Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dư âm lễ hội Hoa đăng trên sông Hương

Dư âm lễ hội Hoa đăng trên sông Hương

124
0

Nơi hội tụ của núi rừng xanh thắm, biển rộng, sông dài. Nơi đầy khí thiêng nên đã lưu xuất bậc Tăng tài và hiền tài đất Thần Kinh. Toàn thể Tằng Ni và Phật tử và người dân xứ Huế hân hoan đón chào ngày Đản Sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hội Hoa đăng diễn ra dưới ánh trăng tròn tháng Tư, ánh trăng sao lấp lánh phản chiếu trên mặt nước Hương Giang thơ mộng và thiêng liêng của hồn thiêng sông núi. Lễ hội Hoa đăng là một trong những nét văn hóa lâu đời của dân tộc, vừa mang tính nghệ thuật, vừa có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ánh sáng lung linh của những ngọn nến tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ, lan tỏa cả khắp không gian, cầu nguyện thế giới hòa bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc. Đó là lời cầu chúc của Lễ hội Hoa đăng.

Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Lễ hội Hoa đăng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ của Phật giáo, việc đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an, âm siêu dương thái. Lễ hội Hoa đăng vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh tốt đẹp.

Ánh sáng từ bi và trí tuệ được cung nghinh từ lễ đài chính chùa Từ Đàm

Lễ hội hoa đăng dùng đèn và hoa để cúng dường Tam bảo có từ thời xa xưa, truyền thống này vẫn được duy trì đến ngày nay. Ý nghĩa biểu tượng hoa đăng mang chất liệu tâm linh, tượng trưng cho trí tuệ giác, ánh sáng cho trong cuộc đời. Tại đây chúng ta thấy sự tiếp diễn lễ hội của dân tộc, lễ hội tôn giáo tâm linh, làm cho lễ hội Hoa đăng tăng thêm nhiều ý nghĩa. Hoa cùng với đèn tạo một hình thức thẩm mỹ trở thành một biểu tượng và triết lý gắn liền với tâm linh Phật giáo.

Lễ hội đã thắp sáng những ngọn đèn mà theo truyền thống của Phật giáo là tuệ giác, là niềm tin. Sự thắp sáng tuệ giác đó đã được nối kết giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật giáo. Ý nghĩa của lễ hội văn hóa mang tính truyền thống về tuệ giác này đã làm thăng hoa cho con người của người dân xứ Huế. Tuệ giác là nguồn khai sáng và dẫn đạo cho cuộc đời hướng về các giá trị của an vui và hạnh phúc, bởi nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác, nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hòa bình. Niềm tin chánh Pháp đưa niềm tin nhân loại bước vào kỉ nguyên mới tốt đẹp và an lành với mong muốn đất nước phát triển và hội nhập bền vững và thịnh vượng, nhân dân no ấm thanh bình.

Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa ấy về Hoa đăng trong Phật giáo, ánh sáng của đèn hoa tượng trưng cho trí huệ, có trí huệ, con người mới bước ra khỏi đêm mờ tăm tối, nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh mê lầm. Trong ý nghĩa đó, việc cúng đèn tổ chức lễ hội Hoa đăng cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau. Người cúng đèn có được phước báo trí huệ sáng suốt và được nhiều ích lợi.

Với ý nghĩa như vậy nên người tổ chức, người cúng đèn Hoa đăng và người tham dự thành tâm rất có công đức và lợi lạc rất lớn. Đức Phật dạy người cúng đèn có 10 công đức sau đây:

1. Người cúng đèn đời này và đời sau giống ngọn đèn sáng của thế gian, huệ đăng chiếu sáng toàn thế giới
2. Mắt không bao giờ hư hoại
3. Mắt nhìn thấy như loài trời
4. Có trí huệ phân biệt được thiện ác.
5. Có trí huệ siêu việt, diệt trừ tam độc.
6. Trí huệ xuất chúng, không bị lôi kéo
7. Không sinh ở nơi tà kiến và địa phương hà khắc
8. Sinh ra là người có phúc báo
9. Lâm chung không đọa ác thú, mà sinh nơi thiên giới
10. Chứng quả vị thánh mau lẹ

Ngày trăng tròn tháng Tư năm nay, lễ hội Hoa đăng lần đầu tiên được Ban Trị sự GHPG tỉnh TT Huế tổ chức quy mô, hoành tráng và ấn tượng, giới thiệu đầy đủ nội dung, ý nghĩa lễ hội Hoa đăng mà từ trước đến nay chưa từng có để cầu nguyện cho đất nước vinh quang, mưa thuận gió hòa, nhà nhà được no ấm, người người được bình an…

Những ngọn đèn Hoa đăng được lưu xuất ánh sáng từ lđài đăng, ngọn lữ thiêng cung nghinh từ lễ đài chính chùa Từ Đàm truyền tay nhau và thả xuống dòng sông là truyền cho nhau niềm tin, truyền cho nhau chân lý. Thắp sáng một ngọn đèn trên tay, thắp sáng tâm niệm lành, thắp sáng lên tâm niệm tốt đẹp và truyền cho nhau. Cầu chúc nhau một tâm niệm yêu thương nhân bản.

Mỗi ngọn đèn trên tay được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng từ bi xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và an lạc.

Và được lưu xuất ra hàng vạn ngọn hoa đăng do Tăng, Ni, Phật tử và người dân Huế thả xuống dòng sông Hương linh thiêng mầu nhiệm

Chính nơi đây, trên dòng sông thiêng liêng và đầy sức sống, lễ hội Hoa đăng cúng dường lên chư Phật. Chúng ta hội đủ duyên lành, có phước báu hi hữu, có được thân nguời, hân hoan chung sức, chung lòng làm nên lễ hội. Trên tay chúng ta có đèn cúng Phật, dưới lượng từ bi tâm bao la vô ngại, hướng về tất cả mọi người, nguyện rằng ánh sáng này sẽ soi tỏ nẻo chánh để quay về. Nguyện rằng ánh sáng ấm áp này sẽ mang đến an lành hạnh phúc cho muôn loài. Mỗi ngọn đèn sẽ theo giòng sông xuôi qua làng xóm và trở về với biển cả. Khi đi qua ruộng đồng nguyện cho lúa tốt màu tươi; đi qua xóm thôn, nguyện cho người người no ấm, đời sống thuần phát hiền lương; đi về biển rộng, nguyện cho thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc.

Đêm rằm tháng Tư, mừng ngày đản sanh của Đức Phật Thích Ca đã qua, chư Phật đã chứng tri tấm lòng thành kính của toàn thể Tăng ni và Phật tử đã thành tâm đến dự. Lễ hội hoa đăng thật tròn đầy ý nghĩa tâm linh truyền thống của dân tộc và Phật giáo chắc sẽ mãi còn dư âm… 

C.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here