, Phật tử trên cơ sở xây dựng nếp sống lục hòa cộng trụ, tình đoàn kết, ý thức trách nhiệm làm nền tảng cho việc phát triển hoạt động Phật sự vì Đạo pháp và Dân tộc.
 
2. Tăng cường mối quan hệ với Chính quyền và Mặt trận các cấp để phối hợp thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, xã hội… nhằm góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy mọi nguồn lực cho sự phát triển chung vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
3. Tổ chức triển khai học tập và thực hiện nghiêm túc theo Hiến chương, Nội quy, Quy chế, Nghị quyết và các văn kiện của Giáo hội và Nhà nước có liên quan.
 
4. Củng cố và kiện toàn nhân sự các Ban chuyên môn trực thuộc Ban Trị sự, cơ cấu phù hợp với các lãnh vực hoạt động chuyên ngành, có tâm huyết, nâng cao hiệu năng bộ máy tổ chức tạo điều kiện cho Giáo hội phát triển bền vững; ổn định nhân sự Ban Hộ tự các đơn vị Niệm Phật đường cho nhiệm kỳ mới. Lưu ý, tìm cách nâng cao các hoạt động Phật sự tại các thị xã Hương Thủy, Hương Trà về các mặt trong tổ chức Giáo hội.
 
5. Tổ chức khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chánh Giáo hội, pháp luật và chính sách tôn giáo cho những thành viên của các ban trực thuộc Tỉnh Giáo hội, Ban Đại diện Phật giáo huyện và các đơn vị cơ sở nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn và kiến thức pháp luật để điều hành Phật sự có hiệu quả tốt.
 
6. Quan tâm giải quyết các Phật sự tồn đọng, những trường hợp vướng mắc, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà.
 
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH
 
1. Về Tăng sự:
 
– Xin phép tổ chức các Giới đàn để truyền giới cho giới tử xuất gia và tại gia tu học. Tổ chức các khóa an cư kiết hạ hàng năm để tấn tu đạo nghiệp.
 
– Tiếp tục mở lớp bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì cho Tăng Ni trẻ, tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đáp ứng nguyện vọng chánh đáng, nhu cầu cần thiết của những đơn vị cơ sở. 
 
– Bổ nhiệm trú trì những Tăng Ni hội đủ điều kiện, ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người. Xem xét tiếp nhận các Tăng Ni từ các tỉnh khác đến tại địa phương, đồng thời giới thiệu thuyên chuyển Tăng Ni đến các tỉnh bạn có nhu cầu.
 
– Tiếp tục đề nghị Trung ương Giáo hội cấp Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới và Thẻ chứng nhận an cư hàng năm theo quy định.
 
– Quan tâm đời sống tu tập phẩm hạnh, sinh hoạt Bố tát An cư của Tăng Ni nhằm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Huế.
 
2. Về Giáo dục Tăng Ni:
 
– Quan tâm sự sinh hoạt của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
 
– Tiếp tục công tác giáo dục đào tạo Tăng tài, chú trọng tăng cường công tác quản lý điều hành, giảng dạy học tập ngày càng có hiệu quả cao hơn tại Trường Trung Cấp Phật Học. Phối hợp tổ chức ngoại khóa, giao lưu để mở rộng kiến thức, tầm nhìn cho Tăng Ni sinh.
 
– Động viên và giúp đỡ những Tăng Ni theo học tại các trường Đại học hoặc du học ở nước ngoài theo định hướng chuyên khoa, chuyên ngành.
 
– Có kế hoạch xây dựng Quỹ bảo trợ học đường tạo nguồn kinh phí cho công tác giáo dục đào tạo chung.
 
3. Về Hướng dẫn Phật tử:
 
– Duy trì và phát triển các mô hình sinh hoạt, các khóa tu học tại các đơn vị Niệm Phật đường và các Đạo tràng; đẩy mạnh phong trào học Phật, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, từ thiện nhân đạo đối với các giới cư sĩ Phật tử.
 
– Động viên khích lệ hàng tại gia cư sĩ ý thức nếp sống phụng đạo giúp đời, làm tốt nghĩa vụ công dân, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi nhà; gìn giữ thuần phong mỹ tục, phát huy lối sống văn hóa đạo đức đậm đà bản sắc dân tộc, phòng chống tệ nạn xã hội…
 
– Quan tâm hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt và tu học của các đơn vị Gia đình Phật tử; tạo cơ hội thanh thiếu nhi đến với tổ chức áo lam, góp phần trong việc trau dồi đạo đức truyền thống Phật giáo và dân tộc, phòng tránh bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội, thoái hóa đạo đức.
 
–  Tổ chức các khóa trại chuyên ngành toàn tỉnh; hướng dẫn thực hiện chương trình tiếp sức mùa thi, hưởng ứng hiến máu nhân đạo, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp đối với huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử.
 
4. Về Hoằng pháp:
 
– Tổ chức khóa bồi dưỡng hoằng pháp, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo giảng sư đoàn và hoằng pháp viên cư sĩ. Tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tập tài liệu nhằm nâng cao chất lượng nội dung giảng dạy.
 
– Nhân rộng các lớp tu học Phật pháp cho Phật tử tại gia đến các huyện, thị xã, đồng thời tổ chức hội thi giáo lý hàng năm.
 
– Có kế hoạch phân thỉnh giảng sư thuyết pháp định kỳ trong các khóa tu, hội trại hoặc lễ vía tại các cơ sở, đạo tràng. Tiếp tục giảng dạy Phật pháp cho các bậc Kiên, Trì, Định, Lực của Gia đình Phật tử.
 
