Chư tôn đức phó chủ tịch hội đồng trị sự: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, HT Thích Bảo Nghiêm, HT Thích Quảng Tùng …cùng ông Nguyễn Thiện Nhân – phó thủ tướng chỉnh phủ và quan khách đã ra ngoài trời thả chim bồ câu, bóng bay cầu nguyện hòa bình.
Lúc này, trời bắt đầu lất phất mưa vài giọt nước. Là hiện tượng tự nhiên của đất trời, nhưng cũng là sự mầu nhiệm của Phật pháp, đúng lúc các xe hoa rước Phật tiến qua lễ đài chùa Quán Sứ vừa xong một lượt thì trời đổ trận mưa rào xối xả.
Theo quan sát thực tế, trời chỉ mưa quanh vùng quận Hoàn Kiếm nơi có chùa Quán Sứ, các vùng phụ cận như Hà Đông, Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh v.v… trời vẫn nắng trang trang.
Đến lúc chuyến xe hoa rước Phật cuối cùng đi qua lễ đài thì trời cũng bắt đầu ngưng tạnh.
Trong kinh Phật ghi lại: Khi đức Thế Tôn xuất thế, kim quang sáng ngời, mặt đất rung động theo sáu cách, trời người hân hoan đón mừng, chư thiên hoan hỷ tung hoa, chín rồng phun nước tắm rửa kim thân. Những sự kiện như vậy như được tái hiện lại tại thủ đô Hà Nội dấu yêu, trái tim thân yêu của đất nước Việt Nam.
Đúng ngày trăng tròn tháng 4, khi đức Phật đi diễu hành qua chùa Quán Sứ thì trời tuôn mưa để tắm rửa tôn tượng Ngài trên các xe hoa.
Theo thống kê, tổng số 35 xe hoa của 29 quận, huyện trong toàn thành phố được diễu hành qua lễ đài chùa Quán Sứ. Phần lớn các xe ô tô rước Phật do Ban đại diện Phật giáo các quận, huyện, thị thiết kế. Ngoài ra còn do các chùa, tổ đạo tràng, thậm chí do Phật giáo cấp phường, xã thiết kế cúng Phật.
Các chủ đề chính trong xe hoa rước Phật năm nay chủ yếu là hình tượng Đức Phật đản sinh. Mô hình chín rồng phun nước tắm Phật được tái hiện nhiều nhất. Các chủ đề khác như: Đức Phật thuyết pháp, thành đạo, Thế Tôn niêm hoa, nhập Niết Bàn, thuyền Bát Nhã, tháp Đa bảo v.v… được thể hiện khá công phu, ấn tượng.
Phần lớn các xe hoa rước Phật đều được trang trí hoa tươi, đặc biệt là những loài hoa quý như hoa lan, hoa ly v.v… được cắm quanh xe rất rực rỡ, sinh động.
Khi xe hoa đi qua lễ đài, mọi người đều nghe thấy âm thanh từ xe ô tô phát ra. Hoặc là lời xưng tán Phật đản sinh, hoặc là tiếng niệm Phật thánh thót, hoặc là lời trì chú linh thiêng.
Nếu diễu hành vào buổi tối, màu sắc đèn điện từ xe hoa rước Phật được tỏa ra bởi những ánh đèn lung linh, huyền ảo.
Sinh động hơn, có xe hoa rước Phật còn có chư Tăng, Phật tử với y phục chỉnh tề ngồi hướng về tượng Phật như con cái ngồi quây quần quanh cha mẹ.
Đi trước xe hoa rước Phật thường có đội trống, đội múa rồng, múa lân mở đường. Theo sau là Tăng ni, Phật tử lần lượt từng hàng đi hộ tống.
Khi xe hoa rước Phật đi qua lễ đài hay đi qua các tuyến đường, Chư Tăng lãnh đạo giáo hội cùng Phật đứng hai bên đường đều thành kính chắp tay vái Phật, chiêm ngưỡng tôn dung đấng cha lành Thích Ca Mâu Ni. Công nhân tạm dừng làm việc giây lát, trẻ em, người lớn, người qua, kẻ lại đều ngỡ ngàng thành kính quan sát xem xe hoa đi qua. Thậm chí, có người còn dùng điện thoại di động quay phim, chụp ảnh nhằm lưu giữ lại những phút giây khi có Phật đi qua nhân gian.
Có gia đình biết trước lịch trình xe hoa đi qua đã bày biện hương án, hoa quả, lễ nghi để vọng bái nghinh rước Phật. Khi xe hoa đi qua, gia chủ thành tâm chắp tay hướng về xe hoa rước Phật mà thành tâm khấn nguyện, có người còn phát tâm cúng dàng tiền tài lên xe hoa nghinh Phật.
Theo phỏng vấn, quán sát thực tế: Khi thiết kế, thi công xe hoa rước Phật được, nhân dân, Phật tử tại nơi đó vô cùng hân hoan muốn đến xem xe hoa. Khi xe vận hành, nhân dân nô nước muốn đi cùng theo sau xe để hộ tống.
Như đã thành thông lệ, việc diễu hành xe hoa rước Phật ở thủ đô Hà Nội được diễn ra đã thành nề nếp vào mỗi mùa Phật đản sinh. Lợi ích về tâm linh của việc diễu hành xe hoa thì không gì sánh bằng đó là: Người người được vọng bái đức Phật, nhà nhà được chiêm ngưỡng Thế Tôn. Khi có Phật đi qua, sẽ có nguồn năng lượng tâm linh rất lớn để che phủ, tạo sự an lành cho chúng sinh quanh ngài.
Trong ánh mắt của người phương Tây khi đến Hà Nội, họ sẽ càng khâm phục chế độ tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, nhà nước ta. Hơn nữa, qua việc diễu hành xe hoa rước Phật cũng đã làm nối tiếp, làm sống dậy truyền thống rước Phật của Văn hóa Phật giáo từ gần 3 nghìn năm lịch sử.
Dư âm Phật đản, âm hưởng đản sinh lại trào dâng trong lòng người viết mỗi độ Phật đản, hạ về. Có khi trong giấc mơ, có khi ngồi tĩnh tọa hồi tưởng lại thì hình tượng Đức Phật an tọa tĩnh tại trên xe hoa đi du hành trong nhân gian còn phảng phất trong tâm tư người viết.
Cảm xúc khó nói hết bằng lời, nay xin ghi ra và dùng hình ảnh minh họa để cùng chia xẻ cùng chư tôn Thiền đức, thiện hữu Phật tử gần xa hy vọng tìm được người cùng tri âm, tri kỷ.
Theo Phật Tử Việt Nam