Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Kinh nghiệm Thiền tập và Giác ngộ: Biết tâm

Kinh nghiệm Thiền tập và Giác ngộ: Biết tâm

124
0

Cho dù chúng sinh ấy là con người, hay con thú, hay côn trùng, thuộc bất kỳ phái tính, tuổi tác, chủng tộc nào, quý vị thấy được cái chung cho mọi loài là cái tâm này, cái dòng ý thức này, cội nguồn của mọi hành động.

Một khi thấy được điều ấy, quý vị nảy sinh lòng tôn trọng sự sống của mọi loài chúng sinh. Không chỉ tôn trọng dân tộc mình, bộ tộc mình, hay tín ngưỡng của mình, mà tôn trọng mọi chúng sinh. Đó là một ý tưởng cao cả, siêu việt. “Cầu cho mọi chúng sinh được an vui, hạnh phúc, cầu cho hết thảy chúng ta tôn trọng mọi quốc gia, dân tộc, mọi loài chúng sinh”. Làm sao mà chúng ta có ý nghĩ đó, tình thương đó? Ấy là vì chúng ta thấy những chúng sinh khác cũng là mình. Nếu quý vị thấy con bò hoàn toàn khác với mình, nó không suy nghĩ giống như con người thì quý vị ăn thịt nó một cách dễ dàng. Nhưng quý vị có ăn thịt bà nội của mình được không? Không, vì bà giống hệt mình. Quý vị có ăn con kiến được không? Có thể quý vị giết con kiến bởi vì quý vị nghĩ rằng nó chẳng giống gì mình. Nhưng nếu quý vị nhìn con kiến cho kỹ quý vị thấy nó chẳng khác gì mình. Khi sống trong một tu viện ở sâu trong rừng, gần gũi với thiên nhiên, điều đầu tiên quý vị cảm nhận là con vật cũng có tình cảm, và nhất là nó cũng biết đau. Quý vị bắt đầu nhận ra tính cách của loài vật, của loài Kookaburras, (một loài chim ở Úc), của loài chuột, kiến hay là nhện. Mỗi con vật này đều có tâm như quý vị. Một khi nhận ra điều đó quý vị mới hiểu lý do tại sao Đức Phật có lòng từ bi với mọi loài chúng sinh. Quý vị khi ấy mới hiểu được sự tái sinh diễn ra ở tất cả mọi loài – không chỉ người trở thành người, mà thú cũng có thể tái sinh thành người, người tái sinh thành thú. Quý vị có thể hiểu được cái tâm là nguồn gốc của tất cả mọi thứ.

Cái tâm có thể hiện hữu mà không có xác thân trong cõi ma và thần (đạo Phật gọi là Devas – chư thiên). Quý vị hiểu rõ họ tồn tại như thế nào, vì sao tồn tại như thế, và họ là ai. Đây là những hiểu biết và tuệ giác có được khi thiền quán. Ngoài ra khi quý vị thấy bản chất của tâm, quý vị biết được bản chất của thức. Quý vị biết bản chất của sự tịch tĩnh. Quý vị cũng hiểu tâm này đi vòng quanh, hiểu được cái gì làm cho tâm tìm kiếm sự tái sinh. Quý vị hiểu được luật về nghiệp – Kamma.

Ba loại hiểu biết (tam minh)

Khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây bồ-đề, Ngài thành tựu ba loại hiểu biết. Hiểu biết thứ nhất là nhớ lại mọi kiếp trước. Khi quý vị thấy tâm thì sẽ có một số năng lực nảy sinh cùng với kinh nghiệm ấy. Các năng lực này chẳng qua là một khả năng, một sự khéo léo do biết dụng tâm. Nó cũng giống như trường hợp một con chó hoang với một con chó được huấn luyện. Quý vị có thể bảo con chó được huấn luyện đi nhặt tờ báo. Nó liền vẫy đuôi và chạy đi lấy tờ báo cho quý vị. Một số người huấn luyện chó của họ đi lấy những thứ như điện thoại cho họ. Và nếu như nó có thể trả lời điện thoại thì hay biết mấy vì nó giúp quý vị tiết kiệm được nhiều thì giờ!

Khi quý vị đi vào các trạng thái thiền định sâu thì tâm trí của vị được huấn luyện nhiều. Một trong những điều Đức Phật đã làm (và quý vị cũng có thể làm khi nhập định) là bảo tâm đi về quá khứ. Ký ức đầu tiên là gì? Hãy đi trở về quá khứ sâu hơn và sâu hơn nữa. Một số tu sĩ nhớ lại những gì hồi còn nhỏ xíu. Có người nhớ lại cả giây phút sinh ra. Có người cho rằng, khi mới sinh người ta chưa có ý thức bởi vì thần kinh chưa phát triển, hay gì gì đó. Nhưng khi quý vị nhớ lại được, quý vị mới biết là điều đó không đúng. Khi ký ức xuất hiện thì cũng giống như quý vị đang ở ngay giây phút đó và quý vị trải nghiệm mọi cảm giác lúc sinh ra. Rồi khi quý vị hỏi tâm mình trước nữa có gì quý vị sẽ đi xa hơn về kiếp quá khứ. Đó là những gì Đức Phật đã làm dưới gốc cây bồ-đề. Qua việc hành thiền quý vị biết được sự tái sinh, quý vị biết được kiếp trước. Đây là những gì diễn ra với tâm và quý vị biết nó xảy ra. Đó là loại hiểu biết thứ nhất của Đức Phật.

