Dân gian ở vùng biển Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc quen gọi núi Linh Thái là núi Rùa hoặc núi Cổ Rùa vì hình tượng của núi thiêng này khác nào hình ảnh một con rùa vĩ đại đang vươn mình ra biển Đông. Chùa tháp cổ xưa nay không còn nữa nhưng tàn tích vẫn còn, đặc biệt sử liệu dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã ghi chép, miêu tả rõ nét nhất về nhiều hạng mục của ngôi phạm vũ vừa là vương đình qua tác phẩm Tư Dung vãn là một thực tế sinh động, giàu chất sống:
Xưa kia ba chữ tốt tươi,
Rằng chuông HẢI TỰ kết vời huyền đô.
Hoặc
Phật đình nào khác vương đình,
Ngũ vân tán lớn, cảnh tinh thoại trường.
Thật sự, hiển nhiên đã có từ lâu đời và xa xưa trên đỉnh núi Lĩnh Thái một ngôi quốc tự mà tên gọi có ý nghĩa rất thâm hậu và thuần túy. Nhưng nay, tiếc thay chùa đã trở thành phế tích tàn lụi theo bóng đổ thời gian, như ý nghĩa của lời vè còn truyền tụng: Đình chùa miếu vũ người ta/ Giao tranh một buổi vậy mà tan hoang trong ký ức hôm nay của người lớn tuổi ở miền duyên hải hôm nay ở cửa biển Tư Hiền lịch sử.
Người xưa nói thường thấy núi, nhưng mấy ai biết núi sâu và sâu lắng như muốn nói lên tiếng lòng thổn thức gây xúc động lòng người.
1. NÚI LINH THÁI VỚI NHIỀU TÊN GỌI THẦN KỲ
Trên núi cao có rùa núi, dưới biển có rùa biển. Linh Thái là con rùa thiêng có mai rùa dùng để bói toán, đoán biết chuyện cát – hung cho chủ nhân mà lo gìn giữ, đề phòng. Ý nghĩa của tên núi có từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vào thời nước ta đang chuyển mình đổi tên gọi mới Đại Nam vào hai năm sau. Cái tên cũ Hãn Môn nghe ra có âm hưởng không thanh thoát, nhẹ nhàng. Vua Minh Mạng cho rằng tên gọi ấy “không nhã”!
Theo chính sử núi lấy tên Quy Sơn được cải đổi từ cái tên dân dã “núi Rùa”. Và núi đã từng được gọi với cái tên thật cao sang Hàm Rồng. Song hành với tên gọi Quy Sơn núi này còn được lấy tên Lệnh Sơn chỉ vì cửa biển ấy có xây đài Hỏa Phong (còn gọi là Hỏa Hiệu) để quân sĩ chuyên lo việc tuần tra cửa biển đốt lửa báo hiệu, mỗi khi thuyền buôn sắp nhập bến trở về, hoặc có việc bất trắc dòm ngó tỏ ý thách thức khiêu chiến của quân thù. Lúc lửa được đốt cháy, lính canh phòng bỏ thêm phân của loài chó sói vào đài lửa để cho khói quyện lên và bay cao như níu các tầng mây.
Sách Đại Nam thực lục cho biết hai chi tiết liên quan đến chiến lược và thế trận giữa Tây Sơn và Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh lúc còn chưa lên ngôi): có chiến lũy ở vùng dưới chân núi Quy Sơn mà năm 1803 đã trở thành lũy cũ, tháng 5 năm Quý Dậu, 1813 vua Gia Long sai dựng đài đốt lửa báo hiệu, báo nguy và lấy tên mới đài Hỏa hiệu thay thế cho đài Hỏa phong ở hai núi Chu Mãi [Chân Mây] và núi Quy Sơn.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược đánh phá Đà Nẵng. Tháng 3 năm Kỷ Mùi, 1859, vua Tự Đức sai đắp lũy ở bờ bên hữu núi Linh Thái và đặt súng lớn 33 cổ với binh lính 320 để lo việc phòng thủ mặt biển. Nhà vua xem thao diễn trận Uyên Ương. Cuộc tập trận lớn thành tựu, Đại tướng Đoàn Thọ và quân sĩ đến hơn 576 người được ban thưởng, đãi lao trọng hậu.
