Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sự khác nhau về Phật thân luận…Kỳ II: Quan niệm của Theravàda...

Sự khác nhau về Phật thân luận…Kỳ II: Quan niệm của Theravàda và Mahàsanghika về Phật thân luận, Bồ tát luận và A-la-hán luận

142
0

1. Quan niệm về Phật thân

Theravàda ghi nhận rằng là một nhân vật lịch sử, rất người, xuất hiện ở cõi Ta bà kiếp sau cùng. Ngài thành Phật với sự nỗ lực khám phá tu rập của riêng Ngài. Ngài có một cuộc sống giản dị, gần gũi, đầy từ bi vô hạn và trí tuệ  vô biên. “Đức Thế tôn là vị A-la-hán chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ngài biết hoàn toàn thế giới chư thiên, ma vương, Sa môn, Bà-la-môn và loài người. Ngài giảng chánh pháp Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện”. (Đại thừa và sự  liên hệ với Tiểu thừa – N.Dult do Thích Minh Châu dịch – NXB Tp. Hồ Chí Minh).

Hình ảnh Thế  Tôn trong Nikàya (bộ kinh đại biểu cho Theravàda) là hình ảnh một vị khất sĩ trì bình bát, đi chân không suốt 45 năm giáo hóa đầy dung dị. Ngài vốn được sinh ra như một con người bình thường, cũng chịu những đau khổ của một chúng sanh. Có lần Ngài đã trú mưa trong một chòi lá của một thợ gốm và giúp người đó chứng quả bất lai. Có lần lâm bịnh nặng Ngài đã yêu cầu tôn giả Cunda nói lại pháp thất giác chi cho Ngài nghe. Có khi nhức mỏi cơ thể trong lúc nói pháp, Ngài đã nhờ tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp. Ngài từng tự tay chăm sóc cho một Tỳ-kheo bệnh nặng, từng tự mình nhặt lá khô làm thảo tọa để ngồi. Đức Thế Tôn đem giáo pháp đến mọi nơi, mọi người mà không phân biệt đẳng cấp, giàu ngheo, quyền lực, địa vị. Ngài tự mình đến nói chuyện và hướng dẫn phương pháp sống một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả từ vua chúa đến cùng đinh. Dạy cư sĩ cách xây dựng giữ gìn hạnh phúc trong các mối quan hệ xã hội, làm thế nào để sống có hạnh phúc. Ngài cũng dạy cho vua chúa, các cấp lãnh đạo biện pháp để cải thiện kinh tế xã hội, điều kiện làm cho một xã hội cường thịnh để trở thành một nhà lãnh đạo tốt.

Với Theravàda, đức Phật hiện lên như một nhà giáo dục vĩ đại. Theravàda không thành thánh hay siêu hình hóa đức Phật. Với khả năng tâm linh thanh tịnh, nhờ tu tập nhiều  đời mà thành tựu giải thoát.

Ngược lại, Mahàsanghika (nhóm I) nói Phật có hai thân, là Pháp thân (Dharmakàya) và Sắc thân (Rufpakàya). “Ngài đã hoàn thiện, toàn tri. Trước lúc nhập thai Ngài đã là vị Phật ở cung trời Đâu Suất. Tất cả những gì xảy ra ở trần thế đều là “thị hiện”. Vì vậy mọi việc làm, hành động của Ngài đều mang nghĩa tuyệt đối, thanh tịnh, vô lậu”. (Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Kimurataken, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh).

– Thân, khẩu, ý  của Thế Tôn xuất thế, thanh tịnh.

– Uy lực và  thọ lượng không giới hạn.

– Suốt đời không ngủ, không mộng mị.

– Dùng một âm thanh nói tất cả các pháp.

– Ngài ở  đây nhưng hóa thân đi khắp nơi hóa độ.

– Nếu có nhập diệt thì cũng là đang thị hiện ở  cõi khác.

– Một sát na tâm có thể hiểu thấu rõ vạn pháp.

Với nhóm II, ngoài những điểm trên, còn có một số khác biệt, nhóm I đề cập đến pháp thân và sắc thân thì  nhóm II đề cập đến hóa thân và ứng thân. Phật là bậc siêu thế, thần thông, thọ mạng vô  lượng, hóa thân khắp nơi, không định cư một chổ, mọi hoạt động đều siêu thế và vì  lợi ích chúng sanh.

2. Quan niệm về Bồ tát

Theo Từ Nguyên học, “Bồ tát” tách biệt thành hai phần là  Bodhi và Sattra. “Bodhi”, có gốc là “Bohd”  nghĩa là tỉnh giác, giác ngộ. “Sattra”, có gốc là “Saint” là sự hiện hữu, tồn tại, nghĩa đen là chúng sanh. Bồ tát (Bodhisatta) vì vậy có nghĩa là một chúng sanh có bản chất giác ngộ hay một vị Phật tương lai, cũng được hiểu là một người gắn bó hay khao khát để đạt đến sự giác ngộ.

