Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Huế: Văn hóa Phật giáo và sản phẩm du lịch

Huế: Văn hóa Phật giáo và sản phẩm du lịch

132
0

Suốt chiều dài lịch sử Huế là một trung tâm Phật giáo lớn. Kinh đô của triều Nguyễn cũng từng là thủ đô một thời của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo truyền vào Thuận Hóa từ thuở vùng đất này còn nằm trong lòng vương quốc Champa, nhưng thực sự hưng thịnh thì phải đến khi các chúa Nguyễn chọn nơi này xây dựng thủ phủ của xứ Đàng Trong, rồi các thiền sư Việt Nam kế tục để cho các dòng thiền chảy dài đến ngày nay.

Là trung tâm Phật giáo không chỉ vì trên mảnh đất này có số lượng chùa nhiều nhất, mật độ chùa dày nhất, mà hiện nay ở Huế còn bảo tồn được trên 100 ngôi chùa cổ, trong đó có hàng chục Tổ đình, các nghi lễ Phật giáo và hoạt động Phật sự tôn nghiêm.

Các ngôi chùa Huế đều giữ được nét cổ kính của kiến trúc Á Đông, kiến trúc truyền thống của Việt Nam và nghệ thuật sinh vật cảnh. Chùa Huế là một mảng kiến trúc quan trọng cùng với quần thể kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian tạo nên “bài thơ đô thị Huế” có bản sắc riêng.

Từ lâu, chùa Huế đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Huế. Tuy nhiên, du khách đang đến với chùa Huế như đến với công trình kiến trúc – sinh cảnh, đến với một không gian tâm linh để chiêm bái, thư giãn. Dòng văn hóa Phật giáo đang chảy trong Huế vẫn chưa được du khách cảm nhận hết như những gì vốn có.

Tiềm ẩn nhiều giá trị, văn hóa Phật giáo là một di sản cần được thẩm định, đánh giá toàn diện hơn để đưa vào khai thác, phát triển du lịch vùng Huế là nội dung một hội thảo khoa học của Phân Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Các đề tài được tham luận – phản biện là những nhận xét, đánh giá, những khám phá nhằm nhận diện đặc trưng của văn hóa Phật giáo và di sản văn hóa Phật giáo Huế.

Đó là tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc, trang trí, nội thất của những ngôi chùa Huế. Những giá trị trong nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật diễn xướng mang hơi thở của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và Phật giáo xứ Huế nói riêng. Sự đa diện trong sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội, sinh hoạt của tăng chúng – phật tử, văn hóa ẩm thực… phản ánh những ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật, được luân chuyển một cách lặng lẽ trong đời sống thường nhật, trong mạch nguồn văn hóa Huế.

Vì thế, ngoài những loại hình du lịch cụ thể đã được khai thác lâu nay như du lịch thiện nguyện, tham quan danh lam thắng cảnh, chiêm bái, hành thiền chữa bệnh… văn hoá Phật giáo Huế hội đủ điều kiện để tổ chức thành Festival văn hoá tâm linh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân luận giải: Du lịch sinh thái – tâm linh là nhu cầu khi con người chưa tìm được hạnh phúc và hóa giải được sự đau khổ bằng vật chất và khoa học. Bởi vì mỗi con người đều có một thế giới riêng: tâm và linh. Tâm ở trong ta và linh trong thế giới ảo của mỗi người. Thực tế cho thấy du lịch tâm linh là một nhu cầu của người dân ở các đô thị hiện đại. Nhưng không có đô thị nào hội đủ điều kiện tổ chức du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hấp dẫn như Huế.

Huế vẫn đầy bí ẩn và luôn luôn mới đối với giới nghiên cứu, đối với những người ưa thích tìm hiểu khám phá. Kể cả Festival Huế văn hóa Phật giáo cũng có vị trí quan trọng với các chương trình Khám phá cố đô Huế. Một nội dung mới của Festival Huế là chương trình Lễ nhạc Phật giáo, được tổ chức ở một không gian diễn xướng rất thích hợp là Trung tâm Văn hoá Huyền Trân.

Ngoài chức năng nghi lễ tôn giáo, lễ nhạc Phật giáo có giá trị nghệ thuật được tích hợp từ những nét đặc thù trong dòng chảy văn hoá Huế nói chung, văn hóa Phật giáo Huế nói riêng. Không chỉ phục vụ đại chúng, lễ nhạc Phật giáo đang cuốn hút giới nghiên cứu tìm hiểu về sự ảnh hưởng của nhạc lễ Chăm với nhạc lễ Phật giáo Huế.

Bởi vì văn hóa Huế là một giá trị mới trong dòng chảy văn hóa Việt được khởi nguồn từ văn hoá Thăng Long, là thành quả của văn hóa từ nhiều miền đất nước hội tụ về tạo ra một giá trị mới, một sự biến đổi về chất, trong đó có sự tiếp thu những tinh hoa, những nét ưu việt của nền văn hóa bản địa, cụ thể là nền văn hóa Chămpa.

Không đi sâu vào chuyên môn, nghiệp vụ của ngành du lịch trong quảng bá hay khai thác, hội thảo chỉ nêu vấn đề về sự hiện hữu tự nhiên của các tour du lịch mang màu sắc tôn giáo – đã góp phần không nhỏ vào quá trình làm phong phú các loại hình du lịch ở đây.

Di sản văn hóa Phật giáo là một giá trị có khả năng tạo nên những lực hút thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là du lịch văn hóa – tâm linh. Vấn đề đáng quan tâm nhất là dòng văn hóa Phật giáo đang chảy trong Huế vẫn chưa được ngành du lịch và du khách cảm nhận được hết các giá trị như nó vốn có. Đó là điều mà giới nghiên cứu và ngành du lịch phải tiếp tục khám phá, thấu hiểu tường tận để khai thác tốt hơn.

T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here