Sau ngày vua Tự Đức băng hà 16 tháng 6 năm Quý Mùi (19-7-1883), Đô đốc Courbet kéo 8 chiến hạm đóng ở ngoài khơi bán đảo Sơn Chà hướng ra kinh thành Huế uy hiếp và đánh phá cửa Thuận An. Một cuộc chiến không mấy cân sức, thủy binh nhà Nguyễn đã bắn đại bác khá chuẩn và rất chuẩn là đằng khác. Đại bác của quân ta bắn trúng tàu chiến của soái hạm chỉ huy của tướng giặc Courbet. Chính người Pháp viết ký sự chiến trường phải thừa nhận. Tiếc thay các người viết sử, nghiên cứu sử không hiểu rõ về “thủy tĩnh học” để biết rõ về mực nước biển ở hai cửa biển Đà Nẵng và Thuận An khác nhau về độ nông sâu, họ (những người viết sử Việt xưa nay) lại tung bút tỏ ý chê trách hải quân nhà Nguyễn này nọ và lại vô tình tỏ lời như khen giặc. Nghe ra mà “khổ tâm” và thương hại cho những loại người ấy. Có đắc tội với lịch sử dân tộc không?
Tinh thần chiến đấu của quân sĩ rất cao, chỉ vì gặp lúc quốc tang vua Tự Đức, đình thần thiếu ý chí thống nhất; cầu hòa làm lướt quyết tâm chiến đấu. Tướng tài Ông Ích Khiêm cũng nao lòng trước vận nước, kẻ thù đánh trúng đòn hiểm. Tinh thần chiến đấu lúc lâm trận thật quả cảm, tiếc thay thiếu sự tiếp sức (lòng) đồng lòng. Vè thất thủ Thuận An đã nói lên thực trạng ấy:
Lựa người giáo dưỡng anh danh,
Võ cử tùy phái hậu hành rất hung.
Ra tài tả đột hữu xung,
Nhất sanh nhất tử kéo công theo thầy.
Phen này quyết đánh cùng bây,
Thuận An thất thủ trời này hại ta!
Từ năm 1858 đến 1883, phòng tuyến miền duyên hải Thuận An cho đến Chân Mây, Tư Hiền bị uy hiếp nặng nề và năm 1947 thực dân Pháp nuôi dưỡng mưu đồ tái chiếm Đông Dương lần thứ hai, chúng đổ bộ lên cửa Tư Hiền, nả pháo phá hoại phòng tuyến, đồn bốt. Đình chùa miếu vũ ở hai danh thắng trên núi Thúy Vân và Linh Thái. Bình phong quân sự, chiến lũy Quy Sơn, chùa Trấn Hải, tháp Điều Ngự… đều nằm trong tầm bắn của quân giặc thì làm sao mà không khỏi điêu tàn:
Đình chùa miếu vũ người ta
Giao chinh một buổi vậy mà tan hoang
2. TRẤN HẢI TỰ UY NGHI, LẪM LIỆT THEO DÒNG SỬ VIỆT HÙNG ANH
Những danh xưng Quy Sơn, Lệnh Sơn, Hỏa Phong, Hỏa Hiệu, Bình Phong Quân sự, hành cung Linh Thái, tháp cổ Quy Sơn, Trấn Hải Tự như nói lên ý chí và niềm tự hào của dân tộc Việt bất khuất, sáng tạo, tự chủ và yêu chuộng cảnh thanh bình.
Núi Linh Thái, núi Thúy Vân, cửa Tư Hiền, chùa Hà Trung… đã nghiễm nhiên đi vào quốc sử: sử Việt và sử Phật hòa chung trong cuộc hành trình mở cõi đất phương Nam. Đền miếu, chùa tháp cổ đã có từ thuở bình minh của xứ Thuận Quảng và xứ Đàng Trong mà ranh giới kéo dài từ đèo Ngang cho đến đất mũi Cà Mau. Một thềm lục địa với vô số đảo, quần đảo với nhiều tài nguyên, tiếp giáp với biển Đông và kể cả Ấn Độ dương. Quốc sử đã khẳng định, sử và ký của vị thừa sai đến nước Đại Việt với nhiều sứ mạng ngoài việc mở đường gắn kết tình giao hảo trong bang giao quốc tế đã từng ghi chép.
