Chỉ đến thời Lý đạo Phật đi vào một ngõ rẽ mới, mang sức thái độc lập rõ rệt. Và càng rõ rệt hơn khi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành và bắt được sư Thảo Đường. Phái Thiền mới được phát sinh tại Việt Nam. Đạo Phật đúng hơn trở thành một phương diện nhờ đó mà người Việt Nam có thể biểu lộ bản sắc nhân văn độc đáo của mình.
Sắc thái dân tộc đó được thể hiện một cách độc đáo trong Phật giáo triều Lý – triều đại mở đầu và tạo tiền đề cho những chân giá trị, căn tính dân tộc mà Phật giáo Việt Nam đời Trần và các thế hiện tiếp nối cho đến ngày nay, tiếp tục phấn đấu, phát huy truyền thống đó, đổi mới và sáng tạo để khẳng định biểu trưng đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Khẳng định Phật giáo Việt Nam vừa có tính nhân loại, quốc tế, cái chung nhưng lại nổi trội hơn cả là bản sắc dân tộc, cái “tôi” đặc thù, khác biệt, là cơ sở để phân biệt Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước trên thế giới và khu vực.
Lý Công Uẩn là người đã lập nên triều đại nhà Lý (1009-1225), một triều đại đã thành công trong việc thực hành những tư tưởng “từ, bi, hỷ, xả”, “vô chấp, vô trụ” theo tinh thần “lục nhập” lục hòa của Phật giáo để chứng tỏ thế nào là ý nghĩa sinh tồn của một quốc gia và chứng tỏ bằng cách nào về một dân tộc được quyền tồn tại không phải chỉ giới hạn trong cương thổ mà còn là tồn tại với tất cả bản sắc độc đáo của nó. Phạt giáo thời Lý đã tạo nên cái bản sắc đó và mở đầu cho một thời kì mới, bước ngoặt mới – một mốc “son vàng thước ngọc” đánh dấu sự trưởng thành và bước phát triển vượt bậc của Phật giáo Việt Nam.
Lý Công Uẩn vốn là con nuôi của một vị tăng tên Lý Khánh Vân, trụ trì chùa làng Cổ Pháp và được giáo dục bởi Thiền sư Vạn Hạnh. Triều đại nhà Lý được lập nên với Lý Công Uẩn không phải là mọt biến cố ngẫu nhiên của lịch sử mà có lẽ đã được Thiền sư Vạn Hạnh chuẩn bị từ lâu; sự chuẩn bị này không phải chỉ để thay thế chính sách bạo ngược của Lê Long Đĩnh, một vị vua vô cùng tàn ác nhưng bất tài, mà còn là nhằm quay ngược lịch sử Việt Nam sang một chiều hướng mới; đó là tinh thần nhân văn hướng tất cả sự cố gắng thể hiện quyền sống của một dân tộc trên hai phương diện: quyền con người, quyền được sống trên toàn vẹn lãnh thổ của mình, không bị một thế lực vĩ đại nào chi phối; quyền được sống bằng yếu tố tinh thần cá biệt của mình. Chính cái sau đã là động lực thúc đẩy những cuộc đề kháng một mất một còn với chính sách muốn biến nước Việt Nam thành một quận huyện của mình mà các triều đại Trung Hoa trước kia không ngừng theo đuổi.
Người Trung Hoa trước kia thường gọi Việt Nam là Nam Man. Điều này có lẽ là do suốt mấy nghìn năm lập quốc, cho đến thế kỷ XI, nghĩa là cho đến triều đại nhà Lý, những vua chúa Việt Nam dựng triều đại của mình bằng bạo lực, cai trị bằng bạo lực, và cũng bị tiêu diệt bằng bạo lực. Chính cái chính sách cai trị bằng bạo lực mà người Trung Hoa đã mệnh danh nước ta là Man Di: “Các vua vũ biền đời trước (nghĩa là trước nhà Lý) đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hằng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú” (1).
