Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Bản Sonat của tuổi thơ dữ dội và đường vào cõi Phật

Bản Sonat của tuổi thơ dữ dội và đường vào cõi Phật

143
0

Còn tôi mang nỗi hoài nghi khi gặp cô và hỏi, không hiểu Tân Nhàn lấy đâu ra những trải nghiệm để thử sức mình với dòng âm nhạc "nặng" như vậy. Tân Nhàn bảo, cô đâu còn trẻ và quãng thời gian sống trên cõi đời của cô đã đủ cho những trải nghiệm những nỗi buồn vui nhân thế. Nên cô tin, mình đủ độ chín của cảm xúc để đi vào dòng nhạc tâm linh, thử sức mình với những bài hát có sức nặng như Chắp tay hoa của Phạm Duy, hay Mục Kiều Liên cứu mẹ của Trần Mạnh Hùng… Giờ Tân Nhàn đã có tất cả, một cuộc sống đủ đầy. Một ngôi nhà đẹp để đi về, một chiếc xe đủ sang trọng và có tài xế riêng. Và một gia đình êm ấm với người chồng nổi tiếng.

Cảm giác như Tân Nhàn có được ngôi sao may mắn của số phận chiếu mệnh và số phận cứ thế rải hoa hồng trên những bước chân của cô gái này. Nhưng cuộc đời cô gái này đâu chỉ biết đến hoa hồng. Tân Nhàn có một ký ức tuổi thơ nghèo khó và dữ dội. Khi ngồi nói chuyện với tôi và kể về những ký ức của mình, cô đã nhiều lần lau nước mắt. Nhưng cô không bao giờ phủ nhận nó, mà với Tân Nhàn, cô luôn cảm ơn những ký ức giàu có đó, dù buồn hay vui, dù nghèo khổ, lam lũ thì nó cũng là một phần máu thịt trong đời sống của Nhàn. Cô cảm ơn những ký ức buồn đã cho mình những chiêm nghiệm và biết quý giá cuộc sống hôm nay.

Ngày đó, nhà của Nhàn ở trên một ngọn đồi heo hút gần chùa Hương. Trong khi khắp mọi nơi đều đã có điện thì Nhàn vẫn phải thắp sáng bằng đèn dầu. Cây đèn dầu leo lét trong những đêm mẹ đi làm ca đã khiến cô bé Nhàn sợ hãi. Nhà của Nhàn nghèo lắm, nhiều lúc chỉ ước một điều ước thật đơn giản, có một chiếc áo ấm lành lặn, hay một chiếc váy mặc vào ngày lễ tết. Nhưng đó chỉ là giấc mơ xa xỉ đối với cô gái quê nghèo ngày đó.

Ta lưng trâu về nghe lời mẹ gọi/ Đơn sơ mái tranh nghèo cò thương con dại lặn lội phương xa/vách núi gió ùa về đêm co ro ngồi nghe mưa đông lạnh thương ai mong ai/phận đời nào chênh vênh cơ cực nhiều lam lũ gió sương/nơi quê xưa nghèo lắm đêm năm canh mòn mỏi/ngày tha hương xứ người từng đêm vẫn nhớ thương.

Quê Nhàn đó, tuổi thơ của Nhàn đó. Nhưng dù nghèo khó, dù buồn bã, Nhàn không bao giờ chối bỏ. Đến nỗi mà, khi Tân Nhàn đặt hàng cho nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng viết một ca khúc về quê, nhiều lần trò chuyện, nhạc sĩ đã phải thốt lên rằng: "Tuổi thơ của em đẹp và dữ dội như một bản Sonat". Trong những năm tháng buồn và cô độc đó, chỉ có tiếng hát làm dịu tâm hồn cô bé mới lớn, nhiều mơ ước. Những lúc buồn Nhàn lẩm nhẩm hát, đôi khi hát cho đỡ sợ ma… Và âm nhạc, cứ thế thấm vào tâm hồn cô bé được trời ban tặng cho giọng hát đẹp và trong.

Giã từ vùng quê nghèo heo hút, Nhàn ra Hà Nội học mang theo giấc mơ đổi đời của một cô gái quê nghèo khổ. Nhàn lao vào kiếm tiền, sống gấp, sống vội vàng để bù đắp cho tuổi thơ thiếu hụt của mình. Giải nhất Sao Mai điểm hẹn dòng nhạc dân gian đã tạo nên một cú hích quan trọng trong sự nghiệp của cô gái này. Tên của Tân Nhàn được đặt bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, Anh Thơ, Trọng Tấn như một sự kế tục triển vọng. Nhàn lao vào công việc, lao động một cách cật lực, để kiếm tiền, để thỏa mãn khát vọng làm giàu.