Gió lành thâm nhập từ biển đã có cho nên vua chúa mới lập đài Huân Phong, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự ở núi Thúy Vân. Trấn Hải Tự bao gồm nhiều hạng mục như Bình phong quân sự, đài Hỏa Phong, đền thờ thần núi, thần biển liên quan. Đã có gió lành thì đương nhiên phải có gió chướng, gió độc trái mùa.
2.1. Hình ảnh TRẤN HẢI TỰ DƯỚI THỜI CHÚA SÃI NGUYỄN PHÚC NGUYÊN (1613 – 1635)
Đào Duy Từ thể hiện thế giới quan của bậc trượng phu, sống theo quan điểm “Cư Nho mộ Thích”. Nho giáo, Lão giáo và thậm chí tín ngưỡng dân gian được sàng lọc, tinh tuyển từ Tam giáo là ánh sáng soi rõ cho bước đăng trình của họ Đào mang túi kinh luân, tài thao lược để giúp đời mà thi nhân đã gởi gắm tâm sự qua tác phẩm Tư Dung Vãn. Thực ra khi sáng tác, Đào Duy Từ không nghĩ rằng mình sẽ lưu giữ tư liệu về ngôi quốc tự trên đỉnh LINH THÁI cho đời sau mà tiền thân là núi Quy Sơn.
Sự thế đầy vơi những chuỗi vô thường. Ngày nay Tư Dung vãn còn là nguồn sử thi quý giá. Nếu không đọc đi đọc lại nhiều lần, thì không khéo chỉ biết chùa Trấn Hải vừa là vương phủ sẽ bị đóng khung một cách hạn hẹp:
“Là nơi từ vũ nghiêm trang,
Trung trinh hai chữ lửa hương muôn đời.
Đông Tây đều cách vãng lai
Rước ai nọ quán, đưa ai nọ đò
(Câu 51 – 54)
Hoặc:
Mưa hoa tưới khắp sân may,
Khói hương nghi ngút rồng bay ngất trời
Nghiêm thay tướng pháp Như Lai,
Cao giơ tuệ kiếm, sáng ngời thủy tinh.
Thời lành cả mở hội lành,
Reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà.
Vầy đoàn yếu múa canh ca,
Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh.
Phật đình nào khác vương đình,
Ngũ vân tán lớn, cảnh tinh thoại trường.
(Câu 171 – 178)
Từ câu 145 đến 164, tác giả như muốn liệt kê các hạng mục từ cửa Tam Quan, gác Từ bi, đền Tiêu Diêu; có cổ thụ, có tiếng chim hót, có hồ thiên tạo mà được ví như chốn Thiến Thai, chốn Di Đà Tây Thiên, có tiếng chuông chùa Trấn Hải vang vọng đến thủ phủ Phước Yên của xứ Thuận Quảng kéo dài từ Đèo Ngang cho đến núi Thạch Bi ở phía nam Trung Bộ ngày nay.
Trong khuôn khổ của bài viết, không thể nào nói hết. Tiếc thay, chỉ mới giới thiệu món ăn khai vị trong bàn tiệc chay ở chốn vương phủ thời Sãi Vương.
2.2. TRẤN HẢI TỰ VÀO THỜI CHÚA HIỀN NGUYỄN PHÚC TẦN (1648 – 1687)
Phủ chúa thời này đóng tại làng Kim Long, huyện Hương Trà. Thời trị vì của chúa Hiền Vương, xứ Đàng Trong phồn thịnh, kinh tế phát triển, quân dội hùng mạnh; chúa quan tâm sửa chữa, tôn tạo các ngôi quốc tự bị xuống cấp nghiêm trọng vì đó là di sản thiêng liêng, là quốc hồn, quốc túy.
Nay đọc sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, thấy có 2 chi tiết nói rõ đến núi Qui Sơn và quốc tự Trấn Hải trên đỉnh núi thiêng ấy. Đặc biệt chùa vào thời thương còn có tên gọi là Hòa Vinh thuộc xã Hoài Vinh. Không biết xã Hoài Vinh được đổi thành Hòa Vinh vào năm nào. Phải chăng do vì kỵ húy không?
