Theo kết quả phân tích hóa học mới đây nhất, các họa phẩm treo tường của Phật giáo trong những hang động nổi tiếng ở Bamian, Afghanistan được vẽ bằng tinh dầu, có thể xem là lâu đời nhất thế giới, chúng có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII sau TL, trước kỹ thuật vẽ tranh của thời Trung Cổ khoảng 100 năm. (ảnh).
Sự khám phá này giúp cho chúng ta hiểu thêm quá trình du nhập và giao lưu văn hóa Phật giáo dọc theo con Đường Tơ Lụa thời bấy giờ. Những họa phẩm này được vẽ rất tinh xảo với nhiều màu sắc rất đẹp, từ nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cho đến hình ảnh những con vật thần thoại cũng được trang trí trong các hang động. Tất cả vật trang trí này có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX sau TL.
Áp dụng phép đo phổ và một số phương pháp hiện đại, các khoa học gia đã phát hiện những bức tranh mẫu của 12 hang động, 2 pho tượng Phật khổng lồ đã bị tàn phá năm 2001 có chứa tinh dầu và nhựa thông. Có thể phương pháp này được sử dụng sớm nhất trong nghệ thuật hội họa ở Afghanistan. Cô Yoko Taniguchi, một thành viên của trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa ở Tokyo đã kiểm chứng và phát biểu những điều mà cô đã phát hiện tại một hội nghị chuyên đề quốc tế. Cô nói: Các bức họa này có một lớp nền màu trắng được tráng bằng hợp chất của chì cùng với một lớp màu nhân tạo hoặc tự nhiên trộn lẫn với nhựa thông, tinh dầu cây óc chó (Walnut) hoặc tinh dầu hạt cây Anh túc (Poppy seed). Các bực tiền bối đã dùng tinh dầu trong hội họa nhằm kết hợp thuốc nhuộm và giúp nó dính chặt với bề mặt hơn. Dầu giúp cho tranh mau khô hơn và dính kết với nhau hơn.
Taniguchi nói thêm: Có thể những bức họa này do một nhóm thợ thủ công trước tác vì chúng rất phổ biến ở Á châu. Các hợp chất được pha trộn như tinh dầu, nhựa thông kết hợp với thuốc nhuộm là những vật liệu ưu thích trong giới nghệ thuật thời bấy giờ. Những họa phẩm ở Bamian có thể được xác nhận sử dụng nhựa thông và tinh dầu đầu tiên.
Mặc dù các loại tinh dầu khô cũng được nhận thấy trong những bức tranh thời Trung Cổ và thời Byzantine. Các hợp chất như thế được sử dụng khắp nơi ở châu Âu từ những năm 800 sau TL, nhưng các nhà nghiên cứu Afghanishtan cho rằng những đặc tính hóa học của các loại tinh dầu trong nghệ thuật vẽ tranh đã biết trước đó rất lâu. Theo nhà khảo cổ Ioanna Kakoulli thuộc đại học California ở Los Angeles, việc sử dụng các loại tinh dầu giúp tranh mau khô và dính chặt được dùng trong nghệ thuật hội họa cho ta thấy rằng nghệ thuật vẽ tranh dầu của Phật giáo đã phát triển mạnh từ thời xa xưa. Không bao lâu nữa, Kakoulli và các cộng sự của mình sẽ công bố kết quả của sự khám tranh dầu của nghệ thuật Byzantine có niên đại từ thế kỷ thứ XII sau TL.
Sharon Cather, một chuyên gia về tranh treo tường thuộc viện nghiên cứu nghệ thuật Courtauld ở London cho biết: “Sự khám phá của việc sử dụng tranh dầu ở Afghanistan rất quan trọng, bởi vì chúng là những bức tranh vô cùng giá trị, chúng có tầm quan trọng hơn và tinh vi hơn bất kỳ những loại tranh nào mà người ta thường nghĩ đến.”
Cuối cùng Taniguchi nói: Không phải tất cả những bức tranh treo tường được vẽ bằng dầu mà còn rất nhiều tranh khác cũng được dùng tương tự. Một số tranh trong những hang động khác được vẽ bằng nhiều chất liệu và kỹ thuật khác nhau. Điều này cho thấy kỹ thuật vẽ tranh đa dạng đã xuất hiện ở Bamian trong nhiều nơi khác nhau”.
(Theo news.nationalgeographic.com/ T. Q. Đ lược dịch) (chuyenphapluan.com)