– Thực hiện nội san hoằng pháp; tổ chức tổng kết và cấp chứng chỉ cho các Phật tử tham gia các lớp học giáo lý.
 
5. Về Nghi lễ:
 
– Tổ chức trang nghiêm, trọng thể kỷ niệm các đại lễ Phật giáo như Phật đản, Vu lan, Thành đạo, lễ hội Quán Thế Âm và các ngày lịch sử trọng đại như huý kỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông và chư vị Tổ sư.
 
– Phối hợp tổ chức lễ cầu quốc thái dân an đầu năm; lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn chiến tranh nhân ngày Thương binh Liệt sỹ.
 
– Bảo trì nghi thức vũ hội lục cúng hoa đăng. Quan tâm và xiển dương các hoạt động nghi lễ đúng chánh pháp, bài trừ những hủ tục lạc hậu.
– Sưu tập các sách về Nghi lễ và chọn lọc in ấn phổ biến.
 
6. Về Văn hóa:
 
– Tiếp tục công tác nghiên cứu, dịch thuật kinh điển, sưu tầm tài liệu văn hóa lịch sử Phật giáo. Duy trì trang web Liễu Quán để mở rộng thông tin các hoạt động Phật sự của Giáo hội và truyền bá chánh pháp.
 
– Tổ chức hội thảo, triển lãm mỹ thuật, hội diễn văn nghệ quần chúng, lễ hội văn hóa truyền thống với các chủ đề liên quan Phật giáo và Dân tộc.
 
– Quan tâm hỗ trợ về nét kiến trúc trong việc trùng tu tôn tạo các cơ sở tự viện cũng như những công trình mỹ thuật và nội dung băng hình, sách báo Phật giáo.
 
– Tổ chức hành hương Phật tích và danh lam thắng cảnh trong, ngoài nước.
 
7. Về Kinh tế Tài chánh:
 
– Có kế hoạch tạo nguồn kinh phí cho Giáo hội qua các loại hình kinh tế phù hợp đạo lý nhà Phật và điều kiện khả thi.
 
– Vận động sự hỗ trợ kinh tài của Tăng Ni, Phật tử và thiện tín thập phương trợ duyên cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội.
 
– Khuyến khích Tăng Ni, Phật tử xây dựng nếp sống nông thiền, phát triển mô hình kinh tế vườn, tạo nguồn lương thực vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
8. Về Từ thiện Xã hội:
 
– Nhân rộng hệ thống Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí đến các huyện, thị, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người.
 
– Tổ chức công tác cứu trợ nhân đạo, thiên tai bão lụt, cứu tế an sinh; hưởng ứng các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “ngày vì người nghèo”, “xây nhà tình nghĩa”, “quỹ phục vụ công ích”, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, các gia đình liệt sỹ các thương bịnh binh, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn…
 
– Duy trì và phát triển các lớp học tình thương, nhà nuôi dạy trẻ, viện cô nhi, lớp dạy nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo; cấp học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học.
 
– Tiếp tục phát triển mô hình sáng kiến lãnh đạo Phật giáo trong phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới…
 
9. Về Phật giáo Quốc tế:
 
– Tổ chức đón tiếp, giao lưu các phái đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm Huế.
 
– Tổ chức tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, học hỏi kinh nghiệm sinh hoạt tu tập các nước Phật giáo bạn.
 
– Liên kết các sinh viên Việt Nam đang du học ở hải ngoại để tạo nhịp cầu nối kết mối quan hệ giao lưu hữu nghị với Phật giáo nước bạn.
 
– Quan tâm hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt Phật sự của chư Tăng và Phật tử tại chùa Long Vân tỉnh Champasac, các chùa Bảo Quang, Diệu Giác tỉnh Savanakhet nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
 
10. Về Xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc:
 
– Giới thiệu Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu tham gia các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội chữ thập đỏ, Hội Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội thân nhân Việt kiều…
 
– Tìm hiểu và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia các đợt sinh hoạt về đường lối chủ trương do chính quyền và mặt trận các cấp tổ chức.
 
– Vận động Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng các phong trào bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, phát triển xây dựng cộng đồng với môi trường sạch đẹp, đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân góp phần xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp, xứng tầm trung tâm văn hóa của cả nước, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
 
B. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
 
1. Xây dựng chiến lược về tổ chức nhân sự, phát huy vai trò lãnh đạo tập thể, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, giữ mối quan hệ mật thiết giữa Giáo hội với các cấp chính quyền tạo nền tảng pháp lý cao nhất để giải quyết các vấn đề hoạt động Phật sự.
 
2. Quán triệt nội dung Hiến chương tu chỉnh, Nội quy, Quy chế các Ban, Ngành, Viện, Nghị quyết và chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà. Từng bước triển khai theo kế hoạch hoạt động trong từng quý, từng năm. Qua đó tuyên dương công đức những đóng góp xứng đáng, đồng thời uốn nắn những sự sai lệch, chậm trễ đối với các đơn vị hoặc cá nhân phụ trách từng công việc.
 
3. Tổ chức thực hiện, giám sát với ý thức trách nhiệm cao về chương trình hoạt động đã đề ra, chủ động nắm bắt tình hình để giải quyết vấn đề theo nhu cầu trong từng thời điểm hoặc mang tính dài lâu bền vững.
 
Đất nước ta đang nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và trên đà phát triển, Thừa Thiên Huế không ngừng thay da đổi thịt để vươn mình tới đỉnh vinh quang. Thành quả hôm nay ước vọng mai sau luôn có sự đóng góp tích cực của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà bằng tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” là thể hiện một cách linh động “Phật giáo Huế luôn đồng hành cùng Dân tộc”.
 
BTC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here