“Núi Qui Sơn ở về địa phận huyện Tư Vinh, gần xã Hoài Vinh.
Đại hải bao bọc phía Đông núi Qui Sơn, thiểu hải [biển cạn] ôm lấy phía Tây núi ấy, và phía Nam núi là cửa Tư Khách [nay là cửa Tư Hiền]. Trên đỉnh núi nầy có một cái tháp đá.” (Bản dịch của Lê Xuân Giáo, tr.143-144). Và chi tiết thứ hai cũng ở Sđd, tr.91:
“Năm thứ 4 niên hiệu Cảnh Trị (năm Bính Ngọ) [tức năm 1666 sau Công nguyên], chúa Nguyễn Phúc Tần đi chơi cửa biển Tư Dung, và cho xây cất chùa Hòa Vang tại núi Qui Sơn. Chùa này rất rộng lớn và tráng lệ”.
Nguyễn Khoa Chiêm viết sách “Nam Triều Công nghiệp chí diễn”, tác giả với danh thần Trần Đình Ân có mối quan hệ thông gia giữa hai họ Trần Đình – Nguyễn Khoa. Không hiểu vì sao, Đại Nam Thực lục chính biên, Tập 1, tr. 81 lại ghi tên chùa trên đỉnh Qui Sơn là HÒA VINH và trong Hải Ngoại Kỷ sự thì Hòa Thượng Thạch Liêm đã phác thảo và gọi tên chùa Hoài Vinh qua hai câu mở đề của bài vịnh cảnh cảnh quang chùa ấy:
Đỉnh xưa khắc chữ “VĨNH HÒA NIÊN”
Bên nước biển xanh, mở cửa chiều
(Bài 3, Tức cảnh)
Hoặc như lời kết ở bài 4 cùng tựa đề, cảnh chùa Vĩnh Hòa trên núi Quy Sơn có sức hấp dẫn như muốn lưu luyến du khách hẹn ngày trở lại:
Thắng cảnh ngày nay ghi mấy nét
Đăng lâm biết có dịp nào không?
Mùa hạ tháng Tư, năm Đinh Mùi, 1667 (cũng là năm trị vì thứ 19 của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7:
Trước là chúa đi chơi cửa Tư Dung (tên cũ Tư Khách, tức nay là Tư Hiền) thấy núi Quy Sơn (nay là Linh Thái) phong cảnh đáng yêu, trên đỉnh núi có một cây tháp cổ, nổi tiếng linh thiêng, sai Thư bạ Trần Đình Ân đốc xuất quân dân dời cây tháp ấy đi nơi khác, để lấy đất dựng chùa Phật, công việc xong, gọi tên chùa Hòa Vinh. Đến đây chúa ra chơi, mở hội chùa lớn 7 ngày đêm.
Đó là hình ảnh lễ Phật Đản vào năm Đinh Mùi, 1667, Phật lịch: 1681. Cách đây 373 năm. Thuở ấy Thiên Mụ vừa là vương phủ; Hà Trung, Trấn Hải là chùa công sách cùng với Sùng Hóa ở làng Lại Ân (gần ngã Ba Sình) đã hình thành một tuyến hành hương xứ Phật từ phía gần thượng nguồn sông Hương cho đến cửa Tư Hiền liên thông với đầm phá Hà Trung có ngôi quốc tự cùng tên gọi. Trước khi cư dân Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế nghe chuông Thiên Mụ đúc xong năm 1710 thì diễm phúc tiếng chuông Hải Tự đã vang vọng đến các thủ phủ Phước Yên, Kim Long, thành cũ Hóa Châu soi bóng uy nghi bên sông Bồ của huyện Quảng Điền để cùng nhập lưu vào sông Hương đổ ra cửa EO tức cửa Thuận An lãnh tên gọi này vào năm Gia Long thứ 12 tức năm Quý Dậu, 1813.