Trong Bổn sanh (Jatala) thuộc Tiểu Bộ kinh ghi lại rất nhiều chuyện nói về lý tưởng Bồ tát. Điều đó chứng tỏ thuật ngữ Bodhisatta xuất hiện rất sớm trong Thánh điển Phật giáo Theravàda, từ đó đã  được ứng dụng và chỉnh lý thay đổi với bốn cấp độ khác nhau để phù hợp với từng hoàn cảnh xã hội. Cuộc đời và hạnh nguyện một vị Bồ tát được minh họa trong ánh sáng của kinh tạng Pàli. Bồ tát là một chúng sanh đang đi trên quá trình tu tập và thiết tha với sự giác ngộ, là một người có đầy đủ mọi nghiệp lực lậu hoặc như chúng sanh. Trung Bộ kinh, Thế Tôn dạy: “Khi còn là một vị Bồ tát Ta suy nghĩ như sau, đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể hoàn tàn đầy đủ, hoàn toàn đầy thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh”. (Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm, Thích Viên Trí, Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội).

Đến thời kỳ tư tưởng Bồ tát được xiển dương mạnh mẽ, nhiều Bồ tát xuất hiện như Quán Thế Âm, Phổ Hiền… cũng xoay quanh hình ảnh là một con người thật sự khao khát thành tựu nhân cách toàn diện.

Trong khi đó, Mahàsanghika chỉ chú trọng một Bồ tát Gautama, Bồ  tát tự sinh chứ không do cha mẹ sinh. Bồ  tát hóa thân đi vào thai mẹ bằng hình tượng voi trắng sáu ngà, không còn dấu vết tham sân si, sinh ra ở nách, ngồi kiết già thuyết pháp từ trong bụng mẹ. Bồ tát muốn lợi ích cho tất cả chúng sanh nên luôn tùy nguyện thị hiện mà không bị não hại.

Nhóm II cho rằng sự nghiệp Bồ tát là hướng lòng từ  bi đến chúng sanh nhiều hơn là lo lắng cho tự  thân, cơ bản tư tưởng giống nhóm I.

3. Quan niệm về A-la-hán

Theravàda cho rằng A-la-hán (Arahant) là người hoàn toàn giải thoát thành tựu trọn vẹn mục đích siêu việt, là quả  vị cao nhất trong quá trình tu chứng. “Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt ghánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ kiết sử, chứng trí giải thoát”. (Kinh Pháp Môn Căn Bản, Trung Bộ II, HT.Minh Châu dịch).

Cái dụng thực tế  của A-la-hán rất đáng quý ở chổ tâm địa trong sáng, đó là kết quả của sự giải phóng mọi tình cảm chấp mê, không còn khổ vui, vinh nhục.

Trong kinh Tương Ưng, Phật dạy về sự khác biệt giữa A-la-hán  và A-la-hán chánh đẳng giác (Phật) rằng A-la-hán chánh đẳng giác là người tìm ra con đường và đi trên con đường đi đến đạo quả, còn A-la-hán là  người đi theo còn đường đó và cũng chứng đắc đạo quả. Như vậy, A-la-hán là quả vị  giác ngộ tối thượng để một Phật tử nỗ  lực tu tập để đạt đến.

Hẳn nhiên, Mahàsanghika không đồng ý như vậy và đây chính là  một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân phái vì bất đồng tư tưởng. Bộ phái này cho rằng A-la-hán chỉ chứng được nhân không, chưa chứng được Pháp không, chỉ đồng nhất  với Phật về mặt giải thoát phiền não (đoạn đức),không đồng nhất về việc chứng ngộ các pháp (trí đức), và giáo hóa chúng sanh (ân đức). Nghĩa là A-la-hán chỉ bằng Phật ở một mặt nào đó. Ngài Mahadeva đã đề cập “La hán ngũ sự”, cho rằng tuy A-la-hán là bậc bất thối nhưng vẫn còn chướng ngại.

– A-la-hán vẫn còn bị ma vương cám dỗ, có vị xuất tinh trong khi ngủ.

– A-la-hán có  thể chưa thông suốt một số pháp thế gian.

– A-la-hán còn nghi ngờ đới với một số pháp thế tục.

– A-la-hán nhờ  người khác chỉ cho mới biết mình đã chứng đắc  đạo quả.

– A-la-hán khi ngồi thiền thấy được sự vô thường, than “Ôi! Đời là khổ!”. Nhờ đó mới chứng đắc đạo quả.

Đối với nhóm II của Mahàsanghika họ cũng không chấp nhận A-la-hán ngang bằng với đức Phật.

Tựu chung, A-la-hán là bậc đã giác ngộ và hoằng dương chánh pháp ở đời. Công đức truyền bá chánh pháp vĩ đại của các bậc La-hán là một sự thật không thể phủ nhận. Về sau, vì bảo vệ  ngã luận lý của mình, các nhà đại thừa tôn sùng lý tưởng Bồ tát, cho Bồ tát là  lợi tha rộng lớn, phê bình A-la-hán là tự  lợi, chê họ theo chủ nghĩa “độc thiện kỳ thán”, chính điều này làm méo mó lịch sử.

 N.K

Xem kỳ III: Những nhận định & kết luận

Kỳ I: Tổng quan lịch sử phân giáo 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here