Lúc đó, Nhàn trở thành người phụ nữ tham vọng, kiếm tiền, thậm chí kiếm được nhiều tiền bằng nghề của mình. Đã có những buổi sáng tỉnh giấc, Nhàn chỉ nghĩ để việc, hôm nay mình sẽ có mấy show diễn, sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Và cuộc sống cứ thế cuốn Nhàn đi… trong sự vội vã, trong sự tính toán, trong những tham vọng về vật chất bình thường… Nhưng rồi trong sự ồn ào, gấp gáp đó, một đêm tỉnh dậy, Nhàn chợt nhận ra, mình đã đánh mất quá nhiều thứ. Đánh mất sự hồn nhiên thơ trẻ, đánh mất những niềm vui sống và vô tình bỏ qua những giá trị sống khác ngoài vật chất. Và Nhàn ngộ ra rằng, hãy sống chậm lại, để thưởng thức cuộc sống, hay biết buông xả, để tâm được bình an.

Ngồi trước mặt tôi hôm nay, không phải là cô gái Tân Nhàn của những khát vọng tìm kiếm vật chất đời thường. Mà một Tân Nhàn nhẹ nhõm giản dị và bình thản. Nhàn không trang điểm, cũng không mặc quần áo hay dùng đồ hàng hiệu. Nhàn giản dị cả trong cách nói chuyện thân tình và ấm áp của cô. Chỉ có âm nhạc, với âm nhạc,thì Nhàn sôi nổi và hào hứng. Với âm nhạc, Nhàn còn rất nhiều tham vọng. Tham vọng miệt mài trên con đường mình đã chọn, để như một người truyền lửa. Với dòng nhạc dân gian, Nhàn bảo, đó không chỉ là những ca từ hay những giai điệu ngọt ngào, mà đó là hồn của dân tộc.

Nhàn giờ là một Phật tử, có pháp danh là Diệu Tâm. Ngày nhỏ, Nhàn hay theo mẹ lên chùa Hương. Lúc đó, Nhàn chưa có ý niệm gì về chùa, mà chỉ thấy một không gian u tịch và những gương mặt người thành kính cầu nguyện. Nhàn tự hỏi, không hiểu, những con người đó, những gương mặt đó, họ đến chùa để cầu  điều gì và ai có thể giúp thỏa nguyện được tất cả những cầu xin của hàng vạn người như thế. Không gian cửa Phật cứ thế thấm vào tâm hồn cô bé với những câu hỏi không có lời giải đáp. Và sau này, khi đã trở thành Phật tử, Nhàn cũng không đọc nhiều kinh kệ, cũng không định kỳ lên chùa, bởi Nhàn quan niệm, Phật tại tâm mình, tâm luôn hướng về cõi Phật.

"Có lẽ là một cơ duyên khi em đến với cửa Phật, em thấy nhẹ nhõm và bình yên. Dòng nhạc Phật giáo mà em lựa chọn, không có tham vọng mang lại một xu hướng, cũng không chạy theo thị hiếu, mà em hát bằng chính tâm hồn mình, muốn gửi tới khán giả những tác phẩm đỉnh cao mang âm hưởng Phật giáo và có tính hướng thiện để trong dòng đời vội vã, có lúc nào đó, con người biết dừng lại để lắng nghe mình".

Theo đuổi dòng nhạc đã có quá nhiều đỉnh cao là một thách thức đối với ca sĩ trẻ như Nhàn. Thế nên, mỗi album của Nhàn là một sự đau đáu, kiếm tìm. Nhàn ít làm đĩa, nhưng đĩa nào của Nhàn cũng được đầu tư kỹ lưỡng, có đĩa nhạc ngốn của Nhàn hàng tỷ đồng. Không phải vì Nhàn muốn chơi trội, mà với nghệ thuật, Nhàn muốn kỹ càng, chất lượng. Nhiều người hồ nghi, Tân Nhàn có "đại gia" nào chống đỡ, nhưng Nhàn chỉ cười. Nhàn tự làm "đại gia" của chính mình. Còn những sự xa hoa, giàu có ư, Nhàn nghĩ, đó không phải là mục đích sống của mình.

