Trang chủ Phật giáo khắp nơi Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa

Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa

129
0

Đại đức Thích Thánh Thành (34 tuổi) sẽ cùng Thượng tọa Thích Tâm Hiện (hiện tu tại chùa Tân Long, Diên Khánh, Khánh Hòa) tiếp quản chùa ở đảo Song Tử Tây. Đại đức Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Vạn Đức và chùa Phước Trí (Vĩnh Phương, TP Nha Trang) cùng Đại đức Thích Ngộ Thành sẽ có mặt tại ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn.

Còn chùa ở đảo Sinh Tồn sẽ do Đại đức Thích Đạo Biện, trụ trì chùa Long Thọ và Đại đức Thích Đức Hỷ trụ trì chùa Hưng Long (thị xã Ninh Hòa) tiếp quản. Trước đó, thỉnh nguyện của các nhà sư cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận.

Chùa ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mỹ Giang

Đại đức Thành tâm sự, ông sinh ra ở Huế trong gia đình phật tử nhiều đời, năm 14 tuổi đã bước chân vào cửa Phật. Không chỉ tốt nghiệp khoa Anh ngữ của trường đại học Ngoại ngữ tin học TP HCM, ông còn sang Ấn Độ học cao học tâm lý. Trong đợt phát động phong trào tăng sĩ tự nguyện đi tu hành ở vùng sâu, vùng xa của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, đã có 12 tăng sĩ tình nguyện, và 6 người được tỉnh Khánh Hòa chấp thuận, trong đó có ông.

Thầy Thành bảo, hình ảnh quân dân đang sống, làm việc cũng như đã hy sinh cho Trường Sa luôn khiến ông xúc động. Trường Sa cũng là nơi có môi trường yên tĩnh rất thích hợp với người tu hành.

“Đó là nơi hứng chịu nhiều thiên tai gió bão, con người thiếu thốn trăm bề. Đi Trường Sa là một cơ hội để tu tập và giúp đỡ quân dân trên đảo về đời sống tinh thần”, thầy Thành tâm sự.

Đại đức Thích Thánh Thành: "Đi Trường Sa là cơ hội để tu tập và giúp đỡ quân dân trên đảo về đời sống tinh thần”.

Còn với Đại đức Thích Giác Nghĩa, ông có rất nhiều ấn tượng đẹp về vùng đất này sau 3 chuyến ra Trường Sa cầu siêu cho những chiến sỹ và người dân Việt Nam tử nạn trong quá trình khai phá và bảo vệ quần đảo. Vì thế, dù đã hơn 30 năm xuất gia và đang trụ trì 2 ngôi chùa ở Nha Trang nhưng ông vẫn nôn nóng đến Trường Sa.

Theo ông, đó là nơi ông có thể tĩnh tu tạo thêm nội lực cho mình và để được cống hiến, xây dựng, bảo vệ lãnh thổ cùng quân dân trên đảo. Chuyến đi dự kiến kéo dài 6 tháng nhưng ông và học trò của mình là Đại đức Thích Ngộ Thành mong muốn được ở lại mảnh đất này lâu hơn.

"Chúng tôi nguyện là người kế tiếp bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi. Sau này khi về thì tôi và học trò vẫn sẽ thường xuyên ra để đóng góp sức mình cho Trường Sa", ông nói.

Tương tự những người đồng môn, đồng chí, các tăng sĩ khác đều thể hiện tâm nguyện được đi Trường Sa để: “Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, thế giới bớt chiến tranh và lãnh thổ đất nước được bảo vệ vẹn toàn”.

Quần đảo Trường Sa hiện có những ngôi chùa như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn hay Song Tử Tây. Chùa được làm bằng gỗ quý, với những pho tượng nặng cả tấn. Chính điện của cả 3 ngôi chùa đều được đặt theo hướng về thủ đô Hà Nội. Với những người sống trên quần đảo, những ngôi chùa ở đây không chỉ là đơn thuần là chỗ dựa về mặt tinh thần mà còn khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc.

Những ngôi chùa ở Trường Sa

Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong toàn quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây có quy mô hoành tráng cùng cảnh quan thoáng đãng, trong lành. Phía sau ngôi chùa là ngọn hải đăng trên đảo.
Cũng như hai ngôi chùa khác trên quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút.
Chính điện của cả 3 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đều được đặt theo hướng về thủ đô Hà Nội. Với những con người sống trên quần đảo, những ngôi chùa ở đây không chỉ là đơn thuần là chỗ dựa về mặt tinh thần mà còn khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc.
Tại chùa Trường Sa Lớn, Sinh Tồn hay Song Tử Tây, các hoành phi, câu đối đều sơn son thếp vàng, viết bằng chữ quốc ngữ.
Chùa dùng nhiều loại gỗ quý. Hàng ngày tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông chùa văng vẳng giúp người dân trên đảo cảm thấy gần gũi với đất liền hơn.
Ngư dân trên những chuyến tàu cá với hải trình dài ngày trên biển cũng thường ghé thăm viếng chùa, thắp hương cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên biển lặng mỗi khi họ có dịp ghé qua các đảo này.
Khuôn viên của chùa ở xã đảo Sinh Tồn có thêm bóng mát từ cây phong ba, cây bàng quả vuông cổ thụ xòe tán. Ảnh: VOV.
Những pho tượng Phật trong chùa được tạc từ những khối đá quý, mỗi pho nặng cả tấn. Hình ảnh về ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đã góp phần tạo nên một nét đẹp truyền thống mang tính tâm linh giữa trùng khơi, giúp người dân trên đảo, ngư dân bám biển vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Các hoạt động lễ hội, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân và các đồng bào tử nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa cũng được các chùa tổ chức hàng năm.
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm cách Cam Ranh 248 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý. Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi đá san hô nằm lập lờ hoặc nhô lên khỏi mặt nước, khi thủy triều xuống thấp, bao bọc một vùng biển rộng ước chừng 160-180 ngàn km2. Huyện đảo Trường Sa hiện nay thuộc tỉnh Khánh Hoà. Trên quần đảo có nhân viên khí tượng, nuôi trồng thủy sản, ngư dân đánh cá sinh sống.

Đức Quang

 

Mỹ Giang

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here