Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Đấu giá thư họa Trần Nhân Tông

Đấu giá thư họa Trần Nhân Tông

122
0
Một tiết đoạn từ họa phẩm Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ

Một cuộc đấu giá xôn xao dư luận

Trên Khắc Lạp Mã Y nhật báo (nhật báo của thành phố Karamay, Tân Cương) số ra ngày 18-7-2012 có bài “Tiên phẩm thưởng – Tái thu tàng” phỏng vấn ông Lý Bách Lâm, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thư – họa Trung Quốc. Trong bài, ông Lý nói đến việc đại chúng hóa, xã hội hóa công tác sưu tầm tác phẩm nghệ thuật, thực chất là đấu giá để có thể mua bán, trao đổi trong công chúng. Ông đề cập đến “hiện tượng phi lý tính”, đấu được giá rất cao ngoài dự liệu đối với một số tác phẩm, cụ thể là: “Tháng 4 năm nay, ở hội đấu giá tinh phẩm thư họa, Công ty đấu giá Bảo Lợi, Bắc Kinh đưa ra đấu giá bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ của họa gia đời Nguyên Trần Giám Như. Trong lịch sử hội họa Trung Quốc không có ghi chép gì về Trần Giám Như. Họa phẩm này đấu giá với mức giá khởi điểm là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 160 USD), không ngờ qua nhiều vòng tranh giá, một khách mua đã kết thúc cuộc đấu giá với mức 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD), cộng thêm tiền môi giới, giá cuối cùng giao nhận tranh là 11,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu USD)”.

Cuộc đấu giá nói trên mang tên “Trung Quốc thư họa” do Công ty đấu giá quốc tế Poly (Bảo Lợi, Bắc Kinh) tổ chức ngày 23-4. Tác phẩm Trúc Lâm đại sĩ đã được Trung Quốc xếp hạng quốc bảo bậc nhất lẽ nào lại được đưa ra phát mãi như thế? Được biết năm 2006, một công ty ở Bắc Kinh phối hợp với Bảo tàng Liêu Ninh dùng kỹ thuật cao phục chế những kiệt tác mỹ thuật từng lưu giữ trong Thanh cung, đưa ra triển lãm. Trúc Lâm đại sĩ là một trong số đó, và cuộn tranh được đấu giá trong tháng 4 vừa qua chỉ là bản phục chế cao cấp đã được triển lãm năm 2006. Thông tin về người mua không được công bố nhưng khi một bản phục chế đã được mua với giá cao bất thường như vậy, bản gốc “quốc bảo” đang được lưu giữ ở Bảo tàng Liêu Ninh hẳn nhiên là vô giá.

Số phận chìm nổi

Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ được họa sư Trần Giám Như hoàn thành năm 1363, sau lại được các danh sĩ đời Minh viết nối thêm lời bình dẫn, tôn vinh Trúc Lâm đại sĩ. Thư pháp đặc sắc của họ hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư – họa, có tổng chiều dài lên đến 3m. Bài dẫn của Dư Đỉnh viết năm 1420 cho biết: “Nay bức họa miêu tả lúc ông (Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du. Đại sĩ ngồi trên cáng, còn các tùy tùng đều khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghênh trên đường chính là con của đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước”. Sự hiện diện của đạo sĩ Trung Hoa Lâm Thời Vũ trong tranh là dấu tích giao lưu văn hóa Việt – Trung, và cũng là chứng tích hòa đồng Tam giáo thời Trần. Đến đời Thanh, bức thư – họa này được sưu tập, bảo tồn trong hoàng cung.

Năm 1922, hoàng đế cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử cấm thành, nhân đó bí mật “tuồn” ra ngoài hơn 1.300 bảo vật, trong đó có cả bức thư họa nói trên. Lưu lạc trong chiến cuộc, đến năm 1949, số báu vật này mới được đưa vào Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh) lưu giữ, công chúng không mấy dịp được chiêm ngưỡng. Bức Trúc Lâm đại sĩ cũng vì thế mà biệt tích.

Năm 1998, người viết có nhờ liên lạc với Bảo tàng Liêu Ninh xin sao chụp tác phẩm trân quý này nhưng rất tiếc không được đáp ứng. Khi ấy, những gì thu thập được vẫn thuần là văn bản, bức họa chỉ dựa vào tài liệu ghi chép mà hiển thị trong tưởng tượng. Vì vậy, trong bài “Diện mạo Trần Nhân Tông qua Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” (Tạp chí Hán Nôm, 2-1999) đành ngậm ngùi hi vọng một ngày nào đó sẽ tìm lại được Trúc Lâm đại sĩ (dù chỉ là phiên bản). Năm 2004, Bảo tàng Liêu Ninh triển lãm và công bố các báu vật bị thất tán thời Phổ Nghi, nhưng phải đợi đến cuộc đấu giá ấn tượng tháng 4-2012, công chúng mới được thấy hình ảnh của Trúc Lâm đại sĩ đăng tải rộng rãi trên Internet.