Loại hiểu biết thứ hai là biết tái sinh như thế nào, tại sao tái sinh, tái sinh về đâu. Đây là luật về nghiệp. Hôm nay có người trao cho tôi một cuốn sách phát miễn phí mà trước đó tôi chưa đọc. Nó chứa đựng những ý tưởng kỳ quái về luật Kamma. Chẳng hạn, nó nói rằng nếu như khi đọc một trong những cuốn kinh mà quý vị nằm trên đất thì sau này khi tái sinh quý vị sẽ bị đau lưng, hay những thứ tương tự như vậy. Thật là buồn cười vì Kamma phức tạp hơn thế rất nhiều và tùy thuộc vào ý định. Sự hoạt động của tâm quyết định Kamma chứ không chỉ là hành động; điều quan trọng là lý do, căn nguyên của hành động. Quý vị có thể thấy những điều này trong thiền định và quý vị cũng thấy tâm được giải thoát như thế nào.

Loại hiểu biết thứ ba là sự chấm dứt khổ đau. Với hiểu rõ Bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ diệu đế), quý vị ý thức rõ Đạo và giác ngộ là gì. Đó là giải thoát. Tâm được giải thoát, không những khỏi sự đau khổ của thân mà còn giải thoát khỏi sự an lạc của thân. Có nghĩa là không còn sự ham muốn dục lạc, không sợ hãi khổ đau, không khổ vì sự tàn hoại của xác thân, không còn ác ý, không sợ bị chê bai. Tại sao người ta thường hay lo lắng trước những lời xấu ác? Chỉ vì bản ngã. Họ nghĩ rằng cái gì đó là mình. Hãy hình dung giây phút được tự do thoát khỏi các thứ đó. Sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ không còn lo sợ, tham lam, không cần xa rời phút giây hiện tại. – Nói cách khác, không có gì còn thiếu, không có gì phải làm, không còn nơi nào để đi, vì quý vị hoàn toàn an trú trong hạnh phúc ngay ở đây dù cho có chuyện gì xảy ra. Đây chính là giác ngộ! Thiền định chính là cội nguồn của sự giác ngộ của Đức Phật và cội nguồn của sự giác ngộ của tất cả mọi người.

Không có sự giác ngộ nào không thông qua thiền định. Đây là lý do vì sao Phật giáo vượt ra ngoài tâm lý trị liệu, ngoài triết học, vượt ra ngoài tôn giáo. Phật giáo đi sâu vào bản chất của thực tại, và mọi người có thể thực hành. Quý vị đều biết cách hành thiền. Quý thầy đều đưa ra hướng dẫn miễn phí. Vấy quý vị còn muốn gì? Thường thường câu trả lời sẽ là, “Có lẽ ngày mai chứ hôm nay thì chưa”. Tuy nhiên hạt giống đã gieo trong tâm của quý vị rồi, đã có sự hứng thú rồi và đã bắt đầu thực tập rồi. Đã có phần nào sự giác ngộ, một cảm giác an lạc nào đó, và quý vị không thể nào chống được ý thích sẽ tiến lên trên con đường đạo. Quý vị có thể trì hoãn một thời gian, có thể trì hoãn vài kiếp, nhưng điều kỳ lạ là, như một người có nói với tôi cách đây nhiều năm: “Khi đã nghe những lời dạy này rồi, người ta không thể nào vứt bỏ đi được, Không thể nào quên được. Những lời này không bảo người ta phải tin theo cái gì, cũng không đưa ra cho người ta một chủ thuyết nào nghe có vẻ hợp lý. Những hướng dẫn ấy chỉ cho người ta những gì có thể hiểu được và thực hành được, và thực hành càng sâu thì sự hiểu càng sâu.

Đức Phật là một Con Người xuất chúng; sự tịch tĩnh, lòng từ bi và trí tuệ của Ngài thật đáng ngưỡng phục. Sự giác ngộ quả thật rất hấp dẫn. Cũng như thế, quý vị không thể nào bỏ qua sự giải thoát. Đấy là lý do vì sao, từng bước một, quý vị sẽ hiểu đạo Phật là gì. Quý vị sẽ không hiểu đạo Phật qua những cuốn sách hay qua những lời nói của tôi. Quý vị chỉ có thể hiểu đạo Phật qua kinh nghiệm thiền định của chính mình. Đạo Phật chỉ dạy như thế. Cầu mong quý vị được an vui khi hành thiền và đừng sợ giác ngộ nhé. Hãy thực hành, lắng nghe và quý vị sẽ không hối tiếc.

Trần Ngọc Bảo  dịch

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here