2.3. CHÙA VĨNH HOÀI hoặc VINH HOÀI TRÊN NÚI QUY SƠN DƯỚI THỜI QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU (1691 – 1725)
Những di vật Trấn Hải tự còn lại trên núi Linh Thái |
Có thể xem chúa Nguyễn Phúc Chu là một nhà chấn hưng đạo phong Phật giáo của xứ Đàng Trong để cho Phật giáo xứ này có quy cũ và hưng thịnh như ý nghĩa Pháp danh của quốc chúa là HƯNG LONG, hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân.
Bốn sử của Quốc chúa là Hòa thượng Thạch Liêm. Ngài đa tài mà cuối đời chịu nhiêu nỗi trầm luân và oan khiên, phải kham nhẫn chịu đựng thân phận mình một cách tự tại theo phong cách của một bậc hùng tăng. Nghiệp lực chăng?
Hòa thượng là quốc khách uyên thâm Tam giáo và còn là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc và nước Đại Việt nữa. Cuộc thăm viếng các ngôi danh lam Hà Trung, Vĩnh Hòa (hay VINH HÒA hoặc HÒA VINH) ở Thuận Hóa và Tam Thai ở Quảng Nam của Hòa thượng đã để lại trong dòng sử nước Đại Việt những trang sử lung linh hợp cùng với những năm tháng đẹp tạo duyên lành cho tứ chúng Phật tử xứ Thuận Hóa, từ nhà Chúa cho đến quan lại, con cháu ở các vương phủ Phú Xuân, giới Tăng già Sơn môn và Phật tử đã thọ giới tại chùa Thiền Lâm (tọa lạc ở vị trí đối chênh với chùa Ấn Tôn – Từ Đàm). Trong những tháng ngày huy hoàng ấy, Hòa thượng giữ chức Đường Đầu trong giới đàn lịch sử lớn lao mà Chúa Nguyễn Phúc Chu, Tổ Liễu Quán, các Đại thần và con cháu các vương phủ cùng các Phật tử ở cố kinh được lãnh thọ giới pháp do Ngài truyền tâm ấn trong 3 đợt kéo dài từ mùa sen nở với 7 ngày trước độ trăng tròn tháng Tư năm Ất Hợi, 1695.
Sau giới đàn trọng đại ấy, Ngài vân du thăm các chùa công nổi tiếng lâu đời ở Phú Xuân như Hà Trung, Hòa Vinh và Tam Thai ở Ngũ Hành sơn, Hòa thượng mong sớm trở lại quê hương, nhưng đất trời, núi sông và con người xứ Thuận Hóa đã giữ chân Ngài nán lại một thời gian để giữ chức Tăng Cang quốc tự Thiên Mụ và trú trì sắc tứ quốc tự Khánh Vân ở làng Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, soi bóng hình ngôi Tam quan và ngôi chùa cổ bên dòng sông Bạch Yến.
Theo lịch trình thì chính thức thăm viếng chùa vua Hòa Vinh ngày 30 tháng 4 năm Ất Hợi, 1695; Hòa thượng Bổn sử của Quốc chúa không ngờ, chiều hôm trước chúa Nguyễn Phúc Chu đến cửa biển Tư Dung cho cất một thủy các giữa dòng, bốn về có chiến hạm vây quanh, chỉ chừa một cửa đi ra để sáng hôm sau chúa vui mừng đón Hòa thượng mà lưu luyến tiễn biệt chia tay. Kẻ ở người đi, nào có buồn không? Hai bên tương đắc thanh đàm quốc sự vừa là Phật sự. Ở thời khắc lịch sử ấy, quốc chúa mới tiết lộ cho biết: “Kiếp trước của Chúa là thầy Tăng” và “Chúa dự định vài năm nữa truyền ngôi cho Thế tử rồi đệ tử đã thọ Bồ Tát giới Hưng Long xuất gia đầu Phật.” Ngôn từ trong bản dịch Hải Ngoại kỷ sự, ở trang 135 là: “Ta sẽ cạo đầu làm sãi vậy.” Một khoảnh khắc thật thâm tình đạo vị, chúa Nguyễn Phúc Chu chân thực trút bỏ được nỗi lòng của mình.