Nhàn luôn tâm niệm, với người nghệ sĩ, dấu ấn của cái tôi vô cùng quan trọng. Trong dòng nhạc dân gian, Nhàn không dễ tạo được sự bứt phá nếu cứ đi theo con đường đã được dọn sẵn. Nên điều đau đáu trong Nhàn, khiến cô tạm gác công việc giảng dạy ổn định ở Trường Đại học Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương cho kế hoạch 10 năm lần hai để dồn sức cho những thử nghiệm và tìm tòi của mình. Nhàn hào hứng chia sẽ về kế hoạch mới. Nhàn sẽ hát ca trù, chầu văn, xẩm và quan họ trên nền nhạc Jazz do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí. Dự án dài hơi này sẽ ngốn của Nhàn rất nhiều tâm sức. Và cả sự mạo hiểm.

"Tôi muốn dùng những chất liệu dân gian kết hợp với kỹ thuật thanh nhạc cổ điển của thế giới trên nền nhạc Jazz. Tôi không phải là người khởi xướng cho xu hướng này, anh Nguyên Lê, anh Quốc Trung đã từng thử nghiệm và thành công. Tôi muốn đi tiếp, đi sâu vào con đường đó". Nhàn bắt đầu những chuyến rong ruổi tìm kiếm các nghệ nhân, để được họ truyền dạy cho những thứ tinh túy nhất của âm nhạc dân gian… Đó sẽ là một hành trình dài và nhọc nhằn, sẽ ngốn của Nhàn rất nhiều tâm sức. Nhưng Nhàn hào hứng với cảm giác  trên đường chinh phục một ngọn núi mới.

Tân Nhàn cũng như nhiều nghệ sĩ dòng nhạc chính thống, họ biết đứng ngoài mọi sự xô bồ và bon chen của cuộc sống. Nhàn cũng không chia sẻ về cuộc sống riêng của mình, nơi cô có một cậu con trai và người chồng tài hoa, cũng là đồng nghiệp, ca sĩ Tuấn Anh. Nhàn bảo, đó là một thế giới mà Nhàn muốn giữ lại nó cho riêng mình. Tâm hồn nghệ sĩ vốn mong manh, cuộc sống cũng có những vui buồn, nhưng có lẽ Tân Nhàn đã đủ từng trải và tỉnh táo để hiểu, điều gì quý giá nhất đối với người phụ nữ. Nhàn tìm thấy hạnh phúc trong bổn phận đàn bà của mình. Sau một ngày làm việc, Nhàn chỉ muốn được về nhà, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa. Cuộc đời là những chuyến đi, nhưng với Nhàn, hạnh phúc là có một mái ấm để trở về… 

Nghệ sỹ và xu hướng ăn chay niệm Phật!

 

Hồ Quỳnh Hương ăn chay và thiền tịnh.

Tuy không rộ lên thành một xu hướng sống, nhưng nhiều nghệ sỹ đã coi việc ăn chay như một niềm vui để giúp làm thanh tịnh tâm hồn. Nghệ sỹ Hương Giang của sân khấu kịch Idecaf  (TPHCM) đã nhiều năm ăn chay, niệm Phật và sống tĩnh tâm cùng cậu con trai nhỏ. Sau những biến cố của đời sống riêng, Hương Giang đã chọn cõi Phật là nơi nương náu. Chị cũng học chữa bệnh Đông y và có khả năng xoa dịu những vết thương của người thân bằng những bài tập xoa bóp. Hương Giang chia sẻ, chị không quan niệm ăn chay là đi tu, mà nó là niềm vui, thấy sống khoẻ mạnh và tìm được những giá trị tinh thần riêng.

Ca sỹ Hồ Quỳnh Hương cũng đã nhiều tháng ăn chay và ít xuất hiện trên sân khấu. Chị cho rằng, sau quá nhiều ồn ào của thị phi và những áp lực của showbiz, ăn chay và dành thời gian tĩnh tâm là cách tốt nhất để cân bằng. Hầu hết các diễn viên, nghệ sỹ tại TP HCM đều dành ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng để ăn chay như một cách bày tỏ lòng thành. Ca sỹ Nam Cường tâm sự, anh đã ăn chay trong 3 tháng để cảm ơn trời Phật đã giúp anh thực hiện một dự án âm nhạc thành công.

"Lúc đầu cũng hơi khó ăn vì cảm thấy hơi nhạt. Nhưng ăn quen thì thấy rất ngon và về sau cứ bữa nào thích lại đi ăn chay chứ không chỉ ngày rằm, mùng một. Cơm chay chế biến rất ngon và tinh tế, đến các nhà hàng chay lúc nào cũng đông, rất nhiều người phương Tây cũng ăn chay nữa" – Nam Cường nói!

 

Theo CAND

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here