Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Trần Tế Xương – Thiện tri thức?

Trần Tế Xương – Thiện tri thức?

129
0
 
“Trên ghế bà Đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngắm đầu rồng”.
 
Là một con người thấm nhuần Nho học, thấy cuộc thế thay đổi đột ngột quá mức tưởng tượng như vậy, Trần Tế  Xương cũng không khỏi mang trong mình những uất ức bực bội. Hơn nữa, ông là người có cá tính khác biệt thêm chút tự cao, tự mãn nên những bài thơ của ông phần lớn mang nặng tính trào phúng và châm biếm pha chút chơi chữ. Cách chơi chữ của ông rất hay, lắm lúc người đọc rất đồng tình với những lời hoa mỹ ấy, chẳng hạn câu:
 
“Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ
Ai ngờ chữ sắc hóa ra không”.
 
Một người học Phật bình thường đều hiểu “câu kinh” là  những lời dạy từ kim khẩu của đức Thế  Tôn, được tóm thâu trong thập nhị bộ kinh, đem lại cho hậu thế những chân lý về cuộc  đời, hoặc nhờ vào đó để đi đến chân lý. Kinh còn giúp cho người học Phật những phương pháp để đi đến giác ngộ. Kệ cũng là một dạng kinh song được trình bày dưới dạng văn vần, là một bộ phận thiết yếu trong kinh tạng.
 
“Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ”
 
Mới đọc qua chắc cũng có nhiều người cảm động muốn ghi khắc vào tâm khảm để làm hành trang trên bước đường tu học, bởi đây như một lời nhắc nhủ thiết tha, ân cần. Nhưng nhìn sâu hơn một chút, với tính cách trào phúng sâu sắc của tác giả, e có gì đó  ẩn khuất đằng sau lời nhắc nhủ ân cần lóe lên một tiếng cười mỉa mai khinh bỉ: Tiếng cười đó có hay không? Vâng, có thể có.
 
Đi ngược dòng lịch sử, lúc bấy giờ không chỉ Nho giáo bị suy tàn vì văn hóa vật chất phương Tây xâm thực:
 
“Cái học nhà Nho đã cũ rồi
Mười người đi học chín người thôi”.
 
Bấy giờ Phật giáo cũng đang trên đà suy thoái. Thầy chùa không chú trọng việc học kinh kệ, tầm cầu giải thoát cho bản thân hầu cứu giúp chúng sanh. Phần nhiều ham danh, trục lợi, làm tất cả những việc không oai nghi giới đức, thậm chí còn lạc vào tà kiến như đồng bóng, cúng tế…, thì ra, lời khuyên của Trần Tế Xương cũng chất chứa tâm sự dèm pha, nhức nhối. Nỗi đau đớn nhất của một tôn giáo, một học thuyết khi những thành phần trong đoàn thể tôn giáo đó không giữ được tôn chỉ của giáo thuyết mình.
 
Chưa hết, ông hạ  bút tiếp câu: “Ai ngờ chữ sắc hóa ra không” mang đậm màu sắc triết lý nhà Phật! Sắc và  Không là hai mặt của hiện tượng giới, của pháp hữu vi. Một là mặt tướng, một là mặt tánh. Tướng tánh dung thông nhờ sắc không vô ngại. Sắc – Không là một triết lý đem lại cho hành giả tu quán đoạn được phiền não lậu. Thấu đạt lý sắc không thời hành giả đã đến được cái nhất thiết chủng trí, thấy vạn pháp không còn ngăn ngại.
 
Trong một đoàn thể, không phải mọi thành phần đều tốt. có  những người đến với Phật giáo vì mục đích cao cả, song cũng không thiếu những người trộn lẫn vào với mục đích thiếu sáng suốt hoặc sai lệch. Nên có lời mỉa mai “ai ngờ chữ sắc hóa ra không”!
 
Hẳn nhiên, trường hợp trên chỉ là một phần nhỏ trong một giáo đoàn…Nhưng nói thế nào thì Trần Tế  Xương – tác giả đã không còn nữa, chỉ  còn lại lời thơ thâm trầm nhức nhối ấy. Sự  thật không thể phủ nhận. Vấn đề là  người học phải biết chấp nhận sự thật, biết phục thiện để không giẫm lên những gì không nên giẫm!
 
Cổ nhân có  câu:
 
“Đạo ngộ ác giả thị ngô sư
Đạo ngô hảo giả thị ngô tặc”.
 
Có thể  nhìn hai câu thơ của Trần Tế Xương là cái gai trước mắt để biết tránh.
 
Bao giờ thất tình lục dục còn đoanh vây, hăm hở lôi cuốn con người sa ngã thì lời nói ngàn xưa của Trần Tế Xương vẫn là tiếng chuông tỉnh thức. Là lời dạy răn đe đáng học, đáng ghi nhớ cho mỗi chúng ta. Kể ra, cũng nên thắp nén nhang cho người thiên cổ: Thiện tri thức – cụ Trần Tế Xương!
 
N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here