Qua cuộc đàm đạo lịch sử ấy, người đọc có một tình tiết lý thú: Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã “hoát ngộ”, ngoài tên gọi chùa Hòa Vinh, chùa công này còn có tên Vĩnh Hòa và núi Quy Sơn còn có tên gọi là núi Khuê Phong. Ẩn tàng lung linh của ngôn từ chân tình và trung thực qua lời ghi của ký sự: “Lưu luyến thành khẩn, hẹn ngày mai lại thết tiệc tiến hành tại chùa Vĩnh Hòa ở núi Khuê Phong, ở đấy nhìn suốt biển cả, có thể nhìn theo đưa buồm về vậy.”
Cửa biển Tư Hiền dưới chân núi Quy Sơn – Vĩnh Hòa – Linh Thái vào cuối tháng 4 năm Ất Hợi, 1695 đã tiễn “Người về” đầy lưu luyến, luyến lưu.
Cảnh chùa Vĩnh Hòa khác nào bức tranh sơn thủy hữu tình và cũng là những thước phim sinh động.
“Bóng mai mờ tỏ, đi lên một gò cao. Đi được một đỗi, sương mù buổi sáng chưa tan, người đứng cách nhau chừng vài thước, chỉ nghe ồn ào tiếng nói; trong tia nắng mặt trời, có lúc chỉ thấy nón đội không thấy nửa người phía dưới, lại có lúc chỉ thấy chân di động. Không thấy nửa người phía trên. Đường cát có nhiều gai giây muống. Đất ruộng phần nhiều trồng khoai. Dân làng có người đương bới khoai và dắt bò cho ăn giây khoai; khoai có củ rất lớn, đường kính độ 3,4 tấc, vì đất cát mềm trồng khoai rất hạp vậy. Đến chân núi, phu lính nghỉ xả hơi để trèo đèo. Theo đường quanh co đi lên, đường đèo làm tùy theo chỗ đất chỗ đá, ở triền núi dốc có trồng lan can để đề phòng nguy hiểm, đều phải quét dọn sạch sẽ. Bậc phu lau mồ hôi thở hổn hển. Trong rừng cây đã nghe tiếng chuông trống rất gần, nhưng đi quanh mất hàng giờ mới đến. Chùa Vĩnh Hòa cất trên chóp núi, tuy không mấy tráng lệ nhưng cũng kiên cố chỉnh tề, khuôn khổ ở núi chỉ phải làm như vậy. (Sđd, tr.135)
Tiếp nối đường đạo chân chính, con cháu có cái chủng tử giống tổ tiên của mình, vua Minh Mạng nhận biết kiếp trước mình cũng là “Tăng sĩ” như quốc chúa Nguyễn Phúc Chu vậy.
2.4. TRẤN HẢI TỰ DƯỚI THỜI VUA MINH MẠNG (1821 – 1840)
Tin tưởng và tin tấn tu hành thì sẽ tự nhận biết tiền kiếp cao sang, vua Minh Mạng đã xây chùa Giác Hoàng, quán Linh Hựu trong kinh thành Huế vào năm 1829 và năm 1839. Đó là hai ngôi quốc tự ở trong lòng Xuân Kinh, không những vua chúa, hoàng gia, đại thần mà sứ thần các nước trước khi được triều thần và hoàng đế nước Nam tiếp kiến đều được có duyên lành đến hành lễ, chiêm bái tại hai ngôi quốc tự này. Cho dù lòng dạ sứ thần không trong sáng, khéo ẩn tàng che dấu sự bất chính thì họ khó lòng vượt qua được lối quán chiếu soi xét của các bậc minh sư là Tăng Cang và Trú trì cùng Tăng chúng thường trú tại hai ngôi phạm vũ vừa như là vương đình ở chốn đế đô.
Trưởng thành trong gian lao, Thái tử Nguyễn Phúc Đảm sớm giác ngộ chính đạo. Trị vì ở tuổi 30 nhà vua đã xây dựng mới và tôn tạo các ngôi chùa vua ở chốn kinh thành và các trấn thành khác trong nước. Năm Minh Mạng thứ 17, tức năm Bính Dần, 1836 trùng tu chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Hoa (Thúy Vân dưới thời Thiệu Trị), chùa Trấn Hải ở núi Linh Thái nằm về phía tây của biển Tư Hiền.