Ngay như cả nhà Đinh (968), có thể nói là triều đại đầu tiên biết cư xử có tính cách “văn hóa” một chút, cũng không thoát khởi sự cai trị bằng bản tính hung hãn của mình: “Niên hiệu Thái bình năm đầu (968), vua (Điinh Tiên Hoàng) mới lên ngôi… muốn lấy oai quyền chế ngự thiên hạ, đặt cái vạc to ở sân, nuôi con mãnh hổ ở trong cũi, ra lệnh rằng ai trái mệnh lệnh phải chịu cái tội lữa nấu, hùm nhai” (2).
Đến như Lê Long Đĩnh (1005 – 1009) thì sự cai trị tàn ác quá độ: róc mía lên đầu chư tăng, buộc cỏ vào lưng tù mà đốt, giam người vào chuồng rồi đẩy xuống nước cho chết ngạt, trông cây sắt nung đỏ bắt leo.. Quả thực, sử gọi là ác hơn cả vua Kiệt, vua Trụ của Trung Hoa.
Dù chưa thoát ly được bản tính hung hãn, vua chúa Việt Nam thời đó đã sớm ý thức được như lời Tiêu Hà nói với Cao Tổ nhà Hán: “Bệ hạ có thể ngồi trên ngựa mà lấy thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên ngựa mà cai trị thiên hạ”. Nhất là về phương diện ngoại giao, họ cố gắng làm cho Thượng quốc – chỉ cho Trung Hoa – không khinh thị mình bằng một phương sách ngoại giao rất ngoạn mục. Năm 987, Thái Tông nhà Tống sai sứ thần là Lý Giác sang phong cho Lê Hoàn (980-1005) làm Tĩnh hải Tiết độ sứ. Vua nhờ Pháp sư Đỗ Thuận giả bộ làm người chèo đò để tiếp sứ. Câu chuyện ứng đối văn chương giữa vị sứ thần của Trung Hoa và người chèo đò Việt Nam đã trở thành câu chuyện kỳ thú trong lịch sử văn học Việt Nam. Rồi ở trong triều đại có Pháp sư Ngô Chân Lưu tiếp sứ làm thơ tiễn sứ, khiến cho lòng sứ thần kính phục – dĩ nhiên là kính phục cái đời sống văn hóa của một nước nhược tiểu thường bị mệnh danh là Man Di. Hai câu thơ đó như sau:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
(Ngoài trời còn trời nên xét thấu
Khe đầm sóng lặng thấy trăng thu) (3).
Ý nói rằng ngoài vua (bầu trời) Trung Hoa còn có một ông vua (bầu trời) khac nữa, đó là vua Việt Nam.
Có thể nói, đây là bước đầu lịch sử Việt Nam chuyển hướng từ Võ trị sang văn trị. Chuyển hướng ấy bắt đầu với những dòng ghi trong lịc sử: “Niên hiệu Thái Bình II (971), dưới triều Đinh Tiên Hoàng Đế vua ban cho Tăng thống Ngô Chân Lưu tước hiệu Khuông Việt Đại sư” (4).
Một sự kiện khác chứng tỏ vua chúa Việt Nam bắt đầu thiết tha với đời sống văn hóa. Đó là niên hiệu Thiên Ứng thứ 14 (1008) vua Lê Đại Hành sai sứ sang cống vật phẩm cho triều đình Trung Hoa để thỉnh đại tạng kinh.
Trên đây chỉ là những tương quan giữa chính sách Võ trị và Văn trị của các vua chúa Việt Nam thời cổ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho triều Lý có bước chuyển biến tư tưởng trị nước với tinh thần nhân văn nhân đạo, như vậy nhưng có thể nói cội nguồn, động lực tiên khởi thôi thúc của sự chuyển biến này xuất phát điểm từ những tư tưởng, giáo lý của đạo Phật.
