Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tiếng Phạn trong Phật giáo-Kỳ IV (hết): Tiếng Phạn Với Phật Giáo...

Tiếng Phạn trong Phật giáo-Kỳ IV (hết): Tiếng Phạn Với Phật Giáo Việt Nam

130
0

Mặc dầu trong qua khứ cũng như hiện tại, đại đa số giới Phật tử Việt Nam hầu như chỉ biết đến Phật pháp qua kinh sách chữ Hán, nhưng thật ra có thể nói rằng Phật pháp được truyền đến nước ta bằng tiếng Phạn trước tiếng Trung Quốc. Thật vậy, vấn đề người Việt Nam chúng ta tiếp cận với Phật pháp qua tiếng Phạn khá sớm có thể được chỉ ra trong các tình huống sau đây (1):

1. Nhà sư Phật Quang :  theo sử liệu thì Phật giáo  được truyền vào nước ta đầu tiên dưới thời Hùng Vương bởi nhà sư Ấn Độ tên Phật Quang. Ngài truyền Phật pháp cho Chữ Đồng Tử tại núi Quỳnh Viên ở cửa Sốt thuộc Hà Tĩnh. Nhà sư nầy chắc chắn là người Ấn Độ, và Phật pháp ngài truyền tất nhiên qua tiếng Phạn. Và cũng tất nhiên là vào thời kỳ Chữ Đồng Tử chưa hề có sách Phật giáo bằng chữ Hán ở nước ta.

2. Nhà sư Khâu Đà La được biết rõ là người nước Tây Thiên Trúc vào khoảng năm 189 sau dương lịch đã đến truyền Phập pháp cho hai cha con Tu Định và Man Nương và lập nên hệ thống Tứ Pháp (Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Phật Pháp Điện) tại chùa Pháp Vân còn lưu lai đến ngày nay.(2) 

3. Nhà sư Khương Tăng Hội : Trong thế kỷ thứ 3 sau dl, có Khương Tăng Hội sinh ra, lớn lên ở nước ta với mẹ người Viêt, cha người thuộc miền Đông bắc Ân Độ. Nhà sư Khương Tăng Hôị, thông thạo chữ Hán lẫn tiếng Phạn. Ngài đã chú giái kinh An Ban Thủ Ý. Ngài đã qua Trung Quốc truyền Phât pháp và viên tịch ở Nam Kinh năm 280 sau dl.

4. Nhà sư Đạo Thanh, người Việt, là đệ tử của ngài Khâu Đà La và tất nhiên phải giỏi chữ Phạn vì đã bút thọ kinh Pháp Hoa Tam Muội do nhà sư Ấn độ Chi Cương Lương Tiếp dịch,…

5. Nhà sư Ma Ha Kỳ Vực đã đến nước ta vào thế kỷ thứ 4 sau dl.

6. Nhà sư Ma Ha Đề Bà đến nước ta vào thế kỷ thứ 5, dạy Thiền cho ngài Huệ Thắng tại chùa Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

7. Nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến nước ta vào thế kỷ thứ 6 sau dl, dịch kinh Tổng Trì tại chùa Pháp Vân, và tại đây đã lập nên dòng Thiền Pháp Vân.

8. Nhà sư Đại Thừa Đăng của nước ta đã cùng với một số khác đi chiêm bái và học tập tại Ấn Độ. Về sau ngài Đại Thừa Đăng là một thành viên trong ban dịch kinh chữ Phạn ra chữ Hán tại dịch trường chùa Từ Ân dưới sự chủ biên của ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang. Ngài đã để lại các tác phẩm như Câu Xá Luận Ký, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Chú, v.v…

9. Thiền sư Việt Nam Ma Ha Ma Da (Māhamāya) thuộc dòng Thiền Pháp Vân được Thiền  Uyển Tập Anh ghi nhận là giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn.

10. Thiền sư Việt Nam Sùng Phạm (1004-1087) cũng thuộc dòng Thiền Pháp Vân đã du học 9 năm tại Ấn Độ.

11. Nhà sư Bồ Đề Thất Lỵ (Bodhiṣrī ) đã đến nước ta vào thế kỷ 13, đã được vua Trần Nhân Tông (1258-1308) yêu cầu dịch các bài chú Lăng Nghiêm ra chữ Hán.

12. Thiền sư Việt Nam Pháp Tính trong thế kỷ 16, đã soạn quyển từ điển Hán-Việt đầu tiên còn lại , có tên Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, trong đó ngài đã ghi một số từ phiên âm chữ Phạn ra chữ Hán.

13.  Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong quá trình biên soạn, nghiên cứu đã làm một bản tự điển nhỏ chữ Phạn phiên âm ra chữ Hán, đăng trong Kiến Văn Tiểu Lục 9.