Vua Thiệu Trị vừa là nhà kiến trúc tài danh đã thuộc nằm lòng, sử sách cửa biển này có tên là Ô Long, Tư Dung, Tư Khách, lại Tư Dung và có tên mới Tư Hiền. Còn theo dã sử thì cửa biển này cũng lắm tên gọi, nào là Ông Hải, Biên Hải, Mù U vì ở thềm bãi biển được trồng nhiều cây mù u để lấy nguyên liệu phục vụ cho việc bắn súng các cổ đại bác chuyên lo việc phòng vệ sự xâm nhập trái phép của quân cướp biển làm hại dân lành mang dấu ấn lịch sử bang giao Chiêm – Việt và thời cận đại bang giao với nước ngoài.
Nhân duyên đi chơi núi Linh Thái và xem biển Tư Dung vào tháng Tư năm Bính Dần của vua Minh Mạng, sách Đại Nam thực lục chính biên đã ghi chép rõ nguyên nhân khiến nhà vua quan tâm tôn tạo cảnh chùa trên núi Quy Sơn đã bị binh lửa tàn phá:
“Dựng ở núi Linh Thái 1 chùa, 1 lầu. Chùa đặt tên là TRẤN HẢI TỰ, lầu đặt tên là VỌNG HẢI LẦU. Để cho sắc tướng tranh nghiêm, cùng lâu dài với núi biển.
Đó là việc cần làm ngay. Còn các hạng mục khác sẽ tiến hành sửa sang:
Lại còn 1 tòa cổ tháp ở gò núi Linh Thái, phái dưới có la liệt tượng đá, lâu ngày đổ gãy, rêu cỏ hoang vu. Tuy việc lâu ngày, dấu cũ mất đi, không khảo cứu được nhưng BÌNH PHONG QUÂN SỰ được gió mây hộ vệ cũng đợi có sự sửa sang. Vậy một phen sửa chữa cho tròn quả phúc. Đến khi làm xong, phái Vũ Lâm cấm binh đến canh giữ, mỗi tháng thay phiên một lần (hằng năm từ mồng 1 tháng 2 đến cuối tháng 10. Có dựng thêm hành cung để phòng khi vua đến chơi. Mỗi ban có 1 suất đội, 40 biền binh. Còn những tháng khác, chỉ có 20 biền binh).
Xuất phát từ việc đi chơi của nhà vua, cũng vào ngày tốt tháng 4 năm ấy nhà vua đã quan sát sự tình 2 việc lớn liên quan đến văn hóa và công nghệ nước nhà. Quốc sử ghi lại khá chi li mối quan tâm của vua Minh Mạng về việc dịch thuật cổ ngữ và nêu lên nhược điểm trong việc phiên dịch cổ tự một khi phải đối đầu với chuyện khảo cứu di tích lịch sử thời Champa để lại:
Trước đây, vua đi chơi cửa biển Tư Dung, lên xem núi Linh Thái, thấy tháp đá và cột hoa biểu có chữ Man, các thông ngôn ở kinh đều nói không phải chữ Xiêm, Lào, chẳng ai phiên dịch được. Vua nhân sắc cho Bình Thuận chọn phái một người thông thạo chữ Chiêm Thành và Bà Ni [Pali], hắn chỉ học chữ Chiêm Thành mà thôi, còn Ba Ni không dịch được.
Việc quan yếu thứ hai liên quan đến việc luyện kim. Phủ Thừa Thiên có mỏ chì, thổ thán là nguyên vật liệu đóng vai trò xúc tác trong việc tinh luyện quặng chì ra thành phẩm. Nấu chảy quặng đồng, phế liệu đồng thành đồng nguyên chất phải dùng đến vỏ con hải điệp. Thế mà xưa nay không biết tận dụng nguồn tài nguyên này có sẵn ở nguồn lợi hải sản của biển Tư Dung để luyện đồng. Các quan lại phủ Thừa Thiên không tư báo, rồi bộ Hộ cũng không biết cứ bắt tỉnh thần Gia Định tìm mua.