Nếu như nói rằng vai trò của Lý Công Uẩn là người khởi xướng cho sự chuyển hướng đó nhưng những vị vua về sau là những người tiếp tục thực thi tư tưởng đó một cách sâu rộng trong xã hội thì cũng có thể khẳng định: Phật giáo triều Lý là nhân tố tiên khởi cho xu hướng nhập thế lấy “Từ bi hỷ xả”, “cứu nhân độ thế” làm phương châm gắn kết giữa đạo và đời, là cơ sở tiền đề cho sự chuyển hướng đó. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng “từ bi hỷ xả”, các vị vau triều Lý trở thành những bậc “minh đạo” thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Như vua Thái Tôn (1028-1054) niên hiệu Minh Đạo thứ I (1042) xuống chiếu sai Quan Trung Thư định ra hình luật để xét xử công bằng và nhân đạo hơn trước. Hay vua Nhân Tôn mở khoa thi Nho học tam trường năm 1075; đó là kỳ thi cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Kể từ khi bắt đầu du nhập Phật giáo Việt Nam chỉ là tín ngưỡng bình dân. Cho đến năm 580 TL khi Tỳ-ni-đa-lưu-chi (594) được coi là truyền nhân của Tăng Xáng (606) đệ tam Tổ Thiền tông Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam mới có một hình thức rõ ràng và đó là hình thức Phật giáo Thiền tông. Cho đến tận ngày nay, dù có biến đổi qua thời gian, nhưng về thực hành thì Phật giáo có thêm cả Tịnh Độ tông và Mật tông, về học lý thì có Trung Quán, Duy Thức, nhất là Thiên Thai, hình thức duy nhất vẫn là Thiền tông. Trong những giai đoạn đầu Thiền tông được trực tiếp từ Trung Hoa truyền sang. Nhưng đến thế kỷ thứ XI, thì một phái thiền mới được thành lập ngay tại Việt Nam, mệnh danh là Thảo Đường. Vị Tổ sư thứ nhất của phái này là vua Thánh Tôn (1054-1072) nhà Lý. Từ đó, Phật giáo Việt Nam đã tạo ra được bản sắc đặc trưng của mình. Một tôn giáo hòa đồng với tinh thần nhập thế, một tôn giáo nêu cao tinh thần nhân văn nhân đạo cao cả. Phật giáo triều Lý đã biến những tư tưởng cảu đạo Phật Ấn Độ trở thành sách lược, phương châm hành động trong đạo trị nước, tạo ra sức mạnh nhân từ to lớn lay động lòng người.
Sắc thái dân tộc của Phật giáo Việt Nam được thể hiện rõ thông qua việc các vua triều Lý rất tôn sùng đạo Phật và đề cao vai trò của các Thiền sư trong xã hội.
Các vua triều Lý đều là Phật tử, do đó mà đạo Phật rất phát triển. các Thiền sư đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn cho các vua về đường lối, nghệ thuật trị nước an dân… Đặc biệt, trong bộ máy chính quyền Trung ương của Triều Lý có một ngạch quan dành riêng cho người tu hành gọi là hệ thống tăng quan. Đứng đầu hệ thống Tăng quan là Tăng thống là một chức sắc của đạo Phật, là người đứng đầu hàng Tăng cả nước. Dưới là Tăng lục, ngoài ra còn có Tăng ty giáo nghĩa. Tăng đạo chánh, phó Tăng đạo chánh, các Tăng quan và nhà sư có tài được nhà nước rất trọng dụng và có vai trò lớn trong việc ban bố các chính sách của nhà nước. Nhiều khi họ được trực tiếp tham gia chính trị với nhà vua và bá quan văn võ trong triều, như các vị sư Đa bảo, Viên Chiếu, Nguyên Thường… nhiều lần được Lý Thái Tổ (1010-1028) mời vào cung để bàn luận, một số các nhà sư có công lao với đất nước được nhà vua phong làm quốc sư, như quốc sư Viên Thông, quốc sư Thông Biện, các Tăng quan được ví như những cố vấn chính trị đặc biệt của nhà vua.
Các Thiền sư đời Lý giúp chính quyền lên phương án an dân, trị quốc được hưởng hưng thịnh. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang các thiền sư thời Lý tham dự chính quyền với những lý do sau: “Lý do thứ nhất họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những nỗi đau của người dân đang bị một chính sách hà khắc bóc lột; lí do thứ hai họ không có ý muốn tranh ngôi vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ; lý do thứ ba là họ không cố chấp vào thuyết trung quân (chỉ biết giúp một vua mà thôi) như các nhà Nho nên họ có thể cộng tác với ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân; lý do thứ tư là các vua cần sức học của họ nhất là trong đời Đinh – Lê, các vua đều không phải giỏi trí thức, Nho sĩ thì chắc là không có mấy người, mà lại chỉ trung thành với một triều đại”. (5).