Di ảnh Trần Nhân Tông lưu giữ đến nay chỉ còn đôi ba bức họa và tôn tượng. Với Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, lần đầu tiên người xem được diện kiến ảnh tượng Phật Hoàng (ngồi cáng) an nhiên mà sinh động xuống núi khởi sự giáo hóa chúng sinh

Trúc Lâm đại sĩ và tâm thức Việt

Hoàn cảnh và nguyên nhân sáng tác của bức thư – họa là những vấn đề cần nghiên cứu: Họa sư Trần Giám Như nguyên tịch ở đâu? Vì sao lại lấy Trúc Lâm đại sĩ làm chủ đề cho tác phẩm của mình? Bức thư – họa này còn có khả năng liên quan đến một cộng đồng người Việt họ Trần lưu lạc sang Trung nguyên thời ấy. Nhân truy tìm bóng hình của Phật Hoàng mà người viết nhận ra sức sống bền lâu của sự kiện “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn”: nghệ nhân trứ danh thời Minh Trình Quân Phòng còn lưu lại một nghiên mực chạm khắc công phu sáu mặt dựa theo cảnh tượng trong Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ; nghệ nhân đời Thanh tiếp tục mô phỏng tuyệt tác của họ Trình để làm nghiên mực gốm sứ. Câu hỏi vì sao lại có hiện tượng này cũng đang chờ lời giải đáp.

Sự việc bức thư – họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho thấy nhiều tư liệu phản ánh lịch sử, giao lưu văn hóa của dân tộc vẫn còn lưu tán ngoài nước. Nhận biết và sưu tầm kịp thời các mảnh vỡ này, góp phần phục dựng bức tranh quá khứ của đất nước là trách nhiệm của những người hôm nay. May mắn có được phiên bản trọn vẹn của tác phẩm trân quý này, chúng tôi hi vọng sẽ sớm có dịp chia sẻ với công chúng cùng với một nghiên cứu mới và bản dịch toàn bộ tư liệu văn chương phụ đính trong cuộn thư – họa. 

 

Toàn bộ cuộn thư – họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ

Bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (竹 林 大 士 出 山 圖) do họa sư đời Nguyên Trần Giám Như (陳鑑如) sáng tác vào năm 1363. Nhân vật trung tâm trong bức vẽ là đại sĩ Trúc Lâm, tức vua Trần Nhân Tông (1258-1309), người đã hai lần chặn đứng vó ngựa Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288, nhường ngôi cho con vào năm 1293, hoàn toàn dứt bỏ cả gia tư lẫn triều chính để tu Phật từ năm 1299, đại giác và trở thành đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Họa phẩm của Trần Giám Như thật đáng chú ý vì lẽ nó là tác phẩm của một danh họa sống dưới một vương triều từng bị đánh bại đôi lần bởi vị hoàng đế trong tranh, và chủ nhân của bức thư họa, Trần Quang Chỉ (陳 光 祇), có thể là một hậu duệ nhà Trần, chưa rõ vì lẽ gì đã lưu lạc đến Hoa Hạ và định cư tại đây. Bức tranh không chỉ khắc họa một sự kiện lịch sử – đại sĩ Trúc Lâm xuống núi sau khi giác ngộ, mà còn hé lộ chân dung của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và cả con của ngài, Hoàng đế Trần Anh Tông (1267-1320), những chân dung vốn rất hiếm hoi trong di sản nghệ thuật còn bảo tồn được ở Việt Nam.

Bức họa được hoàn thành vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 14, một thập niên đánh dấu sự suy sụp của nhà Nguyên và sự khởi đầu của Minh triều. Dù rằng các bài bình dẫn trong cuộn thư họa không hề nhắc đến những chiến tích hào hùng của Trần Nhân Tông, ngay trong lớp áo tăng già, hình ảnh của vị hoàng đế nước Nam này vẫn gợi lên những năm tháng hào hùng, bất khuất, không thể nào phai trong tâm não người dân Việt. Các lời bình tán trong cuộn tranh hầu hết được viết trong khoảng 1420-1423, những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 15 khi nhà Minh đã xác lập xong ách thống trị ở Việt Nam, nhưng cũng chính là lúc nghĩa quân Lam Sơn gian khổ, kiên cường chống quân xâm lược.

(TTO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here