Vua Minh Mạng nhờ đi chơi để thâm nhập thực tế mà như phiền trách các quan địa phương và kể cấp bộ làm ăn theo lối máy móc, không tính toán:
“Từ nay có mua vật gì mà ở kinh kỳ không có, thì phải có giấy tờ cam kết rõ ràng mới chuẩn cho tư mua ở tỉnh xa. Mà địa phương được tư đến cũng phải xác nhận thổ sản ấy không có mới thôi.”
Bài học lịch sử từ chuyện xưa nay vẫn còn có giá trị thời sự. Làm quan phải năng động, sáng tạo tính chuyện lợi – hại cho dân, cho ngân sách nhà nước. Vua Minh Mạng là bậc minh quân, quan lại bên dưới khó lòng lấy vẻ thưa mà che mắt thánh che mắt thánh nhân.
*
* *
Cửa Tư Hiền, núi Thúy Vân, núi Linh Thái, đầm Hà Trung đều là những danh thắng nối kết với nhau theo một chuỗi liên hoàn với mũi Chân Mây, đầm Cầu Hai, Lăng Cô, Bạch Mã, Hải Vân… Ở các địa danh lịch sử ấy đều có nhiều kỳ tích, di tích văn hóa như đền miếu, tháp cổ, chùa thiêng… Hồn nước lung linh, núi thiêng, biển thiêng kết tụ lâu đời thành linh khí, phát sinh nhân tài và cả hùng tăng nữa.
Thuận lợi và cũng thuận duyên mà trong quá khứ đã từng nghĩ là chuyện viễn tưởng trong mơ: Cầu Trường Hà [Trừng Hà mới đúng], cầu Tư Hiền được nhà nước đầu tư xây dựng tốn kém nhiều với mục đích lớn nâng cao đời sống cho dân cư vùng duyên hải và bảo vệ an ninh quốc phòng trong thời đại mới mà kẻ thù còn mưu toan với những tham vọng bất chính vương mùi tục lụy.
Ước gì chùa Trấn Hải, lầu Vọng Hải, bình phong quân sự và các đền miếu thờ thần biển, thần núi được sớm tôn tạo, phục dựng để khỏi nghe tiếng thổn thức của núi rừng, biển cả thì thầm than vãn: con cháu Tiên Rồng còn như thờ ơ với di tích, với núi non, sông biển đã ghi dấu nơi dừng chân trên đường mở cõi, du hóa của vua chúa đời Lý, đời Trần, của Huyền Trân Công Chúa, của Lê Thánh Tông và danh nhân các triều đại hơn 700 đến 1000 năm về trước. Bước đầu chờ đợi, sự điều nhhiên kỹ lưỡng của các ngành liên quan. Các giới khảo cổ, bảo tàng, văn hóa và giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng ngồi lại tại các diễn đàn để khơi sáng ánh hào quang rực rỡ của lịch sử dân tộc. Trước mắt, ít nhất sơ bộ cũng cần có biển đề lớn được thiết dựng một cách trang trọng ở các địa điểm có di tích quý giá và linh diệu:
Linh Sơn một đỉnh tần ngần
Tám phương cõi thọ đài xuân sum vầy.
(Câu 235 – 236, Tư Dung vãn)
Về với núi Linh Thái, với biển Tư Hiền sẽ khơi sáng bừng dậy một niềm tin mới mà cũ xưa như Đào Duy Từ đã viết trong danh phẩm ấy:
Thiên thai người khéo lang đang,
Dạ lăm cắp núi, chí toan vá trời.
Và mọi người dân Việt, kể thêm du khách nước ngoài sẽ lãnh thọ được khái niệm đã trở thành quan điểm sống của người xưa, mà Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã viết:
Thập khẩu tâm tư: tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu,
Thấu thân ngôn tạ: tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương.
Chúng ta, ngày nay còn tạ ơn chiến sĩ canh giữ biển trời, tạ ơn nhà nước, tạ ơn chiến sĩ trận vong và còn biết ơn du khách nữa. Vui lòng khách đến, được lòng khách đi để lần sau khách một lần còn lưu luyến muốn trở lại nhiều lần.
Xin gửi thêm một ý tưởng nhỏ để góp thêm, bàn rộng về ý nghĩa thâm hậu mà cũng thâm trầm của loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
L.Q.T