Vào buổi đầu của nhà Lý, một số nhà sư từng tham gia vào cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi như sư Vạn Hạnh, Đa Bảo đã có vai trò quan trọng với chính trị. Trong Thiền Uyển Tập Anh chép: “Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ nhiều lần mời sư về thỉnh kinh vấn yếu chỉ của Thiền tông, ân lễ tiếp đãi trọng hậu, các việc chính sự đều mời sư dự bàn định đoạt. Vua từng xuống chiếu cho trùng tu chùa Kiến Sơ là nơi sư trụ trì” (6).
Các vua đời Lý so với các vua Đinh, Lê thì giỏi hơn rất nhiều về phương diện học thức, sự sùng Phật của các vua Lý cũng có tính cách tâm linh và trí thức hơn. Họ đều có học Phật và thường mời các Thiền sư đến để đàm luận giáo lý. Trong triều đã xuất hiện nhiều người có Nho học, trong số này có rát nhiều người do các Thiền sư đào tạo, vì vậy, các Thiền sư chỉ đóng góp về phương diện chỉ đạo tinh thần mà không trực tiếp làm những việc như tiếp sứ giả, thảo chiếu dụ và văn thư, đưa ra những sách lược và kinh tế chính trị. Cũng có lúc, các nhà sư trình bày với vua về đường lối trị nước. Vua Lý Cao Tông (1175-1210) bị tăng phó Nguyễn Thường can chớ nên hát xướng chơi bời xa hoa quá độ. Ông nói “Ta nghe bài tựa kinh thi nói rằng: âm thanh của nước loạn ai oán và bực tức, nay dân loạn nước nguy, chúa thượng thì chơi bời không điều độ, chính sự của triều đình thì rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu chứng bại vong”(7). Thiền sư Viên Thông trước đó đã ân cần nói với vua Thần Tông về lẽ trị loạn “ Thiên hạ cũng ví như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó được yên, đặt vào chỗ nguy thì tức bị nguy. Xin bệ hạ hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu như cha mẹ, ngưỡng mộ như mặt trăng mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ yên” (8).
Hồi ban đầu lập quốc, các Thiền sư đã mở những cuộc vận động đóng góp ý thức quốc gia, đã sử dụng môn học phong thủy và sấm vĩ. Trong các cuộc vận động ấy đã trực tiếp thiết lập thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luạn cả về những vấn đè quân sự. Nhưng sau đó khi trong triều đã có người lo các việc ấy thì họ chỉ giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức nhưng dù sao những Thiền sư thân cận với chính quyền vẫn rất ít. Ngoài các vị Pháp Thuận, Khuông Viêt, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải và Chân Lộ là những vị thường có đi lại mỗi khi có triệu thỉnh. Nhiều Thiền sư đã từ chối về kinh sư khi có chiếu mời, nhưng những Thiền sư có tham dự chính sự như Vạn Hạnh, trong khi làm việc vẫn giữ thái độ xuất thế của mình, không muốn hòa mình trong vòng danh lợi, xong việc thì rút lui về chùa, triết học hành động của Thiền sư Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các Thiền sư làm thì làm không kẹt vào công việc, không nương tựa vào hữu vi, đó là triết lý vô trụ.
V.V.C
Kỳ 2: Tinh thần nhân ái khoan dung trong pháp luật
Chú thích:
(1) Hoàng Xuân Hãn (1966), Lý Thường Kiệt, NXB. Tu Viện Vạn Hạnh, tr426
(2) Ngô Thời Sỹ (1960), Việt sử Tiêu án, NXB. Nghiên cứu văn hóa Á châu.
(3) Trích theo Thích Mãn Giác (1972), Lý Công Uẩn và triều Lý, tạp chí Tư Tưởng, số 6&7, tr.75
(4) Trần Văn Giáp (1967), Phật giáo Việt Nam, NXB. Tu Viện Vạn Hạnh, tr.151
(5) Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học Hà nội, tr186 – 187
(6) Thiền Uyển tập anh (1990), NXB Văn học, tr.47
(7) Đại Việt sử ký toàn thư (2006), tập I, NXB Văn hóa thông tin, Hà nội, tr.381
(8) Thiền Uyển tập anh (1990), NXB Văn học, tr.240