14. Thiền sư Việt Nam An Thiền trong thế kỷ 19 đã viết Đạo Giáo Nguyên Lưu trong đó có một số trang dành để ghi lại những chữ Phạn với nghĩa chữ Hán. 

Những sự kiện trên cho thấy tiếng Phạn với Phật pháp đã đến dân tộc ta khá sớm, sớm hơn Phập pháp bằng chữ Hán.

Tuy nhiên do nước ta bị phương Bắc đô hộ trong 1000 năm, và chữ Hán đã trở thành chữ viết chính thống trong hệ thống chính trị, xã hội nước ta cho mãi tới các thập niên đầu thế kỷ 20 (mãi tới năm 1919 các khoa thi bằng chữ Hán mới được bãi bỏ) cho nên Kinh sách Phật Giáo bằng Hán văn đã chiếm lĩnh vị trí tuyệt đối trong thiền môn nước ta trong thời gian khá dài.

Vì vậy có thể nói rằng giới Phật tử Việt Nam ít quan tâm tới tiếng Phạn từ trong quá khứ đến hiện tại.

Ngày nay, các thế hệ trẻ của Phật giáo Việt Nam, không những cần am hiểu chữ Hán mà còn cần am hiểu chữ Phạn (theo Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa)), Pāli (theo Phật giáo Nam tông, Nguyên Thủy (Tiểu Thừa)) để học tập, nghiên cứu và khi cần có thể truy cứu ý nghĩa đích thực của lời Phật dạy và lời của các Thánh tăng từ các nguồn kinh tiếng Phạn, Pāli. 

Việc truy tìm nguyên gốc tiếng Phạn sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc giúp cho người Phật tử Việt Nam đọc tương đối đúng âm của các từ tiếng Phạn vốn được phiên âm ra tiếng Trung Quốc trong kinh văn mà không dịch nghĩa. Chẳng hạn, câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh, nguyên văn tiếng Phạn là :

Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā

Nếu phiên âm trực tiếp ra tiếng Việt thì có thể đọc là :

Ga-tê ga-tê paa-ra-ga-tê paa-ra-xân-ga-tê bô-đi xoaa-haa

(aa đọc a với trường độ dài gấp 2 lần a) sẽ tạo ra âm thanh tương đối gần với âm thanh của nguyên văn tiếng Phạn.

Nhưng từ lâu nay chúng ta đọc các từ phiên âm của người Trung Quốc :

揭帝 揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝菩提 僧莎訶 

 Theo âm Hán Việt cho nên là :

Yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha

Thì rõ ràng có lệch nhiều so với âm của nguyên câu tiếng Phạn. Tất nhiên người Trung Quốc đọc câu phiên âm của họ thì nghe âm thanh gần với âm tiếng Phạn.

Vậy xin đề nghị là đối với các từ Phạn không thể dịch mà phiên âm, đặc biệt là toàn bộ các câu chú thì người Việt chúng ta nên phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn ra tiếng Việt để đọc, chứ không nên chỉ biết và chỉ đọc câu phiên âm ra tiếng Trung Quốc theo âm Hán Việt mà thôi. 

Ngoài ra, ngày nay trong xu hướng toàn câu hóa, và đặc biệt là người Phương Tây càng ngày càng quy ngưỡng Phật pháp, cho nên giới Phật tử trẻ của Việt Nam nên học thêm tiếng Anh để có điều kiện tìm đọc nhiều tài liệu Phật pháp bằng tiếng Anh rất phong phú đang được phổ biến trên thế giới qua sách, báo, Internet, đồng thời có thể đáp ứng được sự giao lưu, hội nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo của thế giới trong nhiệm vụ hoằng pháp cho người phương Tây khi họ tới với Thiền viện hay chùa của ta (hay tăng ni chúng ta tới xứ họ) hay tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế như trong Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế được tổ chức hàng năm dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc ( năm 2008 thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Liên Hiệp Quốc chọn làm nơi cử hành Đại Lễ Vesak).

                                                                  L. T.H

>>Kỳ I: Ngôn ngữ trong kinh Phật

>>Kỳ II: Bốn ngôn ngữ lưu giữ kinh Phật thời xưa

>> Kỳ III:Có ngôn ngữ duy nhất ban đầu cho Phật giáo không?

Chú thích:

1. Lê Mạnh Thát, Nguyên Giác, và Như Minh, Ngữ Pháp Tiếng Phạn, Nhà Xuất Bản Tp Hồ Chí Minh, 2000,  tr. ii.

2. Theo Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hành Ngữ Lục – Có thể xem Thích Phước Đạt, Tín Ngưỡng Tứ Pháp Trong Vai Trò Chấn Hưng Văn Hóa Đại Việt, Nguyệt San Giác Ngộ, số 152, tháng 11/2008, tr. 50-58) 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here