Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sống thời đại và tinh thần Đức Phật: Kỳ III: Chí khí...

Sống thời đại và tinh thần Đức Phật: Kỳ III: Chí khí ngất trời xanh

139
0

 

 

1.      Xác định chức năng.

Sức sống của một giáo lý tùy thuộc những người đang sống và thể hiện nó. Phật giáo phát huy được tiềm năng của mình khi nào những người đang sống lời Phật dạy xác định được chức năng của xã hội của giáo lý mình thể hiện.

Trên căn bản giáo lý nhà Phật không có gì đối chọi với tinh thần khoa học. Nhưng Phật giáo không phải là khoa học, cách chứng thực cũng khác. Sự thật khoa học chứng qua thực nghiệm hoàn toàn khác từ tinh thần, lý thuyết, đến thực hiện với thể nghiệm “đạo”. Sự thực thể nghiệm là một sự thực chủ quan, bản chất khác với sự thật khoa học.

Khoa học thay đổi bộ mặt toàn cầu. tuy nhiên trong hiện trạng ngày nay khoa học không thể và cũng không có tham vọng đề nghị một cái nhìn tổng thể toàn diện cuộc sống.

Giáo lý nhà Phật đề nghị một nhận thức tổng thể cuộc sống là một triết học. Chính vì không phải là khoa học mà Phật giáo làm được cái việc ngoài chức năng của khoa học: đem lại ý nghĩa cho hoạt động thường ngày, cho cuộc sống mỗi con người.

Có triết lý của mình, nhưng khác với các hệ triết học, nhà Phật còn một kho kinh nghiệm phong phú về phương thức, kỷ thuật sử dụng những động tác thân xác đơn giản, hô hấp, đi, đứng, ngồi, nằm… để thực hiện triết lý của mình trong thân xác, trong cuộc sống hằng ngày, trong mỗi người. Đề nghị một hành trình thể hiện chứ không chỉ duy nhất là một hệ tư tưởng thuần lý, một bộ phận giáo lý nhà Phật có những nét hấp dẫn đối với tinh thần thời đại.

Là một tôn giáo, có đầy đủ nghi lễ, nhưng người Phật tử không phải đặt lòng tin vào một uy lực cao siêu nào ngoài con người ngoài bản thân mình.

Có biết mình, biết người, cộng đồng Phật tử mới bỏ rơi được mặc cảm tự ti và tự tôn, không hao tốn tâm thần năng lực vào những cuộc tranh biện sân si, xác định vị trí và chức năng của giáo lý nhà Phật so với khoa học, với các hệ triết học, các tôn giáo khác. Khi ấy mới an nhiên đem tinh thần Như Lai thể hiện ra trong nếp sống hằng ngày, trong muôn mặt của cuộc sống và góp phần vào công cuộc chuyển hóa nền văn hóa thời đại.

2.      Sống thời đại.

Muốn được vậy phải đau cái đau thời đại, khổ cái khổ thời đại, dằn vặt với các vấn đề thời đại. Tóm lại phải sống thời đại.

Lấy truyền thống hai mươi lăm thế kỷ của đạo Phật làm một ốc đảo để ẩn náu cho những ai mệt mỏi, khiếp sợ trước các chấn động của một thời đại đang oằn oại chuyển tiếp. Cái nguy lớn của Phật giáo chính là đó: mặt quay về quá khứ, day lưng với thời đại, mãn nguyện với việc làm nơi ẩn náu của những người trốn sống thời đại. Nay chính là lúc chí khí ngất trời xanh của những người đem đạo vào đời trong những thời điểm khác thường. Khi tinh thần Phật thấm nhuần vào Trung Quốc, nở ra Thiền tông, các Tổ như ngài Lâm Tế (? – 867?) nói đạo bằng câu chữ hằng ngày của người nông dân cho người thời đại bừng mắt nhận ra đâu là tinh thần  Như Lai. Khi văn hóa đất Việt hừng lên với một dân tộc độc lập, thời Lý, Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 – 1190), nhắn nhủ “ Nam nhi tự hữu xung thiên khí” (Làm trai chí khí xông trời thẳm). Đời Trần, ta gặp thần thái thanh thoát ấy nơi Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230-1291), thầy của Tổ sáng lập ra phái Thiền Việt Nam Trúc Lâm, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Thời Phật, thời Tổ, thời Lý-Trần đã qua, và không bao giờ trở lại, thời đại là của bây giờ. Tinh thần đức Phật chỉ có giá trị qua cọ sát với thực tại. Có lăn vào giải quyết những vấn đề cụ thể đang đặt ra cho con người, mới nảy ra cái nhìn “Như Lai” sự việc hôm nay, mới bật ra lời lẽ đi vào con tim người mò mẫm đang tìm đường.

Thời nào cũng phải thích nghi phương pháp tu dưỡng cho thời đại mình. Dù muốn dù không, vấn đề phương cách “hành đạo” cho con người hiện đại cũng đặt ra.

Những phương tiện hay nhất thường tìm thấy được ngay trong đời sống hằng ngày, trong nghề nghiệp. Người võ sĩ Nhật Samourai, kè kè lưỡi kiếm, theo nghề chém giết. Phật giáo nhập sâu vào văn hóa thì người Samourai học và thể hiện Thiền ở đâu ngoài đường kiếm. Khi người võ sĩ đã thấm nhuần tinh thần Thiền, người ấy vào giữa lằn đao, mưa đạn với cái an nhiên của kẻ siêu việt cái sống và cái chết với lưỡi kiếm uy lực như sấm sét.

Phương pháp hành đạo ngày nay là những gì? Để cho con người tất bật của thời đại thể hiện được tinh thần Như Lai, sự việc ra sao, thấy y như vậy, hồn nhiên, mà thích nghi?

Những tinh thần thanh thoát các vấn đề thời đại đang đặt ra, một nghệ thuật sống an lành đi vào muôn mặt của cuộc sống thường ngày, những phương pháp tu dưỡng thích nghi với mọi lớp người trong xã hội hiện đại, đó là thách thức mà thực tại đặt ra cho trí tuệ cộng đồng Phật tử. Giải đáp chính là phần Phật giáo góp vào nền văn hóa thời đại.

B.M.H

Kỳ I: Thời đại con người trơ vơ với thân phận làm người

Kỳ II: Con đường Như Lai

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here